Bình Luận

Nguyễn Đạt Thịnh: Đeo hay không đeo mặt nạ

Wednesday, 01/04/2020 - 11:11:05

Đến giai đoạn đó người chưa bệnh mới đeo mặt nạ để tránh lây lan ư? Có còn cần đeo nữa không?


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Hai, trong một cuộc thuyết trình của Lực Lượng Đặc Nhiệm Coronavirus, có người nêu lên câu hỏi, “Những người bình thường, khỏe mạnh có cần đeo mặt nạ phòng ngừa mình bị lây lan, và bảo vệ những người quanh mình bị mình lây lan hay không?”

Lực Lượng Đặc Nhiệm Coronavirus là một tổ chức mới được thành lập ngày 29 tháng Giêng năm nay, dưới quyền điều hành của Phó Tổng Thống Mike Pence, Bác Sĩ Deborah Birx giữ vai trò phối trí viên.

 

Bác Sĩ Deborah Birx đang trình bày về tình hình đại dịch với Tổng Thống Donald Trump và Bác Sĩ Anthony Fauci đứng kế bên trong buổi họp báo ngày 31 tháng 3, 2020 tại Tòa Bạch Ốc. (Win McNamee/ Getty Images)

 

 

Tổng thống đáp, “Đó cũng là một vấn đề cần thảo luận; có thể cũng nên đeo mặt nạ trong một thời gian.”

Cũng trong ngày thứ Hai, 30 tháng 3, Bác Sĩ Robert Redfield, giám đốc cơ quan C.D.C. (Centers for Disease Control and Prevention) phải trả lời câu hỏi này trên đài phát thanh quốc gia (National Public Radio).

Ông Redfield nói, “Chúng tôi đã duyệt xét lại bản hướng dẫn của cơ quan CDC về việc người nào nên đeo mặt nạ; và sự kiện nhiều người vướng bệnh corona thường không có triệu chứng nào lộ ra cả, trong những ngày đầu, để xem việc đeo mặt nạ có giúp ngăn cản lây lan không.”

Tôi mường tượng để thử hình dung xem đối tượng ông giám đốc CDC mô tả như “nhiều người vướng bệnh corona thường không có triệu chứng nào lộ ra cả trong những ngày đầu,” là những ai, và mình tự trả lời mình, “đó có thể là cô thâu ngân ngoài chợ, anh hàng xóm vừa nói chuyện với tôi trong lúc cả hai chúng tôi cùng đang làm vườn ở sân sau, vì rảnh rang không phải đi làm nhờ lệnh cách ly của chính quyền.

Vợ tôi, con tôi, cũng đều có thể là những ‘nghi can’ sắp lây bệnh covid-19 cho tôi, vì người bệnh không có triệu chứng, có thể là bất cứ một người bình thường nào; họ giống tôi, giống bạn, và khác biệt chỉ hiện ra khi con vi khuẩn corona làm họ ho, làm họ sốt, vật họ xuống giường bệnh, để mặc họ nằm đó run rẩy, mặc dù ngực họ nóng như lửa.

Đến giai đoạn đó người chưa bệnh mới đeo mặt nạ để tránh lây lan ư? Có còn cần đeo nữa không?

Bác Sĩ Redfield còn cho chúng ta biết là con vi khuẩn coronavirus có khả năng lây lan nhanh gấp ba lần con vi khuẩn flu (cảm); ông cũng tiết lộ thêm là 25% những người vướng bệnh covid-19, đều asymptomatic (không có triệu chứng bệnh lộ ra ngoài), trong vài ngày đầu.

Theo thống kê thì số người Mỹ mặc bệnh covid-19 hiện nay nhiều nhất thế giới, với 205,036, số người thiệt mạng là 4,516 người, tính đến trưa thứ Tư, 1 tháng 4, 2020.

Chỉ hơn hai tháng trời, đã có đến hơn 200 ngàn người lây bệnh, mà tổng thống và ông giám đốc cơ quan Disease Control and Prevention (Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Dịch) không biết có nên đeo mặt nạ, ngăn cản con vi khuẩn Corona theo đường hô hấp vào tấn công hai lá phổi của quần chúng; tổng thống còn cảnh cáo thần dân Mỹ là hai tháng nữa tình hình sẽ khủng khiếp hơn.

Một vị bác sĩ danh tiếng khác, ông Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia, còn cảnh cáo trên đài truyền hình CNN, là, “Có lẽ quý vị cũng không muốn tranh mặt nạ với những nhân viên y tế, những người đang hàng ngày chịu đựng nguy cơ lây lan để chăm sóc bệnh nhân.”

Tôi không tin là chúng ta thiếu thốn đến mức phải tranh dành cái mặt nạ N95 với nhân viên y tế; giá bán được quảng cáo trên mạng chỉ trên dưới $1 một cái N95, kể cả tiền chuyên chở từ bên Tầu qua; tôi còn tin là kỹ nghệ Mỹ, nhân công Mỹ cũng có thể sản xuất cái mặt nạ đơn giản đó vô cùng nhanh chóng và dễ dàng; nếu chính phủ nêu lên nhu cầu sản xuất.

 

N95 mask

 

Bác sĩ Fauci, người chủ trương nói nhiều hơn tổng thống, còn tuyên bố, “Việc sử dụng mặt nạ bên ngoài các cơ quan y tế đang được thảo luận rộng rãi trong Lực Lượng Đặc Nhiệm Coronavirus. Cơ quan CDC cũng thận trọng nghiên cứu vấn đề.”

Công dụng của mặt nạ là ngăn chặn các giọt bị nhiễm trùng phun ra từ mũi hoặc miệng của người đeo, thay vì ngăn chặn sự lây nhiễm vi-rút từ người khác. Cả mặt nạ y tế cấp N95 và mặt nạ phẳng đều được làm bằng một loại vải đặc biệt, có khả năng ngăn chặn các hạt truyền nhiễm thậm chí còn mịn hơn đường kính li ti của hạt bụi micron. Nhưng ở nhiều nước châu Á, nơi mọi người được khuyến khích đeo mặt nạ, cách tiếp cận là về tâm lý và bảo vệ đám đông.

 

Trở lại với BS Redfield và người mắc bệnh corona không có triệu chứng bệnh (asymptomatic) trong khoảng 48 tiếng đồng hồ đầu tiên, thì cái mặt nạ N95 rất rẻ đã tối thiểu cứu được một mạng người nếu trong 48 tiếng đồng hồ con bệnh trông như người khỏe mạnh đó chỉ gặp một người; nếu ông ta đi coi hát, hay bệnh nhân là một cậu học sinh nhỏ trong một lớp tiểu học, thì nguy cơ lây lan lớn đến mức nào!

Hơn nữa việc thường dân tranh dành cái mặt nạ N95 với nhân viên bệnh viện chỉ là việc tưởng tượng; ông lao công, cô y tá, hay bà bác sĩ được bệnh viện cung cấp mặt nạ miễn phí, trong lúc cô thợ nail, thợ tóc từ lâu vẫn mua mặt nạ để tránh bụi, khi dũa móng tay, hay cắt tóc cho khách thì vẫn cứ tiếp tục mua.

Khuyến khích quần chúng đeo mặt nạ là chuyện chính phủ nên làm; khuyến khích kỹ nghệ sản xuất mặt nạ là bổn phận chính phủ phải làm.

Lực Lượng Đặc Nhiệm Coronavirus đừng câu giờ bằng những cuộc thảo luận ầu ơ nữa, đừng để con số bệnh nhân tăng lên nữa, buồn lắm.

Đừng quên vị trí của Mỹ là đứng đầu trên cả hai bình diện kỹ nghệ và khoa học. Đừng để người Tầu chê chúng ta là đến cả cái mặt nạ mà cũng phải đi mua, như chúng ta đang đi mua.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT