Người Việt Khắp Nơi

Người tị nạn Việt Nam trở về thăm Fort Chaffee

Sunday, 07/07/2019 - 09:38:53

Các nữ tu của dòng Mercy đã đến giúp đỡ tại trại tị nạn, đó là một sự an ủi cho gia đình họ Lê. Họ là người Công giáo từ Việt Nam.


Trại Fort Chaffee, Arkansas (onlyinark.com)

ARKANSAS – Mới đây, nhật báo Times Record tại thành phố Fort Smith, đã viết về một cựu phi công trong quân lực VNCH trở về trại tị nạn cùng vợ và con gái, ôn lại quá khứ hơn bốn thập niên tại trại tị nạn Fort Chaffee. Dưới đây là bài tóm dịch từ bài viết của tác giả John Lovett.
*
Tháng 4 năm 1975, khi từ Việt Nam đến Fort Chaffee, phi công Lê Văn Nghị nghĩ rằng mình đang được đưa vào một khu rừng khác.

Viên phi công từng lái vận tải cơ C-7A của Không Quân Miền Nam Việt Nam vừa rời khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá với một số thành viên gia đình. Họ nằm trong số khoảng 50,000 người tị nạn từ Đông Nam Á sau khi Sài Gòn sụp đổ dưới tay cộng sản Bắc Việt Nam.
Gia đình họ Lê không chắc chắn lúc đầu họ ở đâu, nhưng ít nhất họ biết họ an toàn.
“Họ sẽ giết tôi hoặc đưa tôi đến một trại tập trung,” ông Lê Văn Nghị đã nói vậy vào hôm thứ Tư ngày 19 tháng 6, với bà Phương Lê, vợ của ông và con gái của ông, cô Vi Lê, những người đang ở bên cạnh ông gần bức tường tưởng niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam của Mỹ tại Chi Nhánh 467.

Cô Vi Lê là một luật sư và cố vấn chung của khu vực cho dòng tu Mercy ở Oklahoma và Arkansas. Cô đã đưa cha mẹ cô đến nơi hiện là Khu Di Tích Lịch Sử Chaffee Crossing vào ngày thứ Tư. Mới đó mà đã hơn 44 năm kể từ lần cuối họ ở đó.

Gia đình họ Lê đến Fort Chaffee khi Vi Lê chỉ mới 18 tháng tuổi, vài ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4, 1975. Hầu hết sự hiểu biết của cô về biến cố này đến từ những câu chuyện của cha mẹ cô trong những năm qua. Vì vậy cô đã hy vọng một ngày nào đó sẽ quay trở lại Fort Chaffee để xem mọi thứ như thế nào trong bảy tháng họ đã từng tạm trú ở đó.

“Khi mọi người hỏi tôi từ đâu đến, đó là một câu hỏi rất khó đối với người tị nạn vì bạn có thể đến từ rất nhiều nơi. Câu chuyện nước Mỹ của tôi bắt đầu tại Fort Chaffee. Nó thật sự là một nơi đặc biệt.” Vi Lê nói.
“Câu chuyện này không thực sự là câu chuyện của tôi vì lúc đó tôi chỉ là em bé. Đây là câu chuyện về những gì cha mẹ tôi sẵn sàng làm để tôi có thể có một nền giáo dục tốt, lớn lên trong một nền dân chủ và trở thành bất cứ điều gì tôi muốn trở thành.”

Lê Văn Nghị cho biết ông sinh ra ở miền Trung Việt Nam và bắt đầu học đại học năm 1968. Ông được đào tạo thành phi công của Không Quân miền Nam Việt Nam tại cả căn cứ không quân Lackland ở San Antonio và căn cứ không quân Keesler ở Biloxi, Mississippi, trước khi trở về Việt Nam. Ở đó, ông đã lái máy bay vận tải C-7A, vận chuyển quân đội và hàng hóa trên toàn miền Nam trong nỗ lực ngăn chặn sự kiểm soát của cộng sản đối với miền Nam Việt Nam.

Vào tháng 4 năm 1975, khi những người cộng sản chiếm Sài Gòn, ông Lê Văn Nghị đã gửi gia đình của ông cùng một người bạn đáng tin cậy lên máy bay tới Thái Lan. Ông ở lại để đưa những người khác ra khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá. Chú và cô của Vi cũng đã có mặt trên chuyến bay đầu tiên đến Thái Lan.
“Chúng tôi nghĩ rằng bố tôi đã chết vì ông đã gửi chúng tôi lên máy bay trước mặt ông,” Vi Lê nói. “Không có thời gian để lấy mọi thứ và chúng tôi chỉ có thể mang theo những gì chúng tôi có thể mang theo. Chúng tôi đến Mỹ với hầu như không có gì. Mọi người hỏi tôi về ảnh thời em bé của tôi, và tôi không có gì ngoại trừ vài tấm ảnh.”

Quân đội Hoa Kỳ đã được thông báo vào ngày 25 tháng 4, 1975, rằng Fort Chaffee sẽ được sử dụng làm trung tâm tạm trú cho người tị nạn. Những người Đông Dương đầu tiên, gồm cả người Việt Nam, đã đến trong vòng bảy ngày sau đó, vào ngày 2 tháng 5, 1975.

“Tại Fort Chaffee, cha mẹ tôi cảm thấy được chào đón và chăm sóc,” Vi Lê nói trong một bản tin của Mercy Fort Smith. “Tất nhiên, đó không phải là thời điểm tốt, nhưng những câu chuyện về trại tị nạn luôn tích cực. Có nhiều điều không chắc chắn nhưng cũng có cảm giác hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn. Họ luôn tràn đầy lòng biết ơn.”
Các nữ tu của dòng Mercy đã đến giúp đỡ tại trại tị nạn, đó là một sự an ủi cho gia đình họ Lê. Họ là người Công giáo từ Việt Nam.
Người tị nạn Việt Nam đã không ở lại lâu tại Fort Chaffee trước khi họ được tái định cư. Gia đình họ Lê và hơn 25,000 người tị nạn khác định cư ở khu vực thành phố Oklahoma. Ngoài việc là một nhà lãnh đạo của Mercy, cô Vi Lê còn là chủ tịch hội đồng quản trị của Hội Từ Thiện Công giáo ở Oklahoma.
“Câu chuyện của tôi thực sự là về sự giao thoa của cuộc sống cá nhân, sự chuyên nghiệp và tình nguyện của tôi,” cô nói thêm. “Trong tất cả các phần của cuộc đời tôi, tôi có một trái tim cho người nghèo, người nhập cư, phụ nữ và trẻ em, và những nạn nhân trong những cuộc xung đột chính trị, tất cả những điều mà Chị Em của dòng Mercy (Lòng Thương Xót) tin vào.”
Vào hôm 20 tháng 6, biết là Ngày Tị Nạn Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, ông Lê Văn Nghị cho biết ông hiểu được sự khó khăn trong việc kiểm soát biên giới phía Nam nước Mỹ với Mễ Tây Cơ và dòng người di cư và tị nạn từ Nam Mỹ.
“Chính phủ khó có thể kiểm soát nó, nhưng tôi biết rằng Hoa Kỳ có luật lệ và quy trình để cho người tị nạn vào,” ông Nghị nói. “Một số quy trình tuyệt vời nhưng bạn nên biết rằng mọi người nên trải qua quá trình theo thứ tự.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT