Bình Luận

Thằng bé người tuyết

Wednesday, 17/01/2018 - 09:15:24

Cô giáo chụp hình nó và post lên mạng WeChat hôm thứ Sáu, 12 tháng 1. WeChat là một mạng tin xã hội khá phổ biến tại Trung Hoa, và ngày hôm sau cả thế giới biết chuyện gia đình nó.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Nó 8 tuổi, tên nó là Hoàng Phú Mặn (Wang Fuman) học lớp Ba trường tiểu học Zhuanshanbao, một làng nhỏ, nằm về phía Nam tỉnh Vân Nam, sát biên giới Hoa Việt ngày trước -ngày Việt Cộng chưa dâng Ải Nam Quan cho Trung Cộng.

Nó và chị nó sống đùm đậu với ông bà ngoại nó trong một căn nhà vách đất dựng bám vào một sườn đồi; đường từ nhà đến trường là 5 cây số, qua một ngọn đồi và hai con suối; trời nắng ráo nó mất 75 phút đi, và 75 phút về mỗi ngày; vào mùa Đông này nhiều khi nó phải đi đến hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa tới trường.
Ngày thứ Ba tuần vừa rồi, 9 tháng 1, 2018 18- nó đến trường trễ, và được bạn học đón chào bằng một tràng cười rũ rượi, vì tóc nó dính đầy tuyết; có đứa gọi nó là snow boy.


Chị em Phú Mặn sống với bà ngoại.


Bạn học cười Phú Mặn và gọi nó là snow boy.

Cô giáo chụp hình nó và post lên mạng WeChat hôm thứ Sáu, 12 tháng 1. WeChat là một mạng tin xã hội khá phổ biến tại Trung Hoa, và ngày hôm sau cả thế giới biết chuyện gia đình nó.

Anh phóng viên Javier C. Hernández của hãng thông tấn AFP tìm gặp cậu học sinh “người tuyết” viết về chuyện của nó, câu chuyện điển hình cho vài chục, vài trăm triệu đứa bé Trung Hoa, con của vài của vài trăm triệu gia đình Trung Hoa bị chia cắt vì nỗ lực kỹ nghệ hóa Trung Hoa.

Bố mẹ chú Phú Mặn nguyên là những nông dân, bỏ cầy, bỏ bừa, lên thành phố làm thợ phục vụ trong những xưởng, những nhà máy mới lập ra để sản xuất hàng -đa số là hàng xuất cảng. Tính thành tiền, thì tiền lương thợ của cả hai vợ chồng lớn gấp bốn lần tiền bán hoa mầu hàng năm, nếu họ kiên trì ở lại thôn quê.
Nhưng cuộc sống thành phố có những nhu cầu họ phải trả bằng tiền -như tiền mướn nhà, tiền xe cộ, điện nước, ngay cả tiền thực phẩm nữa; những món mà trong cuộc sống cũ ở thôn quê, họ không phải tốn, hoặc tốn rất ít.

Người công nhân làm ra tiền nhiều hơn người nông dân, nhưng vẫn không dư dả, do đó số tiền họ gửi về làng để nuôi con không được bao nhiêu, và cũng do đó chú bé Phú Mặn chưa nhận được chiếc xe đạp mà mẹ muốn mua cho chú để rút ngắn thời gian di chuyển từ nhà đến trường và từ trường về nhà.
Thằng bé chờ chiếc xe đạp hứa hẹn, vì đi xe đạp đi học sẽ nâng nó lên một giai cấp cao hơn bọn trẻ đang phải đi bộ giống nó.

Vài ngày một lần, mẹ nó gọi điện thoại về thăm chị em nó; nó muốn nhắc chiếc xe đạp, nhưng bà ngoại bảo nó đừng nhắc, vì mẹ nó chưa có tiền mua xe.

Giờ này cả nước Tầu, cả thế giới biết chuyện bé Phú Mặn, biết hai bàn tay nó nứt nẻ vì lạnh, biết ngọn đồi tuyết giá mỗi ngày nó phải leo lên hai lần; truyền thông Trung Hoa gọi nó là “frost boy” và “ice boy.”
Và cũng giờ này thế giới mới quan tâm đến góc cạnh xã hội của nỗ lực kỹ nghệ hóa Trung Quốc, quan tâm, nhưng không ai làm gì được để giúp hàng trăm triệu đứa trẻ bị bỏ rơi lại nông thôn Trung Quốc, ngoài việc gửi tiền vào quỹ lạc quyên, giúp Phú Mặn mua xe đạp.

Cuộc vận động gây quỹ giúp bé Phú Mặn có kết quả khả quan -chỉ trong ba ngày đầu tiên, ban tổ chức đã góp được $15,000 mỹ kim -số tiền đủ để cất một căn nhà ngói, gần trường học; giải pháp đó không chỉ rút ngắn thời giờ đi học của Phú Mặc, mà còn giúp ông bà ngoại nó có căn nhà khang trang để sống.


Phú Mặn vượt ngọn đồi băng giá đến trường.


Hai bàn tay nứt nẻ vì lạnh.


Cả thế giới biết bé Phú Mặn chờ chiếc xe đạp để vượt ngọn đồi băng giá đến trường.

Trên mạng Weibo, nhiều người ca tụng kết quả cuộc lạc quyên bằng chữ “Heartwarming,” - ấm lòng.
Nhiều độc giả Mỹ nói họ thích khuôn mặt giản dị và lương thiện của Phú Mặn, trong lúc truyền thông Trung Hoa đưa ra lập luận tuyên truyền là thằng bé đang thể hiện sức chịu đựng của dân tộc Trung Hoa trên con đường mưu tìm thịnh vượng.

Dưới chế độ Đỏ của Trung Cộng, truyền thông trước đây cũng đã từng ca tụng luật mỗi gia đình chỉ được sinh một đứa con, giờ này họ im lặng trước đạo luật tàn ác đã gây ra hàng triệu vụ bố mẹ giết con gái để được quyền đẻ đứa khác.

Giáo sư Kam Wing Chan, thuộc University of Washington, nhận xét, “Dĩ nhiên không ai phủ nhận được tình trạng khốn khổ của bé Phú Mặn, nhưng vẫn còn nhiều đứa khổ hơn nó nữa. Nó mới học lớp Ba, còn tới tám năm nữa, nó mới tốt nghiệp trung học để đủ kiến thức vào trường Cao Đẳng học nghề, hầu trở thành những chuyên viên tối cần cho một nước Trung Hoa kỹ nghệ hóa. Con đường thử thách còn quá dài."


Giáo sư Kam Wing Chan

Ông Chan nói chính phủ Trung Hoa phải tìm mọi cách tái tạo cuộc sống gia đình sum họp dưới cùng một mái nhà -việc gần như không thể nào làm được vì đòi hỏi nhiều chương trình xây cất những khu gia cư, những trường học, và cả một hệ thống chương trình xã hội tài trợ tiền ăn, tiền ở, tiền học, và bảo hiểm y tế cho hàng trăm triệu đứa bé -con của công nhân.

Mọi người đồng ý với giáo sư Chan, nhưng cũng như ông, họ chỉ là khách bàng quang, đòi hỏi một tình trạng tuyệt đối tốt đẹp cho công nhân và gia đình, mà không biết cái khó của người lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đứng trước thị trường công nhân giá rẻ đang bị cạnh tranh kịch liệt.

Như tình trạng của chú Snow Boy, chú vẫn chờ chiếc xe đạp, trong lúc mẹ chú vừa mất job, chỉ còn ông bố đi làm với lương tháng 2,000 yuan ($307 Mỹ kim).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT