Hoa Kỳ

Người Mỹ gốc Á phải đối phó rào cản bức trần tre tại nơi làm việc, mặc dù học giỏi hơn người da trắng

Monday, 13/05/2019 - 12:12:05

“Các chuyên gia người Mỹ gốc Á cũng thường bị loại khỏi mạng lưới quyền lực không chính thức tại nơi làm việc, điều này đôi khi quan trọng hơn năng lực khi được đề bạt vào hàng ngũ lãnh đạo.”


Một nhân viên Á Châu bị cho nghỉ việc. (Getty Images)

Người Mỹ gốc Á tốt nghiệp đại học với tỷ lệ cao hơn nhiều so với người Mỹ da trắng, nhưng bất chấp điều này, họ hiếm khi có khả năng được trao các công việc chuyên môn hoặc được giữ vai trò quản lý hay lãnh đạo.

Họ phải đối mặt với sự kỳ thị khi cố gắng leo lên nấc thang sự nghiệp tại nơi làm việc, một hiện tượng được gọi là bức trần tre bamboo ceiling, một rào cản vô hình giống như rào cản tiến thân glass ceiling mà phụ nữ thường phải đối mặt.

Từ lâu, người ta đã biết rằng những đứa trẻ di cư gốc Á ở Hoa Kỳ, một thành phần dân số được gọi là thế hệ thứ hai của người Châu Á, không chỉ có khả năng học đại học cao hơn dân số Hoa Kỳ nói chung, mà còn có nhiều khả năng tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú của quốc gia này.

Trong khi người Mỹ gốc Á chỉ chiếm 6.3% dân số Hoa Kỳ, thì người gốc Á lại chiếm khoảng 25% số sinh viên trong Ivy League – nhóm các trường đại học xuất chúng nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, việc học trường cao cấp này vẫn chưa chắc là một lợi thế tại nơi làm việc cho người Mỹ gốc Á Châu.

Trong bài viết Nghiên Cứu Về Nhân Chủng và Dân Tộc Học (Ethnic and Racial Studies), ba nhà nghiên cứu mà cũng là giáo sư là ông Văn C. Trần, bà Jennifer Lee và bà Tiffany Huang tại trường Đại Học Columbia, Thành Phố New York, đã tổng hợp dữ kiện lưu trữ trong hơn một thập niên từ Khảo sát Dân Số Hiện Tại - Current Population Survey (2008-2016), cuộc khảo sát hàng tháng với khoảng 60,000 các gia đình Hoa Kỳ được thực hiện bởi Cơ Quan Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ. Sau đó, họ đã sử dụng bộ dữ liệu này để phân tích tỷ lệ tốt nghiệp trong số năm nhóm người gốc Á lớn nhất tại Hoa Kỳ bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Việt Nam và Đại Hàn. Đây là năm nhóm người chiếm khoảng 83% người gốc Á ở Mỹ. Và họ khám phá ra rằng tất cả năm nhóm này có khả năng tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân nhiều hơn là người Mỹ da trắng.

Nhóm đạt được học lực cao nhất so với người  da trắng là người Ấn Độ, họ có khả năng tốt nghiệp với bằng cấp cao gấp tám lần so với sinh viên da trắng. Người Trung Hoa có khả năng cao gấp sáu lần, người Đại Hàn và người Việt Nam có khả năng cao gần gấp ba lần, và người Phi Luật Tân gần như gấp đôi khả năng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, bất chấp lợi thế giáo dục này, người Mỹ gốc Á ít có khả năng đảm nhận vị trí quan trọng trong các công việc chuyên nghiệp hàng đầu so với người Mỹ da trắng có trình độ tương tự như họ. Ngoại lệ duy nhất là sinh viên Trung Hoa thế hệ thứ hai tốt nghiệp, những người có khả năng chuyên môn hoặc quản lý cao hơn gấp rưỡi so với người da trắng, sau khi kiểm soát tuổi tác, giới tính, giáo dục và vùng miền quốc gia.

Ông Trần C. Văn là Trợ Lý Giáo Sư Xã Hội Học tại Đại Học Columbia, người cầm đầu cuộc nghiên cứu, cho biết rằng, “Mặc dù họ có những bằng cấp cao, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng rằng các chuyên gia gốc Á phải đạt được bằng cấp còn cao hơn nữa để đạt được sự ngang bằng với người da trắng có bằng cấp thấp hơn trên thị trường lao động.

“Nói cho rõ ràng thì người gốc Á có đại diện trong các thành phần quản lý và chuyên môn, ba phần tư thế hệ thứ hai của người Trung Quốc và Ấn Độ được báo cáo là có một vị trí quản lý và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, người Á Châu thế hệ thứ hai được đại diện dưới mức một cách đáng kể ở các vị trí lãnh đạo cao cấp hơn, cho dù họ có đủ uy tín trong vấn đề bằng cấp, ngay cả sau khi xem xét nhiều yếu tố nhân khẩu học.”

Có một vài yếu tố có thể giải thích cho sự kém tiến triển trong sự nghiệp của người Mỹ gốc Á.
Nữ giáo sư Jennifer Lee nói, “Những thành kiến về sự thành công của người gốc Á trong lãnh vực học vấn (nghĩa là thông minh, có năng lực và chăm chỉ) thực sự có thể làm họ tổn thương trong thị trường lao động, nơi người Mỹ gốc Á cũng bị thành kiến là ít nói, thiếu xông xáo, thiếu khả năng giao thiệp và khả năng lãnh đạo.

“Các chuyên gia người Mỹ gốc Á cũng thường bị loại khỏi mạng lưới quyền lực không chính thức tại nơi làm việc, điều này đôi khi quan trọng hơn năng lực khi được đề bạt vào hàng ngũ lãnh đạo.”

Một khả năng khác là các chuyên gia thuộc thế hệ thứ hai gốc Á thường thiếu các tấm gương người Á Châu và người cố vấn tại nơi làm việc.

Dù lý do là gì, những ghi nhận này được đưa ra đúng thời, khi trường Đại Học Harvard đã bị tố cáo trong một vụ kiện pháp lý cấp cao về sự kỳ thị đối với các tuyển sinh người Mỹ gốc Á. Một nhóm vận động yêu cầu xét tuyển công bằng cho sinh viên nói rằng trường Harvard đã ngăn chặn một cách giả tạo số lượng sinh viên Mỹ gốc Á bằng cách giữ họ ở tiêu chuẩn học tập cao hơn người da trắng, và đánh giá họ kém về đặc điểm cá nhân.

Ông Văn Trần nói rằng, “Chúng tôi hy vọng rằng những khám phá của chúng tôi sẽ tạo ra một cuộc hội thạo rộng hơn về những bất lợi mà các chuyên gia người Mỹ gốc Á trên khắp đất nước phải đối mặt, và quan trọng hơn là về những chính sách nào có thể được đưa ra để giúp thúc đẩy đối xử công bằng và cơ hội hơn cho tất cả các nhóm, không chỉ người gốc Á mà kể cả người da trắng, người da đen và người Latinh ở Mỹ.”


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT