Bình Luận

Nhà triệu phú yêu đời

Saturday, 10/02/2018 - 08:22:32

Trúng số, nhu cầu số 1 của anh là mua một chiếc truck khác; điều này còn có nghĩa là dù triệu phú anh vẫn còn là thợ mộc; món tiêu xài thứ nhì của anh là đi bác sĩ, vì trong vài tháng gần đây anh tự thấy yếu hơn, không làm việc dài giờ được nữa.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Người New York gọi Donald Savastano là “nhà triệu phú yêu đời” vì hai nguyên nhân, một là anh trúng độc đắc Lô Tô “Merry Millionaire” (dịch là “nhà triệu phú yêu đời”) của tiểu bang New York, và hai là anh chọn lãnh $661,800 tiền mặt, chứ không lãnh mỗi năm vài chục ngàn, trong nhiều năm. Lối trả hết tiền trong một lần như vậy, được nhà nước gọi là “lùm xùm” -lump sum payment- người trúng số đồng ý lãnh ít hơn, để có tiền tiêu ngay lập tức.

Khai thác nhu cầu của người trúng số bạc triệu, muốn lãnh trọn gói số tiền thần cờ bạc dành cho mình, chính phủ lời bao nhiêu? Và hành động khai thác đó có hợp lý không? Có được quốc hội cho phép bằng một đạo luật không?


“Nhà triệu phú yêu đời” Donald Savastano. (ABC 7 NY)

Đắn đo đầu tiên của mọi người trúng số là lãnh ngay một số tiền lớn, hay để mỗi năm mỗi lãnh một phần nhỏ hơn; lãnh ngay là có một số lợi tức tối thiểu gần $1 triệu đồng cho năm đó, và với số lợi tức đó, người nghèo kiết xác như anh Savastano cũng phải đóng thuế như một triệu phú -37%- vì có lợi tức hàng năm từ $500,000 trở lên.

Lãnh $1 triệu, anh đóng thuế gần nửa -$370,000; do đó anh chỉ còn $661,800 tiền mặt, để cuối năm đóng thêm thuế tiểu bang, nếu New York có thuế tiểu bang. Con số $370,000 là căn cứ trên bực thang thuế khóa, và con số $661,800 là con số anh Savastango được lãnh; tác giả không hiểu tại sao hai con số đó cộng chung lại, không thành một triệu; xin vị độc giả nào hiểu rõ vấn đề, giúp giải thích chính xác hơn.

Trở lại với vấn đề lãnh lùm xùm, hay lãnh làm nhiều năm, để khẳng định là tuyệt đại đa số những người được thần tài gõ cửa đều thích lãnh lùm xùm; sở xổ số tiểu bang Florida cho biết tính từ cuối năm 2009, sở đã phát tiền cho 148 người trúng lớn các loại xổ số như Lotto, Powerball và Mega Millions, thì ngoài năm người chọn lãnh tiền mỗi năm một ít, 143 người khác lãnh lùm xùm.

Ông Don McNay, làm nghề consultant, cố vấn cho những người đột nhiên có trong tay một số tiền lớn, góp ý là không chỉ tại Florida, mà ở đâu cũng vậy -đa số người trúng số thích lãnh lùm xùm; ông đưa ra tỉ lệ 98%.
McNay khuyến cáo ngược lại -nên lãnh tiền từng năm, vì 70% những người lãnh lùm xùm đều trở thành trắng tay chỉ sau 5 năm, hoặc sớm hơn, dù họ trúng $1 triệu, hay $100 triệu. Ông nói, “Đừng lãnh ngay một lúc $100 triệu, mà nên lãnh 20 lần -mỗi năm $5 triệu; những phung phí trong $5 triệu đầu tiên sẽ tạo kinh nghiệm giúp những tiêu xài trong năm tới có ngằn ngữ hơn.”

Trong trường hợp của anh Savastano thì $1 triệu chia thành 20 phần, mỗi năm lãnh $50,000, còn giúp anh bớt được rất nhiều tiền thuế -vì anh chỉ phải đóng $1,100 mỗi năm -22% của $50,000.

Đem số tiền thuế đó nhân cho 20 năm cũng chỉ là $22,000, chứ không phải là $370,000, như số tiền thuế anh đã đóng.

Nhưng cái khó nó bó cái khôn, dù có khôn, anh cũng cần nhiều hơn con số $50,000 để mua ngay một chiếc truck mới và đi bác sĩ khám bệnh.

Sevastano làm thợ mộc độc lập, ngôi làng anh ở -làng Sidney, tiểu bang Nữu Ước chỉ có 3,900 cư dân, hai vị có tên tuổi trong làng là cựu trung tá Evans Carlson, đã từng tham chiến tại Âu Châu trong Thế Chiến Thứ Nhì, và cựu dân biểu Edward Howell; ông này đã qua đời từ năm 1871.

Nói cách khác, làng Sidney quê mùa, thủ cựu không có hơi hướm gì với đô thành Nữu Ước mặc dù cả hai cùng nằm trong tiểu bang Nữu Ước.

Làm thợ mộc “độc lập,” có nghĩa là Sevastano không làm cho hãng mộc nào cả, khách hàng trực tiếp gọi điện thoại cho anh để đặt hàng, hoặc để gọi anh đến nhà họ sửa bàn ghế, giường, tủ. Anh di chuyển bằng một chiếc truck cũ, thường hay hư hỏng giữa đường, rất trở ngại, khi anh chở đồ mộc đi giao cho khách.


Savastano trúng số

Trúng số, nhu cầu số 1 của anh là mua một chiếc truck khác; điều này còn có nghĩa là dù triệu phú anh vẫn còn là thợ mộc; món tiêu xài thứ nhì của anh là đi bác sĩ, vì trong vài tháng gần đây anh tự thấy yếu hơn, không làm việc dài giờ được nữa.

Món tiêu xài thứ nhì này, tưởng chừng rẻ -vài trăm bạc, vừa tiền bác sĩ, vừa tiền mua thuốc uống, thuốc chích- lại trở thành vô cùng nặng nề, làm vợ con anh gần sạt nghiệp -cái cơ nghiệp còn là tiền mặt, còn là con số $661,800 mới toanh, vừa gửi vào trương mục ngân hàng.

Anh bị ung thư cấp 4 hết hy vọng chữa trị, nhưng anh Danielle Scott, người làm công trong tiệm tạp hóa bán tấm vé số $1 triệu cho anh, không tin là bạn anh có thể chết. Scott bảo những người muốn nghe anh nói về Savastano, “Ảnh mới 51 tuổi, còn trẻ lắm, lại quyết chí trúng số; tuần nào tôi cũng bán cho anh một tấm vé số Merry Millionaire, để rồi cuối cùng ảnh trở thành nhà triệu phú yêu đời. Trúng số rồi thì tại sao lại chết?"

Scott còn bảo anh phóng viên đài WABC-TV là Savastano có một chiếc truck tệ nhất nước Mỹ, khiến anh không dám nhận những mối khách quá xa. Sau khi cạo vé số, thấy ảnh trúng độc đắc, ảnh bảo, “Tôi sẽ mua liền một chiếc truck mới toanh.” Rơm rớm nước mắt Scott nói tiếp, “Ảnh không đủ thì giờ mua truck.”
Savastano chết vào ngày thứ 23 sau ngày anh trúng số; chi tiết đáng buồn nhất là trong suốt cuộc đời tận tụy với công việc, ngay thẳng với khách hàng, anh vẫn không có được vài trăm bạc để mua bảo hiểm y tế.
Anh cũng xụm xuống như chiếc truck không được chăm sóc của anh. Tại sao anh không có bảo hiểm y tế, để chuyến đi thăm bác sĩ đầu tiên trong đời anh, cũng là chuyến cuối cùng?
Vợ anh trả lời, "Làm không đủ sống, tiền đâu mua bảo hiểm y tế?"

Thảm kịch một người Mỹ lương thiện -nhà triệu phú yêu đời- chết vì không có tiền mua bảo hiểm y tế, chắc chắn không làm ai hãnh diện- kể cả những người ghét, cũng như những người thích ObamaCare.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT