Bình Luận

Người mất nước

Friday, 20/12/2019 - 07:33:36

Người mất nước là anh Safa al-Sarray 26 tuổi, người Iraq, thợ hồ kiêm sinh viên trường Đại Học Kỹ Thuật Baghdad


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Người mất nước là anh Safa al-Sarray 26 tuổi, người Iraq, thợ hồ kiêm sinh viên trường Đại Học Kỹ Thuật Baghdad; anh làm thợ hồ ba ngày mỗi tuần, thời gian còn lại anh đi học. Anh thích văn chương, thích làm thơ, rồi trở thành một độc giả và bạn tâm giao của nhà văn Sinan Antoon từ 9 năm nay.
Ông Antoon viết về liên hệ giữa hai người, "Safa viết thư cho tôi trên mạng xã hội, viết về một trong những cuốn tiểu thuyết tôi sáng tác, tôi thích lối viết dí dỏm, hài hước trong những bài viết sâu sắc của anh về cuộc sống chính trị tại Iraq
"Safa thích đọc, thích làm thơ; gia đình ảnh là một gia đình lao động, nhiều người trong gia đình làm việc vì không ai làm lương cao, thân phụ ảnh mất ngày ảnh còn nhỏ; do đó ảnh lao động rất sớm để giúp đỡ gia đình.


Nhà văn Sinan Antoon

Safa chống những hành vi tàn nhẫn, bạo động của quân khủng bố Hồi Giáo, nhưng anh cũng không thích chính phủ thân Mỹ tại Baghdad, mặc dù anh và gia đình đang sống tại Baghdad, trong vùng do quân đội Iraq bảo vệ.
Anh thường viết những bài bình luận vạch rõ việc chính phủ Iraq không chỉ thân Mỹ, mà còn là sản phẩm của Mỹ, đáng lẽ phải là chính phủ đại diện cho những người Iraq chống ISIS và chủ trương hòa bình, nhưng vẫn không thích Mỹ.
Đôi khi anh làm thơ than thở số phận của những người Iraq mất nước như anh, bất lực trước sức mạnh của cả hai lực lượng xâm lăng -ISIS và Mỹ.
Safa và những người Iraq sống tại thành phố Baghdad-thủ đô Iraq- xuống đường biểu tình, đòi lại quê hương; cảnh sát của chính phủ 'quốc gia' đàn áp họ, tịch thu những bích chương viết, "Trả Quê Hương Lại Cho Tôi" hoặc "We Want A Home Land."

Ông Antoon giải thích, giữa hai thế lực đang tranh nhau vai trò bá chủ lãnh thổ Iraq là Mỹ và Iran; người Iraq không chọn bên nào cả. Họ chỉ muốn đất Iraq, nước họ phải là của họ, nhưng họ không có sự lựa chọn đó, vì họ không đủ sức mạnh để đứng lên đòi quyền lựa chọn.
Giờ này lực lượng Iraq thân Mỹ đang thắng, nhưng lực lượng đó không đủ 'Iraq tính' như Safa và đa số người Iraq trông chờ. Họ xuống đường chống Mỹ, vì cho là Mỹ không để cho họ độc lập. Có thể họ không biết là nếu Mỹ rút đi, họ còn khổ hơn nữa.

Những cuộc xuống đường của họ -được Antoon ca tụng là- không do một đảng phái, một phong trào nào tổ chức cả, nhưng chính phủ thân Mỹ cho là người biểu tình làm tay sai cho ISIS, dù họ ý thức hay không ý thức được điều đó, và họ thân với lực lượng phản loạn, khủng bố -phong trào 'đến với quê hương tôi' của Iraq cũng giống như những phong trào tôn giáo chống chính phủ Việt Nam ngày xưa, tại Huế, tại Saigon.
Phong trào 'We want a homeland' (tôi muốn quê hương tôi) mới phát động từ tháng 10, 2019 để chống lại chính phủ Iraq thân Mỹ, tham nhũng và bất lực -hai cái tội có thể gán cho bất cứ chính quyền của một nước nhỏ nào khác nhận viện trợ Mỹ -kể cả Việt Nam ngày xưa và Iraq hôm nay.
Trong bài 'điếu văn' khóc anh thợ hồ kiêm sinh viên Safa, nhà văn lưu vong Antoon viết, "Safa xuống đường vì tức giận trước thái độ xa lánh mà người Iraq cảm thấy đối với một tầng lớp chính trị bị ảnh hưởng từ bên ngoài (Iran và Hoa Kỳ) và không biết gì về yêu cầu của người dân."

Một đoạn khác trong bài điếu văn, ông viết, "Những cuộc đàn áp tàn bạo, những người biểu tình bất bạo động như anh Safa, bị giết, bị bắt đang nhân đôi tổng số những cuộc biểu tình chống chính phủ và làm lập trường của người Iraq tranh đấu đòi lại quê hương họ, trở thành quyết liệt hơn. Họ đòi hỏi một cuộc cách mạng thật sự và toàn bộ, chứ không chỉ giới hạn vào những thay đổi nhân sự nữa."
Đoạn này Antoon viết về việc thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi từ chức hôm 29 tháng 11, 2019 vừa rồi.
Nhà văn Iraq lưu vong này đang gây nhiều xúc động trong quần chúng Mỹ với bài I Will Visit Your Grave When I Go to Iraq (tôi sẽ đến viếng mộ em, ngày tôi về Iraq), đăng trong số báo phát hành ngày 16 tháng Chạp 2019 của tờ The New York Times.
Những người Việt lớn tuổi -thuộc thế hệ cầm súng bảo vệ miền Nam- có thể nghe như hơi quen quen với nhà văn Iraq Sinan Antoon; có thể ông ta cũng là người Mỹ gốc Iraq, như nhiều người trong chúng ta là người Mỹ gốc Việt.
Antoon sinh năm 1967 tại Baghdad; năm 1990 ông tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại University of Baghdad, rời Iraq năm 1991 sau khi Chiến Tranh Vùng Vịnh xảy ra và đến Hoa Kỳ sinh sống.

Năm 1995 ông đậu bằng thạc sĩ về khoa Arab Studies tại Georgetown University, và năm 2006 ông đậu tiến sĩ về Arabic and Islamic Studies tại Harvard University.
Antoon là một trong những thành viên của giới trí thức Iraq di cư, bất đồng chính kiến với người Mỹ, chống lại cuộc hành quân tấn công và chiếm đóng Iraq năm 2003 dẫn đến vũng lầy hậu thuộc địa hiện nay.
Trở lại với cậu thợ hồ kiêm sinh viên Safa và phong trào của người Iraq 'đòi lại quê hương Iraq'. Antoon viết, "Trong cuộc nổi dậy tháng Mười 2019, Safa đứng hàng đầu trong một cuộc biểu tình, cậu ngâm thơ và hô hào người biểu tình bình tĩnh, không bạo động, nhưng cũng không nhượng bộ.
Ngày 28 tháng Mười, tôi (Antoon) viết thư trên mạng hỏi, Tôi nghe em bị thương, và đang mong thư em cho tôi biết là em O.K., nhưng vẫn bặt tin. Tin đồn nói là một lon lựu đạn cay mà cảnh sát cố ý bắn vào đầu em trong lúc em và đoàn biểu tình chiếm giữ công viên Tahir; em được đưa vào bệnh viện, rồi chết tại đó sau vài tiếng đồng hồ.
“Tôi khóc khi xem video cảnh quan tài em được người biểu tình khiêng quanh công viên. Vài năm trước tôi có viết bài thơ 'Liệt sĩ không lên thiên đường' mà không biết là tôi đã khóc em quá sớm, bài thơ như sau:

Martyrs do not go to paradise
They leaf through the heavenly book
each in their own way
as a bird
a star
or a cloud
They appear to us every day
and cry
for us
we, who are still
in this hell they tried to extinguish
with their blood.

Xin tạm dịch:

Liệt sĩ không lên thiên đường
Họ thoát đi, mỗi người một cách,
từ những trang sách nặng nề.
Êm như một cánh chim,
Nhanh như một ngôi sao,
Hay một áng mây hồng đào,
Trôi đi, rồi trở lại,
Khóc buồn, thương hại chúng sinh
Quằn quại trong hỏa ngục chiến chinh
Họ đang tìm cách dập tắt lửa;
Thiếu nước chữa cháy,
Họ dùng máu đỏ
Trong tim họ

Anh Safa mới chết, anh Nguyễn Văn Trổi bị xử bắn bí mật tại sân sau Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964.
Hai người đó có thật là liệt sĩ hay không? Và tiến sĩ Antoon có còn là người Iraq như chúng tôi vẫn còn là người Việt sau 45 năm chạy thoát ra khỏi địa ngục VNCS hay không?
Xin ông đừng đuổi Mỹ; kinh nghiệm dạy chúng tôi là Mỹ chạy ra khỏi Việt Nam năm 1973 thì chỉ hai năm sau chúng tôi cũng phải chạy theo thôi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT