Bình Luận

Quyền thóa mạ người khác

Monday, 27/01/2020 - 06:51:06

Gần như không tờ báo nào không đăng giai thoại Ngoại Trưởng Mike Pompeo thóa mạ cô phóng viên Mary Louise Kelly của NPR


Bà phóng viên Mary Louise Kelly và Ngoại Trưởng Mike Pompeo. (NHPR / Getty Images)


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Gần như không tờ báo nào không đăng giai thoại Ngoại Trưởng Mike Pompeo thóa mạ cô phóng viên Mary Louise Kelly của NPR (National Public Radio - Đài Phát Thanh Quốc Gia); cô Kelly kể lại là ông Pompeo bảo cô theo ông sang phòng bên cạnh, để chỉ một mình cô đối diện với ông, rồi dùng chữ 'F-vord' với cô vài lần.
Pompeo còn bảo cô thử chỉ trên bản đồ xem cô có biết nước Ukraine, nó nằm ở chỗ nào, quan hệ đến mức nào mà cô làm phiền ông, hỏi đi, hỏi lại, đòi ông xác nhận là ông không có phản ứng gì bênh vực hay giúp đỡ bà Đại Sứ Mỹ Marie Yovanovitch, tiếp tục làm việc tại đó, khi bà bị hãm hại, bị cất chức.
Tôi dùng chữ QUYỀN THÓA MẠ, mặc dù không chấp nhận cái QUYỀN đó ở bất cứ giai cấp nào, trình độ nào, dùng trong thứ bực xã hội, hay dùng trong hệ thống quân đội; tôi cũng không tin là những bậc cha, mẹ trong gia đình vẫn còn có thái độ thóa mạ con, cháu.
Cô Kelly và ông Pompeo có vẻ cũng ngang bằng với nhau trên nhiều giá trị khác như tuổi tác, kiến thức, địa vị xã hội.

Kelly, 48 tuổi, tốt nghiệp Harvard, cộng tác với đài BBC bên Anh, rồi trở về Mỹ, cộng tác với đài NPR, đặc trách chương trình “All Things Considered” cùng với nhiều nhân viên khác của NPR.
Cô đến bộ Ngoại Giao, phỏng vấn Ngoại Trưởng Pompeo về việc cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine -bà Marie Yovanovitch - bị ông luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani hãm hại.
Ký giả Carla Herreria mô tả, "Ngoại Trưởng Pompeo xổ một trùm 'chữ nho', chửi cô Kelly trong một căn phòng riêng, sau khi người đồng phụ trách chương trình “All Things Considered” -cô Kelly- hỏi ông trong một cuộc phỏng vấn thông thường về bà đại sứ bị cất chức Yovanovitch.”
Có thể cô Herreria coi đề tài 'cất chức bà đại sứ Yovanovitch' là thông thường' để vạch ra tính 'bất thường' của cơn thịnh nộ ông Pompeo dùng với cô Kelly.
Chính cô Kelly cũng xác nhận, "Nhân viên ngoại giao đưa tôi sang phòng bên cạnh -phòng khách riêng của Ngoại Trưởng Pompeo; tại đó, ông ta quát tháo, xỉ mắng tôi suốt 10 phút đồng hồ; ông ta giận dữ vì tôi hỏi ông ta về Ukraine." Kelly nhận định, "Phần trước của cuộc phỏng vấn cũng chỉ mới kéo dài khoảng đó -khoảng 10 phút."

Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ về khoa 'European studies' (Văn Hóa Âu Châu) tại viện đại học Cambridge, Kelly thích viết và thảo luận về những đề tài ngoại chính; tuy nhiên cô vẫn chính xác chỉ cho Pompeo vị trí của Ukraine trên bản đồ, theo lời quát tháo của ông ta.
Cô phát sóng toàn bộ cuộc phỏng vấn trong chương trình 'Vấn Đề, Nhìn Dưới Mọi Góc Cạnh' (“All Things Considered”), rồi mô tả phản ứng của Ngoại Trưởng Pompeo; cô kể lại là người hướng dẫn cô qua phòng khách riêng của ông Pompeo không nói một tiếng nào cả.
Kelly kể, “Pompeo hỏi tôi, Cô tưởng người Mỹ quan tâm đến Ukraine à? Ông ta quát tháo, nhưng nguyên văn câu nói là như vậy; tôi chỉ loại bỏ vài chữ F của ổng. Tôi cũng sẽ loại bỏ những chữ tục tiểu này trong nguyên văn những câu khác ông ta nói.
“Ông ta hỏi tiếp xem tôi có đủ quan tâm để biết Ukraine nằm ở góc nào trên bản đồ hay không; tôi bảo ông ta là dĩ nhiên tôi biết; ông ta quát gọi kẻ tùy tùng đem vào một tấm bản đồ quốc tế, loại bản đồ không có thứ danh từng địa phương. Tôi chỉ vị trí của Ukraine. Ông ta hất tấm bản đồ qua một bên, rồi bảo tôi, Thiên hạ rồi sẽ biết câu chuyện này.”
Kelly kể lại trung thực câu chuyện cô phỏng vấn ông Pompeo, nhưng không đầy đủ; chi tiết cô 'quên' là câu cô hỏi khiến ông Ngoại Trưởng đùng đùng nổi giận; cô hỏi ông, "Ngoại Trưởng có nghĩ rằng Ngoại Trưởng thiếu nợ bà Yovanovitch một lời xin lỗi không?"
Đáng lẽ trả lời 'thiếu', hay 'không thiếu', ông đùng đùng đứng dậy, rời văn phòng và bước sang phòng khách riêng, bảo Kelly đi theo ông.

Trong không khí 'hơi' riêng tư của căn phòng thứ nhì, ông bắt đầu thóa mạ Kelly, như cô kể lại cho thính giả nghe. Theo Kelly tường thuật, thì Pompeo cũng viết thông cáo kể lại sự việc và gọi đài NPR là một cơ quan truyền thông lùng khùng (“unhinged” media)
Pompeo nói Kelly chỉ vào vị trí của Bangladesh trên bản đồ và bảo ông rằng đó là Ukraine; cũng may cho cô phóng viên vì cô là người Mỹ, chứ nếu là người gốc Việt là cô đã bị buộc thêm tội 'mua bằng cấp giả' rồi.
Pompeo quả quyết là không những cô dốt về địa dư mà còn dốt cả về nghề làm truyền thông nữa, vì cô không biết tí nào về căn bản của nghề làm báo và cách xử sự giữa người này với người khác.
Pompeo mô tả sự thiếu sót nghề nghiệp và cách giao tiếp của Kelly bằng câu cô sỗ sàng hỏi ông lý do nào khiến ông không tìm hiểu và bênh vực bà đại sứ Yovanovitch khi bà bị tấn công oan ức bởi nhóm Rudy Giuliani mưu mô hãm hại.

Pompeo tự mô tả là một bộ trưởng ngoại giao tốt, lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ nhân viên làm việc trong ngành ngoại giao. Nhưng ông không chấp nhận 'câu chuyện giả tưởng' của cô Kelly.
Tổng thống ra lệnh ngưng tài trợ đài NPR; bà Nancy Barnes, phó quản đốc NPR, đặc trách tin tức, tuyên bố Emily Mary Louise Kelly là người đứng đắn, ngay thẳng. Bà Barnes nói, “Chúng tôi tín nhiệm cổ, và chịu trách nhiệm về bài phóng sự cổ tường thuật cuộc phỏng vấn ngoại trưởng Pompeo.”
Một phần câu chuyện xảy ra giữa hai cá nhân -ông Ngoại Trưởng Pompeo và cô phóng viên Kelly, mỗi người đưa ra một kịch bản.
Kelly cho là Pompeo còn mắc nợ bà Marie Yovanovitch một lời xin lỗi, Pompeo không nói ông không mắc nợ, vì chữ 'KHÔNG' đó đưa ông vào tội không tôn trọng lẽ phải và sự thật; ông cũng không thể nói CÓ mắc nợ, vì chữ CÓ đó buộc ông vào tội dốt sử Việt Nam, không dám liều mình cứu chúa như ông Lê Lai.
Xin quên cuộc phỏng vấn đó đi; đài NPR mất tài trợ thì đóng cửa ngừng phát thanh. Bảo đảm là không chết anh Tầu nào cả.
Nửa thế kỷ trước, tờ tuần báo DIỀU HÂU -tiếng nói uất nghẹn của MỘT TRIỆU NGƯỜI GÓP MÁU- đã bị bức tử vì không có 10 triệu đồng bạc VN đóng ký quỹ cho chính phủ, phải đóng cửa, phải nhắm mắt xuôi tay và câm miệng ngày mất nước, mà cũng vẫn phải chịu đó thì sao?

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT