Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 19)

Sunday, 21/06/2015 - 10:35:58

Tiến sĩ Thúy Võ Đặng sinh ra tại Trà Vinh, đã rời Việt Nam lúc 3 tuổi vượt biên cùng ba mẹ và các anh chị em đến Hoa Kỳ định cư từ năm 1984. Cô đã được học bổng toàn phần 4 năm cử nhân tại đại học tư, trường Scripps College dành cho nữ sinh viên (không có nam sinh) với 2 chuyên ngành là văn chương Anh và Asian American studies (là ngành học về lịch sử văn chương và nhân chủng học, xã hội học của những dân tộc từ Á châu sống tại Mỹ).

 

Giáo viên dạy Đại học (tiếp theo)


Bài BĂNG HUYỀN


Tiến sĩ Thúy Võ Đặng và hành trình nghiên cứu, làm mẹ, chăm con

Hành trình để học và hoàn tất luận án tiến sĩ đã rất khó, nhưng với những nữ nghiên cứu sinh vừa phải hoàn tất luận án tiến sĩ vừa lo toan trọn vẹn trách nhiệm gia đình, như sinh con, làm mẹ, làm vợ trong khi đi học còn là một gánh nặng trên đôi vai của người nữ học giả. Vì thể lực người nữ yếu hơn nam giới, thêm phần mỗi lần sinh con là yếu dần đi, rồi còn phải lo toan việc nhà, chăm sóc con nhỏ cũng chi phối nhiều.
Nếu tình yêu con mạnh mẽ hơn niềm đam mê phát triển sự nghiệp thì họ sẽ ngưng lại. Nhưng không phải ai cũng chấp nhận “đánh đổi” để theo đuổi con đường khoa bảng. Vẫn không thiếu người mạnh mẽ, vẫn có những nữ nghiên cứu sinh vừa học, vừa nghiên cứu để viết luận án, vừa làm, vừa chăm con. Để chu toàn được mọi việc, họ phải cố gắng gấp 2, 3 lần mọi người nhưng không thể thiếu được sự giúp sức của người bạn phối ngẫu và gia đình hai bên nội, ngoại.
Tiến sĩ Thúy Võ Đặng sinh ra tại Trà Vinh, đã rời Việt Nam lúc 3 tuổi vượt biên cùng ba mẹ và các anh chị em đến Hoa Kỳ định cư từ năm 1984. Cô đã được học bổng toàn phần 4 năm cử nhân tại đại học tư, trường Scripps College dành cho nữ sinh viên (không có nam sinh) với 2 chuyên ngành là văn chương Anh và Asian American studies (là ngành học về lịch sử văn chương và nhân chủng học, xã hội học của những dân tộc từ Á châu sống tại Mỹ). Cô cũng đã hoàn tất bằng cao học (năm 2003) và bằng tiến sĩ (năm 2008) chuyên ngành Ethnic Studies tại đại học University of California - San Diego. Tiến sĩ húy Võ Đặng hiện nay là giám đốc Văn Khố Đông Nam Á thuộc Đại học UCI.


   Tiến sĩ Thúy Võ Đặng (Người mặc áo đen đang đứng giơ tay) hướng dẫn 1 lớp học tại Văn khố Đông Nam Á


Cô đã từng trải qua chặng đường gian nan khi vừa học cao học, lấy chồng, học tiến sĩ, sinh con, hoàn tất luận án, và trong thời gian tiếp tục nghiên cứu postdoc fellowship (hậu tiến sĩ), cô sinh thêm đứa con thứ hai, vừa vất vả chăm con và đi tìm học bổng để tiếp tục làm nghiên cứu. Nhìn lại chặng đường gian nan đã qua, tiến sĩ Thúy Võ Đặng nói cô vẫn tự hỏi không hiểu lúc ấy cô lấy đâu ra sức lực và quyết tâm đến thế. Theo cô “để làm được những việc trên, mình phải cố gắng, nhưng nếu không có sự ủng hộ, trợ giúp của chồng và ba má thì Thúy khó mà vượt qua được chặng đường khó nhọc ấy. Thúy thấy mình rất may mắn.”
Tiến sĩ Thúy Võ Đặng tâm sự: “Trong thời gian Thúy sinh con đầu lòng, ở nhà chăm con, Thúy nghĩ có lẽ mình sẽ viết nhanh được luận án, nhưng không ngờ chăm con nhỏ, cực quá chừng. Thúy phải uống rất nhiều coffe và ngủ rất ít. Sau khi bé được 7 tháng, mà Thúy vẫn không viết được bao nhiêu hết, vì những lúc bé ngủ mình tranh thủ viết, nhưng có lúc viết chưa được, khi viết được thì bé lại thức. Ông xã đi làm cả ngày, về đến nhà, anh phải chăm con, Thúy chạy ra quán coffe hoặc một nơi nào đó yên tĩnh để Thúy ngồi một mình và bắt đầu viết. Khi mình ngồi viết luận án, đó là hành trình rất cô đơn, chỉ có mình với luận án.
“Cũng may là lúc bấy giờ nơi Thúy sống, trong khu housing dành cho nghiên cứu sinh đang học cao học, tiến sĩ, đa số là những phụ nữ, giúp cố vấn Thúy rất nhiều về quá trình tìm tài liệu, có con thì chăm sóc ra sao... Thúy cũng có những người bạn cũng viết luận án chung thời gian với Thúy, và đã mời họ vào trong nhóm gọi là nhóm tới đâu hay tới đó, nhóm này gồm những giáo sư Việt Nam, sinh viên cao học, nghiên cứu sinh Việt Nam. Mỗi năm có vài lần tổ chức gặp nhau, ăn uống, giúp đỡ nhau về tinh thần để khích lệ nhau viết luận án cho xong và bảo vệ luận án.
“Nhóm của Thúy tham gia khi đó chỉ có khoảng 6, 7 người toàn phụ nữ ở Nam California (từ vùng từ Los Angeles đến San Diego). Cha mẹ Thúy và ông xã Thúy cũng giúp đỡ Thúy rất nhiều trong việc chăm con để Thúy viết luận án. Sau khi con 7 tháng mà luận án vẫn chưa viết được bao nhiêu, cha mẹ Thúy sống ở Riverside đến San Diego (khi đó tiến sĩ Thúy Võ Đặng đang học tiến sĩ tại trường Trường University of California - San Diego, sống tại thành phố San Diego luôn) đón bé về nhà chăm giúp cho Thúy ban ngày, tối thì chồng Thúy đón bé từ nhà ông bà ngoại về lại nhà.”

Quá trình tìm kiếm postdoc fellowship

Được biết ở Mỹ, sau khi có bằng tiến sĩ, các tân tiến sĩ là những người còn trong giai đoạn thực tập nghiên cứu, mất khoảng một vài năm làm việc ở vị trí post-doc (hợp đồng ngắn hạn 1, hoặc 2, 3 năm và thường phải chuyển nơi làm việc sau khi kết thúc) trước khi có đủ kinh nghiệm để xin được một chỗ làm việc chính thức như giáo sư trợ giảng (Assitant Professor), phó Giáo Sư (Associate Professor) hay Giáo sư (Professor). Những người này sử dụng thời gian làm postdoc để quyết định theo đuổi sự nghiệp khoa bảng, hay cơ hội tự khẳng định hướng nghiên cứu riêng của mình, và phấn đấu để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. Đó chính là mục tiêu của chương trình postdoc, tại Mỹ gọi là “postdoc fellowship”.


   Tiến sĩ Thúy Võ Đặng cùng các em học sinh trung học trong giờ học ngoại khóa tại Văn khố Đông Nam Á


Kể về quá trình tìm “postdoc fellowship” của mình, tiến sĩ Thúy Võ Đặng cho biết, “Không phải là mình được hẹn đến phỏng vấn, rồi ngồi xuống để được phỏng vấn từ một hay hai giáo sư của trường đại học, mà những buổi phỏng vấn đó là cuộc họp với trưởng khoa, với các giáo sư trong khoa, với các sinh viên cao học... mình phải thuyết trình một tiếng, rồi họ hỏi mình. Thường những buổi phỏng vấn như vậy kéo dài trong một ngày từ sáng đến tối, hoặc hai ngày, để tìm kiếm postdoc fellowship, Thúy phải nộp đơn đi rất nhiều trường đại học, được nhận phỏng vấn vài ba chỗ. Thúy nhớ lần đó Thúy mới sinh bé trai (con thứ hai) chỉ mới hai tháng, trường đại học bên Boston mời Thúy qua đó để phỏng vấn, họ bao hết cho mình và chồng con đi theo, gồm vé máy bay, khách sạn... Khi đó con còn nhỏ nên Thúy cho con bú sữa mẹ, lúc đó Thúy phải bơm sữa mang theo trên máy bay. Khi ở khách sạn, phải bơm sữa để đủ cho con bú khi mình đi vào trường để phỏng vấn.”
“Lần đó Thúy phải đến hai trường đại học, một trường ở Boston, một ở Massachusetts, nếu sau khi phỏng vấn được nhận, họ sẽ cho Thúy học bổng hai năm để nghiên cứu tiếp. Nhưng khi đọc qua thấy chương trình phỏng vấn của trường đại học tại Massachusetts, Thúy thấy khó quá, vì chương trình của họ là 8 giờ sáng đón ở khách sạn và đi đến 9 giờ tối mới về lại khách sạn. Nghĩ cách làm sao có đủ sữa cho con bú, mình phải xin phép họ trước, phải bơm sữa cho con...
“Thúy đã được những người đi trước cố vấn qua, khi mình đi phỏng vấn, vì mình là phụ nữ nên mình phải ăn mặc ra sao, làm thế nào để các giáo sư phỏng vấn thấy mình cũng bình đẳng như một người nam. Nhưng khi đó Thúy không thể nào như vậy, phải xin họ nhiều thời gian hơn, có phòng riêng để bơm sữa. Khi xin họ rồi, Thúy nghĩ không biết họ sẽ nghĩ ra sao, với một giáo sư có con nhỏ, mà họ đâu có biết là con thứ hai nữa, nhưng đây là sự thật của mình, hy vọng họ sẽ hiểu.
“Thế nhưng thời gian phỏng vấn và thuyết trình, cuộc họp này xong là đến cuộc họp tiếp theo, kéo từ sáng đến chiều, rồi đi ăn tối với nhóm sinh viên, giáo sư mà mình mới gặp lần đầu tiên. Công việc đó quả thật rất khó với người phụ nữ mới sinh bé, rất căng thẳng vì lo âu, không ngủ được trước khi đi.”
Tiến sĩ Thúy Võ Đặng tâm sự thêm: “Thật ra khi nộp đơn xin các trường đại học khắp nơi ở Mỹ, Thúy chỉ đi qua đó để thử xem sao, chứ thật lòng chỉ muốn được trường đại học tại Nam California nhận, vì không thể rời xa quận Cam, nơi đây có gia đình của Thúy, ông xã công việc cũng ổn định, dù khi đó anh nói anh sẽ sẵn sàng chuyển đi tiểu bang xa nếu Thúy được trường đại học ở những nơi xa nhận. Nhưng Thúy không muốn các con sống xa cộng đồng Việt tại đây, sẽ không thể nói tiếng Việt, không thể ăn phở, không được gần gũi với ông ngoại bà ngoại, ông nội bà nội...
May mắn là lúc bấy giờ Thúy nhận được postdoc fellowship (một học bổng dành cho postdoc giúp các tiến sĩ tiếp tục nghiên cứu) của trường đại học UCLA. Trường có 1 trung tâm Asian American studies rất nổi tiếng. Khi Thúy vào đây năm 2009, ngay dịp đó là 40 năm thành lập trung tâm, Thúy có 1 năm nghiên cứu tại trung tâm này của trường, dạy 1 lớp về ngành học này tại trường. Sau đó Thúy may mắn có được chức vụ giám đốc Dự án lịch sử truyền khẩu tại đại học UCI. Chức vụ này có 2 mặt, một mặt là giám đốc chương trình, mặt thứ hai, nó là một dạng học bổng cho Thúy (giống như đã từng có tại đại học UCLA), nên Thúy làm nghiên cứu ngay tại khoa Asian American studies luôn.”

Dự án lịch sử truyền khẩu và văn khố Đông Nam Á

Tiến sĩ Thúy Võ Đặng chia sẻ: “Rất nhiều sinh viên gốc Á sinh ra tại Mỹ hoặc đến Mỹ từ nhỏ hoàn toàn xa lạ đối với những vấn đề liên quan đến nguồn gốc của mình. Những sinh viên này khó lòng chia sẻ, thấu hiểu những gì mà ông cha họ đã trải qua. Trong khi đó, những gì thế hệ trước đã trải qua lại là một kho tàng quý giá mà những người trẻ cần biết. Vì vậy khi đảm nhận dự án này, Thúy thấy rất cần ghi lại những gì mà những người di dân trải qua và họ đã ổn định cuộc sống như thế nào.
“Để thực hiện Thúy trực tiếp tiếp cận và phỏng vấn những người thuộc thế hệ trước của người Việt đang sinh sống tại Mỹ (dù đến Mỹ từ nhỏ, nhưng Thúy nói và hiểu tiếng Việt rất thông thạo) Thúy làm supervisor cho các các em sinh viên và những người thiện nguyện trong cộng đồng, đi ra thu thập những câu chuyện sống, những tài liệu về những người Mỹ gốc Việt tại Nam California, từ Los Angeles xuống San Diego. Đặc biệt nhấn mạnh cộng đồng chúng ta tại Quận Cam. Thông qua đó, người trả lời sẽ kể những câu chuyện về quá trình họ nhập cư và ổn định nơi xứ người.
“Ngoài ra, các sinh viên cũng được khuyến khích tìm hiểu câu chuyện từ chính những người lớn trong gia đình để chia sẻ và giới thiệu lại trong giờ học. Đây cũng là cách để thế hệ trẻ trao đổi và chia sẻ nhiều hơn cùng người thân lớn tuổi, giúp họ hiểu rõ hơn về cộng đồng gốc Việt đã định cư như thế nào trên đất Mỹ. Không chỉ là câu chuyện về cuộc sống mà còn cả văn học, nghệ thuật. Tất cả được tập hợp để dần trở thành một cơ sở dữ liệu do chính những người từng trải kể lại. Trang mạng của dự án này cũng lưu trữ lại toàn bộ những dữ liệu đó để nhiều người có thể tiếp cận. Nhờ đó, dự án này ngày càng thu hút cộng đồng người Việt trên thế giới. Xa hơn, đây có thể còn là một phần cần có để hệ thống hóa lịch sử người Việt về sau.”
Tiến sĩ Thúy Võ Đặng cho biết sau khi làm dự án lịch sử truyền khẩu được hai năm, cô bắt đầu tìm hiểu thêm cách lưu giữ lại những tài liệu lịch sử của cộng đồng Á châu, mà thư viện của trường đại học UCI đã có từ ngày thành lập trường 50 chục năm về trước, nhưng riêng về văn khố Đông Nam Á mới có từ năm 1987 do một người thư viện viên là bà Ann Frank phụ trách, bà nghỉ hưu năm 2007, trong khoảng thời gian đó không có người chính nào chăm sóc, bảo quản phát triển những tài liệu đã có trong đó. Thời gian từ năm 2011 Thúy Võ Đặng có sự hợp tác giữa dự án lịch sử truyền khẩu và văn khố Đông Nam Á. Bên dự án lịch sử truyền khẩu làm nghiên cứu và phỏng vấn, ghi chép, nhưng cần thư viện và văn khố để lưu giữ lại. Năm 2013, chức vụ giám đốc Văn khố Đông Nam Á được giao cho tiến sĩ Thúy Võ Đặng.
“Thúy được nhận vào làm giám đốc Văn khố Đông Nam Á mới gần hai năm thôi. Thúy thấy một trong những điều Thúy làm thường xuyên là giao tiếp, làm nhịp cầu nối giữa cộng đồng của mình với thư viện trường UCI. Thư viện là cơ quan rất quan trọng của trường UCI, cơ quan này có thể lưu trữ lịch sử của cộng đồng cả trăm năm, cả ngàn năm. Thúy có tham gia thiện nguyện trng những hội trong cộng đồng như hội văn học Việt Mỹ VAALA... nhưng những hội này không tập trung vào lịch sử. Thúy nghĩ nếu mình có thể làm gì đó để lại di sản cho con cháu mình, cộng đồng mình về sau này, thì Thúy thấy đó là công việc rất tốt đẹp.”
Tiến sĩ Thúy Võ Đặng nói đảm nhận chức vụ mới, cô vẫn có cơ hội giảng dạy nhiều, nhiều hơn là cô nghĩ lúc đầu, “Thúy tưởng mình chỉ ngồi trong thư viện xem các tài liệu báo chí, sách vở, hình ảnh... rút cuộc Thúy cần phải dạy rất nhiều, vì nhiều người không biết văn khố là gì. Nên Thúy đã giảng dạy những nhóm như nhóm cao niên người Mỹ sống ở những khu cư xá cho người cao niên tại thành phố Irvine, họ không biết nhiều về cộng đồng Việt Nam và cộng đồng Đông Nam Á. Tại UCI có rất nhiều lớp dành cho những học viên đã về hưu rồi nhưng muốn tiếp tục đi học.
“Những lớp học này rất đa dạng, Thúy được trường mời dạy những lớp về kinh nghiệm người Mỹ gốc Việt, kinh nghiệm của quá trình xây dựng cộng đồng tại quận Cam, vì chuyên môn hiện nay của Thúy tại trường UCI là dạy về sự di dân của những dân tộc từ Việt Nam và Đông Nam Á đến Hoa Kỳ, nhưng nhấn mạnh chủ yếu tại Quận Cam. Hoặc dạy những nhóm sinh viên, từ các em học sinh trung học đến các em ở đại học. Tổ chức dạy cho những nhóm sinh viên học sinh này, họ đi từ Fresno xuống đây, dạy ngay tại văn khố, ngoài ra Thúy cũng dạy những buổi hội thảo rất nhiều, đến tận trường trung học dạy, hoặc các em trung học hoặc sinh viên ngành học khoa học xã hội nhân văn của trường UCI đến văn khố để Thúy dạy những giờ học ngoại khóa thêm cho các em.”
Mỉm cười, cô nói: “Thúy vẫn tiếp tục dạy, nhưng không cần chấm bài, vì đối tượng người học đa dạng như trên, không phải là các sinh viên theo ngành học này để rồi phải làm bài kiểm tra, bài thi... nên không cần phải chấm bài như Thúy từng đi dạy hồi trước.
“Thúy cũng gặp những khó khăn với đối tượng học viên đa dạng như vậy. Lúc bắt đầu dạy, như với nhóm cao niên người Mỹ trắng, họ lớn hơn Thúy rất nhiều tuổi, họ đã từng trải qua chiến tranh, Thúy thì lại sinh ra sau chiến tranh, mà lại giảng dạy cho họ về chiến tranh cho nhóm học cao niên này, khi đó Thúy cảm thấy rất ngại, nhưng điều mà Thúy mang đến cho họ là họ đã không có cái nhìn, qua phần dạy của Thúy, Thúy hy vọng họ đến với lịch sử văn khố Đông Nam Á một cách mới hơn. Vì cách dạy lịch sử trong các trường trung học và học đại học thường rất cổ điển, hơi lý thuyết, không có cách nhìn của những người đã trải qua, khi Thúy xây dựng dự án lịch sử truyền khẩu, có cái nhìn mới.
“Thành ra Thúy nghĩ nếu mình vừa xây dựng trong văn khố, vừa đi ra quảng bá việc giảng dạy đề tài đó bên ngoài cộng đồng, nghĩa là mình đã đạt được điều rất lý tưởng. Thúy có thể cân bằng hai bên, một bên là xây dựng văn khố, một bên là đưa những đề tài trong văn khố ra cộng đồng bên ngoài để giảng dạy, giúp mở rộng sự hiểu biết về cách nhìn chiến tranh, về quá trình xây dựng của cộng đồng...”
“Rất nhiều lần những vị cao niên Mỹ trắng trò chuyện với Thúy, cho biết họ từng dạy học ở trong quận Cam khi người tị nạn mới đến quận Cam vào thập niên 1980, dạy những lớp ESL, giúp điền giấy tờ... họ có những tài liệu gắn với cộng đồng Việt thuở mới đến định cư và đã cung cấp cho văn khố Đông Nam Á lưu giữ... Từ những câu chuyện của họ, Thúy cũng học hỏi được rất nhiều điều bổ ích cho quá trình nghiên cứu của mình.”
Tiến sĩ Thúy Võ Đặng nói thêm: “Thúy đã có kinh nghiệm khi dạy cho nhiều đối tượng học viên khác nhau bằng những cách nói khác nhau khi trình bày cùng chủ đề đó. Theo Thúy, mình phải thật sự yêu nghề và có lý tưởng với công việc mình đang làm thì mới có thể tận tụy với công việc và phải luôn học hỏi từ các đối tượng học viên khác nhau từ người lớn cho đến các em sinh viên, học sinh.”
Cô cũng chia sẻ niềm vui: “Thúy vừa hoàn tất quyền sách “Người Việt tại quận Cam”. Cuốn sách này dày khoảng 240 trang, có những bức ảnh về cộng đồng của mình từ thập niên 1970 đến nay, do Thúy và giáo sư Linda Võ, Trâm Lê cộng tác chung dự án này, nhân sự kiện cộng đồng kỷ niệm 40 năm, để cung cấp tài liệu cho cộng đồng. Ngoài ra sách có thể dùng để giảng dạy, giúp các giáo sư khác có tài liệu tham khảo để dạy về lịch sử người Mỹ gốc Việt. Vì có nhiều trường trước nhu cầu học sinh muốn mở ra lớp học về lịch sử người Mỹ gốc Việt, trường sẽ nói không có khả năng dạy vì không có tài liệu, nên Thúy muốn qua Văn khố Đông Nam Á xuất bản những tài liệu để các trường học sử dụng cho việc dạy. Sách được phát hành tháng 3 năm 2015.
“Ngoài ra, Thúy muốn dùng những tài liệu của thư viện thực hiện cuốn sách này, tổ chức những buổi nói chuyện giới thiệu những tài liệu trong văn khố cho những người trong cộng đồng, đó là một trong những phương pháp mà Thúy hy vọng là sẽ mở rộng văn khố ra, vì văn khố này không chỉ cho sinh viên và giáo sư UCI mà còn mở rộng cho các nghiên cứu viên từ Nhật bản, từ Úc, Pháp, New York đến văn khố và làm nghiên cứu ở đây. Thúy hy vọng cộng đồng của mình tại quận Cam, khu vực Little Saigon sẽ đến thăm và tìm hiểu về Văn khố nhiều hơn.”
Muốn tìm hiểu, xin xem các trang web:
Thư Viện Lưu Trữ Đông Nam Á: http://seaa.lib.uci.edu/
Dự án Lịch Sử Truyền Khẩu Việt Nam: http://sites.uci.edu/vaohp/
(còn tiếp)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT