Bình Luận

Nguyễn Đạt Thịnh: Tội trộm cắp

Saturday, 07/05/2016 - 09:46:01

Một vị chánh thẩm thuộc khối đa số của Tối Cao Pháp Viện -khối những chánh thẩm đã biểu quyết tha bổng anh, viết trong bản án, "Bị cáo không đánh cắp để đem đi -anh nhặt chiếc bánh đang bầy bán trong tủ, rồi đút vội vào miệng; hành động đó chứng minh nhu cầu cần được ăn ngay, một nhu cầu mang tính cấp bách, do đó việc anh đánh cắp không phải là một trọng tội."

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Ba mùng 3 tháng 5, 2016, nhà bình luận Massimo Gramellini, viết trên tờ nhật báo La Stampa, xuất bản tại Turin -một thành phố lớn của Ý, “Quý vị chánh thẩm Tối Cao Pháp Viện Ý đã đặt quyền sống còn, trên quyền tư sản.”

Không chỉ ca ngợi quyết định của Tối Cao Pháp Viện Ý trong vụ xử anh Roman Ostriakov -một người tị nạn từ Ukraine- Gramellini còn so sánh quyết định của Tối Cao Pháp Viện Ý, với luật pháp Hoa Kỳ; ông viết, “Một bản án như vậy không bao giờ xảy ra trên đất Mỹ; ngay tại Ý, một vài luật gia cổ điển cũng sẽ chỉ trích bản án là dung dưỡng trộm cắp. Cảnh thật sự đáng coi là dung dưỡng trộm cắp đã xảy ra trong thập niên 1970, khi phong trào Cộng Sản hoành hành tại Ý, bọn thanh niên Đỏ cũng đã từng đánh cắp vô tội vạ những tiệm thực phẩm; chúng lấy rượu chát ngon, thịt nguội và cheese hảo hạng đem ra công viên phè phỡn ăn nhậu trên cái lý thuyết vô sản 'của đời muôn sự của chung'; của nhân dân cũng là của cán bộ. Ăn cắp như vậy là có tội, và đáng bị trừng phạt."

 
Tối Cao Pháp Viện Ý xử tha bổng anh Roman Ostriakov

 
Anh Roman Ostriakov

Anh Ostriakov chỉ đánh cắp một cái sandwich, trị giá 4.07 euros (khoảng $4.70); tội của anh là anh không nhân danh bần cố nông để đánh cắp; Ostriakov cũng không nhân danh bất cứ một thế lực nào cả; anh chỉ ăn cắp bánh vì quá đói.

Tòa sơ thẩm xử anh 6 tháng tù giam và 100 euro phạt vạ. Ostriakov không có tiền để đóng tiền phạt vạ, nhưng anh có cuộc sống tự do để trả 6 tháng giam cầm.

Một vị chánh thẩm thuộc khối đa số của Tối Cao Pháp Viện -khối những chánh thẩm đã biểu quyết tha bổng anh, viết trong bản án, "Bị cáo không đánh cắp để đem đi -anh nhặt chiếc bánh đang bầy bán trong tủ, rồi đút vội vào miệng; hành động đó chứng minh nhu cầu cần được ăn ngay, một nhu cầu mang tính cấp bách, do đó việc anh đánh cắp không phải là một trọng tội."

Hôm thứ Hai mùng 2 tháng 5, 2016, hãng thông tấn Ý Ansa loan báo bản tin viết về quyết định của Tối Cao Pháp Viện trên khắp toàn cầu, những chữ dùng trong bản tin kín đáo hãnh diện về sự tiến bộ của nền tư pháp Ý.
Phóng viên truyền thông gọi điện thoại phỏng vấn bà biện lý Valeria Fazio -người đóng vai công tố trong vụ án này; và bà Fazio giản dị trả lời, “Công tố viện đồng ý với lập luận của luật sư bênh vực bị cáo trình bày là nguyên nhân của vụ đánh cắp bánh sandwich không phải là để đem bán mà là để ăn, hầu dằn cơn đói đang hoành hành, làm khổ anh bị can.”

 
Bà biện lý Valeria Fazio

Fazio còn cho truyền thông biết không phải luật sư bênh vực anh Ostriakov chống bản án 6 tháng tù giam, mà chính công tố viện Turin đã chống bản án quá nặng đó; Fazio quan niệm tòa án không chỉ là cơ quan trừng phạt kẻ phạm tội thôi, mà Tòa còn cần công bằng trong cách trừng phạt: tội nặng, tù dài hạn, tội nhẹ hơn, tù ngắn hạn hơn.

Fazio cho là một tháng tù giam cũng đã đủ trừng phạt anh tị nạn đói khổ ăn cắp sandwich, do đó bà chống án; bà không ngờ Tối Cao Pháp Viện lại đi xa hơn, với bản án tha bổng anh Ostriakov.

Ông Gherardo Colombo, một vị cựu chánh thẩm Tối Cao Pháp Viện Ý nói với dư luận là quyết định của TC PV dựa trên triết lý “Ad impossibilia nemo tenetur,” -không đòi hỏi ai phải làm những việc không thể làm.
Thọc tay vào túi quần, đứng ngắm cái bánh trong lúc bao tử trống rỗng là impossibilia -việc không thể làm. Nhưng giáo sư Maurizio Bellacosa dạy luật tại trường Luiss University của Ý, lại nhận định đem triết lý không đòi hỏi ai phải làm những việc không thể làm áp dụng trong lúc xử kiện có thể không đúng chỗ.

 Giáo sư Maurizio Bellacosa

Ông Bellacosa nói anh Ostriakov không trong hoàn cảnh đối đế của một trong nhiều nạn nhân đắm tầu, tranh nhau cái phao duy nhất để sống còn. Ông cho là nhỏ như việc đánh cắp một cái sandwich, hoặc lớn như mở tủ sắt lấy đi bạc triệu cũng vẫn là đánh cắp.

Thông thường xử những vụ đánh cắp nhỏ thủ phạm là người nghèo tòa liệt những vụ trộm cắp đó vào loại tội nhỏ -nhưng vẫn là tội, vẫn bị trừng phạt; tha bổng là bản án xác nhận anh Ostriakov vô tội, và hợp pháp hóa việc người nghèo có quyền ăn trộm.

Yếu tố cho phép Tối Cao Pháp Viện Ý “rộng đường binh” hơn Tối Cao Pháp Viện Mỹ là bản án xử anh Ostriakov không có giá trị “tiền lệ” để bắt buộc các tòa án cấp thấp hơn phải rập khuôn xử theo. Tại Mỹ, luật sư bênh vực thân chủ thường nêu lên những tiền lệ, nhất là những tiền lệ do Tối Cao Pháp Viện tuyên xử, để xin tòa không tuyên án nặng hơn tiền lệ.

Ông Bellacosa nói, “Dù không bị bắt buộc phải coi bản án Ostriakov như bản án tiền lệ, nhưng những tòa án khác vẫn có thể vin vào đó để tha bổng bị can nghèo phạm tội ăn cắp.” Một bình luận gia khác -ông Goffredo Buccini- cũng ca tụng bản án chấp nhận hành động ăn cắp của người nghèo: trên tờ nhật báo Corriere della Sera, Buccini nhắc lại những năm sau Thế Chiến II, thành phố Ý bị oanh tạc tan nát, người Ý đói khổ, khiến cảnh trộm vặt xảy ra rất nhiều, và luật pháp Ý đã chọn thái độ ngó lơ, không truy tố những anh trộm vặt.
Buccini nhận định, “Chúng ta chấp nhận luật pháp là cái hộp chung giúp chúng ta cùng sống với nhau hòa hoãn, mà không vượt ra ngoài vành hộp; khuôn khổ, kích thước của cái hộp do chúng ta tự tạo ra, đương nhiên phải phù hợp với những người sống trong hộp.”

Người Ý Hãnh Diện là luật pháp nước họ nhân đạo hơn luật pháp Mỹ. Điều này đúng, nhưng người Mỹ cũng có thể hãnh diện là họ tuyệt đối tôn trọng quy điều "trừng phạt là hậu quả tất yếu của tội phạm," hễ phạm tội là tự động bị trừng phạt.

Quy điều này được áp dụng đồng đều và cùng khắp -từ trong nội bộ gia đình ra đến mọi sinh hoạt xã hội. Đứa con có lỗi, bố mẹ bắt vào phòng nằm một mình trong lúc gia đình vui chơi ngoài phòng khách, phòng ăn; cô, cậu học sinh có lỗi, giáo viên phạt ở lại trường thêm một tiếng đồng hồ nữa, trong lúc bạn học lên xe về nhà.
Những hình thức trừng phạt đó không mang tính chất tàn nhẫn, nhưng lại mang tính chất tự động: hễ có tội là bị phạt, không tránh được.

Một người Đức -ông Matthias Mueller- hiểu tính chất tự động này của luật pháp Mỹ. Là CEO của hãng xe hơi Volkswagen, ông xin yết kiến Tổng Thống Mỹ Barack Obama, nhân dịp ông Obama đến Đức dự hội nghị tại Wolfsburg.

Trong cuộc hội kiến 5 phút ông Mueller xin tổng thống Mỹ nhẹ tay trong việc trừng phạt Volkswagen; nhẹ tay có nghĩa là cứ phạt nặng, nhưng đừng nặng đến mức giết chết Volkswagen trên thị trường Mỹ. Mueller nói Volkswagen đã dành riêng $7.9 tỉ Mỹ kim để đóng tiền phạt và bồi thường cho khách hàng về tội gian lận mức độ chiếc Volkswagen làm ô nhiễm môi trường.

Trong việc xin đặc ân, Mueller cũng trình bày một góc cạnh công bằng của vấn đề, là 600,000 người đang sống bằng cách làm ra chiếc Volkswagen và bán chiếc xe đó cho quần chúng không can dự gì đến việc hãng gian lận trong cách đo khói xe.

Ông xin ông Obama đừng trừng phạt những người vô tội đó, họ không trộm cắp; chỉ những viên chức lớn nhất của hãng Volkswagen mới chủ trương vụ gian lận khổng lồ, đang tạo sóng gió trong kỹ nghệ xe hơi của Đức. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT