Chuyện Nước Pháp

Nhà ga xe lửa miền Đông tại thủ đô Paris (kỳ 2 hết)

Sunday, 05/11/2017 - 10:00:57

Trong lịch sử, nhà ga miền Đông (Gare de lEst) đã được xây dựng từ năm 1847 bởi kiến trúc sư François-Alexandre Duquesnay và kỹ sư Pierre Cabanel de Sermet. Vua Nã Phá Luân thứ III khánh thành năm 1850 với cái tên Embarcadère de Strasbourg trước khi đổi tên mới cho đến nay là Gare de lEst từ năm 1854.

Bài NGỌC DIỄM

Trong lịch sử, nhà ga miền Đông (Gare de lEst) đã được xây dựng từ năm 1847 bởi kiến trúc sư François-Alexandre Duquesnay và kỹ sư Pierre Cabanel de Sermet. Vua Nã Phá Luân thứ III khánh thành năm 1850 với cái tên Embarcadère de Strasbourg trước khi đổi tên mới cho đến nay là Gare de lEst từ năm 1854.



Nhà ga lối vào chính diện với tượng kỷ niệm Strasbourg trên nóc cao, phía Tây.


Về phía Đông nhà ga có tượng phụ nữ kỷ niệm thành phố Verdun của nhà điêu khắc Varenne, phía Tây trên đỉnh nhà ga là tượng của điêu khắc gia Le Maire vinh danh thành phố cây xanh Strasbourg.


Tượng điêu khắc một phụ nữ tượng trưng thành phố Verdun của Hoà Bình.

 

Tượng hai nữ nhân vinh danh vùng Meuse và Marne phía trên có tên thành phố Verdun, phía Đông

 

Tượng điêu khắc trên đỉnh nhà ga miền Đông nhắc đến thành phố cây xanh Strasbourg.

Chúng ta hãy trở lại nhà ga bên trong với hình chụp phía cánh trái của nó có tấm tranh đặc biệt treo chính giữa. Đây là bức tranh khổng lồ do họa sĩ Mỹ Albert Herter (1871-1950) đã thực hiện và được chưng bày từ năm 1926 (có tài liệu ghi là Alfred mà không là Albert). Ông đã vẽ cảnh những người lính ra trận năm 1914, để kỷ niệm con trai lớn của ông bị giết chết gần lâu đài Thierry trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến. Thật đáng nể khi biết vị anh hùng này đã tự động xung phong ra trận!

Hầu như truyền thống dũng cảm này lúc đó đã thấm sâu vào tâm tư người Mỹ là chiến đấu và hy sinh cho Tự Do. Tác giả là người cầm bó hoa chúc xuống bên phải của bức tranh, tay mặt đặt lên tim như để chào quốc kỳ. Con trai ông đứng giữa cầm nón kepi chào từ giã với hoa trên đầu súng, hai cánh tay giơ cao làm thành hình chữ V-Victoire, Chiến thắng; phu nhân của ông đứng bên trái đôi tay giao nhau. Tranh thuộc trường phái Rockwell với gam màu xanh dương và vàng nhạt của đất.

Thống chế Pháp Joffre là nhân vật đã đến nhà ga khánh thành bức tranh. Thế là nguồn gốc bức bích họa đặc biệt nơi đây được soi sáng, tôi đã chép và dán bức tranh sưu tầm trên mạng lớn hơn một chút để thấy nét phóng đại. Tên của bức tranh là “Le départ des poilus.” Ngày ra đi của chinh phu 1914-1918. Người chinh phu anh hùng vốn là một nghệ sĩ đã để lại cho chinh phụ hai con trai còn bé dại sau ba năm chung sống.

Trong số lính tráng ra trận chưa kịp khoác lên người đồng phục quân nhân có nhiều tầng lớp dân chúng ngành nghề khác nhau, họ đều chung tấm lòng cương quyết hy sinh cho tổ quốc đang bị giặc Đức xâm chiếm. Bức tranh với tấm phông chiếc xe lửa màu xanh dương phía sau và đoàn người đưa tiễn thân quyến lên đường ra trận là kỷ niệm vô giá duy nhất gắn nơi nhà ga miền Đông. Thông thường, người Pháp cho dùng các bảng đá cẩm thạch khắc chữ lưu niệm thế chiến 14-18 tại các nhà ga lớn khác.  
 


Bức hình chính giữa bên cánh trái nhà ga có diện tích là 60 mét vuông. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Một bức tranh nữa rất lạ lùng vẽ chân dung John Lennon của ban nhạc trẻ The Beatle đang ăn trái dâu tươi. Người xem dễ nhận ra nhờ cặp kính cận thị tròn và chiếc mũi hơi cong khoằm xuống của John.



Bức tranh chưa tìm ra manh mối tác giả vẽ nhạc sĩ đại tài John Lennon. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Lịch sử của nhà ga miền Đông đặc biệt liên quan đến nước Đức từ giai đoạn thế chiến thứ hai 1939-1945 đã chiếm đóng vùng Đông Pháp và điều hành đường xe lửa. Cho đến hiện giờ, nó còn giữ ấn bản của Đức quốc như xe lửa chạy giữ bên phải trong khi phần còn lại của Pháp thì chạy bên trái. Chúng ta nhớ lại là Anh quốc sáng chế ra đường rầy xe lửa chạy bên trái như xe hơi vậy.

Ngồi trong xe lửa, tôi thấy chiếc xe lửa chạy ngược chiều ở bên phải của xe lửa có tôi ngồi vì chúng ta ngồi hai phía ghế đối diện nhau. Có lúc tôi thấy ngược lại, thật khá rắc rối tuy chỉ có hai phía! Tựu chung, giữ lề trái là luật lệ xe lửa bên Tây trong khi giữ lề phải là cho xe cộ lưu thông.

Lùi xa vào năm 1914, ga miền Đông đã từng chứng kiến cảnh động viên toàn bộ trai tráng lên đường chống Đức rất hăng hái nhưng số đông đã không bao giờ trở về như phần bài trên đã nhắc tới. Sau đó, nhà ga lại đón lấy những chiến sĩ về phép hay thương binh được đưa vào bệnh viện Villemin gần đó chăm sóc. Vào năm 1917 để tránh máy bay Đức oanh tạc thủ đô, ga miền Đông cũng được làm giả mạo theo với cảnh Paris hoá trang đánh lạc hướng chúng (bài viết với chủ đề này cùng tiết mục đã ra mắt độc giả mấy năm trước).  
   
Từ năm 1924 cho đến năm 1931 nhà ga được tân trang bởi kỹ sư Bertaud và làm rộng lớn hơn với 30 đường rầy. Phần diện tích mới thêm ở cánh Đông hoàn toàn đối xứng với phần đầu đã có sẵn. Khi thế chiến thứ hai xẩy ra, lại tái diễn cảnh đưa quân ra trận và đón tiếp thương binh trở về. Cuối năm 1945 có thêm cảnh xe lửa chở về những nạn nhân gốc Do Thái bị Đức thanh toán trong trại tập trung còn sống sót trở về. Một tấm khắc kỷ niệm lưu lại trong lòng nhà ga nhắc mãi cảnh đau thương này của lịch sử Pháp.    
 
Vào bên trong nhà ga rất rộng lớn kể cả các quán ăn nhỏ dọc theo bờ lề của đường rầy xe lửa đánh số từ số 2 đến số 30 trên tấm biển con nhỏ xíu màu vàng. Đi bộ và kéo hành lý từ đầu này sang đầu kia (số 2 đến số 30) cũng khá lâu chừng năm phút trở lên. Vùng đất xe lửa đưa tôi đến và đi thuộc hàng đầu số 2 và đôi khi phải đến số 17 hay 23 đến cuối đầu kia tùy chuyến vào ga lúc nào trống chỗ.



Hành khách lấy xe lửa đi về miền Đông từ Paris, đường rầy số 2 sát nhà cửa bên ngoài. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Phía đầu nhà ga với đường khởi hành số 2, 4 và 6. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Bến tới và bến đi không rõ như bên phi cơ vì xe lửa quan trọng vào và ra chỉ có một đường rầy duy nhất với hai cỗ máy đặt hai chỗ đầu-đuôi lúc vào-ra. Loại xe TGV như vậy Tây gọi là có hai cỗ máy (deux locomotives), cái ở trước kéo tới và cái ở sau đẩy phụ thêm. Hai vận tốc kéo và đẩy phải hoàn toàn giống nhau mới không bị xóc. Nếu máy điện toán khám phá một trong hai bị hỏng thì tài xế sẽ tiếp tục cho cái khoẻ chạy tới bến. Tất nhiên, xe lửa không phải làm đờ-mi tua hay gì cả để tới lui, rất tiện lợi.


Hai xe lửa TGV đang đậu song song trên đường rầy sát rạt nhau. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Chiếc TGV màu xám và xanh dương có tám đoạn với mũi kéo nơi ông tài ngồi (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

 

Những ụ xi măng đánh dấu cho xe lửa ngừng lại cuối đường rầy vào ga. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Nói chung có ba nơi là màu vàng từ 2 đến 12, xanh dương từ 23 đến 30 và không màu từ 13 đến 22. Khách tới nơi ngóc cổ nhìn màn ảnh nhỏ báo con số đường rầy là bao nhiêu mà đi tới chứ không cần biết chia ra thế nào. Nếu còn sớm thì các con số chưa hiện ra kịp vì xe lửa chưa tới nơi. Còn khoảng 10 phút xe lửa khởi hành thì họ ghi lên máy phát ra con số cho khách hàng tiến về vùng ra đi khỏi thủ đô.
Đặc biệt, dưới hai đường rầy số 2 và số 3 là nơi tôi lấy xe lửa rời đi đã có một cái hầm lớn tới 120 thước vuông-bunker-được bí mật xây dựng để có thể phục vụ xe lửa vẫn chạy thời đầu thế chiến thứ hai. Hầm có ba gian chính là nơi chứa phòng máy móc dụng cụ, điện thoại và nơi điều chỉnh mọi thứ. Nó có thể chứa đến 70 người trong đó. Cuối cùng người Pháp lại không bao giờ dùng tới chỗ trú ẩn này nhưng lính Đức đã khám phá ra nó vào lúc sắp bại trận và lưu lại mấy hàng chữ trên vách còn nguyên đến giờ làm kỷ niệm!


Sát đường rầy xe lửa trên cao có ghi số 7 và 8 màu vàng là chỗ xe lửa sẽ ghé bến. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trong lúc đi vào nhà ga, tôi nhìn thấy toán quân lính tiến ra phía cửa rời khỏi nơi này. Họ đi êm ru và bình thản tay cầm súng lăm lăm nhưng đầu súng chúc xuống đất trong khi dân chúng thản nhiên tới lui như thường lệ. Sau lưng họ có một con bồ câu đơn độc đang tìm thức ăn tỉnh khô không hề sợ người đuổi đi.


Toán lính gác bốn người mặc thêm áo giáp tay ôm súng sắp sửa rời nhà ga. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông).

Dù cho sự có mặt đặc biệt của những chàng lính canh này, tôi và dân chúng chung quanh khá đông lúc ấy ai nấy đều thản nhiên lo làm công chuyện của mình là đang lo đi xa đâu đó. Chú bồ câu lúc nảy lại le te gần nơi tôi đứng nên được vào máy ảnh luôn thể. Đây là tượng trưng cho hòa bình dù chiến tranh vừa mới lướt qua.

 

Bồ câu nhà ga Paris giữa chiến tranh rất ít và hòa bình thật nhiều. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Thế rồi chiếc TGV mang số 2505, vé hạng nhì (2eme classe), toa xe thứ 18 chạy về thành phố lớn Nancy Ville miền Đông đưa tôi rời Paris. Bận đi tôi ngồi xe lửa vé hạng nhất (1ère classe) với một đồng Tây mắc hơn nhờ họ chiều đãi khách, chỉ là rộng rãi hẳn chứ chẳng có gì lạ và chỗ dư rất nhiều. (nd)

 

Trong toa xe thứ 18 có ghế ngồi ghi số rõ ràng cho từng hành khách (Ngọc Diễm/ Viễn Đông).


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT