Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nhà soạn nhạc: người là ai? - Họ cũng như ta

Anvi Hoàng/Viễn Đông Tuesday, 12/06/2012 - 08:43:57

Hỏi ông về công việc sáng tác và đi dạy, những điều ông chia sẻ làm người nghe nhạc nhiên - bởi vì nó rất thiết thực, và cũng gần gũi vì chúng ta có thể tìm thấy sự liên hệ cho mình.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Claude Baker
Có nhiều nhà soạn nhạc, cho dù là có nổi tiếng hay không, lúc nào cũng cư xử như thể mình là diva. Rất khó nói chuyện và làm việc với họ. Chính những người đó làm nới rộng ranh giới giữa những người không trong ngành như chúng ta và các nhà soạn nhạc, và làm người nghe “né” nhạc cổ điển đương đại. Trên thực tế có nhiều nhà soạn nhạc rất dễ gần và dễ mến. Nhạc họ viết cũng “thân thiện” với người nghe hơn. Giáo sư (GS.) nhà soạn nhạc Claude Baker của trường đại học Indiana University nằm trong số này.
Hơn 30 năm đi dạy, GS. Baker đã nhận được nhiều giải thưởng thuộc loại “danh giá” nhất trong ngành, ví dụ từ Tổ Chức Fromm, Guggenheim. Hàng năm ông vẫn được mời đi dạy ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ - đây là một thành công đáng kể của một GS. âm nhạc. Hỏi ông về công việc sáng tác và đi dạy, những điều ông chia sẻ làm người nghe nhạc nhiên - bởi vì nó rất thiết thực, và cũng gần gũi vì chúng ta có thể tìm thấy sự liên hệ cho mình.

Anvi Hoàng: Có phải là ai cũng có thể học để sáng tác nhạc được?
GS. Claude Baker: Ai cũng có thể học để sáng tác nhạc được, nhưng hay hay dở lại là chuyện khác.

Anvi Hoàng: Ai là người quyết định nhạc hay hay dở?
GS. Claude Baker: Hàng mấy thế kỷ truyền thống âm nhạc phương Tây đã ăn nhập vào truyền thống âm nhạc hiện đại và dọn đường cho cách chúng ta nhìn nhận thế nào là “hay” và “dở”. Cảm nhận của chúng ta bị chi phối bởi những nghiên cứu về âm nhạc trong quá khứ. Nhạc được xem là “hay” khi nó được so sánh với những gì trước nó, và người ta vẫn tiếp tục bàn cãi về khái niệm “hay/dở”. Tôi có thể đánh giá một tác phẩm là hay trong khi người đồng nghiệp của tôi thì cho rằng nó dở ẹt. Điều chúng tôi đồng ý với nhau là nhà soạn nhạc biết cách vận dụng kỹ thuật và kiến thức để xử lý tác phẩm tốt, nhưng nói đến chuyện thưởng thức âm nhạc, chúng ta được bảo rằng “đây là nhạc hay”, “Beethoven là hay” quá lâu rồi nên lúc nào chúng ta cũng đem mọi thứ so sánh với những tác phẩm chuẩn mực này mà xét “hay/dở”.

Anvi Hoàng: Những nhà soạn nhạc nào đã có ảnh hưởng đến giáo sư?
GS. Claude Baker: Rất nhiều người. Về mặt thẩm mỹ, tôi chịu ảnh hưởng của George Rochberg, về mặt âm thanh là George Crumb, về mặt phối nhạc là Jacob Druckman. Tôi nghĩ người nghe nhạc của tôi sẽ thấy được những nguồn ảnh hưởng lớn này và tôi không ngại công nhận điều đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người ta đem vào âm nhạc của họ đặc tính cá nhân (individuality). Khái niệm độc đáo (originality) là tự lòe bản thân - không có ai là độc đáo (original) cả, nhưng người ta có đặc tính cá nhân - người ta lấy những gì mình học được, tổng hợp pha trộn theo cách riêng của mình. Hai nhà soạn nhạc, cùng theo học một chương trình, cùng nghe một loại nhạc, nhưng nhạc họ viết ra vẫn rất khác nhau bởi vì họ “lọc” mọi thứ qua lăng kính riêng của mình. Vì vậy con người ta có đặc tính cá nhân.

Anvi Hoàng: Sáng tác nhạc đem đến cho giáo sư những gì mà các ngành nghề khác không làm được?
GS. Claude Baker: Đó là cảm giác mãn nguyện. Viết một bản nhạc là việc khó nhất trên đời đối với tôi, và tôi nghĩ đối với các nhà soạn nhạc khác cũng vậy. Nếu tôi làm được việc này và cảm thấy rằng tôi làm tốt thì có được cảm giác mãn nguyện tuyệt vời, và đó là lý do tôi sáng tác.
Tôi không cần biết những nhà soạn nhạc khác nói gì, họ có thể nói “tôi sáng tác vì nhân loại”, nhưng thật ra họ cũng sáng tác vì những lý do cá nhân ích kỷ như mọi người. Có một sự thật mà tôi tin: đó là “sản phẩm phụ” của việc sáng tác, cũng như trong ngành hội họa hoặc viết văn, là việc khám phá bản thân, và chúng ta dùng việc sáng tác để tìm hiểu nhiều hơn về bản thân mình, về những xung đột nội tâm hoặc các vấn đề khác. Vì vậy tôi không tiếc bỏ ra hàng giờ mỗi ngày “cày” trên trang giấy chỉ vì những khám phá về bản thân mà tôi học được trong quá trình làm việc.
Một “sản phẩm phụ” khác là khi nhạc của mình được chơi, hoặc khi tranh của mình được triễn lãm, mình hy vọng rằng khán giả sẽ đồng cảm với nó, và qua tác phẩm của mình họ khám phá bản thân, thấy được họ là ai và các vấn đề của họ là gì. Đối với tôi nhạc của Mahler là như thế. Tôi nghe nhạc ông và nó buộc tôi phải suy nghĩ theo kiểu mà từ trước tới giờ tôi chưa từng nghĩ tới về cuộc sống, về nghệ thuật, về quan hệ cá nhân, về tất cả mọi thứ. Do đó tôi tin rằng cuối cùng lại, tác phẩm và công việc của mình có một giá trị vượt ngoài bản thân, rằng mình đang làm một việc lớn lao. Nhưng đây không phải là động cơ để sáng tạo và làm việc - người nào nói động cơ sáng tạo và làm việc là để tạo ra giá trị vượt ngoài bản thân chỉ là kiêu ngạo thôi.

Anvi Hoàng: Giáo sư có thể dạy sinh viên những gì?
GS. Claude Baker: Tôi có khuynh hướng tập trung vào kỹ thuật và kiến thức. Kiến thức âm nhạc rất quan trọng. Mỗi khi sinh viên viết một bản nhạc, ví dụ cho dàn nhạc tứ tấu đàn dây, tôi muốn họ phải hiểu biết thật rành về lãnh vực này vì nếu không biết về lịch sử của dàn nhạc và các nhạc cụ trong dàn nhạc thì không thể viết một bản nhạc hay được. Mỗi tuần sinh viên đều có một danh sách các bản nhạc họ phải nghe. Sau đó tôi đặt câu hỏi về các bản nhạc này, tôi muốn biết họ học được những gì từ chúng và các nhà soạn nhạc này có gì truyền đạt đến họ không. Tôi cũng dạy họ nghe các nhạc cụ và viết nhạc cho đúng. Tôi không nói nhiều về vấn đề tâm lý và triết lý.

Anvi Hoàng: Tại sao lại không?
GS. Claude Baker: Bởi vì vấn đề triết lý mang tính cá nhân và khó nói khó dạy. Tôi muốn sinh viên học được kỹ thuật để có thể cấu trúc một bản nhạc cho tốt và có kiến thức vững, nếu không, có bàn đến triết lý mà họ không có phương tiện để thực hiện thì cũng như không.

Anvi Hoàng: Những gì không thể dạy cho sinh viên được?
GS. Claude Baker: Không thể dạy họ năng khiếu âm nhạc (musicality). Có thể dạy sáng tác nhạc đến một mức nào đó nhưng nếu không có khiếu thì cũng không tiến xa được. Nhạc của họ sẽ không có hồn. Do đó phải có khiếu, là thứ trời cho.

Anvi Hoàng: Nhà soạn nhạc cần có những đức tính quan trọng nào?
GS. Claude Baker: Kỷ luật là đức tính quan trọng. Đầu óc cởi mở để có thể tiếp nhận nhiều thứ thay vì là từ chối chúng. Phải để cho mình chịu những ảnh hưởng từ bên ngoài vì đó là lý do người ta phát triển. Ví dụ âm nhạc của Ligeti thay đổi và phát triển rất nhiều qua suốt cuộc đời ông bởi vì lúc nào ông cũng bị quyến rũ bởi những gì xảy ra xung quanh: nào là trống châu Phi, nhạc điện tử. Ông học tất cả những thứ này và hấp thụ ảnh hưởng từ tất cả những gì ông nghe – như là một đứa trẻ lúc nào cũng nhiệt tình hồ hởi suốt cả đời.
Lắng nghe âm thanh xung quanh mình. Điều này không có nghĩa là mình phải thay đổi bản thân vì Ligeti lúc nào cũng là Ligeti, ở ông có đặc tính cá nhân mà lúc nào người ta cũng nhận ra. Không hiểu sao chứ, để cho nhiều thứ xen vào đời mình là một cách để phát triển.

Anvi Hoàng: Người ta hay nói âm nhạc xuất phát từ tâm hồn, giáo sư nghĩ có đúng không?
GS. Claude Baker: Cũng đúng. Âm nhạc được lọc qua trí tuệ và năng khiếu âm nhạc của mình, nhưng tâm hồn là một chuyện phức tạp. Người ta hay có cái nhìn lãng mạn về nhà soạn nhạc, cứ tưởng tượng họ ngồi bên dòng suối chảy róc rách mà sáng tác - ví dụ người ta hay nghĩ thế về Schubert. Trên thực tế, tất cả đều là làm việc cật lực. Công việc sáng tác nào cũng khó khăn, vẽ hoặc viết văn đều thế.

Anvi Hoàng: Giống như Einstein nói: 99% mồ hôi và 1% cảm hứng?
GS. Claude Baker: Nhưng 1% cảm hứng đó là đến từ tiềm thức. Vì vậy nhà soạn nhạc nào viết đều đặn mỗi ngày thường viết nhạc có định hướng tốt hơn bởi vì mình phải nuôi tiềm thức của mình. Đến khi mình không suy nghĩ về công việc của mình nữa thì lúc đó tiềm thức bắt đầu làm việc. Một vấn đề mình suy nghĩ mãi mà không giải quyết được thì tiềm thức sẽ giải quyết. Tiềm thức là nơi cảm hứng trú ngụ. Nói như thế không có nghĩa là nó không mầu nhiệm - tiềm thức hoạt động cho mình là chuyện đầy bí ẩn và kỳ diệu.

Anvi Hoàng: Những thành công của giáo sư là do đâu mà có?
GS. Claude Baker: Phần nhiều là may mắn – đúng thời điểm, đúng chỗ. Ví dụ trong một hội đồng tuyển chọn, một giám khảo chọn người này, nếu thay thế ông giám khảo này bằng một ông khác thì ông này chắc chắn sẽ chọn người khác. Tôi từng làm giáo khảo nhiều lần và chứng kiến những chuyện này. Tôi cho điểm một thí sinh cao nhất, trong lúc các đồng nghiệp của tôi cho người thí sinh đó điểm thấp nhất. Thường trong các cuộc thi, người nào thuộc loại “trung hòa”, “làm mất lòng” các giám khảo ít nhất thì người đó nhận được giải thưởng. Vì vậy, mặc dù tôi rất vui vì những giải thưởng mình nhận được, tôi cũng hiểu rằng điều này không có nghĩa mình là một nhà soạn nhạc tuyệt vời.

Anvi Hoàng: Một nhà soạn nhạc tuyệt vời là thế nào?
GS. Claude Baker: Nếu tôi nghe một bản nhạc mà phải thốt lên, “Wow, thật tuyệt vời!” và tôi nín thở mà nghe thì đó là một nhà soạn nhạc tuyệt vời.

Anvi Hoàng: Liệu có thể nói rằng hiện tại chúng ta cũng có nhiều “Mozart” và “Bethoveen” nhưng họ chỉ được công nhận trong tương lai?
GS. Claude Baker: Tất nhiên, và những nhà soạn nhạc mà chúng ta cho là tuyệt vời bây giờ sẽ đi vào quên lãng. Không ai biết trước được. Sớm muộn gì người ta cũng viết lại lịch sử.

Anvi Hoàng: Tại sao người ta thích Beethoven đến thế?
GS. Claude Baker: Bởi vì nhạc của Beethoven là một ngôn ngữ quen thuộc rồi, chúng ta không cần phải cực khổ tìm hiểu nữa. Một bản nhạc mới thì khác. Nhưng nói chung âm nhạc thì “khó bán” hơn. Ví dụ một bức tranh hoặc một bức điêu khắc, nếu nhìn nó mà không hiểu thì chúng ta có thể nhìn đi nhìn lại đến khi hiểu thì thôi. Trong lúc đó âm nhạc nghe qua là xong, trong buổi hòa nhạc chúng ta không thể bắt nó dừng lại để nghiên cứu. Còn nghe đĩa, nếu nghe qua mà chúng ta không có ấn tượng thì cũng không muốn nghe lại. Các nhà soạn nhạc hồi xưa mà bây giờ chúng ta cho là vĩ đại cũng gặp những khó khăn tương tự.

Anvi Hoàng: Vậy thời gian là yếu tố quyết định?
GS. Claude Baker: Và khả năng mở rộng đầu óc đối với những gì lạ lẫm.

Anvi Hoàng: Một người muốn tập nghe nhạc cổ điển nên làm gì?
GS. Claude Baker: Nhạc người ta nghe trong thính phòng cũng không khác gì nhạc người ta đã từng nghe trên TV, trong phim - sự khác biệt là với TV và phim họ có cái gì để nhìn và liên tưởng. Nếu đem cùng những bản nhạc đó vào phòng hòa nhạc thì người ta lại đòi hỏi nhạc phải như thế này thế kia, phải có âm điệu quen thuộc, v.v.. Người ta không nên đến phòng hòa nhạc mà trong đầu đã định sẵn nhạc phải nên như thế nào và nhạc phải tạo ấn tượng như thế nào đối với người nghe.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT