Đạo và Đời

Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện

Thursday, 04/03/2021 - 06:59:25

Hàng năm cứ đến ngày đại lễ Vượt Qua, những người Do Thái ở khắp nơi xa gần kéo về Giêrusalem để mừng Lễ.


Bên trong nhà thờ St Thomas the Martyr tại Winchelsea, Anh Quốc, nơi nổi tiếng với những kiếng màu tuyệt đẹp. Chúa Giêsu nói “đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.” (Getty Images)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

​Hàng năm cứ đến ngày đại lễ Vượt Qua, những người Do Thái ở khắp nơi xa gần kéo về Giêrusalem để mừng Lễ. Theo luật thời bấy giờ, mỗi người đến dự lễ phải nộp tiền đền thờ và phải dâng lễ vật. Những nhà giàu có thường dâng một con bò hay một con chiên; còn nhà nghèo là một đôi chim gáy. Lễ vật dâng vào đền thờ phải hoàn hảo không có tì vết. Theo nhà sử học Flavius Josephus, hàng năm có khoảng 250,000 con vật được dâng vào đền thờ. Đây là một con số rất lớn, và là mối làm ăn tốt cho những người trông coi đền thờ.

​Đối với những người ở xa, họ không thể đưa súc vật từ nhà tới được bởi vì chúng có thể bị bệnh hoặc thương tích, nói chung là bị tì vết, thì sẽ không đủ điều kiện làm lễ vật. Cho dù những con vật này có hoàn hảo không tì vết thì khi được người của đền thờ xét nghiệm thì cũng bị từ chối. Ngoài ra còn phải trả tiền thù lao cho người xét nghiệm là 1 denarius (tương đương một ngày lương của một người làm vườn nho). Do vậy những người đi lên đền thờ buộc phải mua lễ vật ở trong đền thờ, được bán với một giá cắt cổ. Theo học giả William Barclay kể lại, giá tiền cho một đôi chim gáy bán ngoài chợ chỉ tốn 4 denarii, nhưng tại đền thờ là 75 denarii.

​Ngoài việc dâng lễ vật vào đền thờ, mỗi người Do Thái vào dịp này phải nộp thuế đền thờ. Vào thời bấy giờ người La Mã đang đô hộ nước Do Thái, nên những đồng tiền của họ có in hình hoàng đế La Mã hoặc những thần linh dân ngoại. Tiền của những người sống ở các vùng phụ cận cũng thế, nên buộc phải đổi qua tiền của đền thờ để nộp thuế. Không thấy tài liệu nào ghi lại tỉ lệ trao đổi như thế nào, nhưng chắc chắn tiền bên ngoài đưa vào sẽ bị mất giá rất nhiều so với tiền của đền thờ. Tưởng cũng nên nhắc thêm, là không phải con buôn nào cũng có thể vào đền thờ để làm ăn. Họ phải trả những người trông coi đền thờ một số tiền lớn.

​Một vài những chi tiết về việc buôn bán và đổi tiền tại đền thờ giúp cho chúng ta dễ dàng hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại nổi giận và xua đuổi họ. Ngài quát mắng, “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.” Thực ra chỉ Phúc Âm Thánh Gioan gọi là “nơi buôn bán”; các phúc âm nhất lãm gọi là “hang trộm cướp.” Có lẽ gọi là “hang trộm cướp” thì chính xác hơn bởi vì các thành phần lãnh đạo tôn giáo và con buôn đã cấu kết với nhau thành một tổ chức “trộm cướp” hợp lệ.

​Trộm cướp là tội không thể dung thứ được, và trộm cướp cách hợp lệ ngay tại đền thờ thì càng không thể chấp nhận. Do vậy Chúa Giêsu đã nổi giận và đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ. Ngài không muốn nơi thờ phượng bị hoen ố bởi tội lỗi. Theo William Barclay, thờ phượng mà thiếu lòng kính trọng ThiênChúa và nơi thờ phượng là một điều đáng ghê tởm. Hành động đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ là một hành động thanh tẩy để đền thờ được xứng đáng là nơi thờ phượng Chúa.

​Qua việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, không biết Chúa nghĩ gì và muốn làm gì với đền thờ trong tâm hồn của chúng ta? Hình như đối với chúng ta, Ngài rất nhẫn nại và nhân từ hơn nhiều so với thành phần lãnh đạo đền thờ Giêrusalem ngày xưa. Có lẽ Ngài còn đang chờ chúng ta dọn dẹp và tẩy rửa đền thờ cho sạch sẽ. Hy vọng chúng ta không nên để Ngài đợi lâu quá.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT