Thế Giới

Nhật Hoàng tiến gần hơn với việc thoái vị

Friday, 19/05/2017 - 08:39:29

Nhật hoàng Akihito đã từng được giải phẫu về tim, lại mang chứng ung thư tuyến tiền liệt, ông lên ngôi từ năm 1989 sau khi vua cha là Nhật Hoàng Hirohito từ trần.


Hoàng Đế Akihito và Hoàng Hậu Michiko vẫy chào đám đông nhân dịp dự lễ mừng năm mới tại Điện Hoàng Gia ở Tokyo, trong hình chụp đầu năm 2014. (Ken Ishii/ Getty Images)


Chính phủ Nhật đã chấp thuận một dự thảo luật, nếu được Quốc Hội bỏ phiếu thông qua, xem như nguyện ước muốn thoái vị ngai vàng của Nhật Hoàng Akihito sắp thành sự thật.
Năm nay đã 83 tuổi, Nhật Hoàng nói tuổi tác và tình trạng bệnh hoạn của ngài cản trở rất mạnh đến chuyện ngài thực thi nghĩa vụ của một Nhật Hoàng, nhưng vì hiện không có luật lệ nào cho phép một vị vua Nhật còn sống mà lại từ bỏ ngai vàng, nên Thái Tử Naruhito không sao nối ngôi vua cha được.
Nếu chuyện thoái vị này thành công, thì đây là lần đầu tiên từ thời Nhật Hoàng Kokaku vào năm 1817 đến nay mà một nhà vua trên ngôi của Hoàng Triều Nhật Bản thoái vị. Đổng Lý Văn Phòng chính phủ là ông Yoshihide Suga cho báo chí hay “chính phủ Nhật hy vọng việc chuyển ngôi vua diễn ra trong êm thấm.”
Nhật hoàng Akihito đã từng được giải phẫu về tim, lại mang chứng ung thư tuyến tiền liệt, ông lên ngôi từ năm 1989 sau khi vua cha là Nhật Hoàng Hirohito từ trần.

Ấn Độ: Đám đông giết 6 người bị nghi bắt cóc trẻ em
Những đám đông cuồng nộ đã giết chết sáu người bị nghi là nằm trong đường dây chuyên bắt cóc trẻ em tại tiểu bang Jharkhand. Cảnh sát nói có ba người trong số này bị đánh đến chết ở quận Seraikela sáng thứ Năm và ba người khác thì bị giết trong cùng đêm ở quận Jamshedpur.
Chuyện giết người xảy ra là do có “đồn đại trong dân chúng là một băng chuyên bắt cóc con nít hoạt động tại đây.” Cảnh sát chưa bắt bất cứ nghi can nào tham gia đánh chết người như thế.
Người ta chưa rõ ai là kẻ tung tin này và nó xuất hiện từ bao giờ, nhưng cảnh sát nói “tin tức này làm người dân địa phương hết sức phập phồng lo sợ.” Thậm chí có một số cảnh sát bị thương khi tìm cách can thiệp vào đám đông đánh những kẻ bị tình nghi ở quận hạt Seraikela nữa.
Hơn 100 cảnh sát đã được giàn ra tại mỗi quận nói trên để bảo đảm an ninh. Họ chưa biết có một đứa trẻ nào bị bắt cóc.

Iran: Bầu cử phản ảnh lựa chọn chính sách
Dân chúng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Iran lần này rất quan trọng cho đương kim Tổng Thống Hassan Rouhani. Đây được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về đường lối của vị tổng thống đã 68 tuổi này, nhất là về hiệp ước nguyên tử mà chính phủ ôn hòa của ông đạt được với các cường quốc năm 2015.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran cũng đi bầu và ông kêu gọi dân chúng Iran hãy đầu phiếu đông đảo, “Cuộc bầu cử này rất quan trọng, tương lai của Iran nằm trong tay của cử tri.”
Tuy ông Rouhani có nhiều hy vọng tái đắc cử, vì các thống kê cho thấy từ năm 1985 đến nay, không có đương kim tổng thống nào bị thua ở Iran, song lần này ông đối phó trước ba đối thủ tranh cử mà nổi bật nhất là ứng cử viên có đường lối cứng rắn là ông Ebrahim Raisi, 56 tuổi. Raisi là một cựu giáo sư luật và cựu công tố viên, là người được xem rất thân cận với lãnh tụ Khamenei.

Nga lên án Mỹ không kích ở Syria
Moscow đã lên tiếng phê bình gay gắt một loạt oanh kích mà chiến đấu cơ của Hoa Kỳ vả đồng minh tung ra nhắm vào đoàn xe quân sự gồm 20 chiếc của lực lượng thân cận với chế độ của Tổng Thống Syria al-Assad đang tiến về một căn cứ quân sự có tên al-Tanf nằm gần biên giới giữa Jordan và Syria.
Hôm thứ Sáu Thứ Trưởng Ngoại Giao Nga Gennady Gatilov nói, “Bất cứ hành vi quan sự nào dẫn đền chuyện làm căng thẳng thêm tình hình ở Syria sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến trình chính trị, đặc biệt là hành vi tấn công nhắm vào quân đội Syria, chuyện này là hoàn toàn không sao chấp nhận được, nó vi phạm chủ quyền lãnh thổ của chính phủ Syria quá lộ liễu.”
Đây là lần thứ nhì kể từ khi Tổng Thống Donald Trump lên nắm quyền hành pháp mà quân đội Mỹ tung ra chiến dịch quân sự đánh vào những lực lượng thân cận với chính thể al-Assad.

5 nước nhận nạn nhân đồng tính Chechnya
Nhiều người đồng tình luyến ái đang trốn ra khỏi Chechnya hy vọng có ít nhất năm quốc gia sẽ dang tay đón nhận họ. Theo hãng tin LGBT Network của Nga thì trong số năm quốc gia này có hai nước không phải là thành viên của khối Liên Hiệp EU. Có chín người đàn ông đồng tính đã được cấp visas nhập cảnh, trong số có hai là do Lithuania cấp.
Ngoại Trưởng Linas Linkevicius của Lithuania cho biết, “Các nạn nhân này đã chịu nhiều đau khổ, chuyện quan trọng là chúng ta phải giúp đỡ họ.” Ông nói quyết định của Lithuania cũng là lời nhắn nhủ qua cho Nga, vốn cũng hà khắc người đồng tính rất mạnh.
Ông Linkevicius nói, “Chúng tôi cũng có giúp đỡ nhiều người Nga bị kỳ thị ở quê hương của họ.”
Có tin là hơn 100 nạn nhân là dân đồng tính đang bị giam giữ và bị tra tấn ở nhà tù gần Argun, cách thành phố Grozny của Chechnya khoảng 13 dặm. Ít nhất đã có 3 người trong số này đã tử vong.

Bắc Hàn: Mỹ cần có thái độ thích hợp để hòa đàm
Hôm thứ Sáu một phụ tá đại sứ của Bắc Hàn ở Liên Hiệp Quốc cho báo chí hay là “Hoa Kỳ cần rút lại chủ trương gây hấn với chúng tôi, trước khi có thể bắt đầu các cuộc hòa đàm.”
Ông Kim In Ryong nói, “Ai cũng biết Hoa kỳ mong muốn hòa đàm với chúng tôi, nhưng chuyện quan trọng là hành động chứ không phải là lời nói. Hoa Kỳ phải rút lại mọi hành vi khiêu khích, đó là tiền đề bắt buộc nhằm tìm cách giải quyết tất cả các vấn đề của bán đảo Triều tiên, chính thái độ quá hiếu chiến của Mỹ mới là nguồn cơn của mọi vấn đề.”
Tổng Thống Trump từng tuyên bố vào cuối tháng Tư là “một cuộc đại chiến với Bắc Hàn là không sao tránh được.” Một phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định là “Hoa kỳ vẫn luôn rộng mở cửa cho mọi cố gắng nhằm đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng trước hết Bắc Hàn phải chấm dứt các hoạt động phi pháp và đầy hiếu chiến trong khu vực”

Pháp: Macron kêu gọi giúp chống khủng bố
Cũng như Tổng Thống Donald Trump, hôm thứ Sáu Tổng Thống Emmanuel Macron thực hiện chuyến công du hải ngoại lần đầu khi ông đến Mali thuộc phía tây Phi Châu. Ông Macron hô hào thế giới nên giúp đỡ chính phủ Pháp trong chiến trận chống khủng bố quốc tế.
Theo ông vùng phía tây Phi Châu là “điểm đen tối” cho Châu Âu về mối đe dọa khủng bố và cho hay quân đội Pháp sẽ lưu lại Mali cho đến khi nào các lực lượng cực đoan của quốc gia Châu Phi này bị quét sạch.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng Thống Ibrahim Boubacar Keita của Mali, ông Macron kêu gọi Đức hãy giúp đỡ cho Pháp trong nhiệm vụ chống khủng bố ở tây Phi.
Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel từng đồng ý như thế trong cuộc gặp gỡ ông Macron vào đầu tuần. Đức sẽ gửi máy bay trực thăng đến Mali giúp các binh sĩ Liên Hiệp Quốc đang hoạt động tại đây, dồng thời sẽ tăng quân số Đức ở xứ này từ 650 lên 1,000 người.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT