Đạo và Đời

Kinh Nhất Dạ Hiền Giả

Wednesday, 24/05/2017 - 07:45:17

Nội dung chính của lời kinh là khuyên chúng ta hãy sống trong tỉnh thức trong từng phút giây, biết an trú trong hiện tại, không bám víu vào quá khứ, cũng không mơ tưởng đến tương lai.


Một buổi bình minh an lành ở miền quê, cho người biết sống trong hiện tại. (Getty Images)

Kinh Người Biết Sống An Lành nguyên tựa tiếng Pali là Bhaddekaratta Sutta, Kinh Trung bộ, số 131. Kinh này được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là kinh Nhất Dạ Hiền Giả, và Thiền Sư Nhất Hạnh dịch là kinh Người Biết Sống Một Mình.


Nội dung chính của lời kinh là khuyên chúng ta hãy sống trong tỉnh thức trong từng phút giây, biết an trú trong hiện tại, không bám víu vào quá khứ, cũng không mơ tưởng đến tương lai. Thế nào là không bám vào quá khứ, thế nào là không tưởng tới tương lai. Xin nghe lời Phật dạy qua bản dịch của hai vị danh tăng nói trên.

Kinh Nhứt Dạ Hiền Giả
Hòa Thượng Minh Châu dịch

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt Dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

Kinh Người Biết Sống Một Mình
Thiền Sư Nhất Hạnh dịch

Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơị
Phải tinh tấn hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Như Lai gọi là
Người biết sống một mình.


Phật nói, này quý thầy, sao gọi là tìm về quá khứ? 

Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy thì khi ấy người đó đang tìm về quá khứ.

Này quý thầy, sao gọi là không tìm về quá khứ?
Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì khi ấy người đó đang không tìm về quá khứ.

Này quý thầy, sao gọi là tưởng tới tương laỉ?
Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ được như thế kia, cảm thọ ta sẽ được như thế kia, tri giác ta sẽ được như thế kia, tâm tư ta sẽ được như thế kia, nhận thức ta sẽ được như thế kia. Nghĩ như thế mà khởi tâm ràng buộc và mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì khi ấy người đó đang tưởng tới tương lai.

Này quý thầy, sao gọi là không tưởng tới tương lai?
Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ được như thế kia, cảm thọ ta sẽ được như thế kia, tri giác ta sẽ được như thế kia, tâm tư ta sẽ được như thế kia, nhận thức ta sẽ được như thế kia. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc và mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó trong lúc ấy đang không tưởng tới tương lai.

Này quý thầy, thế nào gọi là bị lôi cuốn theo hiện tại?
Khi một người không học, không biết gì về Phật, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiền nhân và giáo pháp của họ, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này... thì khi ấy người đó đang bị lôi cuốn theo hiện tại.

Này quý thầy, thế nào là không bị lôi cuốn theo hiện tại?
Khi một người có học, có biết về Phật, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của họ, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này... thì khi ấy người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại.

Đó, tôi đã chỉ cho quý thầy biết đại cương và giải thích cho quý thầy nghe về thế nào là người biết sống một mình. Phật nói xong, các vị khất sĩ đồng hoan hỷ phụng hành.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT