Bình Luận

Nhân chứng Ellsworth Bunker

Wednesday, 27/03/2019 - 06:18:38

Hôm thứ Hai, 25/3/2019, cô Trịnh Bình An, một nhà hoạt động rất năng nổ trên hai lãnh vực văn hóa và truyền thông hải ngoại gửi cho tôi một bản tài liệu kèm theo một câu hỏi ngắn “Ký gì đây?


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Hai, 25/3/2019, cô Trịnh Bình An, một nhà hoạt động rất năng nổ trên hai lãnh vực văn hóa và truyền thông hải ngoại gửi cho tôi một bản tài liệu kèm theo một câu hỏi ngắn “Ký gì đây? kể chuyện có đầu, có đuôi cho em nghe."

Tài liệu là một bản báo cáo của Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam gửi cho Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới dạng AIRGRAM, ngày gửi là ngày 16 tháng Mười, 1972, và subject (chủ đề) của công văn đó là 'tờ tạp chí DIỀU HÂU đóng cửa (Diều Hâu Magazine closes)'; người ký cuối báo cáo là Ellsworth Bunker, Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam.


Ellsworth Bunker



Ông Ellsworth Bunker, cùng với ông Thiệu, ông Kỳ thăm viếng các đơn vị quân đội VNCH.


Tôi hơi ngạc nhiên về việc chính phủ Mỹ quan tâm đến một chuyện tương đối nhỏ -chuyện tờ DIỀU HÂU- tờ báo tôi làm chủ bút- đóng cửa.

Chủ nhiệm tờ Diều Hâu là bà xã anh Phạm Huấn; anh Huấn cùng viết bài trong tờ Diều Hâu với tôi; lý do khiến chúng tôi phải nhờ chị Huấn đứng tên làm chủ nhiệm, là cả hai chúng tôi cùng là quân nhân tại ngũ, không được quyền làm thương mại.

Bản báo cáo của Tòa Đại Sứ gồm có 7 mục -mục thứ nhất viết là ông Bunker được biết việc tờ Diều Hâu đóng cửa qua một bản tin ngắn đăng trên tờ nhật báo Tiền Tuyến -cơ quan ngôn luận bán chính thức của quân đội VNCH (trong lúc tờ Diều Hâu là báo tư nhân, không hề nhận tài trợ của chính phủ, hay của bất cứ ai khác.)

Tin đăng trên tờ Tiền Tuyến cho biết tờ Diều Hâu đóng cửa vì không có đủ 10 triệu đồng VN để đóng ký quỹ hầu có quyền xuất bản báo, theo tinh thần của sắc lệnh do tổng thống Nguyễn văn Thiệu ký vào tháng Tám 1972; tờ báo có vận động vay của mỗi độc giả 100 đồng VN để lấy tiền đóng ký quỹ, nhưng chỉ vay được 6.8 triệu; tờ báo không lãnh một chi phiếu nào của độc giả, và gửi hoàn độc giả nguyên bản chính của cái mandat (lối gửi tiền ngày xưa qua bưu điện.)




Bản báo cáo của Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam gửi cho Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 16 tháng Mười, 1972.

Mục thứ nhì, ông Bunker viết, 'tờ Diều Hâu là tác phẩm tư của LTC. -lieutenant colonel- Trung Tá Nguyễn Đạt Thịnh và một vài người cùng làm việc với ông ta trong phòng Báo Chí Quân Đội. Ra mắt vào khoảng tháng Mười 1970, tờ báo được giới quân nhân ưa thích ngay từ số báo đầu; họ gọi tờ Diều Hâu là tờ báo của họ; lý do khiến người lính thích đọc Diều Hâu vì có nhiều bài viết chính xác về tin tức chiến sự, và những đề tài thảo luận quân sự khác -khác hẳn những bản tin khô khan về tình hình chiến sự.

Những bài báo sống động của Diều Hâu khác hẳn tin tức trên những tờ báo khác.
Trong mục Thứ Ba, ông đại sứ tường trình với vị bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ là Diều Hâu có khá nhiều nỗ lực giúp cô nhi quả phụ, sau ngày người quân nhân đền nợ nước. (Tác giả xin mở ngoặc để viết thêm là ngày đó chiến trường rất nặng, khả năng của tờ Diều Hâu không thể nào đủ để giúp đỡ hàng chục, hàng trăm các bé cô nhi, quý bà quả phụ.

Anh Phạm Huấn, anh Phạm Bá Cát, anh Trần Xuân Thành, anh Đặng Trần Huân, anh Du Tử Lê, anh Huy Phương, anh Nam Lộc thảo luận với nhau rồi bảo tôi là họ muốn tổ chức một buổi văn nghệ ngoài trời với hằng trăm ca sĩ nhạc rock, hàng chục ngàn khán giả để có tiền lo giúp đỡ cô nhi, quả phụ đang mỗi ngày một đông hơn.

Tôi hỏi Huấn, 'Đào đâu cho ra hàng trăm ca sĩ nhạc rock? ' Huấn bảo tôi 'mình đang có nửa triệu lính Mỹ tại VN mà. Cứ 10 chú lính trẻ là có một chú nhạc sĩ, ca sĩ, anh muốn mời mấy chục ca sĩ Mỹ, mặc quân phục?'

Huấn đúng về số lượng ca sĩ, nhiều đến mức, nhiều anh không được lên sân khấu, để bò lê, bò càng hét vào cái micro họ kéo nằm trên sân khấu với họ; nhiều anh đến từ Cồn Thiên, Quảng Trị, đến bằng cách quá giang C130 vận tải.

Bà tổng thống Nguyễn văn Thiệu chủ tọa buổi ca nhạc ngoài trời tại sân vận động Dakao.
Đại Sứ Bunker viết là một vài nhà phê bình VN chê đám 'lính' chúng tôi là tổ chức hát nhạc rock vui nhộn trong lúc máu đổ thành sông trên chiến trường Hạ Lào.

Tôi trả lời họ là chúng tôi cần tiền để có khả năng ký chi phiếu đem vào trại gia binh, giúp các bà quả phụ chưa kịp 'chiết khăn sô lên đầu vội vã,' và chúng tôi không muốn ngồi đó cùng khóc với họ.

Điểm Thứ Tư của bản tường trình ông đại sứ Mỹ gửi về Hoa Thịnh Đốn cũng vẫn cứ là chuyện tiền; chuyện tôi đưa cho viên thủ quỹ của Quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm Quân Đội danh sách 12 bà quả phụ chưa được lãnh tiền tương trợ, mặc dù người tử sĩ chồng họ đã đền nợ nước ngoài bốn tháng.

Anh thủ quỹ cho tôi biết anh làm hồ sơ cấp tiền tử tuất theo thứ tự, hồ sơ nào tới trước anh làm trước. Tôi xin anh cho tôi danh sách những gia đình còn trong danh sách chờ đợi; anh không cho và trả lời tôi là anh sẽ hỏi lệnh thượng cấp.

Tôi xin coi hồ sơ điều hành Quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm, và giật mình thấy tiền nguyệt liễm tôi và những người đồng đội của tôi tháng tháng đóng góp được dùng để cho ngân hàng vay, để mua hãng sản xuất giấy, hãng làm đường giao thông RMK, và để khoan giếng dầu ngoài biển.

Tôi viết bài báo đầu tiên về quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm, ví von là nếu quỹ này được điều hành như một ngân hàng, thì chúng tôi là trái chủ góp vốn, và với tư cách đó, quân nhân chúng tôi đòi ưu tiên vay mượn tiền của quỹ về làm vốn.

Trung Tướng Đồng Văn Khuyên viết bài trả lời tôi -với tư cách một trong những viên chức cao cấp điều hành quỹ; tôi không chỉ đăng nguyên văn bài báo đó, mà còn in hình Trung Tướng Khuyên lên trang đầu của số báo có bài của trung tướng.

Trong bài viết Trung Tướng Khuyên bảo tôi là ông không thấy việc mua công ty RMK, hay việc khui giếng dầu tai hại ở điểm nào cả.

Trả lời trong bài in ngay cạnh bài báo trung tướng viết, tôi trình bày là trong 30 triệu dân Nam Việt, quân nhân chúng tôi là 1 triệu người đã góp máu để giữ nước, thì việc bỏ vốn vào đầu tư gây sức mạnh kinh tế cho quốc gia cần để những người khác đóng góp.

Trong Điều Thứ Tư của bức điện thư, Đại Sứ Bunker viết, 'chính tờ Diều Hâu đã vì bênh vực quyền lợi của binh sĩ mà khui ra nhiều điều lắt léo trong quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm, đưa đến việc giải ngũ Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ, và trừng phạt một số sĩ quan cao cấp.

Mỗi quân nhân được trả lại 6,000 đồng VN -60 tháng (5 năm ) đóng góp; có người trách tôi là phá hoại tiềm năng tự vệ của Nam Việt; họ cho là nếu còn quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm, thì dù Mỹ có tháo chạy, Nam Việt cũng vẫn còn tiền để tiếp tục cuộc chiến tự vệ thêm nhiều năm nữa.

Xin quý vị đó quan tâm đến con số 6,000 đồng tiền Việt mà mỗi người lính chúng tôi được trả lại; số tiền đó chỉ bằng với 10 ngày lương lính -lương của người binh nhì năm 1972 là 20,000, tiền Việt.

Một trong vài điều tôi thường bị chất vấn là vấn đề trong sạch của quý vị tướng lãnh. Trong một số báo Diều Hâu tôi in lên chân dung bốn vị tướng mà tôi cho là trong sạch theo câu vè Nhất Thắng, Nhì Chinh, Tam Thanh, Tứ Trưởng.

Dĩ nhiên thứ bực đó chỉ là cách giúp tôi đặt vấn đề tham nhũng trong quân đội; hai tiếng đồng hồ sau giờ báo phát hành, một vị trung tướng gọi điện thoại bảo tôi, “tướng không sạch XXX xin tiếp chuyện với trung tá Thịnh.”

Mượn cơ hội cô Trịnh Bình An tìm được bản báo cáo của Đại Sứ Bunker, tôi kể lại một vài giai thoại vui, buồn trong trọng trách làm báo lính. Anh Phạm Huấn gọi việc làm của anh, em chúng tôi là 'mó dế ngựa.'

Hơn một lần, tôi cũng cảm thấy teo, và thèm trở lại vai trò của anh trung úy đại đội trưởng cầm quân, mở đường cho Lữ Đoàn 100 vừa từ chiến trường Cao Ly, vào chết trong quốc lộ 19.
Đối với Đại Sứ Ellsworth Bunker, thank -cảm ơn ông đóng vai trò nhân chứng sống, khen tờ Diều Hâu của hai chú lính nghèo, làm báo với số vốn hai tháng lương mỗi trự.
Và dĩ nhiên cảm ơn người đẹp Virginia.

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT