Người Việt Khắp Nơi

Nhà báo Ngô Vương Toại đã qua đời, thọ 67 tuổi

Thursday, 03/04/2014 - 09:45:00

Sáu mấy năm chống chọi với bệnh tiểu đường, ông Ngô Vương Toại đã ra đi vĩnh viễn tại Fairfax, tiểu bang Virginia vào sáng sớm thứ Năm vừa qua. Nhà báo này từng là chủ bút tờ Diễn Đàn Tự Do trước khi làm việc tại tại đài Á Châu Tự Do (RFA).


WESTMINSTER – Sáu mấy năm chống chọi với bệnh tiểu đường, ông Ngô Vương Toại đã ra đi vĩnh viễn tại Fairfax, tiểu bang Virginia vào sáng sớm thứ Năm vừa qua. Nhà báo này từng là chủ bút tờ Diễn Đàn Tự Do trước khi làm việc tại tại đài Á Châu Tự Do (RFA).

Tên tuổi của nhà báo này đã gắn liền với những thăng trầm của cuộc chiến chống cộng sản ở Sài Gòn thời 1967, qua sự việc ông bị Việt Cộng bắn lủng ruột tại Sài Gòn. Trong mấy năm gần đây, ít người còn nhớ đến tờ Diễn Đàn Tự Do nhưng không ai có thể quên được hình ảnh một Ngô Vương Toại đã gắng sức vịn vào chiếc Walker đi hàng đầu trong đoàn biểu tình của một ngày tưởng niệm 30/4 ở Thủ độ Hoa Thịnh Đốn.

Ông Ngô Vương Toại sinh ngày 12 tháng Tư, 1947 tại Làng Bái Thượng, tỉnh Thanh Hóa, đã từ trần lúc 12g22 sáng thứ Năm, ngày 3 tháng Tư, 2014 tại nhà thương Fairfax, Virginia.

Ông để lại người vợ Nghiêm Thị Lan, ba người con, một con dâu và hai cháu nội.

Nhà báo Ngô Vương Toại nổi tiếng xông xáo từ thời sinh hoạt sinh viên thập niên 1960s, đặc biệt là khi ông bị đặc công của Việt Cộng (VC) bắn lủng ruột ngay trên sân khấu một buổi ca nhạc đang trình diễn với nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn và ca sĩ Khánh Ly tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn - thời điểm ám sát này là tháng 12-1967, một tháng trước cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân mà VC nhận chìm miền Nam vào biển máu.

Khi miền Nam sụp đổ năm 1975, Ngô Vương Toại thoát ra hải ngoại và về Virginia định cư, nơi ông sau này trở thành Chủ Bút Tuần Báo Diễn Đàn Tự Do, và rồi sau đó làm phóng viên cho Đài RFA trước khi phải nghỉ vì bệnh.

Sau đây là trích đoạn từ một bài viết của Phạm Trần đăng trên mạng Dân Làm Báo về ông Toại:

“Sinh viên Ngô Vương Toại-Giữa cái sống và cái chết. Đó là Tựa đề một bản tin của hãng TV (Tin Việt) viết ngày 18/11/1967 được các báo ở Sài Gòn đăng tải, hai ngày sau khi sinh viên Ngô Vượng Toại bị đặc công Cộng sản bắn trọng thương tại Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

“Toại bị bắn vào dạ dầy, rách 4 đoạn ruột ở tuổi 20 nhưng anh đã được cứu sống để tiếp tục đấu tranh không ngơi nghỉ trên mặt trận báo chí-truyền thông và chính trị thêm 8 năm sau đó ở miền Nam và cho đến khi sức khỏe cạn kiệt ở tuổi 67 ở Hoa Kỳ.

“Biến cố Ngô Vương Toại cuối năm 1967 xảy ra giữa cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự mới ở miền Nam. Đó là năm miền Nam vừa hoàn tất các cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của nền Đệ II Cộng hòa và cuộc bầu chọn 60 nghị sĩ Thượng Viện diễn ra cùng ngày 3/9 (1967). Hơn tháng sau là cuộc bầu chọn 137 dân biểu Hạ Viện được tổ chức ngày 22/10.

“Song song với sự ngột ngạt của chính trị bầu cử là tình hình quân sự trên chiến trường mỗi ngày một gay gắt hơn với cuộc chiến “chiếm đất dành dân” giữa Việt Nam Cộng Hòa và quân Cộng sản.

“Một số vụ ám sát, khủng bố, đặt bom của Đặc công Cộng sản cũng đồng loạt gia tăng tại các thành phố, kể cả ở Sài Gòn. Hoạt động này xảy ra sau khi làn sóng biểu tình chống chiến tranh, chống Hoa Kỳ và quân đội Đồng minh của VNCH của các nhóm sinh viên-học sinh và tu sĩ thân Cộng mới bị kiềm chế ở một số tỉnh miền Trung, đặc biệt tại Huế và Đà Nẵng.

Giữa bối cảnh này, Ngô Vương Toại và một số Sinh viên chống Cộng đã liên kết với nhau trong Chi hội Việt Nam của Tổ chức Liên Minh Thế giới và Liên minh Á Châu chống Cộng do bác sĩ Phan Huy Quát làm Chủ tịch. Họ tập hợp với nhau trong tinh thần tự nguyện nhằm mục đích chống lại sự phá hoại và lôi kéo sinh viên của nhóm sinh viên thân Mặt trận Giải phóng miền Nam.

“Một ranh giới giữa Quốc gia và Cộng sản trong giới sinh viên đã được Toại vạch ra. Một “Quán Văn” cà phê văn nghệ cũng đã được Toại và một số bạn sinh viên yêu ca hát, gặp mặt bỏ tiền túi dựng lên sơ sài ngay trong khuôn viên Đại học Văn Khoa ở đường Cường Để. Các tên tuổi âm nhạc lớn của Việt Nam như Phạm Duy, Thái Thanh, Khánh Lý và Trịnh Công Sơn cũng đã từng đến “Quán Văn” hát cho sinh viên nghe.

“Và cũng từ ‘dòng máu văn nghệ và thích đấu tranh,’ đặc công Cộng sản đã tìm cách sát hại Toại trong đêm Văn nghệ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn tối 16/12/1967.”

“Tên VC đứng gần một tay gạt anh Toại một tay chĩa súng vào bụng anh nổ một phát. Hỗn loạn xảy ra, tên VC bắn thêm mấy phát nữa và thừa lúc lộn xộn cả hai đã tẩu thoát.

“Sau khi Toại bị đặc công Cộng sản bắn trọng thương thì một số sinh viên thân Cộng đã bỏ Sài Gòn vào bưng với Cộng sản trong vụ Tết Mậu thân năm 1968 dưới cái nhãn ‘Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình.’”

“Mới tháng 7 năm 2013, khi ký giả Lê Thiệp, bạn của Tọai qua đời, cựu ký giả Việt Nam Thông Tấn Xã Trần Công Sung từ Pháp qua đưa đám đã bông đùa với các bạn ngay tại nhà quàn: ‘Cậu Toại tuy yếu đấy nhưng còn lâu mới đi dược. Cậu đã qua nhiều phen nên chai rồi.’

“Toại cười rộ lên chêm vào, ‘Tôi đã quá đát rồi!’”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT