Đạo và Đời

Người phụ nữ xức dầu Chúa Giêsu

Thursday, 25/03/2021 - 08:10:35

​Bài Thương Khó Chúa Giêsu theo Thánh Marcô bắt đầu với câu chuyện người phụ nữ lạ đem “một bình ngọc đựng dầu thơm rất quí giá” đến để xức lên đầu Chúa Giêsu...


Tranh vẽ câu người phụ nữ lạ đến xức dầu thơm quí giá cho Chúa Giêsu tại nhà của ông Simon. (Source unknown)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

​Bài Thương Khó Chúa Giêsu theo Thánh Marcô bắt đầu với câu chuyện người phụ nữ lạ đem “một bình ngọc đựng dầu thơm rất quí giá” đến để xức lên đầu Chúa Giêsu, một cử chỉ đầy yêu thương và lòng kính trọng, giúp chúng ta hiểu được phần nào nội dung của bài thương khó.

​Chị đến gặp Chúa Giêsu trong nhà ông Simon người bị tật phong, nơi Chúa Giêsu đang dùng bữa với các môn đệ. Không ai biết chị là ai, và không ai la mắng chị vì đã tự động xâm nhập vào nhà người khác, nhưng người ta trách chị là đã phung phí dầu thơm mắc tiền. Đối với Chúa Giêsu, Ngài biết ý nghĩa việc chị đang làm, nên Ngài nói với mọi người, “Trong thế giới, Phúc Âm này rao giảng đến đâu thì người ta cũng sẽ thuật lại việc bà mới làm để nhớ bà.”

​Theo văn hóa của người Do Thái, việc chị xức dầu Chúa Giêsu mang ý nghĩa tương tự như một quân vương được xức dầu cho một sứ mạng cao cả. Theo tiếng Do Thái, người được xức dầu là Messiah, và tiếng Hy Lạp là Đấng Kitô. Như vậy, việc Chúa Giêsu được người phụ nữ xức dầu là hình bóng nói lên Chúa Giêsu là Đấng Kitô hay Messiah đang chuẩn bị cho sứ vụ cao cả, là đánh bại sự chết để đưa nhân loại đến một đời sống mới.
​Một điểm khác nữa trong việc xức dầu này, đó là tiên đoán việc Chúa chịu chết. Chúa nói, “Bà đã xức dầu thơm có ý tẩm liệm xác Ta trước.”

Sau này khi tháo đanh Chúa Giêsu, không thấy Phúc Âm nhắc tới việc xức dầu thi thể Chúa trước khi đem đi mai táng. Phúc Âm chỉ nhắc tới, sau ngày sabbát, một số các bà đã đem dầu thơm ra mồ Chúa để xức cho Ngài, nhưng Ngài đã không còn đó.

​Việc xức dầu còn nói lên thân phận của Chúa Giêsu. Một số người trách chị là tại sao lại phí một bình dầu thơm mắc tiền như vậy. Tại sao không bán đi lấy hơn 300 đồng bạc để bố thí cho người nghèo. 300 đồng thời bấy giờ là bằng tiền lương cho 300 ngày của người thợ làm vườn nho. Nếu tính theo lương tối thiểu $12.50 một giờ của California, thì số tiền đó có thể lên tới $30,000, một số tiền rất lớn nếu chỉ xức dầu có một lần. Tuy nhiên đây là hình bóng muốn nói tới thân phận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đáng được xức dầu với giá trị to lớn như thế. Hơn nữa, nếu nói đây là sự phung phí, thì nó đâu nghĩa lý gì so với việc Con Thiên Chúa “phung phí” chính mạng sống mình cho chúng ta. Do vậy, Chúa nói với mọi người, “Hãy để mặc bà, sao các ông lại làm cực lòng bà… Trong thế giới, Phúc Âm này rao giảng đến đâu thì người ta cũng sẽ thuật lại việc bà mới làm để nhớ bà.” Bà ta đã nhận ra Chúa Giêsu là ai, nhưng mọi người khác thì không.

​Tương phản với việc làm của chị ta là những hành động như Giuđa bán Chúa, Phêrô chối Chúa, các thành phần lãnh đạo tôn giáo âm mưu giết Chúa, đám đông dân chúng gào thét, “Đóng đanh nó vào thập giá,” Philatô và Hêrôđê bất lực khi xử án, và các binh lính La Mã tra tấn và đóng đanh Chúa. Tất cả những người này đều đáng trách trong vụ án của Chúa Giêsu, nhưng việc xức dầu của người phụ nữ thì đáng ghi nhớ. Việc chị làm thúc giục chúng ta noi gương chị, nhận ra Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình và sẵn sàng hy sinh dâng hiến cho Ngài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT