Thế Giới

Nhật sợ dự án vùng cực của Trung Cộng

Wednesday, 14/02/2018 - 08:53:19

Trung Quốc luôn nói về các cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mỗi quyết định của Bắc Kinh đều ngầm chứa các kế hoạch quân sự.



TOKYO - Trung Quốc đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ đối với nhiều vùng thuộc Bắc Băng Dương, và có thể đưa thêm nhiều chiến hạm tới các vùng biển gần Nhật Bản, trong một hành động được giới phân tích cho là khá tương tự với chiến thuật mà Bắc Kinh đã dùng để chiếm lấy các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Vào tháng Một năm nay, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên công bố bạch thư, tiết lộ kế hoạch hoạt động tại Bắc cực và ý muốn có vai trò lớn hơn trong các vấn đề liên quan đến khu vực này, với tư cách là một quốc gia gần Bắc cực. Bạch thư nói rằng, Trung Quốc hy vọng được hợp tác với các nước phương Bắc khác để cùng xây dựng một “Con đường tơ lụa vùng cực,” giúp kết nối và phát triển kinh tế xã hội cho khu vực. 
Trung Quốc cũng tuyên bố, nước này sẽ sử dụng các tài nguyên ở Bắc cực để phục vụ lợi ích riêng của quốc gia, bao gồm việc tìm con đường biển mới để đến châu Âu, đánh cá, khai thác dầu, khí đốt, và phát triển du lịch. Giới quan sát tại Nhật cho rằng, Trung Quốc lâu nay đã muốn sử dụng Bắc Băng Dương cho mục đích quân sự. Trung Quốc luôn nói về các cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mỗi quyết định của Bắc Kinh đều ngầm chứa các kế hoạch quân sự. Một nhà phân tích nói, sẽ rất ngây thơ nếu tin rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần nhằm vào mục tiêu kinh tế, vì nước này đã từng dùng thủ đoạn tương tự để chiếm các đảo trên biển Đông. Nhật cũng lo ngại rằng, khi việc sử dụng các tuyến đường Bắc cực tăng lên, Trung Quốc sẽ có thể điều chiến hạm đến các eo biển Soya, Tsugaru, và Tsushima của Nhật.

Các nước đồng minh hứa hỗ trợ Iraq $30 tỷ
KUWAIT – Vào thứ Tư, tại hội nghị ở Kuwait, các nước đồng minh đã hứa sẽ hỗ trợ Iraq $30 tỷ Mỹ kim, chủ yếu thông qua hình thức tín dụng và đầu tư. Tuy nhiên, số tiền này ít hơn rất nhiều so với $88 tỷ Mỹ kim mà Baghdad nói rằng nước này cần để tái thiết sau 3 năm chiến tranh. Nhiều nhà tài trợ và nhà đầu tư đã tham gia cuộc họp tại Kuwait, để thảo luận cách hỗ trợ nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Iraq, sau khi nước này giành lại gần 1 phần 3 lãnh thổ đã bị Nhà Nước Hồi Giáo chiếm đóng trước đó.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc nói rằng, sự thất bại trong việc giúp Iraq tái thiết sẽ làm suy giảm các thành quả mà nước này đạt được trong cuộc chiến chống ISIS, do các mâu thuẫn kinh tế xã hội gây ra xung đột sắc tộc trước đây hiện vẫn còn tồn tại, và có thể tạo sơ hở chính trị cho các nhóm cực đoan lợi dụng. Hoa Kỳ đã hứa sẽ tăng thêm $3 tỷ Mỹ kim tín dụng cho Iraq, nhưng Washington không cung cấp bất kỳ hỗ trợ trực tiếp nào. Thay vào đó, Hoa Kỳ hy vọng các đồng minh vùng Vịnh sẽ gánh vác công việc tái thiết Iraq.
Washington cũng trông chờ hai chính phủ Ả Rập Saudi và Iraq đưa ra các biện pháp mới để giảm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Các nước như Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các tiểu vương quốc Ả Rập, đều hứa giúp Iraq trên $1 tỷ Mỹ kim. Tuy con số tổng cộng $30 tỷ Mỹ kim thấp hơn nhiều so với đề nghị $88.2 tỷ Mỹ kim của Iraq. Nhưng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres, gọi hội nghị ở Kuwait là một thành công lớn.

Chồng của Nữ Hoàng Đan Mạch qua đời
COPENHAGEN – Hoàng Tế Henrik, bạn đời của Nữ Hoàng Margrethe II của Đan Mạch, đã từ trần vào tối thứ Ba tại thủ đô Copenhagen, trong sự tiếc thương của vợ và 2 con trai. Thông cáo của Hoàng gia Đan Mạch viết: “Hoàng Tế Henrik đã qua đời một cách bình an trong giấc ngủ, lúc 11:18 tối thứ Ba, tại cung điện Fredensborg. Nữ Hoàng và 2 con trai của họ đã ở bên cạnh Hoàng Tế suốt thời gian này.”
Ông Henrik hưởng thọ 83 tuổi, và đã mắc nhiều căn bệnh. Khoảng 2 tuần trước, ông được chẩn đoán có 1 khối u lành tính trong phổi trái, và vào mùa thu trước, Hoàng gia cho biết ông đang bị chứng suy giảm trí nhớ. Vào thứ Bảy, quan tài của Hoàng Tế sẽ được đặt tại cung điện Christiansborg ở trung tâm Copenhagen, để người dân có thể đến viếng.
Tang lễ sẽ diễn ra vào 11 giờ trưa thứ Ba tuần sau, giờ địa phương. Thi hài của ông Henrik sẽ được hỏa táng. Theo di nguyện của ông, một nửa tro cốt sẽ được rải xuống vùng biển Đan Mạch, và số tro cốt còn lại được đặt vào bình và cất giữ tại lâu đài Fredensborg. Vào tháng 8 năm ngoái, Hoàng Tế Henrik nói ông không muốn được chôn cất bên cạnh Nữ Hoàng tại Thánh đường Roskilde, nơi chôn cất các thành viên Hoàng gia Đan Mạch từ năm 1559. Ông Henrik không bằng lòng với danh hiệu Hoàng Tế, và từng nhiều lần bày tỏ sự tức giận với vợ, vì không chịu phong danh hiệu cho ông là Quốc Vương (King).

Nam Hàn chi $2.6 triệu bao đoàn Olympic Bắc Hàn
SEOUL – Chính phủ Nam Hàn hôm thứ Tư đã phê chuẩn khoản tiền $2.6 triệu Mỹ kim, để chi dùng cho việc đi lại, ăn ở của phái đoàn Bắc Hàn tại Olympic Mùa Đông. Bộ Hợp Nhất Nam Hàn cho biết, số tiền $2.6 triệu Mỹ kim sẽ bao gồm chi phí đi lại, ăn ở và các phí khác cho 229 thành viên đội cổ vũ, một đội biểu diễn taekwondo, và 140 người trong đoàn biểu diễn nghệ thuật Bắc Hàn. Chi phí cho 22 đấu thủ Bắc Hàn tham gia thi đấu sẽ được Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC) trả riêng. Chính phủ Nam Hàn cho biết, chuyến thăm của đoàn Bắc Hàn không vi phạm các lệnh trừng phạt, đồng thời khẳng định số tiền sẽ được trả trực tiếp cho các nhà cung cấp dịch vụ, thay vì chuyển tới viên chức chính phủ Bắc Hàn.
Phái đoàn Bắc Hàn do chủ tịch quốc hội Kim Yong-nam dẫn đầu, trong đó có cả em gái Chủ Tịch Kim Jong-un, cô Kim Yo-jong. Các viên chức Bắc Hàn đã dự lễ khai mạc Olympic, gặp Tổng Thống và Thủ Tướng Nam Hàn. Cô Kim Yo-jong cũng đã mời Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in thăm Bắc Hàn. Cô là thành viên đầu tiên trong gia đình lãnh đạo Bắc Hàn tới thăm Nam Hàn từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1953. Tổng Thống Moon không đưa ra câu trả lời ngay lập tức, khẳng định vẫn cần "những điều kiện phù hợp.”

Tàu dọa Ấn không đưa quân vào Maldives

BẮC KINH – Sau khi khủng hoảng chính trị bùng nổ tại Maldives, giới truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng khuyến cáo rằng, Ấn Độ cần phải kềm chế. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc viết: “Nếu không có sự cho phép của Liên Hiệp Quốc, sẽ không có bất kỳ lý do chính đáng nào để một quốc gia dùng quân đội để can thiệp nội bộ nước khác. Trung Quốc sẽ không can thiệp vào vấn đề của Maldives, nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ ngồi yên nhìn Ấn Độ phá luật quốc tế. Nếu New Delhi đơn phương đưa quân đội đến Maldives, Trung Quốc sẽ hành động để ngăn chặn ngay lập tức.”
Bài viết được đăng trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Maldives, sau khi Tổng Thống Abdulla Yameen bác bỏ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và bắt giữ 2 thẩm phán. Trên Twitter, cựu Tổng Thống Mohamed Nasheed đã kêu gọi Ấn Độ gởi quân đội đến Maldives, hỗ trợ trả tự do các thẩm phán và lãnh đạo đối lập bị giam giữ. Sau lời kêu gọi này, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã khuyên cộng đồng quốc tế cần giữ vai trò xây dựng và tôn trọng chủ quyền của Maldives, thay vì áp dụng các biện pháp có thể làm phức tạp thêm tình hình hiện tại.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của các đảng đối lập Maldives, cho rằng Bắc Kinh ủng hộ Tổng Thống đương nhiệm Yameen bởi vì ông này đã phê chuẩn một số dự án của Trung Quốc, và ký thoả thuận thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 12, 2017.

Phi bênh vực vũ khí Tàu tại Biển Đông
BẮC KINH – Sau cuộc họp song phương giữa các viên chức Trung Quốc và Phi Luật Tân về vấn đề Biển Đông, ông Jose Sta Romana, đại sứ Phi Luật Tân tại Bắc Kinh, cho biết, các thiết bị quân sự được Trung Quốc đặt tại Biển Đông là một phần của sự đối đầu giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh trong khu vực. Ông Romana nói, Bắc Kinh đã bảo đảm với ông rằng, các vũ khí không nhằm vào Phi Luật Tân nay bất cứ nước láng giềng nào khác. Đồng thời, ông Romana nói Phi Luật Tân đã tách rời quan hệ với Trung Quốc. Ông khẳng định, Manila không muốn bị kẹt trong sự đối đầu giữa các cường quốc. Đây là điểm mấu chốt trong chính sách ngoại giao của Phi Luật Tân. Manila muốn làm bạn với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và đạt được lợi ích tối đa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông, nơi có giá trị hàng hóa đi qua mỗi năm là $5 ngàn tỷ Mỹ kim. Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân, và Việt Nam, cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên vùng biển này. Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy, Bắc Kinh đã gần hoàn tất xây dựng các căn cứ Không quân và Hải quân trên 7 đảo mà nước này chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ba đảo lớn nhất đã có phi đạo, hải đăng, radar, hangar, và các tòa nhà nhiều tầng. Trong khi đó, các đảo nhỏ hơn có sân đậu trực thăng, turbine phong năng, cùng các tháp quan sát và liên lạc. Tổ chức Minh bạch hàng hải châu Á AMTI của Hoa Kỳ cũng cho biết thêm rằng, các đảo do Trung Quốc bồi đắp còn có địa đạo, hầm chống hỏa tiễn, radar, và các giàn ăng-ten tần số cao.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT