Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nguyễn Lân Tuất: Nghệ sĩ Siberia với tâm hồn Huế cổ

Anvi Hoàng/Viễn Đông Sunday, 18/03/2012 - 09:00:16

“Tự hào không phải ở chỗ mình viết được nhạc, mà là đến từng tuổi này gần đất xa trời mà vẫn còn sáng tác được. Cái này phải cảm ơn trời đất”.

LTS: Song song với loạt bài giới thiệu về vở opera "The Tale of Lady Thị Kính" / "Câu Chuyện Thị Kính" của tác giả P.Q. Phan, nhật báo Viễn Đông sẽ đăng tải những bài viết về các nghệ sĩ làm việc trong lãnh vực hoặc môi trường nhạc giao hưởng để độc giả hiểu thêm về thế giới âm nhạc, nghệ thuật của họ. Về nhiều mặt, họ cũng là người bình thường như mọi người, nhưng tâm hồn nghệ sĩ của họ lại dẫn dắt họ đến làm việc trong một thế giới dường như khác hẳn.

Nhà soạn nhạc: mi là ai?

Anvi Hoàng/Viễn Đông



Nghệ sĩ Lân Tuất, Tết 2012 - ảnh tài liệu của Lân Tuất

GS. TS. Nhà Soạn Nhạc Nguyễn Lân Tuất (Nguyen Lantuat) sinh năm 1935. Ông đi bộ đội chống Pháp khi 15 tuổi. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lúc đó thấy có tài năng nên gởi qua Liên Xô cũ học từ năm 1959. Khoảng năm 1961, ông được lệnh bên nhà gọi về nước để đi cải tạo tư tưởng (vì ông xuất thân từ gia đình trí thức, là con trai trưởng của học giả Nguyễn Lân) nhưng ông quyết định không về mà ở lại học cho xong. Lúc đó ở Việt Nam, Lân Tuất được coi là Việt gian, theo Liên Xô chống Trung Quốc. Mãi đến 30 năm sau, năm 1989, ông mới được về thăm nhà.
Năm nay, Lân Tuất 77 tuổi. Ông đã sinh sống ở Nga từ năm 1959. Hiện nay đã quá tuổi về hưu nhưng ông được mời quay lại giảng dạy tại Viện Âm Nhạc Quốc Gia Novosibirsk (thuộc Siberia) nơi ông từng làm Chủ Nhiệm Khoa Sáng Tác Âm Nhạc (composition). Lân Tuất cho biết bao lâu nay người dân Nga rất yêu mến và kính trọng ông. Đi đâu người ta cũng biết và “chào giáo sư” khi gặp ông. Anh lái taxi cũng biết mặt ông. Lân Tuất cảm khái vì hệ thống xã hội cởi mở ở Nga, ông bảo: “Mình da vàng mũi tẹt, qua đây làm bố người ta mà người ta chịu. Là điều rất vinh hạnh, đáng tự hào”.
Hội nhạc sĩ Nga xếp ông và danh sách các nhà soạn nhạc người Nga cho thấy họ rất coi trọng ông. Năm 2001 ông là người Việt Nam đầu tiên được Tổng Thống Nga phong tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Công Huân Liên Bang Nga. Năm 2010, nhà hát opera thành phố Novosibirsk tổ chức buổi hòa nhạc mừng sinh nhật của ông, sau đó Thị Trưởng thành phố Novosibirsk đại diện cho Tổng Thống Nga trao bằng kỷ niệm mừng ông tròn 75 tuổi.
Nhạc của Lân Tuất được người trong ngành đánh giá cao vì kỹ thuật rất cao theo trường phái cổ điển, nhưng có âm hưởng Châu Á, và nhạc mang tính hiện đại. Người không nghe quen nhạc giao hưởng, lần đầu tiên nghe nhạc Lân Tuất cũng sẽ thấy cảm động vì những tình cảm dạt dào trong đó.
Đã đi ra khỏi Việt Nam hơn 50 năm, vậy mà ông nói chuyện trôi chảy bằng tiếng Việt, phát âm giọng Bắc rất chuẩn, không hề dùng một chữ tiếng Nga nào từ đầu cho đến cuối. Ông cho biết ông luyện tập để giữ tiếng Việt bằng cách đọc sách, báo, hoặc ngâm thơ, học thuộc lòng Kim Vân Kiều - mà đọc lớn tiếng để giữ cho giọng nói tiếng Việt không bị ngọng ngịu. Còn về vấn đề sáng tác nhạc, Nghệ Sĩ Lân Tuất chia sẻ những suy nghĩ sau đây:


Lân Tuất ngày xưa - ảnh tài liệu của Lân Tuất

Anvi Hoàng: Quá trình sáng tác một bản nhạc được hình thành như thế nào trong đầu nghệ sĩ?
NS. Lân Tuất: Lân Tuất sáng tác rất lâu, nhiều người bằng tuổi mình có cả hai, ba trăm tác phẩm. Nhưng Lân Tuất suy nghĩ rất lâu, hàng mấy năm, đến khi viết thì rất nhanh. Ví dụ bản giao hưởng số 4, là về tình yêu đầu tiên. Năm 1955-1956 mình làm việc ở Đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Việt Nam, và đã làm quen với một nữ văn công của Đoàn ca múa nhạc tên là Tuấn Hồng. Lúc đó mình mới 20 tuổi còn Tuấn Hồng mới 15. Sau đó mình sang Liên Xô học và hai người hoàn toàn mất hết liên lạc.
Năm 1989 rất tình cờ gặp nhau ở Sài Gòn vào lúc cô ấy chuẩn bị di dân sang Australia. Khi về lại nước Nga, trong một đêm viết xong bản Adagio. Nhưng đó chỉ là một chương trong bản giao hưởng số 4 “To The Faraway Beloved” (1995) – “Gửi Người Yêu Nơi Xa” – viết tặng những người Việt Nam đã phải xa rời đất nước, mình là một trong những người đó. Chương I là “Adagio” (bản nhạc chơi chậm rãi), là suy nghĩ về số phận những người Việt Nam ở nước ngoài. Phần còn lại của bản giao hưởng số 4 viết trong mấy năm trời mới xong. Chương II là “Valse” – nhớ lại đất nước mình như thế nào. Chương III, “Ở Dưới Biển Sâu” – là requiem (bản nhạc chiêu hồn) cho những người ra đi và đã chìm dưới biển sâu. Bản giao hưởng này đã được trình diễn ở Nga, và tất nhiên là không có chuyện nó được trình diễn ở Việt Nam.

Anvi Hoàng: Cảm hứng cho các bản nhạc khác thì sao?
NS. Lân Tuất: Lân Tuất viết không những do cảm hứng từ bên trong mà còn do có nhu cầu, không viết không được. Ví dụ năm đó gặp một cán bộ ở Đại Sứ Quán Nga nói rằng, “Anh Lân Tuất đừng hòng về chôn xác ở Việt Nam”. Thế là bản giao hưởng số 2 “My Motherland” (1983) – “Tổ Quốc Tôi” – bắt đầu và kết thúc với tiếng hát không lời mezzo-soprano (giọng nữ trung), như tiếng hát của người mẹ từ nơi xa trở về cho con. Chương đầu tiên, người mẹ - tiếng hát đứng trên sân khấu hát. Khi đến cuối bản giao hưởng, tiếng hát lên ban công hát xuống, người nghe phải ngoái cổ lại mà nhìn. Một điều rất vui là trước khi mình “đi xa”, bản giao hưởng viết cho tổ quốc đã được biểu diễn trên tổ quốc mình.
Bản giao hưởng số 1 “Linh Cảm Nội Chiến” – “The Foreboding Sense of Civil War” (1981) – cảm hứng sáng tác theo bức vẽ cùng tên của họa sĩ Salvador Dali. Bản giao hưởng số 3 viết tặng cho Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, “The Condemneds Dreams” (1988) – “Giấc Mơ Trong Tù”. Hiện nay đang viết bản giao hưởng số 5 – “Đời Nghệ Sĩ” – về cuộc đời mình. Chương I “Tuổi Thơ Ấu” – chỉ có dàn nhạc dây ra trước. Chương II “Cuộc Đấu Tranh” – cho cả dàn nhạc. Chương III “Cảm Ơn Trời Phật” – cho 2 giọng đơn ca, và dàn đồng ca. Người ta sinh ra trên đời, sống cả đời đấu tranh, xong đến tận cuối đời mới biết rằng tất cả đều do định mệnh trên trời – trời cho số phận nào thì phải cảm ơn số phận đó. Chương I, II đã xong và đã được chơi ở đây. Suy nghĩ lâu lắm chưa viết xong chương III. Nói chung Lân Tuất rất là lười – vì là con cả trong gia đình, được chiều, nhà trí thức sống trước cách mạng, được sung sướng. Lân Tuất hẹn bạn bè rằng bản giao hưởng sẽ được trình diễn trong dịp kỷ niệm 80 tuổi.


Bức vẽ của họa sĩ Salvador Dali “The Foreboding Sense of Civil War” -
ảnh tài liệu từ Wikipedia

Anvi Hoàng:
Nhạc của anh nói lên điều gì?
NS. Lân Tuất: Lân Tuất sống 50 năm ở Nga, ở đây người ta nghe nhạc classic rất là bình thường nên không nghĩ đến chuyện này. Mình là giáo sư nhạc viện, người ta nghe nhạc là hiểu rồi, chưa bao giờ phải giải thích. Lân Tuất nghĩ, người nhạc sĩ sáng tác, nhiệm vụ là sáng tác; còn người phê bình âm nhạc thì nhiệm vụ là giải thích. Nhiều khi người ta nói ra hoặc tìm ra những điều rất hay mình cũng không nghĩ ra như thế được.

Anvi Hoàng:
Theo anh, âm nhạc và triết lý liên quan với nhau như thế nào?
NS. Lân Tuất: Triết lý – không bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Con người mình như thế nào, tính cách, suy nghĩ về con người, về thế giới của mình như thế nào thì nó tự ra như thế trong âm nhạc. Không phải mình nghĩ bây giờ tôi phải làm bản nhạc mà chương II phải viết về số phận con người triết lý nọ kia, không bao giờ nghĩ thế. Đối với Lân Tuất, nhạc viết ra là từ tâm hồn mình viết ra. May mắn là được học 5 năm với học trò cuối cùng của nhạc sĩ thiên tài Shostakovich – là trường phái âm nhạc St. Petersburg rất tốt, có được căn bản âm nhạc vững vàng, nên mình muốn viết cái gì thì mình viết được cái đó. Ví dụ tôi có những đồng nghiệp muốn viết diễn tả sự công phẫn hai bên nhưng không biết viết thế nào.

Anvi Hoàng: Khi nhìn vào score (bản nhạc) thì anh thấy gì?
NS. Lân Tuất:
Đối với người sáng tác nhạc, nhìn vào score không thấy nốt đâu. Nhìn vào là nghe thấy nhạc ngay. Thật ra cũng có những nhạc sĩ viết mà không chắc chắn là nghe được. Họ chỉ viết theo lý thuyết, và khi nhạc được chơi lên thì người ta mới hiểu nhạc đó như thế nào vì họ không có tai nghe. Mình may mắn là học trường phái tốt, viết ra là trong tai đã nghe được nhạc như thế nào. Vì nếu không có kỹ năng này thì không viết đúng được. Có nhiều người, viết xong, khi đánh lên mới bắt đầu chữa lại.

Anvi Hoàng: Khả năng nghe đó là tài năng, hay do tập luyện nữa?
NS. Lân Tuất: Có khả năng là một chuyện, tập luyện là quan trọng. Phải thường xuyên. Ví dụ tôi dạy học trò khi nghe nhạc đều bắt phải có bản nhạc trước mặt. Không thì chúng nó thấy nốt nhạc nhưng không nghe được nốt nhạc là gì.

Anvi Hoàng: Anh phối hợp các nhạc cụ khác nhau trong bản nhạc với mục đích như thế nào: để tạo ra âm thanh hay, để biểu diễn kỹ năng của nhạc sĩ, v.v.?
NS. Lân Tuất: Trong bản giao hưởng “Tổ Quốc Tôi”, chương III là nhạc chùa, rõ ràng là có mõ, chuông chùa, tụng kinh. Ngay cả bản nhạc cho đàn dây số 2, người ta bảo lần đầu tiên các nhạc sĩ tụng kinh. Thế thì, có những lúc mình dùng nhạc cụ để tạo ra cái gì đó, nhưng nói chung trường phái âm nhạc Nga là không có chuyện làm cụ thể, vì người ta cho cụ thể như thế là primitive (thô sơ). Đó là vấn đề khó khăn cho tôi khi về Việt Nam nói chuyện: người ta hỏi anh Lân Tuất viết cái kèn này nói cái gì thế này. Anh phải tả cái kèn của anh chơi âm điệu chính ra sao chứ. Trong bản giao hưởng số 3, 120 người biểu diễn, nếu mà nghĩ mỗi người phải làm cái gì thì chết.

Anvi Hoàng:
Về mặt thẩm mỹ, một tác phẩm được xem là hay hay dở là do yếu tố nào quyết định?
NS. Lân Tuất: Quyết định hay hay dở là do trời cho – tức là thời gian. Có thể có nhiều nhạc sĩ, trong đó có Schoenberg, lúc đó trường phái này được coi là vớ vẩn, nhạc điên cuồng - bây giờ lại được coi là một trong những trường phái nổi tiếng nhất. Cho nên phải nghĩ đó là vấn đề thời gian, vấn đề đánh giá không thể coi là: bây giờ đa số coi là tồi thì là tồi. Hồi trước ở Nga nhạc Shostakovich viết người ta cho là tồi vì không ai hiểu cả. Bây giờ thì được xem là nổi tiếng nhất của Nga. Cho nên phải chờ thời gian đánh giá.
Tôi có an ủi rằng bản “Tổ Quốc Tôi” viết cách đây đã 30 năm, bây giờ đã được hiểu ở Việt Nam, trình diễn lần đầu tiên năm 2006 ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. Vậy thì những bản nhạc khác, 50 năm sau khi Việt Nam trở thành gần như Nhật thì cũng được hiểu. Lúc đó mình đã “lên trời” rồi nhưng cũng yên lòng là mình còn để lại cho tổ quốc một cái gì đó.


  Áp phích trình diễn nhạc Lân Tuất và Beethoven

Anvi Hoàng: Tại sao người ta nghe nhạc pop thì hiểu mà nhạc cổ điển thì không hiểu?
NS. Lân Tuất: Thế thì chịu. Phải chịu khó đi nghe nhạc cổ điển mới hiểu được. Bây giờ nói tại sao ở nước mình không hiểu được là vì: ở Nga từ học sinh tiểu học trở đi đã biết nhạc cổ điển rồi. Chung quanh là môi trường cổ điển. Đến hiện nay, khó khăn mà ngay cả nhạc sĩ Nga cũng lo lắng: là giới trẻ Nga nghe rock và pop nhiều hơn nhạc cổ điển. Chính phủ Nga đang có chương trình truyền bá nhạc cổ điển trong giới trẻ để họ yêu mến nhạc cổ điển. Chương trình đặt ra cho các trường nhạc và các dàn nhạc là thu hút giới trẻ. Một nước có truyền thống yêu âm nhạc như nước Nga mà cũng đang lo sợ vì thanh niên và cả thiếu nhi chỉ thích nhạc rock.

Anvi Hoàng: Mozart có phải là thiên tài không? Và tại sao người Việt chỉ biết Mozart hoặc Beethoven?
NS. Lân Tuất: Mozart tất nhiên là thiên tài. Ông cũng như là bố tôi rồi. Khi viết nhạc, điều quan trọng là melody (giai điệu), và tâm hồn trong sạch nhất như là trong âm nhạc của Mozart. Nên Mozart là âm nhạc bất hủ không thể quên. Việt Nam chỉ biết Mozart hoặc Beethoven thì chịu thôi biết làm thế nào. Trong trường học không giáo dục âm nhạc cổ điển thì làm sao!

Anvi Hoàng:
Trong thế giới hiện đại chúng ta có Mozart không?
NS. Lân Tuất: Tất nhiên là có. Ví dụ Shostakovich là một trong những ngôi sao của thế giới và còn nhiều nhạc sĩ khác nữa, thuộc nhiều trường phái khác nhau. Nhưng không so sánh với các thiên tài vĩ đại trong quá khứ như Beethoven, Brahms, hoặc Wagner. Nhưng phải biết rằng đánh giá có phải là Mozart hay không là đánh giá 100 năm sau. Ví dụ bây giờ có những người chưa được hiểu hoặc phổ biến lắm nhưng 100 năm sau có thể được xem là Mozart của thế kỷ 20 hoặc 21.

Anvi Hoàng: Tại sao người ta thích Beethoven?
NS. Lân Tuất: Vì ông ta được chơi nhiều. Ví dụ ở Việt Nam không biết đến một nhạc sĩ cũng nổi tiếng, nhạc rất hùng dũng – Wagner. Nhưng không chơi thì làm sao biết được.

Anvi Hoàng: Phản ứng của gia đình anh khi biết anh chọn âm nhạc như thế nào?
NS. Lân Tuất: Điều tôi nói sau đây là điều tôi thường nhắc lại trong các bài phỏng vấn: năm 2001 tôi là người Việt Nam đầu tiên được Tổng Thống Nga phong tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Công Huân Liên Bang Nga. Lúc đó mới chấm dứt cái là: trước đây, bố tôi khi trả lời phỏng vấn đều nói rằng “tôi có bảy thằng con trai, tất cả đều là giáo sư tiến sĩ, đều thành danh cả, nhưng có một thằng là nhạc sĩ”. Năm 2001 thì cụ mới thôi không nói thế nữa. Nhưng vấn đề nhạc sĩ vô loài không phải chỉ là ở Việt Nam mà cả ở các nước văn minh. Lương giáo sư âm nhạc ở Nga chỉ có 600 Mỹ kim một tháng. Cho nên những người làm trong ngành âm nhạc là có số phận đi dạy, có số phận làm âm nhạc, không thể không làm âm nhạc, không thể không làm giáo sư.

Anvi Hoàng:
Anh trở thành nhạc sĩ như thế nào?
NS. Lân Tuất: Đẻ tháng 1, thì tháng 4 bố mẹ dọn ra Huế. Ở Huế 10 năm... Tất cả giáo dục, tâm hồn, tuổi thơ, triết lý thành hình từ trẻ... Ở trong gia đình trí thức, bố là giáo sư dạy trường Đồng Khánh... Phong cảnh thơ mộng của Huế, núi Ngự Bình, sông Hương, phong cảnh hoàng thành đẹp, thơ... Người Huế thơ mộng, hiền lành, khác hẳn người Hà Nội khô khan... nên từ lúc bé đã có gì hướng về nghệ thuật. Thành nghệ sĩ là nhờ Huế... Tâm hồn là tâm hồn cổ huế.

*
Lân Tuất hay bảo là mình rất lười. Thế nhưng nếu người ta đặt làm nhạc hoặc bắt làm thì sẽ làm nhanh được. Ví dụ bản tứ tấu cho đàn dây (string quartet) số 2, viết cho Đại Hội Nhạc Sĩ Liên Bang Nga 12-2010, trong vòng một tuần ngồi xuống viết xong. Bản hòa tấu concerto cho đàn dây cũng được viết trong một thời gian rất ngắn, tháng 5 này sẽ được trình diễn ở Nga. Lân Tuất nói: “Tự hào không phải ở chỗ mình viết được nhạc, mà là đến từng tuổi này gần đất xa trời mà vẫn còn sáng tác được. Cái này phải cảm ơn trời đất”.
Nói chuyện với Lân Tuất, người ta không thể không gọi anh bằng “anh”, bởi vì tâm hồn và cả giọng nói của Lân Tuất rất trẻ, đúng như người mình hay nói: “nghệ sĩ không tuổi!”. Lân Tuất nói chuyện hồn nhiên và thoải mái lắm, chia sẻ suy nghĩ rất thẳng thắn. Hy vọng là ước mơ đi thăm nước Mỹ, đặc biệt là thăm California nơi cộng đồng người Việt rất đông, của người nghệ sĩ không tuổi Lân Tuất sẽ thành hiện thực trong một tương lai gần.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT