Hoa Kỳ

Nhà chức trách khuyên dân nên giữ an toàn khi đốt pháo ngày 4 tháng 7

Wednesday, 03/07/2019 - 07:37:43

Pháo bông là một phần không thể thiếu khi ăn mừng ngày Độc Lập, tuy nhiên, các bác sĩ và các viên chức an toàn cộng đồng đang kêu gọi người dân phải cẩn thận, sau khi hơn 9,000 người Mỹ đã bị thương vì pháo bông trong năm ngoái.


Xe tăng vào thủ đô Mỹ

Các quân nhân thuộc lực lượng Bộ Binh đang hoàn tất công tác mang một chiếc xe tăng Bradley đặt cạnh sân khấu trước Bảo Tàng Viện Tưởng Niệm Lincoln ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Tư, chuẩn bị cho lễ Độc Lập năm nay với chủ đề "Hoan Hô Nước Mỹ.” Tổng Thống Donald Trump sẽ đọc diễn văn tại buổi lễ này, với mấy chiếc xe tăng trên mặt đất, chiến đấu cơ bay trên bầu trời, nhằm phô trương sức mạnh của Mỹ. (Mark Wilson/Getty Images)


Pháo bông là một phần không thể thiếu khi ăn mừng ngày Độc Lập, tuy nhiên, các bác sĩ và các viên chức an toàn cộng đồng đang kêu gọi người dân phải cẩn thận, sau khi hơn 9,000 người Mỹ đã bị thương vì pháo bông trong năm ngoái.

“Thật đáng buồn” khi những người đi cấp cứu đều không hiểu rõ nguy cơ của pháo bông, Bác Sĩ cấp cứu Robert Glatter của bệnh viện Lenox Hill ở New York nói.
Vào năm ngoái, 5 người đã thiệt mạng trên cả nước vào 9,100 người khác phải vào bệnh viện vì các vết thương gây ra bởi pháo bông, theo báo cáo 2018 của Ủy Ban Sản Phẩm An Toàn (CPSC)
Trong số những ca bị thương, khoảng 62% xảy ra từ ngày 22 tháng 6 đến 22 tháng 7, và trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 36%. Pháo bông có chứa lưu huỳnh, bột than, và thuốc súng, và những mảnh vụn nóng đỏ của pháo bông có thể đạt tới hơn 1,300 độ F, theo CPSC.

“Nhìn chung, mọi người đều không hình dung được pháo bông mạnh và nguy hiểm tới mức nào,” ông Glatter nói. Theo báo cáo của CPSC, bàn tay và ngón tay là dễ bị tổn thương nhất trong các tai nạn pháo bông.
“Chúng tôi từng thấy các vết phỏng bị lột da và tổn thương cơ, phải cần nhiều năm trị liệu mới có thể phục hồi,” ông Glatter nói.

Ngoài ra, vết thương có thể ảnh hưởng cả đời nếu xảy ra trên bàn tay thuận của nạn nhân, vì bàn tay có thể sẽ không bao giờ khôi phục được năng lực như ban đầu.
Bác Sĩ Glatter cũng khuyên mọi người nên đeo kính bảo vệ mắt khi chơi pháo bông. Nếu không đeo kính, người đốt pháo có thể bị mù mắt và phỏng giác mạc. Số lượng các ca tổn thương mắt đã tăng gấp đôi từ năm 2016 tới 2017, theo báo cáo của CPSC.

“Nếu pháo bông bay trúng mắt,” hậu quả sẽ là phỏng nặng dẫn tới mù mắt và mặt biến dạng, ông Glatter nói. Nếu bị mảnh pháo văng vào mắt, điều quan trọng là không chạm vào mắt và đến bệnh viện ngay lập tức, ông Glatter khuyên. “Việc dụi mắt sẽ khiến vết phỏng tồi tệ hơn và phá hủy các mô ở mắt,” vị bác sĩ nói.
Ngoài ngón tay và bàn tay, các phần cơ thể khác dễ bị thương trong các tai nạn pháo là chân và mắt, sau đó là đầu, mặt, tai, và cánh tay, theo báo cáo của CPSC. Theo một thăm dò của Viện nhãn khoa Hoa Kỳ, chỉ 10% người hỏi ý kiến cho biết họ có đeo kính bảo vệ mắt khi chơi pháo bông.

Theo CPSC thông báo năm ngoái, loại pháo bông tạo tia lửa nhỏ (sparklers) là nguyên nhân hàng đầu gây ra thương tích. Loại pháo bông bắn ra các tia lửa nhỏ này có thể nóng đến 2,000 độ F, đủ nóng để làm chảy một số kim loại. Các bệnh viện vào mỗi năm đều thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị phỏng vì pháo sparklers. Trong năm 2018, hơn 500 người đã phải đi cấp cứu vì pháo sparklers.
Một yếu tố nữa có thể dẫn đến tai nạn là khi người đốt pháo bông bị say rượu hay say ma túy, ông Glatter nói. Một số người không tỉnh táo đã đứng ngay trên pháo bông đang nổ, hoặc nhặt lên trái pháo bị xì. “Một quyết định sai lầm sẽ thay đổi cả đời,” ông Glatter nói. “Hãy suy nghĩ trước khi hành động.” Vào năm ngoái, một người đàn ông 40 tuổi đã gãy 3 ngón tay sau khi đốt pháo khi say rượu.

Những người đi đường cũng được khuyên phải đề phòng tai nạn pháo bông. Người xem đốt pháo có thể bị thương vì bụi, hóa chất, hoặc mảnh kim loại bắn ra từ pháo bông. Ông Glatter khuyên người xem đốt pháo nên mặc áo dài tay, quần dài, cho dù trời nóng, để bảo vệ bản thân. Ngoài ra, bụi pháo có thể gây ra một cơn co thắt phế quản đối với những người bệnh phổi, bệnh suyễn, hoặc các bệnh mãn tính về hô hấp.

Cơ quan CPSP đã đưa ra một số lời khuyên để giữ an toàn khi đốt pháo bông như sau:
- Không bao giờ cho trẻ em chơi hoặc đốt pháo bông, và phải luôn luôn có một người lớn đứng giám sát việc đốt pháo.
- Tránh mua các loại pháo được đóng gói trong giấy nâu. Đây thường là dấu hiệu rằng loại pháo bông này được sản xuất cho việc biểu diễn chuyên nghiệp, và có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
- Không bao giờ đặt bất cứ phần nào của cơ thể ngay trên một cây pháo bông khi đang đốt ngòi pháo. Lùi lại đến một khoảng cách an toàn ngay sau khi đốt pháo.
- Không bao giờ cố đốt lại hoặc nhặt cây pháo xì.
- Không bao giờ hướng hoặc ném pháo bông về phía người khác.
- Giữ một xô nước hoặc vòi xịt nước gần nơi đốt pháo, để phòng ngừa trường hợp cháy nổ.
- Chỉ đốt 1 cây pháo bông 1 lần.
- Không bao giờ bỏ pháo bông trong túi quần túi áo, hoặc bắn chúng từ thùng sắt hoặt chậu thủy tinh.
- Sau khi pháo bông đã cháy xong, tạt nước cho ướt các cây pháo đã dùng xong trước khi vất chúng vào thùng rác.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT