Bình Luận

Tác phong côn đồ

Monday, 09/07/2018 - 11:37:53

Ông đến Bình Nhưỡng, kinh đô Bắc Hàn hôm thứ Sáu (6/7/18), diện kiến và thảo luận với ông Kim Yong-chol, nguyên giám đốc tình báo Bắc Hàn, và hiện là nhân vật chính trong cuộc thương thảo nguyên tử với Hoa Kỳ.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Một bản tuyên cáo do nhân viên ngoại giao Bắc Hàn tung lên mạng, lên án phương thức Hoa Kỳ đòi hỏi Bắc Hàn thực hiện việc giải giới nguyên tử là gangster-like (giống như côn đồ). Tuyên cáo không ký tên, được đưa ra ngay sau khi Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hai ngày thương thảo của ông tại Bình Nhưỡng -thủ đô Bắc Hàn- đem lại thành quả hứa hẹn.

Ông đến Bình Nhưỡng, kinh đô Bắc Hàn hôm thứ Sáu (6/7/18), diện kiến và thảo luận với ông Kim Yong-chol, nguyên giám đốc tình báo Bắc Hàn, và hiện là nhân vật chính trong cuộc thương thảo nguyên tử với Hoa Kỳ.
 

Mike Pompeo được Kim Yong-chol tiếp đón

Cuộc thảo luận kéo dài gần ba tiếng đồng hồ; sau đó hai nhân vật này gặp nhau thêm một lần nữa vào bữa ăn tối. Ông Kim tuyên bố, "Tôi mong là càng gặp nhau nhiều lần, chúng tôi càng thân nhau hơn; cuộc gặp gỡ lần này thật là ý nghĩa."

Trong lời đáp từ, ông Pompeo nói, ông hy vọng gặp gỡ, thảo luận sẽ đem đến thành quả.
Dĩ nhiên những ngôn từ ngoại giao đó không chuyên chở nhiều thực chất; ấy là chưa kể đến việc cả hai nhân vật này đều đã từng giữ chức vụ trùm điệp viên -cái nghề nghe lén, đánh trộm.

Pompeo là nhân vật thúc đẩy cuộc tiếp xúc thượng đỉnh tại Singapore giữa Trump và Kim Jong-un, nhưng sau cuộc tiếp xúc diễn ra ngày 12 tháng Sáu, 2018, đây là lần đầu tiên ông trở lại Bắc Hàn.
Làm như không biết gì về bản thông cáo 'nặc danh', Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn vẫn tuyên bố là chủ tịch Kim Jong-un tha thiết với tinh thần cộng tác mà ông và Tổng Thống Trump đã tạo được qua cuộc hội kiến Singapore. Tuyên ngôn còn cho biết, chủ tịch Kim đã viết thư riêng gửi tổng thống Mỹ, tỏ lòng tri ơn ông Trump.

Trên đường bay sang Nhật để gặp hai ngoại trưởng Nhật và Nam Hàn, ông Pompeo nhận được tuyên cáo nặc danh của Bắc Hàn.

Trong cuộc họp báo tại Tokyo, phóng viên truyền thông hỏi ông về việc Bắc Hàn gọi thái độ của ông thúc đẩy họ giải giới nguyên tử là 'gangster-like' (giống như găng đảng), và đòi hỏi của Mỹ mang tính một chiều -chiều Bắc Hàn phải làm- mà không thảo luận về phần 'đáp ứng' bằng viện trợ Mỹ, giúp tái thiết Bắc Hàn.

Ngoại trưởng Pompeo trả lời là nếu Bắc Hàn lên án ông là đòi hỏi như găng đảng tống tiền, thì găng đảng đó là toàn thế giới, vì ông chỉ hành xử theo quyết định của Liên Hiệp Quốc. Ông còn trách thái độ vô ý thức của truyền thông, vì họ chỉ quan tâm đến lập luận của bộ ngoại giao Bắc Hàn, mà không đếm xỉa gì đến những lời ông ca tụng cuộc hội kiến giữa ông và đại diện Bắc Hàn.

Ông trách họ, "Nếu tôi quan tâm đến dư luận truyền thông, chắc tôi phát điên mất." Thái độ chê trách truyền thông giúp ông một điểm tương đồng với tổng thống.

Ông còn cho truyền thông biết là ngày nào Bắc Hàn chưa hoàn tất việc giải giới, ngày đó họ vẫn còn bị phong tỏa kinh tế.
 

Ba vị ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Nam Hàn

Khác biệt quan trọng giữa đôi bên là Mỹ quan niệm chỉ tưởng thưởng Bắc Hàn sau khi họ hoàn tất việc giải giới nguyên tử, trong lúc Bắc Hàn muốn hai việc giải giới và viện trợ diễn tiến song song, và chia thành từng giai đoạn, Bắc Hàn giải giới tới đâu, Mỹ viện trợ tới đó.

Trong cuộc gặp gỡ Singapore, hai vị nguyên thủ quốc gia chỉ đồng ý về điểm nguyên tắc là Mỹ giúp đỡ kinh tế cho Bắc Hàn để đánh đổi việc Bắc Hàn tự nguyện giải giới. Chi tiết giải giới như thế nào, giúp đỡ như thế nào do chính phủ đôi bên thương lượng để ấn định.

Ý Bắc Hàn trách Mỹ là chưa thực hiện giai đoạn thảo luận để thực hiện tinh thần đồng thuận Singapore, mà đã vội đòi chuyển qua giai đoạn sau: giai đoạn giải giới.

Pompeo giới hạn việc trả lời Bắc Hàn vào chi tiết 'gangster like' để bắn lời chỉ trích đó sang tổ chức Liên Hiệp Quốc, khi ông nói 'găng đảng là cả thế giới', vì quyết định phong tỏa kinh tế Bắc Hàn không phải là quyết định của Mỹ mà là quyết định của Hội Đồng Bảo An LHQ.

Trên bình diện bang giao giữa Mỹ với các quốc gia đồng minh tại Á Châu, ông và ngoại trưởng Nhật Taro Kono cam kết sẽ tiếp tục cộng tác với nhau và với Nam Hàn trong sứ mạng giải giới nguyên tử Bắc Hàn.
Pompeo thảo luận với Kono về cuộc hội đàm giữa ông và những nhân vật đại diện chính phủ Bắc Hàn trong chương trình giải giới nguyên tử.

Sau Nhật, Ngoại Trưởng Pompeo đến thăm Việt Nam hôm Chủ Nhật -quốc gia cuối cùng trong trong cuộc Á Du gồm ba nước- của ông. Tại đây, ông kêu gọi giới cầm quyền Bắc Hàn nên đi theo con đường hòa bình với Hoa Kỳ, mà chính phủ cộng sản VN đã chọn, và đang thịnh vượng.

Pompeo nói Hoa Kỳ đầy thiện chí sống chung hòa bình với những quốc gia đã từng lâm chiến chống Hoa Kỳ - Việt Nam là một điển hình sống của thiện chí đó.

Một chi tiết hơi bất thường là suốt hai ngày cuối tuần, tổng thống Mỹ không lên tiếng về những diễn biến tại Bắc Hàn. Thái độ im lặng đó không đi đôi với bản chất nhạy cảm của ông; thông thường phản ứng của ông mang đặc tính tự động và tức khắc - bất cứ ai, chỉ cần chỉ trích ông hoặc chính sách của ông, là lập tức ông trả lời, không cần cân nhắc.

Dĩ nhiên thái độ im lặng của ông Trump lần này cũng phải có lý do; lý do đó là gì, thì chỉ có nước ước đoán.

Ước đoán của cá nhân tôi -người viết bài báo này- là Trump đã nhìn thấy bàn tay Tập Cận Bình lèo lái nội vụ. Tập Cận Bình đạo diễn cho Kim Jong-un đóng vai 'người điên' ngồi dưới chân núi, đùa bỡn bằng cách nhấn nút điện bắn hỏa tiễn liên lục địa vào mọi mục tiêu trên Thái Bình Dương ... để giải buồn. Rồi Tập lại cho Kim mặc kiểu áo Mao Xếnh Xáng, mướn máy bay đưa Kim, bay sang Tân Gia Ba ngồi đối thoại ngang hàng với người hùng Hoa Kỳ- người hùng này hùng hơn mọi người hùng khác.

Câu chuyện Bắc Hàn tặng Hoa Kỳ một tấn mướp đắng để tạ ơn tấn mạt cưa sản phẩm Made in USA mà Trump đã gửi giúp họ nấu cháo lỏng ăn cho đỡ đói cũng chỉ chua chát và nhảm như mọi chuyện tiếu lâm khác mà thôi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT