Thế Giới

Nhà hoạt động Ấn Độ ngưng tuyệt thực sau 16 năm

Tuesday, 09/08/2016 - 08:48:45

Sau khi thất bại phải ra khỏi lớp 12, bà viết một cột báo, và đi khắp tiểu bang bằng xe đạp, thu thập những báo cáo về những vụ ngược đãi của các lực lượng an ninh cho một tổ chức nhân quyền địa phương.

Bà Irom Sharmila bị ép ăn qua ống gắn vào mũi vì bà nhứt quyết tuyệt thực.


IMPHAL - Một cuộc tuyệt thực dài kỷ lục đã kết thúc vào ngày thứ Ba vừa qua.

Trước đây, vào ngày thứ Năm đầu tiên của tháng 11 năm 2000, bà Irom Sharmila từng bắt đầu nhịn ăn hàng tuần theo một quy định tôn giáo. Bà không ngờ rằng việc đó sẽ kéo dài 16 năm trước khi bà ăn bữa bình thường kế tiếp.

Ngày hôm đó, lực lượng an ninh Ấn Độ giết chết 10 thường dân, tại một trạm xe buýt tại tiểu bang Manipur đầy bất ổn của bà Sharmila ở miền bắc nước Ấn. Vụ sát hại này khiến cho bà bắt đầu một cuộc tuyệt thực mà sau đó trở thành cuộc nhịn ăn lâu nhất trên thế giới. Bà nhịn đói để phản đối một đạo luật gây tranh cãi cấp quy chế không bị trừng phạt cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ trong khu vực lộn xộn.

Từ đó, bà bị giam trong một phòng bệnh viện, và bị ép ăn qua những ống trong mũi bà. Trong tình trạng bị cô lập, bà trở thành một biểu tượng trong cuộc chống đối trong ôn hòa để phản đối những hành động tàn ác của quân đội. Nhưng trong tháng qua, bà gây ngạc nhiên cho cả các cộng sự viên thân cận nhất của bà, khi nói rằng bà sẽ kết thúc cuộc tuyệt thực vào ngày 9 tháng Tám.

“Đây đã là cuộc sống của tôi trong 16 năm qua. Giờ tôi muốn lấy lại cuộc đời của tôi,” bà nói với một nhóm nhỏ gồm các cộng sự viên gặp bà trong tháng qua, ở bên ngoài bệnh viện tại Imphal, thủ phủ của Manipur.
Vào sáng thứ Ba, một quan tòa đã cho phép bà được đóng tiền thế chân để được trả tự do, sau khi bà hứa sẽ ngưng tuyệt thực. Vài giờ sau, bà xuất hiện trong một cuộc họp báo với những ống được tháo gỡ ra khỏi mũi.
Bà Sharmila, 44 tuổi, có vóc dáng gầy guộc, tóc xoăn cho biết bà dự định ra tranh cử trong các cuộc bầu cử tiểu bang trong năm tới. Bà nói rằng bà sẽ kết hôn với vị hôn phu của bà, một người Anh gốc Ấn Độ. Ông bắt đầu viết nhiều lá thư cho bà, sau khi đọc tin tức về bà trong năm 2009.

Lời loan báo của bà từng gây ra một cuộc tranh cãi ở Manipur, một tiểu bang cô quạnh xa xôi, có nhiều khu rừng và đồi núi, nằm dọc biên giới với Miến Điện. Nhiều người ủng hộ lo ngại rằng chính nghĩa của Sharmila sẽ bị hoen ố bởi chính trị. Họ đặt câu hỏi về ảnh hưởng của ông Desmond Coutinho, vị hôn phu của bà. Những người cùng hoạt động với bà mô tả ông là một người hơi lập dị. Sharmila được gọi là “Phụ Nữ Sắt Manipur”.
Nhưng những người khác tin rằng bà chỉ tính toán rằng cuộc tranh đấu đơn độc lâu dài của bà cần một chiến lược mới.

Đạo luật (Các Quyền Hạn Đặc Biệt) Các Lực Lượng Vũ Trang được ban hành vào năm 1958 ở Manipur, cấp cho các lực lượng an ninh Ấn Độ thẩm quyền rộng rãi hơn trên một tiểu bang, nơi mà nhiều nhóm nổi dậy địa phương kích động đòi nền độc lập. Sharmila là người trẻ nhất trong số chín anh chị em, trong một gia đình trung lưu thấp hơn. Bà lớn lên giữa lúc có những lệnh giới nghiêm và một sự hiện diện đông đảo của binh lính và biệt kích cảnh sát.

Sau khi thất bại phải ra khỏi lớp 12, bà viết một cột báo, và đi khắp tiểu bang bằng xe đạp, thu thập những báo cáo về những vụ ngược đãi của các lực lượng an ninh cho một tổ chức nhân quyền địa phương.

Vào ngày 2 tháng 11 năm 2000, một trái bom bên đường phát nổ ở gần một chiếc của lực lượng bán quân sự bên ngoài Imphal. Không có ai bị thương cả. Thế nhưng đơn vị biệt kích đã trả đũa bằng cách bắn vào các cư dân, giết chết 10 người. Lực lượng bán quân sự nói rằng người của họ đã hành động để tự vệ, mặc dù một cuộc điều tra tư pháp tìm thấy rằng không có bằng chứng ủng hộ cho lời lực lượng này nói.

Đạo luật về các quyền hạn đặc biệt có nghĩa là không có thành viên nào của lực lượng an ninh có thể bị quy trách nhiệm về vụ đó, hoặc về bất kỳ hành động tàn bạo khác. Các nhà hoạt động nói rằng đã có hơn 1,500 vụ giết người không được luật pháp cho phép, ở Manipur trong hai chục năm qua. Các lực lượng Ấn Độ phủ nhận những lời cáo buộc rằng các thành viên của họ đã làm những vụ ngược đãi.

Trong tháng qua, Tối Cao Pháp Viện Ấn Độ phán quyết rằng các lực lượng vũ trang không thể sử dụng các quyền hạn quá mức căn cứ theo theo luật ấy. Đây là một chiến thắng quan trọng cho các nhóm nhân quyền, vì họ vẫn còn muốn đảo ngược hoàn toàn đạo luật ấy. Những người ủng hộ nói rằng cuộc tuyệt thực của bà Sharmia đã có công làm cho người ta chú ý đến luật ấy, vẫn còn có hiệu lực ở Kashmir, một tiểu bang mất an ninh ở miền bắc. Kashmir là đối tượng của một cuộc tranh chấp biên giới dai dẳng với Pakistan.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT