Thế Giới

Nguy cơ chiến tranh giành nước gia tăng trên sông Mê Kông

Monday, 21/10/2019 - 12:28:37

“Khi hạn hán trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, hệ thống đập Trung Quốc cung cấp cho Bắc Kinh thế lực ngày càng tăng đối với các nước ở hạ lưu,” ông Chellaney nói thêm.


Một ngư phủ tung lưới bắt cá trên sông Mê Kông tại Phnom Penh, Cam Bốt tháng Tám, 2019. (Tang Chhin Sothy/AFP/ Getty Images)

Sông Mê Kông, một tuyến đường thủy bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua năm quốc gia Đông Nam Á, đang trở thành một điểm nóng an ninh mới, tương tự như cuộc xung đột đang leo thang ở Biển Đông.
Trung Cộng đã xây dựng 11 đập thủy điện và có kế hoạch cho tám đập khác dọc theo thượng nguồn của dòng sông, bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng, trải dài qua phần lớn lục địa Đông Nam Á, và kết thúc ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất phần lớn lúa gạo của Việt Nam.
Ngoài những hậu quả về môi trường, hệ thống đập nước này nằm trong chiến lược đối với các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối phó với sức mạnh của Trung Quốc, một đế quốc đang thực hiện các mưu đồ rộng hơn cho khu vực lân cận.
Trung Quốc hiện có sức mạnh ngăn chặn hoàn toàn dòng nước chảy xuống các quốc gia hạ nguồn, một điểm gây áp lực nặng nề và có thể được sử dụng để tàn phá nền kinh tế nông nghiệp của các quốc gia Đông Nam Á, gây ra sự khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra xung đột.
Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh cũng có thể tận dụng mối đe dọa để trao đổi cho sự bảo vệ lớn hơn từ các quốc gia Đông Nam Á hoặc trừng phạt những nước dám phản đối chính sách bành trướng của Bắc Kinh, bao gồm cả Biển Đông cũng như các kế hoạch Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) trong khu vực.
Phát biểu vào ngày 1 tháng 8 sau hội nghị Bộ Trưởng Sáng Kiến Hạ Nguồn Sông Mê Kông tại Bangkok, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo lưu ý, “Chúng tôi thấy một loạt các công trình đập thượng nguồn tập trung kiểm soát các dòng chảy hạ lưu.”
Trong khi đó, các học giả đã nói về sông Mê Kông là điểm nóng mới nổi tiếp theo sau vấn đề khu vực biển Đông mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải của Trung Quốc.
Vào năm 2017, ông Eugene Chow, một nhà phân tích độc lập, đã mô tả các con đập của Trung Quốc là thứ vũ khí được giấu “ngay trước mắt mọi người,” và “cho phép Trung Quốc bắt giữ làm con tin một phần tư dân số thế giới mà không cần bắn một phát đạn nào.”
Các quốc gia hạ nguồn rất dễ bị tổn hại bởi các đập nước của Trung Quốc.
Năm 2016, các chính phủ Đông Nam Á đã cầu xin Trung Quốc mở thêm nước từ các đập thượng nguồn để giúp giảm bớt tình trạng hạn hán khắc nghiệt tại các quốc. Bắc Kinh đã làm theo ý các quốc gia hạ nguồn, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng hành động này cho thấy mức độ kiểm soát của Trung Quốc đối với đường thủy.
“Thời gian tới, Trung Quốc cũng có thể yêu cầu một cái gì đó để trao đổi lại, và một đất nước khát nước tuyệt vọng có thể không thể từ chối. Nói tóm lại, Trung Quốc có thể sử dụng các con đập của mình như một thứ vũ khí,” ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ gần đây đã viết.
“Khi hạn hán trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, hệ thống đập Trung Quốc cung cấp cho Bắc Kinh thế lực ngày càng tăng đối với các nước ở hạ lưu,” ông Chellaney nói thêm.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố cáo buộc vũ khí hóa dòng sông là chuyện không có thật và cho rằng các quốc gia đã mô tả không công bằng khi Trung Quốc bị coi là một kẻ bắt nạt các nước khác trong khu vực.
Nhưng mối đe dọa của Trung Quốc đã đưa đến những quyết định về chính sách đối ngoại của các nước.
“Ngày nay, Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát nguồn nước Mê Kông,” ông Premrudee Deoruong nhận xét. Ông làm việc cho một tổ chức về môi trường gọi là Nhóm Giám Sát Đầu tư Đập Thủy Điện ở Lào.
Thời gian gần đây Hoa Kỳ đã đã đưa ra Hiệp Định Đối Tác Điện Lực Nhật Bản - Hoa Kỳ, nhằm mục đích giúp phát triển nguồn cung cấp điện trong khu vực. Vào tháng 8, Ngoại Trưởng Pompeo đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá $14 triệu Mỹ kim để đối phó tội phạm xuyên quốc gia và buôn bán trên sông Mê Kông.
Thêm nhiều khoản tiền viện trợ kiểu như vậy dành cho các nước hạ lưu sông Mê Kông sẽ có trong tương lai, nhằm đối phó thế lực của Trung Quốc.
Nhưng bất cứ chính sách nào được Mỹ hậu thuẫn hoặc tài trợ đều sẽ trở nên vô hiệu quả, nếu Trung Cộng quyết định thực hiện biện pháp ngăn chặn dòng nước chảy xuống khu vực Đông Nam Á để tạo ra một cuộc khủng hoảng cho các nước trong vùng.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT