Người Việt Khắp Nơi

Nhân lễ Tạ Ơn, báo Mỹ viết về gốc nấu ăn của một phụ nữ Việt tị nạn

Sunday, 19/11/2017 - 07:13:55

Huyền nhắc lại câu nói bất hũ của mẹ cô, rằng nếu mọi người thích ăn món gì, bà sẽ cho mọi người ăn tới khi ói mới thôi. Nói rồi Huyền cười ngặt nghẽo với ký giả.

SOUTHWEST HARBOR – Nhân dịp sắp đến ngày đại tiệc của người Mỹ, nhật báo The Ellsworth American tại thị xã Ellsworth, tiểu bang Maine đã có một bài viết của nữ ký giả Liz Graves về dịch vụ cung cấp thức ăn đặt tiệc (catering) của cô Trần Huyền.

Tuy viết về nấu ăn, phần lớn bài báo nhắc đến hành trình tìm tự do thoát khỏi chế độ cộng sản của gia đình cô Trần Huyền, nỗ lực sinh sống của họ trong vùng Đông Bắc nước Mỹ, đưa đến tài nấu ăn mà giờ đây gia đình cô sống bằng nghề cung cấp thức ăn cho những bữa tiệc. Bài viết kết thúc với một công thức nấu món gà tây do chính Trần Huyền cung cấp.


Gia đình Trần Huyền từng vượt biển ở Bạc Liêu, bị hải tặc cướp và trôi dạt tới Nam Dương trước khi được tị nạn tại Mỹ. (Liz Graves/ The Ellsworth American)

Dưới đây là bài viết về cô Huyền đăng trên báo nói trên.
Nhiều người vẫn còn nhớ tuổi thơ của họ là những ngày lăng xăng ở trong bếp, phụ giúp mẹ nấu ăn hoặc quét dọn. Một trong những người đó là Trần Huyền. Đối với cô chủ dịch vụ nấu ăn Clark Point Catering ở thị Southwest Harbor, tiểu bang Maine, những kỷ niệm đó bao gồm việc dành trọn những buổi sáng thứ Bảy để đánh trứng thật nổi, giúp mẹ làm món bánh bông lan.

Huyền nhớ lại cứ mỗi sáng thứ Bảy, cô và hai trong nhóm năm chị em khác thay phiên nhau đánh trứng trong một cái tô bằng thủy tinh rất to. Thời đó họ không biết người ta có bán máy đánh trứng ở trong tiệm, nên mấy chị em phải dùng đồ đánh trứng giống hệt cái lò xo, mà mẹ sáng chế từ cái móc quần áo cũ.
Huyền kể, "Đánh trứng bằng cái lò xo mỏi muốn rụng cánh tay luôn, nhưng tụi tôi chơi với nhau rất sòng phẳng, đánh trứng thật lâu rồi chuyền tô sang cho người tiếp theo. Mỗi sáng thứ Bảy, tụi tôi không làm gì khác ngoài việc chuyền cái tô trứng nổi bọt.”


Hấp bánh bao. (Liz Graves/ The Ellsworth American)

Thỉnh thoảng, mẹ của họ, đầu bếp chính của gia đình, lại bất ngờ xuất hiện và kiểm tra việc làm của mấy chị em. Rồi mẹ thêm đường vào, và bắt mấy chị em tiếp tục đánh đều tay cho tới khi hỗn hợp đường-trứng đạt được tới mức độ mà các nhà làm bánh gọi là "ruy-băng đặc," tức là nếu mẹ nhấc cái đồ lò xo lên, sẽ thấy hỗn hợp đường-trứng chảy thành dòng như sợi dây ruy băng được xuống.   

Lúc đó cả gia đình Huyền còn ở Philadelphia, thành phố đầu tiên mà họ đặt chân đến sau khi rời Việt Nam với tư cách là người tị nạn. Huyền nói, "Mẹ phải làm cái lò xo đánh trứng bằng đồ móc quần áo, vì chúng tôi không biết tiệm bán dụng cụ nhà bếp nằm ở đâu, vì thế mẹ sáng chế những món đồ mà mẹ cảm thấy thuận tiện nhất."

Huyền cho biết, "Thực phẩm được hình thành từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Ba tôi có tài đoán xem trong món thực phẩm - mà ông ăn - gồm có những gì. Còn mẹ tôi là một nhà siêu phê bình, bà có tài phê bình tất cả mọi thứ kể cả món ăn bà vừa mới nấu."

Huyền nhớ lại rằng ở Việt Nam, nhiều nhà thường tự làm món bánh tráng miệng đặc biệt cho ngày Trung Thu. "Đó là một món bánh làm rất tốn thời giờ, có khi cả ngày mới xong. Họ phải có bột nếp, bột gạo, rồi bột đậu xanh hoặc bột hạt sen."


Trần Huyền chỉ cách làm nhân cho bánh bao. (Liz Graves/ The Ellsworth American)

Tuy nhiên đối với gia đình Huyền, món ăn mà họ ưa thích nhất là bánh bao, và mấy chị em nhà Huyền có thể ăn hết hàng chục cái bánh bao như chơi.  

Huyền nhắc lại câu nói bất hũ của mẹ cô, rằng nếu mọi người thích ăn món gì, bà sẽ cho mọi người ăn tới khi ói mới thôi. Nói rồi Huyền cười ngặt nghẽo với ký giả.

Cha của Huyền từng chiến đấu trong quân đội miền Nam Việt Nam. Ông và gia đình từng có cơ hội di tản ra biển bằng trực thăng, rồi từ đó tàu chiến Mỹ chở họ tới Hoa Kỳ như cả chục ngàn nhiều tị nạn cộng sản khác. Nhưng mẹ Huyền không muốn đi. Sau ngày Sài Gòn thất thủ, cha Huyền bị đưa vào trại tù cải tạo. Điều đó đủ thuyết phục ông và vợ ông rằng họ phải ra đi bằng mọi giá, bằng cách nào cũng được, miễn thoát khỏi chế độ cộng sản.

Một nhóm bạn của cha Huyền đóng chiếc tàu bằng thép rất to ngay trong sân nhau nhà họ. Vật dụng được mua bằng tiền đóng góp của những người muốn cùng gia đình có mặt trên tàu. Khi khóa số tiền gây quỹ, số người đóng tiền lên tới 500 người.

Huyền nhớ lại, "Chiếc tàu giống như The Love Boat, ba tôi không phải người đóng tàu, nhưng ba tôi biết hết những người đó, vì vậy phần việc của ba tôi là tìm những người muốn đóng góp để ra đi. Các gia đình phải trả tiền cho bọn cộng sản để được cấp phép rời bến, nhưng trước đó, tài sản và của cải của họ đều bị tịch thu."  

Huyền giải thích, "Họ không thể để lại tài sản cho bà con dòng họ. Tất cả đều bị nhà nước tịch thu. Chuyện may rủi là nhà nước cũng có thể không cho phép ra đi và không trả lại những thứ đã tịch thu. Tôi nhớ mình nghe lỏm người lớn nói về chuyện bị bắt lại. Họ căn dặn nhau nên thận trọng, coi chừng chuyến đi bị bể.”
Huyền nhớ lại chuyến đi bắt đầu từ thành phố Bạc Liêu, vào năm 1979. Chiếc tàu không đủ mạnh để có thể đưa họ vượt đại dương, nhưng cũng đủ đưa họ ra tới hải phận quốc tế, và tại đó họ có thể vẫy cờ kêu cứu. Họ nhìn thấy một tàu buôn Nhật Bản, nhưng hóa ra tàu buôn này đã bị hải tặc Mãi Lai đánh cướp.

Huyền kể, "Cướp biển Mã Lai leo lên tàu. Họ có súng ống còn chúng tôi không có. Họ lấy hết đồ vật giá trị mà chúng tôi không thể giấu được. Họ mang theo người bạn thân nhất của ba tôi, người duy nhất có thể nói được tiếng Mã Lai, sau đó đốt cháy da ông bằng một động cơ rất nóng của chiếc tàu.  Hải tặc lúc đó không ác như những năm sau này, nhưng cũng khiến mọi người sợ hãi."

Huyền nhớ rằng sau khi người bạn có thể nói tiếng Mã Lai được trả về, mình mẩy đầy vết thương nhưng vẫn còn sống, nhóm cướp biển nấu cơm cho mọi người ăn. Họ chiên cơm cà ri với táo (apple). Huyền nói đây là lần đầu tiên cô được ăn táo. Lúc đó biển động dữ dội, chiếc tàu rung bần bật như muốn nghiêng sang một bên. Đúng là bữa ăn khủng khiếp nhất trong đời cô. Hiện giờ cô vẫn còn thích ăn táo, nhưng loại táo nhãn hiệu Golden Delicious gợi cô nhớ tới bữa ăn đầy kỷ niệm với hải tặc Mã Lai.

Vài ngày sau, họ tới một hòn đảo nhỏ, không người ở tại Nam Dương, có tên đảo Kuku. Đây là ngôi nhà mới của họ trong thời gian tới, vì cướp biển Mã Lai đẩy người tị nạn lên đảo rồi lấy chiếc tàu của họ. Huyền nhớ đó là một hòn đảo rất đẹp, cát trắng phau và nước biển xanh biếc. Mẹ cô bắt đám trẻ phải ngồi yên trên bãi biển trong khoảng mười giờ. Trong lúc đó, cánh đàn ông tỏa ra đi xây lều xây trại, bằng các loại vật liệu mà họ có thể tìm thấy trên đảo. Chị của Huyền còn giữ được một số hình ảnh về ngôi làng mà họ xây dựng.  
Nói tới đây thì anh John Izenour, chồng của Huyền, tham gia câu chuyện. Anh hỏi, "Những người đàn ông đi đâu trong ngày đầu tiên lên đảo?"
"Họ đi xây nhà, xây lều."

"Nhưng còn thực phẩm thì sao?"
Huyền kêu lên, trong giọng nói có chút kiêu hãnh và tự ái, "Chèn ơi, tụi này là dân đồng bằng sông Cửu Long mà! Tụi này biết câu cá chớ! Tụi này không phải tài tử trong chương trình truyền hình Survivor không biết câu cá đâu!"

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xuất hiện cùng thực phẩm và vật dụng, nhưng không đưa người tị nạn ra khỏi hòn đảo cho tới khi những người này được một quốc gia nào đó chấp nhận cho tái định cư. Cuối cùng gia đình Huyền được nước Mỹ chấp nhận và cấp số an sinh xã hội. Họ quá cảnh ở Guam trước khi tới Philadelphia.

Khi trưởng thành, sáu chị em Huyền bắt đầu tách ra. Một số ở lại Philadelphia trong khi một số định cư ở California và ở Maine. Cách đây năm năm, Huyền, John Izenhour và hai đứa con của họ chuyển tới Southwest Harbor, Maine. Nhưng cứ tới lễ lạc thì các chị em cố gắng họp mặt đông đủ, mỗi người đóng góp một món ăn, và thảo luận về công việc của nhau theo truyền thống tốt đẹp của gia đình. Những khi không gặp nhau, họ gọi điện thoại í ới hoặc nhắn tin lia chia, thường họ thích nói về chủ đề thức ăn.

Huyền cho biết những lúc rảnh rỗi, cô lại đọc công thức nấu ăn thay vì đọc tiểu thuyết. Dịch vụ nấu ăn Clark Point Catering được hình thành từ dự án gây quỹ cho các trường học địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận. Trước khi công việc chính thức đầu tiên kết thúc, Huyền nhận được nhiều đơn đặt hàng khác để phục vụ các chương trình trong cộng đồng. Cô chuẩn bị cho một tiệc cưới đầu tiên bằng bữa điểm tâm theo kiểu Đức, với món bánh mì ăn kèm món cá xông khói cùng món phụ trứng ốp-la. Món đặc biệt này người Đức gọi chung là "gravlax." Huyền nói, "Không gì vui bằng nấu ăn. Tôi thực sự thích những bữa tiệc lớn."

Thoạt đầu, khi nhận thấy trong bếp nhà hết sạch nguyên liệu, Huyền hơi hoảng. Cô phải nhờ người sửa lại ngôi nhà trên mảnh đất họ thuê, để có một nhà bếp khang trang và hiện đại, có thể nấu ăn phục vụ lễ hội. Huyền rút ra được bài học từ công việc này, đó là nên làm trước những gì bạn có thể làm được.

Liên lạc với Trần Huyền và dịch vụ của cô ở số 1-(215)-380-3052, hoặc email: huyen@clarkpointcatering.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT