Người Việt Khắp Nơi

Người Việt lợi dụng hệ thống di trú để đến Úc trồng cần sa

Wednesday, 04/07/2018 - 07:20:46

Jack Tạ nói, “Nhiều người trong số những sinh viên trẻ này đến Úc với mục đích duy nhất là trông coi cây cần sa trồng trong nhà. Họ bị tiền làm cho mờ mắt, bởi số tiền kiếm được là từ $20,000 tới $30,000 (Úc kim). Với những người trẻ, đó là số tiền lớn.”


Cần sa trồng trong nhà

SYDNEY - Các sinh viên và du khách Việt Nam đến Úc không hẳn để đi học hay du lịch, mà đến để kiếm tiền, bằng cách làm việc trong những ngôi nhà trồng cây cần sa bất hợp pháp. Một chuyên viên di trú cho biết hệ thống visa của Úc đã có khe hỡ, nên người Việt mới có thể đến như vậy.

Chuyên viên này là anh Jack Tạ. Anh làm việc cho một công ty chuyên lo về giấy tờ di trú hợp lệ, có văn phòng tại Úc và Việt Nam. Jack Tạ đã nói chuyện với đài tin tức ABC News tại Úc, về việc chính phủ Úc nên bít lỗ hổng trong luật di trú. Các viên chức nói rằng số người lạm dụng không nhiều, một điều mà Jack Tạ không đồng ý.
 

Hình người Việt Nam bị bắt vì trồng cần sa được đăng trên trang mạng của Australia First Party, một đảng bắt chước ông Donald Trump và muốn chấm dứt chương trình nhận di dân vào nước Úc.

Anh cho biết văn phòng của anh đã từng đại diện cho khoảng 300 người trồng cây cần sa bị bắt, trong những cuộc bố ráp của cảnh sát tại những ngôi nhà trồng cần sa.

Một cuộc điều tra của đài ABC đã phát giác rằng số nhà trồng cần sa ở Úc đã nhiều hơn so với sự nghi ngờ của cảnh sát. Các đường dây tội ác có tổ chức của người Việt Nam đã chiếm vị trí trung tâm trong hoạt động kinh doanh trị giá hàng tỷ Úc kim này. ($1 Úc kim bằng khoảng $0.75 Mỹ kim).
Mô hình tổ chức này có ba tầng, với những người đứng đầu nhóm được cách ly khỏi những người ở tầng dưới đáy, tức những người trồng cây cần sa. Những di dân đến làm việc trong nhà trồng cần sa đều không hề biết họ làm việc cho ai.

Jack Tạ tin rằng nhiều người trẻ từ Việt Nam đi sang Úc bằng visa sinh viên và du lịch để trồng cần sa, trong một thập niên qua. Cảnh sát Úc cũng tin như vậy.

Hầu hết những người trồng cần sa bị bắt ở Úc đều nhấn mạnh rằng họ bị dụ vào công việc này sau khi đến nước Úc. Tuy nhiên anh Jack Ta nói rằng nhiều người đã đến Úc bằng visa gian lận, và muốn làm giàu.
 

Jack Tạ (ABC News)

Jack Tạ nói, “Nhiều người trong số những sinh viên trẻ này đến Úc với mục đích duy nhất là trông coi cây cần sa trồng trong nhà. Họ bị tiền làm cho mờ mắt, bởi số tiền kiếm được là từ  $20,000 tới $30,000 (Úc kim). Với những người trẻ, đó là số tiền lớn.”

Jack Tạ nói rằng anh đã kêu gọi chính phủ Úc chỉ chấp nhận những đơn xin visa từ các đại lý di cư có đăng bạ với chính phủ, nhưng chính phủ đã làm ngơ.

Theo một bản phúc trình của ủy viên bài trừ nạn nô lệ tại Anh Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam có cổ phần lớn trong hầu hết các hãng môi giới di cư tại Việt Nam.
Jack Tạ nói rằng chính phủ Úc đã phụ thuộc vào tiền thu được từ các sinh viên quốc tế, và số tiền khổng lồ $2 tỉ được tạo ra hàng năm từ lệ phí xin visa. Vì vậy chính phủ không có nỗ lực để thay đổi.
Anh nói rằng điều này cho phép những kẻ môi giới bất lương ở Việt Nam tạo ra những đơn xin gian lận, dùng các hồ sơ tài chánh giả mạo, và thậm chí cả căn cước giả, để xin được visa sinh viên hoặc visa du lịch cho người qua Úc.

Một viên chức thuộc Bộ Di Trú Úc nói với đài ABC rằng nạn gian lận tràn lan như thế có thể không bao giờ được phát hiện, vì không có cuộc kiểm tra nào được thực hiện trên đơn xin visa gốc của một người sau khi họ bị trục xuất.

Điều đó có nghĩa là không có điều tra về visa gốc, được cấp cho hàng chục người trồng cây cần sa bị kết án và sau đó bị trục xuất.

Không có kho dữ liệu trung tâm nào được lưu giữ về những tội mà một người không phải là công dân đã phạm, dẫn đến việc trục xuất, khiến cho không thể nào xác định được số lượng của những người Việt Nam trồng cần sa đã bị bắt là bao nhiêu người.

Trong hai năm 2016 và 2017, Bộ Nội Vụ trục xuất 380 công dân Việt Nam. Không rõ trong số này có nhiêu người bị về nước vì tội cần sa.

Hai người trồng cần sa đã đi sang Úc bằng visa du học, trước khi bị trục xuất về Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam, nói với đài ABC rằng họ bị dụ dỗ vào việc phạm pháp sau khi họ đến Úc.

Cả hai thanh niên này được trả thù lao mấy ngàn Úc kim từ công việc của họ, nhưng bị bắt tại những ngôi nhà trồng cần sa ở Melbourne, và sau đó bị trục xuất.

Như hầu hết những người trồng cây cần sa, hai thanh niên này đã nhận tội và không bị điều tra chi tiết hơn của cảnh sát về lý lịch du học hoặc di cư của họ.

Một trong hai người, Phạm Minh Đức, có visa du học bị hết hạn trong vòng hai tuần sau khi đến Úc. Thế nhưng Đức nói với cảnh sát sau khi bị bắt giữ rằng anh ta và một người trồng cần sa - cũng từ Hải Phòng - chỉ gặp nhau khi theo học các lớp tiếng Anh tại trường Baxter Institute.

Trong một trường hợp riêng rẽ cũng đặt ra câu hỏi về việc tuyển mộ những người trồng cần sa ở Việt Nam, một thanh niên - ở Úc bằng visa du học trong ba tháng - đã bị bắt quả tang chăm sóc trách hơn 370 cây cần sa, trong hai ngôi nhà ở mạn đông nam phía ngoài của thành phố Melbourne.

Bộ Nội Vụ ước tính hiện thời ở Úc có 2,340 người Việt Nam không phải là công dân, cư ngụ bất hợp pháp. Từ ngữ này thường được dành cho những người nào có visa quá hạn.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội Vụ nói rằng họ biết một số người vào Úc để phạm tội, nhưng những người ở Úc một cách bất hợp pháp đều dễ bị lạm dụng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT