Tiêu Thụ

Người máy tranh mất 50% công ăn việc làm của chúng ta?

Friday, 10/11/2017 - 08:37:11

Sự xuất hiện của người máy giúp giới chủ nhân tiết kiệm được rất nhiều chi phí để có thể giảm giá thành phẩm. Đối với giới tiêu thụ, đây là một tin mừng. Nhưng đối với những người đang đi làm, liệu có phải lo viết lại đơn xin việc không?

Bài ERIC TRẦN

Trước đây chúng ta đã nhắc tới sự hiện diện của "người máy" (robot) trên thị trường, và tầm ảnh hưởng càng ngày càng mạnh của "giống người" này, đến nỗi một số nhà quan sát đã sợ rằng nhiều người sẽ mất việc do sự cạnh tranh gay gắt của robots, thậm chí không chỉ "nhiều người" mà sẽ có tới 50% công việc chúng ta hiện làm sẽ bị mất vào tay những kẻ vô tình, có trái tim sắt đá này. Nhưng cùng lúc lại có những chuyên viên khác nêu lên rằng: Đừng lo, Robot không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có mặt từ lâu, nhưng số công việc cần tới con người thực tế không giảm, ngược lại, tăng lên mới đúng.

Thực vậy, người máy không phải là hiện tượng mới mà đã xuất hiện lâu rồi, đến nỗi chữ rô-bô đã được Việt hóa để nói về những cử chỉ hành động của hạng người vô tình, lạnh nhạt, cứng nhắc, ít suy nghĩ, thiếu nhân tính. Nói chung là những hành động... máy móc, không được hoan nghênh. Thế nhưng chỉ trong ít năm gần đây, những việc robot làm được đã tăng lên một cách đáng kể, đến nỗi người ta phải gọi "họ" bằng cái tên khác là "Artificial Intelligence" (trí thông minh nhân tạo), chứ không muốn gọi một cách bôi bác là người máy như trước nay nữa.


Giữa đường gặp một cái xe tự lái khổng lồ thế này, liệu có đáng sợ lắm không?

Ông Stephen Moore, một nhà nghiên cứu thuộc Heritage Foundation, hồi tưởng lại ngày xưa lúc 16 tuổi, làm việc trong một warehouse: Công việc tám tiếng một ngày, chạy lên chạy xuống giữa những dẫy hàng hóa với cái giỏ đựng đồ, chọn sản phẩm đóng gói theo yêu cầu của khách mua hàng qua bưu điện. Công việc mỏi chân, mỏi cả tay, vậy mà tiền lương chỉ có $2.35 một tiếng. Nay loại công việc này, và cả những công việc cần sự tài khéo hơn cũng dần dần được đội ngũ người máy đảm nhiệm. Đó là quang cảnh làm việc thường xuyên tại các kho hàng Amazon, ngôi chợ online lớn nhất thế giới, tận dụng người máy làm việc liên lỉ ngày đêm để có thể đáp ứng hàng triệu đơn đặt hàng mỗi ngày.

Nếu có ai đó thuê được những công nhân cần mẫn, khéo tay, chăm làm, không bao giờ đòi nghỉ ăn trưa, nghỉ đi washroom, thậm chí không bao giờ càm ràm, khiếu nại, đòi tăng lương…. Hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên đặt câu hỏi: Sao may mắn thế? Tìm đâu ra những người công nhân như vậy? Không ở đâu xa, ngay bây giờ, và còn đang xuất hiện mỗi lúc một nhiều trên thị trường lao động. Đó là những con người mang "trí thông minh nhân tạo", người máy.

Có bao giờ đang phom phom bon bánh trên xa lộ với vận tốc 65 miles một giờ, bạn vô tình nhìn sang cái xe tải chạy song song bên cạnh, và hoảng sợ nhận ra: Chiếc xe khổng lồ, 16 bánh, không hề có người trong buồng lái. Thực ra là có, nhưng chỉ có duy nhất 1 tài xế ngồi trên chiếc xe khác, điều khiển cả đoàn công voa 5 chiếc xuyên qua những bộ não "thông minh nhân tạo" trên những chiếc xe kia.
Không biết 10 triệu tài xế trong nghiệp đoàn xe tải Teamster của nước Mỹ có ai cảm thấy nồi cơm gia đình sắp bể khi nhìn thấy cảnh này không?

Không chỉ cạnh tranh với những người bình dân, người máy còn đang cạnh tranh cả với những người đã sáng tạo ra "họ" nữa. Đó là cảnh "Robot Sanh Robot", để làm cho người máy có thể "sanh đẻ" được, y như người thường.


Nữa rồi, trong số người đi phỏng vấn kiếm việc có lẽ chỉ còn…. người máy?

 



Sau đây là một vài khuynh hướng thực tế đang xảy ra trong thế giới người máy:

1. Theo Hiệp Hội Quốc Tế Robotics thì từ bây giờ đến năm 2019 sẽ có them 333,200 người máy ra đời - nhiều hơn 1/3 so với tổng số người máy được sản xuất trong 17 năm trước.

2. Một công ty xây dựng nhà cửa ở New York (Construction Robotics) đang cho ra đời một đội thợ xây, mang tên SAM, có khả năng đặt gạch nhanh gấp 3 lần người thợ xây bình thường. Hiện nay, đội SAM đã có mặt trên công trường, đảm nhiệm phần lớn công việc, thợ xây chính gốc chỉ lo chuốt lại những viên gạch ở góc, và lau những vạt vữa thừa trên tường.

3. Ông Greg Creed, tổng giám đốc Yum Brands, tổng công ty làm chủ các nhà hàng nổi tiếng như Taco Bell, Kf:C, Pizza Hut, tuyên bố công việc nấu nướng và phục vụ khách hàng đang từ từ được giao lại cho người máy, và khoảng giữa thập niên 2020, thì robot sẽ đảm nhiệm phần lớn các công việc này.

4. Hiệp Hội Quốc Tế Robotics ước lượng từ nay đến năm 2019 số người máy làm việc nhà sẽ lên tới 31 triệu "người," phụ trách các việc như cắt cỏ, lau sàn, lau chùi bể bơi, và nhiều công tác phục dịch khác.
5. Một cuộc nghiên cứu do một giáo sư kinh tế học tại Đại Học North Carolina ước lượng sẽ có khoảng 13% công việc về pháp luật sẽ được thực hiện bởi người máy.

6. Tháng 10 năm ngoái công ty Uber đã dùng một người máy khổng lồ đi giao 50,000 loong bia Budweiser từ Fort Collins tới Colorado Springs, Colorado. Đó chính là một chiếc xe tải 18 bánh, tự lái. Còn cái người mà chúng ta vẫn gọi là "tài xế" thì chỉ ngồi trong khoang phòng ngủ, theo dõi việc làm của "trí thông minh nhân tạo" qua màn hình vi tính.

7. Trí thông minh nhân tạo đang thực hiện những bước tiến nhảy vọt, để phục vụ trong các ngành nghề mà chúng ta thường cho rằng quá phức tạp không thể tự động hóa được. Chẳng hạn như y khoa. Một cuộc thí nghiệm tại University of Nottingham cho thấy các y sĩ robot đã chẩn mạch, đoán bệnh chính xác hơn bác sĩ thực thụ trong các trường hợp bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim (heart attack), dựa vào huyết áp, mỡ trong máu, và các dữ kiện khác vốn có trong bệnh án. Một tờ báo trên mạng, ScienceMag.com, đã tổng kết được 355 trường hợp sinh mạng được cứu sống nhờ sự phân tích của computers.

Dù những thành quả cụ thể đó chắc chắn sẽ thay đổi cục diện kinh tế đất nước, nhưng xin bạn nhớ cho rằng những tiên đoán mạnh mẽ dựa trên thành quả của người máy không phải bây giờ mới có. Ngay từ năm 1930, nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới, Giáo Sư John Maynard Keynes đã tiên đoán sang thế kỷ thứ 21, chúng ta chỉ còn có thể, hoặc chỉ phải làm việc 15 tiếng một tuần mà thôi. Lời tiên đoán ấy không đúng khi nhiều người chúng ta - lao động chân tay hay lao động trí óc - vẫn phải cặm cụi làm ngày làm đêm, làm cả ca 2, ca 3 khiến con số 40 giờ "full time" một tuần vẫn còn là một ước mơ xa vời.

Một mặt khác, trước khi máy cầy, máy gặt… được đưa vào ruộng đồng, trại chủ phải cần tới một lực lượng lao động nhiều gấp 30 lần số người hiện nay mới có thể canh tác được 100 mẫu. Nếu không có máy móc, chúng ta sẽ phải huy động toàn lực lao động hiện có trong nước Mỹ hiện nay, sẽ không có người thất nghiệp, nhưng thực phẩm trên bàn ăn sẽ ít hơn, ít hơn nhiều.

Giáo sư Kay S. Hymowitz thuộc viện công nghiệp Manhattan Institute viết trên City Journal rằng người máy thực sự đã làm mất công ăn việc làm của nhiều giới lao động chân tay. Nhưng sự mất mát ấy lại được bù lại bởi một lực lượng lao động mới, đông đảo hơn trong các ngành kỹ nghệ mới như kỹ nghệ thép, kỹ nghệ lắp kiếng, kỹ nghệ cao su, kỹ nghệ dệt, kỹ nghệ lọc xăng dầu…. Những ngành nghề này lớn mạnh nhờ có đám công nhân được thải ra từ kỹ nghệ xe hơi sau sáng kiến "sản xuất hàng loạt" và " kỹ thuật dây chuyền" của ông Henry Ford.

Sự xuất hiện của người máy giúp giới chủ nhân tiết kiệm được rất nhiều chi phí để có thể giảm giá thành phẩm. Đối với giới tiêu thụ, đây là một tin mừng. Nhưng đối với những người đang đi làm, liệu có phải lo viết lại đơn xin việc không?

Cổ nhân Việt Nam có câu "Trời Sinh Voi Trời Sinh Cỏ," hay "Hơi đâu mà lo bò trắng răng!" để trấn an những người sợ chết vì… Trời sập. Thật vậy người máy có giành mất nhiều việc, nhưng sự hiện diện của "họ" là để phục vụ, làm cho sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn, giúp đời sống con người phong phú, giầu có hơn, chứ không thể dồn chúng ta vào thế kẹt vì mất công ăn việc làm được.

Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT