Văn Nghệ

Nhạc và Thơ trong chương trình nhạc VASCAM 2018

Friday, 09/03/2018 - 08:29:00

Chương trình “Góc Nhìn qua Thời Gian” có sự góp mặt của các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, nhạc sĩ chuyên nghiệp trên toàn nước Mỹ, cả người Mỹ gốc Việt và người Mỹ bản xứ. “Câu Chuyện Bà Thị Kính”: một câu chuyện làm quý vị vừa cười, vừa chảy nước mắt, vừa suy ngẫm miên man.

Bài ANVI HOÀNG 


Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng!

Mấy câu thơ không chút gì xa lạ! Đó là đoạn trích trong bài thơ nổi tiếng Đà Lạt Trăng Mờ của Hàn Mạc Tử, bài thơ sẽ mở màn chương trình “Góc Nhìn qua Thời Gian” tại trung tâm nghệ thuật Musco vào ngày 25 tháng 3 này. Hãy tưởng tượng thính đường chìm trong bóng tối, như trong màn đêm của “Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.” Ánh sáng duy nhất là từ mặt trăng được phóng trên màn hình, một không gian mà “Hư thực làm sao phân biệt được?/ Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.” Rồi tiếng nhạc bắt đầu réo rắt. Đà Lạt Trăng Mờ được ngâm trong tiếng kèn clarinet, trong không gian của trăng, sao, và tĩnh lặng như tác giả Khôi Đặng của bài “solo clarinet” muốn miêu tả.

Bản nhạc của Khôi được sáng tác sau chuyến đi núi ở Colorado của anh. Trong thời gian anh ở đây, Khôi nói rằng “tôi hay đi bộ vào buổi tối. Bầu trời đêm đầy trăng, mặt hồ, không gian mênh mang… tôi ôm tất cả vào lòng, về nhà.” Khôi không viết bài nhạc cho kèn clarinet vì anh muốn “chỉ ngón tay vào mặt trăng, mà tôi lắng nghe âm thanh-không gian của mặt trăng và tìm những nốt nhạc thích hợp để diễn tả…” Đến với chương trình nhạc “Góc Nhìn qua Thời Gian” quý khán giả sẽ được thưởng thức cảm nhận này của nhà sáng tác Khôi Đặng trong màn trình diễn đan nhạc và thơ với nhau, “Để nghe dưới đáy nước hồ reo / Để nghe tơ liễu run trong gió / Và để xem trời giải nghĩa yêu.”

Poster của buổi nhạc với hình bốn nhạc sĩ


Phải nói, năm nay hội VASCAM có vẻ ưu ái người yêu thơ, những bài thơ mà người Việt Nam xưa nay yêu thích và thuộc lòng. Này nữa nhé:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Lần đầu tiên ra mắt khán giả Quận Cam, nhà sáng tác Việt Cường (tên Việt họ Cường) đã chọn bài thơ Thu Điếu bất hủ trên của Nguyễn Khuyến để phổ nhạc. Thật là khéo chọn! Đây cũng là lần đầu tiên Việt Cường viết ca khúc nghệ thuật dùng lời tiếng Việt. Theo Việt Cường, một nhà sáng tác được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, đây là một cách để anh tìm lại sự kết nối với gốc rễ của mình.

VASCAM, viết tắt của Vietnamese American Society for Creative Arts and Music, tức Hội Sáng Tạo NghệThuật và Âm Nhạc Cho Người Mỹ Gốc Việt, do nhà sáng tác nhạc, giáo sư tiến sĩ P.Q. Phan cùng bốn thành viên nữa sáng lập vào tháng 11 năm 2015. VASCAM bắt đầu năm hoạt động thứ ba của mình bằng buổi nhạc “Góc Nhìn qua Thời Gian” , vào lúc 4g chiều ngày Chủ Nhật, 25 tháng 3, năm 2018 tại Trung Tâm Nghệ Thuật Musco. Mục tiên của VASCAM là mỗi năm giới thiệu thêm một nhà sáng tác mới người Mỹ gốc Việt với cộng đồng. Và VASCAM đã làm được. Buổi nhạc đầu tiên ở Houston (Texas) chương trình có hai nhà sáng tác: Cung Tiến & P. Q. Phan. Buổi nhạc thứ hai ở Trung Tâm NghệThuật Musco (California) có ba nhà sáng tác: Cung Tiến, P. Q. Phan, Tôn Thất Tiết. Buổi nhạc năm nay 2018 ở Musco có năm nhà sáng tác. Khôi Đặng và Việt Cường là hai nhà sáng tác trẻ gốc Việt hiếm hoi của cộng đồng trên đất Mỹ. Ngoài Khôi Đặng và Việt Cường là hai khuôn mặt mới toanh, chương trình năm nay của VASCAM còn có hai bài hát xưa của nhà sáng tác quen thuộc Lê Văn Khoa, phần nhạc đệm được ông viết lại cho dàn nhạc VASCAM 10 người. Đây là hai bài hát lãng mạn và nhiều tình cảm mà ông ưa thích, cảm xúc cũ và mới trộn lẫn vào nhau như hoàn cảnh sinh sống hiện tại trên quê hương thứ hai ở Mỹ của tác giả lão thành Lê Văn Khoa.


Sùng Bà mắng đuổi Thị Kính

Trong 40 phút đầu, ngoài những bài hát kể trên, phần 1 của chương trình còn có tiết mục solo kèn clarinet bản nhạc Bao La của nhà sáng tác Tôn Thất Tiết, một người Pháp gốc Việt với kinh nghiệm hơn 40 năm sáng tác và được yêu mến tại Pháp. Kết thúc phần 1 là màn trình diễn tác phẩm trống của tác giả P. Q. Phan (Phan Quang Phục). Đoạn nhạc trống dài 6 phút này trích trong bài hoà tấu trống mà P. Q. Phan lấy cảm hứng từ linh hồn trống trận Tây Sơn thời vua Quang Trung thế kỷ 18. Màn trình diễn tại Musco sẽ bao gồm 40 nhạc cụ gõ khác nhau (trống, cồng, chiêng, đàn chuông, v,v.) do một “nhạc sĩ dàn gõ” (percussionist) biểu diễn solo.

Phần 2 của chương trình khoảng 70 phút, gồm 6 trích đoạn của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính. Diễn Thị Kính thì phải có Thị Mầu. Vì vậy cảnh Thị Mầu đi chùa ghẹo Tiểu Kính Tâm (tức Thị Kính sau khi giả trai đi tu) và cảnh Thị Mầu tán tình với người ở tên là Nô là không thể thiếu. 4 cảnh còn lại là tâm sự của Mãng Ông (cha của Thị Kính) hay say xỉn; Sùng Ông (cha của Thiện Sĩ); Sư Cụ cân nhắc giữa lý trí và tình thương trong việc nên để Tiểu Kính Tâm ở lại chùa hay phải đuổi đi; cuộc đấu trí đầy hài hước giữa Mẹ Mõ (vợ của anh Mõ, hay còn gọi là Mẹ Đốp hay Vợ Mõ) với Lý Trưởng. Tưởng rằng Lý Trưởng, một người được xem là có học và có vai vế trong xã hội, sẽ thắng; ai dè Mẹ Mõ đáo để quá… Rồi sau nữa là sự suy tư về cuộc đời và con người của Thị Kính. “Góc Nhìn qua Thời Gian” là cơ hội cuối để xem “Câu Chuyện Bà Thị Kính” tại Quận Cam, với sự tham gia của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi 27 người.

Và như thế, buổi nhạc “Góc Nhìn qua Thời Gian” miêu tả hành trình âm nhạc của năm nhà sáng tác gốc Việt, còn sống, thuộc năm thế hệ khác nhau. Từ tự học cho đến được đào tạo chuyên nghiệp, những nhà sáng tác này có những diễn giải về âm nhạc rất riêng biệt đầy cuốn hút, khiến mỗi người trong khán giả đều có thể tìm thấy một mối đồng cảm cho riêng mình. Thị Kính, Thị Mầu và Mẹ Mõ là các nhân vật dân gian quen thuộc của Việt Nam. Thị Kính tượng trưng cho tình thương nhân loại, Thị Mầu tượng trưng cho sự đam mê cuộc sống, và Mẹ Mõ tượng trưng cho sự khôn lanh.


Thị Mầu tư tình cùng Nô

Chương trình “Góc Nhìn qua Thời Gian” có sự góp mặt của các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, nhạc sĩ chuyên nghiệp trên toàn nước Mỹ, cả người Mỹ gốc Việt và người Mỹ bản xứ. “Câu Chuyện Bà Thị Kính”: một câu chuyện làm quý vị vừa cười, vừa chảy nước mắt, vừa suy ngẫm miên man.

Sau buổi nhạc Cuộc Đời/ On Life của hội VASCAM vào năm 2017, ông Richard Bryant, Giám Đốc Trung Tâm NghệThuật Musco đã không thể kìm lòng mà thốt lên rằng: “Thật là ấn tượng! Chương trình đặc sắc, âm nhạc tuyệt vời. Khán giả cũng ăn mặc đẹp như người trình diễn.” Không có lý do gì mà chúng ta không lập lại kỷ lục này năm nay, bởi vì chúng ta có thừa khả năng để góp mặt vào hoạt động văn hoá nghệ thuật cao của nước Hoa Kỳ này, quê hương thứ 2 của chúng ta.

Cùng khám phá âm nhạc của năm nhà sáng tác người Mỹ gốc Việt còn sống. Khám phá âm nhạc của những người đang thở. Tìm cho bạn những giây phút vui buồn, hồi hộp, suy nghiệm, yêu thương, nhân ái…
GÓC NHÌN QUA THỜI GIAN
March 25. 4PM. Musco Center.
Mua vé tại: Viễn Đông, Tú Quỳnh, MuscoCenter.org

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT