Mẹo Vặt

Người thân gặp nhau trong nhà vẫn cần chào hỏi!

Friday, 19/01/2018 - 08:21:41

Đến đây, chắc có bạn sẽ nổi quạu: Chà, “có cần” rồi “vẫn cần,” chuyện lép bép như tép riu, có gì quan trọng đâu mà cứ phải nói đi nói lại hoài thế!”

Bài VŨ HẰNG

Cái tiêu đề của bài này nghe gần giống bài trước, nhưng thực ra nó khác hẳn. Lần trước là câu hỏi: “Người thân trong nhà gặp nhau có cần chào hỏi?” Và lần này là một câu trả lời xác định, rõ ràng như đinh đóng cột: “Người thân gặp nhau trong nhà vẫn cần chào hỏi!”

Đến đây, chắc có bạn sẽ nổi quạu: Chà, “có cần” rồi “vẫn cần,” chuyện lép bép như tép riu, có gì quan trọng đâu mà cứ phải nói đi nói lại hoài thế!”


Dù bề trên hay bề dưới, khách phải là người lên tiếng chào hỏi trước.

Thì đúng rồi, Hằng có dám nói chuyện lớn đâu, chuyện trên trang này toàn là tầm phào cỡ... mẹo vặt cả, xưa nay vẫn là như thế. Vậy, em xin tiếp tục nhé.

Lần trước, để nhấn mạnh sự quan trọng của những câu chào hỏi giữa những người thân khi gặp nhau trong nhà, Hằng vô tình bật mí cái trò chơi của ông Cả Đẫn, nhưng chỉ dám nói nửa chừng, sợ bị mang tiếng là “vạch áo cho người xem lưng.”

Tuy nhiên, tác giả của trò chơi, ông Cả Đẫn, chẳng những không trách chuyện vạch áo, mà bằng lòng... cởi luôn. Ý ổng là thế này: “Đừng nói nửa chừng kẻo người ta hiểu lầm, cứ nói ra hết đi. Hay dở cũng là chuyện tầm phào, đăng trên trang mẹo vặt của bà có gì là quan trọng đâu!” Có phép của ổng rồi, em xin “cởi hết” ra như thế này:


“Mẹ đi chợ về, xin chào các con.”

Khách phải chào chủ

Những dịp người thân đối mặt nhau ở trong nhà kể ra không hết, nhưng dựa trên qui tắc “khách phải chào chủ,” ông Cả Đẫn kể ra ba trường hợp căn bản sau đây:

- Đi đâu về, mở cửa vào nhà, bạn phải chào “tất cả” những người đã có mặt sẵn trong nhà. Bởi vì, ở ngoài bước vào, bạn là khách, người trong nhà là chủ.

- Rời nhà, bạn phải chào “tất cả” những người còn lại trong nhà. Bởi vì, bạn sắp sửa trở thành khách, người còn lại vẫn là chủ.


Thường thì bề dưới chào hỏi bề trên, nhưng có khi bề trên cũng phải chủ động chào bề dưới.

- Ban sáng, khi mở cửa phòng ngủ bước ra, bạn phải chào “tất cả” những ai đã có mặt tại nơi sinh hoạt chung (như phòng khách, phòng ăn, nhà bếp). Bởi vì, , từ trong không gian riêng tư (phòng ngủ) của mình, bước vào không gian chung của gia đình, bạn được xem như khách, còn người đã ở sẵn đó rồi là chủ.
Dùng vai trò “chủ khách” để phân định bổn phận của người phải cất tiếng chào, ông Cả Đẫn muốn nhắm vào hai ý này:

- Thứ nhất, đơn giản hóa hoàn cảnh, nhờ đó, người trong cuộc biết ngay bổn phận chào hỏi của mình, mà không cần biện giải “lẽ ra” người này, người kia phải chào trước để tìm cách chữa mình, rồi đâm ra cãi nhau loạn xà ngầu.

- Thứ hai, đặt mọi người bình đẳng trong bổn phận chào hỏi, bất kể vai vế là “bề trên,” “bề dưới” hay “bề ngang.” Chẳng hạn, bạn vừa đi chợ về, gặp ông chồng (thường tự nhận là bề trên) bạn lên tiếng chào trước là phải rồi. Nhưng nếu lại gặp cu Tí (vốn là bề dưới) đang ngồi ở bàn học thì sao? Trong vai trò người khách, theo qui định, bạn sẽ phải lên tiếng chào trước: “Mẹ chào con, cu Tí đang học bài hả?” mà không cần chờ đợi thằng bé quay sang nhìn thấy mình.

Bạn có thấy câu chào ở đây lại càng đẹp đẽ dễ thương hơn không? Chắc chắn một bài học lớn đang nhẹ nhàng thấm vào lòng cu Tí qua cái gương sáng đẹp đẽ dễ thương ấy của mẹ. Vậy nếu sau này bạn có thấy một em bé sinh trưởng ở Mỹ mà biết mau mắn chào hỏi người đối diện, bạn có thể chắc chắn rằng “cu Tí” ấy đã thấm nhuần bài học căn bản này ngay từ trong nhà mình rồi.

Điều nhỏ mọn này thực ra không “nhỏ mọn” chút nào, khi đa số các cháu sinh trưởng ở Mỹ thường rất ngượng ngùng khi chào hỏi, khiến chúng ta cứ thấy tiếc một nét đẹp Việt Nam bị mai một. Không hiểu do các cháu nói tiếng Việt khó khăn, hay do văn hóa Mỹ không nhấn mạnh thói quen đó? Nhưng nếu công bằng hỏi lại mình thì thực ra, lỗi ấy là của ai? Của nền văn hóa Mỹ, hay của chính chúng ta?
Câu hỏi hơi có vẻ triết lý, chắc lấn sang chuyện lớn rồi. Em xin phép ngừng lại ở đây thôi.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT