Người Việt Khắp Nơi

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát và ước vọng thành lập một ban hợp xướng đàng hoàng, tử tế

Friday, 20/04/2018 - 08:12:35

Ông nhấn mạnh nhiều lần bốn chữ “đàng hoàng, tử tế.” Buổi tâm tình của nhạc sĩ với Viễn Đông kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, nên chúng tôi tóm tắt và đăng trên hai số báo thứ Bảy và Chủ Nhật (21 và 22 tháng 4, 2018).

Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Có lẽ những người Việt lớn tuổi từng sống tại miền Nam nước Việt trước 1975 không ai không nghe danh nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, Nghiêm Phú Phát, hai ông trong bốn anh em trai đều có năng khiếu âm nhạc và đã thành danh.


Một số thành viên trong Nhóm Ca Hương Thiền trình bày một bản Phật ca trong buổi gây quỹ xây chùa Địa Tạng mới đây. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Vừa qua, chúng tôi đã mời nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đến tòa soạn để nghe ông giãi bày tâm sự cũng như cho biết về việc thành lập Nhóm Hương Thiền, và đặc biệt, người nhạc sĩ này có ước vọng thành lập một Ban Hợp Xướng đàng hoàng, tử tế để hát Phật ca, Thiền ca. Ông nhấn mạnh nhiều lần bốn chữ “đàng hoàng, tử tế.” Buổi tâm tình của nhạc sĩ với Viễn Đông kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, nên chúng tôi tóm tắt và đăng trên hai số báo thứ Bảy và Chủ Nhật (21 và 22 tháng 4, 2018).

Đôi nét về nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát: Năm nay ông đã bước vào tuổi 78, ông có năng khiếu âm nhạc ngay từ nhỏ, 5 tuổi đã thích hát và biết hát. Năm học lớp Nhất (lớp 5 bây giờ) ở Bà Rịa, trong lễ phát thưởng cuối năm được cô giáo giới thiệu lên hát. Tuy có năng khiếu nhưng không được học nhạc vì thân phụ là một nhà nho vẫn quan niệm ca hát là nghề “xướng ca vô loại.” Đến khi lên học Petrus Ký được học môn âm nhạc nhưng là môn phụ nên ít có giờ học, phải tự mày mò học thêm.

Năm 15 tuổi ông anh Nghiêm Phú Phi từ Pháp về dạy Piano, ông mới được học nhưng cũng học lén lút vì sợ thân phụ biết được, không hài lòng! Người anh thứ hai cũng dạy ông về môn Toán để đi thi, và cũng biết qua về đàn guitar nên dạy ông nhưng nhà không có đàn phải lén sang mượn cây đàn guitar nhà hàng xóm. Vì gia đình lúc đó quá nghèo không làm sao mua nổi cây đàn, mà không có đàn để học thì ông anh cũng không mấy hứng thú để dạy, phần vì vẫn sợ thân phụ nên trong quãng thời gian tìm đến âm nhạc của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát thật là nhiêu khê.

Tuy nhiên, với sự đam mê âm nhạc, ông vẫn kiên trì tìm hiểu, học hỏi. Mãi đến năm 32 tuổi mới mua nổi cho mình cây đàn Piano, và sử dụng được vài tháng thì phải bỏ lại VN khi sang định cư tại Mỹ. Sau ngày Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam, ông bị đưa vào các trại tù Trãng Lớn, Phú Quốc, Long Giao, Phước Long và cuối cùng là trại Z 30 D Hàm Tân, Thuận Hải, tổng cộng thời gian bị tù trong nhà tù cộng sản là 10 năm và được thả ra vào năm 1984.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát tại tòa soạn nhật báo Viễn Đông. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Trong thời gian bị tù, ông đã nghĩ ra một số ca khúc đấu tranh mà theo ông đó là nhạc đấu tranh thực sự, dĩ nhiên là phải để trong đầu, vì viết ra giấy là trước sau cũng bị lộ, bị tịch thu và ghép đủ thứ tội. Ông may mắn có cơ hội dùng những bản nhạc đó kêu gọi anh em bạn tù đứng lên giành quyền làm người. Đi tù Cộng Sản là mất quyền làm người, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát khẳng định như thế và ông cho biết, mình đã dám làm thì dám chịu, và khi làm dám nhận hậu quả, dù hậu quả có thế nào chăng nữa nếu chẳng may có những tên tù gọi là “ăng ten” báo cáo, và ông đã cùng một số bạn tù làm “đầu têu” cho cuộc tuyệt thực của cả ngàn trại viên trại tù Z 30D trong dịp Tết Tân Dậu năm 1981.

Thành lập Nhóm Hương Thiền

Là một Phật tử thuần thành, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát muốn đem khả năng của mình cùng một số bạn hữu thành lập một Ban Hợp Xướng hay gọi đơn giản là một Ca Đoàn. Trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2012, ông cùng một số bạn đạo như Lâm Kim Mai, Nguyễn Thanh Huy, Phan Tấn Hải, Vĩnh Hảo, Huỳnh Kim Quang, Hoàng Mai Đạt, cùng các bạn nhạc như Võ Tá Hân, Bùi Đường, cô Diệu Trang v.v. (lâu ngày trí nhớ ông đã sa sút theo tuổi đời 78 nên không nhớ hết mọi người) ngồi lại với nhau và thống nhất ý kiến thành lập một Ca Đoàn để hát Phật ca, Thiền ca, dùng âm nhạc để truyền đạo.
Để chuẩn bị cho ngày ra mắt vào tháng 3, 2012, anh em phải mất ba tháng, chia nhau mỗi người mời một số thành viên, được khoảng trên dưới 30 người cả nam lẫn nữ. Nhưng chưa tìm ra tên gì để đặt cho ca đoàn. May mắn có một thành viên nêu ra câu thơ của một đại Tăng, không nhớ vị đó là ai nhưng trong thơ có hai chữ “Hương Thiền.” Mọi người thấy hay quá và chọn Hương Thiền làm tên cho ca đoàn.
Giai đoạn đầu Hương Thiền được Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Viện Chủ chùa Liên Hoa hết lòng giúp đỡ. Sau đó được chùa Thiền Quang (góc ngã tư Hazard St - Beach Blvd) coi như hai chùa nhà, chùa Thiền Quang cho mượn chỗ để tập dượt vào mỗi Thứ Năm từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối. Từ lúc đầu với khoảng 30 thành viên, đến nay chỉ còn mười mấy hai chục người, nhưng Hương Thiền vẫn tồn tại và chuyên hát Phật ca, Thiền ca như tên gọi có lẽ đã được tiền định từ thuở ban đầu.
(Mai tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT