Xe Hơi

Nguyên nhân máy xe Overheat: Hệ giải nhiệt trục trặc

Friday, 05/08/2016 - 11:30:34

Để bảo đảm cho hệ thống nhớt làm việc đúng chức năng, chủ xe phải lo sao cho nhớt được đầy đủ và thay nhớt sau một thời gian sử dụng. Đó là những việc chúng ta đã nói tới trong các bài trước. Bài này xin nói về những trục trặc liên quan tới hệ thống giải nhiệt.

Bài HAO SMITH

Máy xe Overheat (quá nóng, vượt trên mức chịu đựng của hệ thống) là một hiện tượng đáng lo ngại. Một khi nó đã xảy ra thì chẳng ai có thể làm gì để cứu vãn, ngay cả những tay thợ tài giỏi, chỉ còn một cách là thay thế bằng một đầu máy mới mà thôi.. Nhưng để ngăn cho nó đừng đi đến chỗ “tận cùng bằng số” như vậy thì chủ xe nào cũng có thể làm được, nếu để ý tới hai nguyên nhân chính sau đây: Hệ thống nhớt (engine oil) và hệ thống giải nhiệt (cooling system). Để bảo đảm cho hệ thống nhớt làm việc đúng chức năng, chủ xe phải lo sao cho nhớt được đầy đủ và thay nhớt sau một thời gian sử dụng. Đó là những việc chúng ta đã nói tới trong các bài trước. Bài này xin nói về những trục trặc liên quan tới hệ thống giải nhiệt.

I. Cấu tạo hệ giải nhiệt

Hệ giải nhiệt thường được gọi bằng một cái tên bình dân: Nước Coolant. Nhưng nước coolant không phải là tất cả, nó chỉ là một thành phần mà thôi. Dĩ nhiên, nước coolant là một thành phần cụ thể và thiết yếu nhất. Ngoài nó ra, hệ giải nhiệt còn nhiều thành phần khác, mà bất cứ thứ nào không hoạt động đúng chức năng cũng có thể đưa đến tình trạng máy xe Overheat. Sau đây là các thành phần cấu tạo:
1. Nước Coolant:
2. Điều nhiệt kế (thermostat)….
3. Radiator (két nước):
4. Hệ thống ống dẫn (Hoses)
5. Quạt và dây kéo quạt
6. Máy bơm (water pump)
Và một vài thứ phụ thuộc khác….

II. Công tác giải nhiệt

Chúng ta sẽ phân tích khái quát về từng thành phần:
1. Nước Coolant: Đây không hẳn là nước, nhưng là một chất lỏng đặc biệt, có khả năng chịu lạnh rất cao mà không đông thành đá, nên cũng được gọi là Anti-Freeze (chống đông). Nước Coolant được chứa trong một cái bể (tank), gọi là Radiator, và xuất phát từ đó để ra đi làm nhiệm vụ, rồi lại quay trở về Radiator theo một vòng tròn khép kín. Nước coolant có thể chảy rò ra ngoài, xuyên qua những lỗ hổng, hoặc rỉ sét ở đâu đó trong hệ thống, và hao ngót dần đi, đến một lúc không còn đủ số lượng để bao quát nhiệm vụ giải nhiệt trong đầu máy nữa. Khi đó, đầu máy sẽ nóng vượt lên, rơi vào tình trạng Overheat.
Để khỏi đối mặt với hoàn cảnh bất ngờ do coolant rò đi đâu hết mà không biết, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra két nước (Radiator) để xem mực nước có luôn luôn đầy lên tới miệng không. Nếu không thì chắc chắn đã có rò rỉ ở đâu đó, bởi vì coolant thường không hao ngót trong vòng tròn khép kín. Tức thời, bạn cần phải tiếp thêm coolant cho đầy, rồi quan sát tìm chỗ rò rỉ. Một dấu chỉ cho thấy coolant rò rỉ là những vết ướt ở các bộ phận đầu máy, hoặc vũng chất lỏng đọng trên sân, dưới gầm xe. Cần phải nhanh chóng tìm ra nơi rò rỉ và chỉnh lại ngay. Bằng không, phải đưa xe ra thợ máy.

Đến nước này (overheat) thì chẳng còn làm gì được, ngoài việc thay đầu máy mới



2. Két nước và ống dẫn: Dòng coolant có thể bị hao hụt do rò rỉ có thể xảy ra nơi két nước hoặc đường ống dẫn. Cũng có thể xảy ra một điểm nghẹt nào đó trong két nước, khiến dòng coolant không lưu thông được, làm cho đầu máy bị Overheat.

3. Điều nhiệt kế (Thermostat): Đây là cái máy theo dõi nhiệt độ, làm nhiệm vụ của một “người gác cổng” đứng trước cung vua (két nước). Khi dòng coolant đã nóng lên tới một mức nào đó do hệ thống qui định, điều nhiệt kế sẽ mở cổng “hoàng cung” để dòng coolant chảy về xả bớt sức nóng trong két nước, rồi lại tiếp tục được đưa vào máy làm việc. Nếu điều nhiệt kế bị hư, công việc gác cổng lơ là, dòng coolant ra vào tự do, bất kể nhiệt độ đã đạt đến mức nào, sinh ra tình trạng nhiễu loạn trong hệ thống, và sự giải nhiệt không còn hiệu quả nữa, dẫn đến hậu quả Overheat.

4. Quạt và Dây Kéo Quạt: Ngoài dòng coolant, hệ giải nhiệt còn được hỗ trợ thêm bởi những làn gió do quạt đưa lại. Nếu mô-tơ cháy, cánh quạt gẫy, dây kéo đứt….. quạt sẽ không thể quay để hỗ trợ giải nhiệt, hiện tượng Overheat có thể xảy ra trong đầu máy.

5. Máy bơm và áp suất: Nước Coolant cần sức đẩy (áp suất) mới có thể rời Radiator lên đường làm nhiệm vụ. Không có sức đẩy, coolant vẫn cứ nằm ì trong “cung”, không chịu cất bước đi làm việc, thì hậu quả là nhiệt độ trong máy chỉ có dâng lên không được giải tỏa sẽ dẫn đến tình trạng Overheat. Nguyên nhân không có sức đẩy? Có thể do máy bơm bị hư, hoặc do một lý do rất đơn giản là nắp két nước (radiator cap) không đậy kín, khiến cho áp suất bị thoát ra ngoài, không tạo được lực đẩy đưa dòng coolant luân lưu.

III. Phản ứng nhanh khi xe Overheat

Đang lái xe mà thấy kim chỉ nhiệt độ (temperature gauge) vượt quá mức trung bình thường lệ, hoặc tệ hơn nữa vọt lên tới mức tối đa trong vùng đỏ, bạn phải lập tức kiếm chỗ an toàn để táp vào lề, dừng xe lại, và tắt máy.

Mở cửa xe bước ra, bạn sẽ thấy khói mù mịt bốc lên ở nắp đậy đầu máy (hood). Lúc này, bạn chẳng có thể làm được gì khác là nghỉ ngơi một chút, rồi từ từ nâng hood lên cho khói thoát ra, và đầu máy bớt nóng. Tuyệt đối không mở nắp két nước để kiểm tra coolant, bởi vì lúc này coolant cực kỳ nóng, và lại đang bị nén dưới một áp suất cực mạnh. Mở nắp ra có thể làm cho luồng coolant nóng bỏng bắn vào người, gây thương tích trầm trọng.

Nếu kim nhiệt mới chỉ lửng lơ ở trên mức trung bình, đây là sự báo động hệ giải nhiệt đã có vấn đề. Nếu khám phá ra vấn đề để sửa chữa ngay thì còn cứu vãn được đầu máy. Nhưng nếu kim chỉ nhiệt đã dâng hết mức, gắn chặt ở vùng ĐỎ tối đa, có lẽ chúng ta chẳng còn làm được việc gì khác, ngoài việc gọi “tow truck” đến kéo về một trung tâm sửa chữa nào đó.

Những gì mà chúng ta, những người thợ không chuyên và những người chủ xe không biết nhiều về máy móc có thể làm được là: Ngăn ngừa, không để cho Overheat xảy ra. Việc này rõ ràng nằm trong tầm tay. Chúng ta sẽ nói tiếp về việc săn sóc từng thành phần trong hệ thống giải nhiệt qua các bài sau.
haosmith@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT