Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 40)

Sunday, 03/06/2018 - 09:59:34

Để khi khoác lên mình, mỗi thành viên của Gia Đình tự nhắc nhở mình, phải “luôn cùng nhau thực hành mở rộng dung lượng trái tim để ngày càng yêu thương nhau hơn, ngày càng tha thứ cho nhau nhiều hơn và cùng giúp đỡ nhau để mọi người sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Bài BĂNG HUYỀN
Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh (phần cuối)

Vào những dịp lễ trang trọng như dịp kỷ niệm ngày thành lập Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh (GĐNSTL) vào tháng 8 hằng năm, thành viên của GĐNSTL nếu là người nữ thường mặc lễ phục áo dài xanh với hình vẽ trái tim hồng mở rộng, người nam trong chiếc áo sơ-mi trắng với cà vạt xanh kèm logo trái tim hồng. Màu xanh và trái tim hồng là màu sắc và hình ảnh biểu trưng của GĐNSTL. Để khi khoác lên mình, mỗi thành viên của Gia Đình tự nhắc nhở mình, phải “luôn cùng nhau thực hành mở rộng dung lượng trái tim để ngày càng yêu thương nhau hơn, ngày càng tha thứ cho nhau nhiều hơn và cùng giúp đỡ nhau để mọi người sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.”
 

Ông Lâm Thành, bà Ngọc Lan và vài thành viên của GĐNSTL hội ngộ Tâm linh Gia tiên Việt Nam tại Huế năm 2018.  (Hình cung cấp)

Điều kiện để trở thành thành viên GĐNSTL

Diễn viên, người mẫu Ngọc Khánh, là một trong những thành viên trẻ của GĐNSTL cho biết, để trở thành thành viên của GĐNSTL, người đó phải sinh hoạt đều đặn tám tuần thì mới được là thành viên áo xanh, nhưng cũng phải có nguyện vọng mặc áo xanh, chứ còn không thì cũng chỉ cần là thiện nguyện viên của GĐNSTL thôi.  “Nhưng Ngọc Khánh rất hãnh diện là thành viên của GĐNSTL. Là thành viên của GĐ, mình phải bỏ thời gian để học những bài học tu tâm sửa tánh, phải biết chia sẻ trách nhiệm với mọi người, chứ không phải chỉ đến để dự thôi.”
 

Người Mẫu- diễn viên Ngọc Khánh (người đầu tiên đứng ngoài bìa trái, ở dãy hàng thứ hai phía trên, tóc ngắn) cùng các thành viên của GĐNSTL chụp lưu niệm nhân dịp sinh nhật của GĐNSTL.  (Hình cung cấp)

Ngọc Khánh kể, “Ngọc Khánh đến với GĐNSTL từ tháng 9 năm 2013, nhưng khi đó Ngọc Khánh chưa là thành viên chính thức của GĐ, vì Ngọc Khánh chưa qua Mỹ định cư, còn sống ở Việt Nam, thường qua Mỹ để diễn, đi đi về về. Lúc đó Ngọc Khánh có quen cô Như Hảo (giám đốc đài Mẹ Việt Nam), Ngọc Khánh có tâm sự với cô, ba của Ngọc Khánh đạo Chúa, còn mẹ đạo Phật, Ngọc Khánh theo cả hai đạo, vì muốn ba và mẹ đều vui. Ngọc Khánh quan niệm là mình phải sống đạo đức trước, còn thì không phân biệt đạo, vì đạo nào cũng dạy con người ta sống tốt hết. Nghe vậy, cô Như Hảo đã giới thiệu Ngọc Khánh về GĐNSTL.
“Trước khi về Việt Nam khoảng bốn tuần, Ngọc Khánh đến dự buổi sinh hoạt của GĐNSTL và đã sinh hoạt với GĐ được hai lần, vì sau đó còn phải qua diễn bên New York. Đến đầu năm 2016 Ngọc Khánh qua đây chính thức, đã tham gia với GĐNSTL từ đó đến nay. Khi sinh hoạt trong GĐ, sau phần học, mình có thời gian đặt câu hỏi, được anh Thành, chị Lan trả lời những thắc mắc, hoặc các thành viên cùng bàn thảo vấn đề về quan điểm của mỗi người ra sao để cuối cùng đúc kết ra câu trả lời khiến mọi người đều hài lòng, hợp lý nhất.”
 

Câu chữ thư pháp để trên bàn thờ tại trụ sở của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh. (Hình cung cấp)

Ngọc Khánh cho biết dù bấy giờ chỉ sinh hoạt với GĐNSTL tại Mỹ được hai lần vào hai buổi tối thứ Ba, nhưng Ngọc Khánh rất thích và khi qua đây dự lại những buổi học, Ngọc Khánh thấy mình cần phải học hỏi nhiều hơn, vì nước chảy đá mòn. Đôi khi mình biết nóng giận là sai, nhưng mình nóng rồi thì mới biết, mình làm sai rồi mới biết. Chính vì vậy, mỗi thứ ba hằng tuần đi học, Ngọc Khánh luôn cố gắng sửa chữa bản thân, đến cuối tuần lại quên, sang tuần mới lại học tiếp, để tự nhắc mình phải luôn cố gắng như thế nào. Ngoài việc cố gắng sửa cho bản thân tốt hơn, phải làm cho gia đình của mình cảm thấy hạnh phúc hơn với những điều mà mình học được từ GĐNSTL.

Cô nhắc lại, “Hôm đầu tiên Ngọc Khánh vào GĐNSTL, anh Thành giảng bài học về đạo hiếu với gia đình, với các bậc sinh thành, bên Thiên Chúa hay đạo Phật, đạo ông bà của người Việt đều dạy con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Khi dự buổi đầu tiên, học được bài học này, Ngọc Khánh thấy rất hay, vì Ngọc Khánh cũng rất yêu thương gia đình của mình, nhưng khi được nghe điều đó nhiều hơn nữa, hiểu được sâu sắc hơn khi mà mình có gia đình của mình trong kiếp này, cũng đã được rất nhiều may mắn. Bài học đó, Ngọc Khánh thấy nó là một nền tảng rất hay không chỉ với người Việt tại Mỹ mà còn với người Việt sống tại Việt Nam.
“Bài học ở buổi thứ hai Ngọc Khánh được học đó là buông bỏ cái tôi. Không riêng gì nghệ sĩ, mỗi người đều có cái tôi, cái tự ái, tự cao của mình. Tự cao khác tự trọng. Đôi khi mình nghĩ đó là tự trọng, nhưng thật ra đó là tự cao mà mình không biết. Buổi học đó giúp Ngọc Khánh phân biệt được thế nào là tự trọng, thế nào là tự cao. Tự cao có tốt hay không? Tại sao phải nên kìm hãm tính đó của mình. Những ai tự cao thường kèm theo sự nóng giận, mà khi mình nóng giận, sẽ làm những điều không đúng, nói những điều không hay. Học được cách kìm hãm tính đó. Nên dù học có hai buổi, lại học được hai bài học rất hay, vì vậy Ngọc Khánh quyết định gắn bó với GĐ.”
 

Ông Lâm Thành nói chuyện về đạo hiếu tại Hội thảo Tâm linh gia tiên ở Phú Thọ, VN năm 2017.  (Hình cung cấp)


Theo Ngọc Khánh, ngoài phát triển về tâm linh, điều Ngọc Khánh thấy hay hơn nữa khi gắn bó với GĐNSTL, vì ở bên này Ngọc Khánh không có gia đình, chỉ có một mình, nên cũng cảm thấy buồn lắm. Được các anh chị trong GĐ yêu thương như người nhà, được mấy chị trong GĐ hướng dẫn tận tình từ cách mua đồ vật dụng để xài, mướn nhà để ở, mua bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm sức khỏe. Những tối thứ ba đến GĐNSTL gặp gỡ các cô chú, các anh chị không chỉ để học hỏi về tâm linh, mà còn được học hỏi về cách sống của mọi người trong gia đình.

Cô nói, “Có rất nhiều gia đình gồm có bà, ba mẹ, con cháu đều cùng tham gia. Ngọc Khánh thấy rất thích, vì ở bên Mỹ này mà một gia đình có cả ba thế hệ cùng sinh hoạt chung đâu có đơn giản. Ở Việt Nam đã khó rồi, qua đến Mỹ càng khó hơn. Khi Ngọc Khánh cảm nhận được là những thành viên gắn bó với GĐNSTL giữ được truyền thống, thì Ngọc Khánh rất thích. Khi tới sinh hoạt, Ngọc Khánh được gặp được bà cố (mẹ của ông Lâm Thành), bà nội (mẹ của ca sĩ Bằng Kiều), bà ngoại (mẹ của ca sĩ Trizzie Phương Trinh), các anh chịà chia sẻ, chỉ dạy nhiều điều hay, hay chỉ là những câu hỏi thăm thôi cũng làm mình ấm lòng.”
 

Hội thảo Tâm linh Gia tiên tại Phú thọ 2017.  (Hình cung cấp)

Nghệ sĩ và tâm linh

Ngọc Khánh nói rằng cô là một người hoạt động nghệ thuật, sinh hoạt trong giới nghệ sĩ, nên cô phải luôn giữ hình tượng của mình, nhất là khi trở thành người nghệ sĩ có tâm linh, là thành viên của GĐNSTL thì bản thân càng phải tu sửa để cho mọi người biết rằng cô không chỉ có vẻ đẹp bề ngoài mà còn là nghệ sĩ có đạo đức, có vẻ đẹp tâm hồn.

Điều này cũng đã được ca sĩ Ngọc Anh (là hội phó của GĐNSTL) giải thích khá tường tận trong bài viết “Nghệ sĩ và Tâm linh” phổ biến đến các thành viên của GĐNSTL nói riêng và các nghệ sĩ nói chung, “Dường như người nghệ sĩ nào cũng có cái Tâm - Tâm yêu nghề. Phải có cái tâm như thế nào mà họ mới diễn xuất và biểu diễn hay như thế, họ được nhiều người ngưỡng mộ, tung hô, tôn thờ một cách đặc biệt như thế... tất nhiên đó phải là những người nghệ sĩ thực thụ, sống chết vì nghề, đam mê cháy bỏng với nghề, chịu gian khổ tu luyện vì nghề - đó chính là cái Tâm của người nghệ sĩ.

“Được làm một nghệ sĩ đã là một điều gì đó thật đặc biệt, cuộc đời dù lên thác xuống ghềnh, dù trôi, dù nổi, dù lao đao nghiệt ngã, dù yêu thương mong manh, dù thăng, dù trầm thì cũng với một cách thật đặc biệt! Người nghệ sĩ cũng thường tự bảo ban nhau bằng kinh nghiệm về sự nhớ ơn Tổ nghiệp của mình qua những buổi Lễ giỗ Tổ Nghệ Thuật, họ được dịp tỏ bày tấm lòng biết ơn của mình với Tổ Nghiệp. Phần lớn họ thờ cúng Tổ Nghiệp là những vị Tổ hữu hình - là những nghệ nhân có tài năng xuất chúng, có công khởi xướng những ngành nghề Nghệ Thuật từ xa xưa.
 

Logo của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh.

“Họ cũng tò mò đi tìm Thần độ mạng của mình, họ thường xuyên thắc mắc hình như có cái gì đó tác động vào tài năng của họ? Có cho và lại lấy đi, có phạt có thưởng một cách huyền bí mà chỉ có chính bản thân người nghệ sĩ đó mới cảm nhận được qua những giây phút thăng hoa trong tác phẩm hay trong những vấp váp bất ngờ không thể nào kiểm soát. Họ chỉ biết tạm dùng những từ như xuất Thần và Tổ trác để miêu tả những sự bí hiểm đó. Những huyền bí đó dường như được giải nghĩa và thêm phần thuyết phục khi các anh chị em đến với bộ môn siêu hình học của GĐNSTL. Và đúng vậy, thế giới vô hình muôn hình vạn trạng, muôn vàn cách để đánh thức tâm linh cho con người. Đấng tối cao của thế giới vô hình, các chư vị Bề Trên, các Thần Linh độ mạng sẽ được mở ra trước ngưỡng cửa Tâm Linh khi mọi người gặp nhau và học hỏi tại GĐNSTL.”

Ca sĩ Ngọc Anh nhận xét, “Đa phần người nghệ sĩ bị lẫn lộn giữa đời và sân khấu, giữa đời và tác phẩm, giữa đời và những hào quang có giới hạn họ đôi khi không nhận ra đâu chính là mình? Không nhận ra con người thật của mình? Khi thì đem những ngọt ngào, yêu đương mộng mị của nhân vật để khoác lên cuộc sống ngày thường hòng mong có được kết quả trong tình yêu mỹ mãn như trong tác phẩm mà người đời vẫn hay gọi là "người sống trong tiểu thuyết," ám chỉ một người không thực tế chút nào... khi thì bê nguyên những số phận nghiệt ngã, đắng cay của nhân vật để tự ép buộc rằng cuộc đời thật cũng tệ như thế đó, để rồi hoang mang nghi ngờ không lối thoát và còn có người bê nguyên cả ánh hào quang của sân khấu về đến nhà và gia đình, sống với người thân mà tâm trạng của một ngôi sao, họ quên cất đi sự kiêu hãnh và sáng chói chỉ nên có khi còn đứng trên sân khấu, họ mang về nhà những lời ca tụng tung hô của khán giả và bạn bè dành cho mình để quên đi bổn phận đích thực là làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm con... trong gia đình.

“Nhưng cũng may! người nghệ sĩ trong sâu thẳm còn biết sợ nhiều thứ: sợ mất nghề, sợ mất duyên sân khấu, sợ không còn trẻ đẹp, sợ đói nghèo, sợ hoạn nạn, sợ bất hạnh. Khi biết sợ con người ta hay dễ bám víu vào tha lực, bám víu vào Bề trên, con người bỗng dưng biết thấy mình nhỏ bé hơn, không cao ngạo mà biết cúi đầu cầu xin sự may mắn. Người nghệ sĩ với những tính cách thất thường nên vẫn hay được gọi là giới đồng bóng, có căn, có cơ... chứng tỏ là họ dường như được quan tâm gần gũi hơn với thế giới vô hình, được nhận nhiều ưu đãi hơn bởi các chư vị Thần Linh, nhưng chính họ cũng dường như gặp nhiều lao đao hơn, bất trắc hơn trong cuộc sống. Đó chính là cách có thưởng mà cũng có phạt của Bề trên. Và đó cũng chính là lý do đưa đẩy, gieo mầm cho những người Nghệ sĩ hướng đến Tâm Linh!

“Họ được thức tâm bởi nhiều cách vì Bề Trên biết họ là những người dễ bị cao ngạo khi chạm đến Vinh Quang, khi đó họ cũng dễ sa ngã, dễ mất kiểm soát hơn! Họ đi tìm hướng tâm Linh cho mình, đó là điều đã rất tốt dù họ chưa được chắc chắn một điều gì, họ cũng chới với, cũng suy ngẫm, cũng tìm kiếm nhưng nếu thật sự họ khao khát, họ mong mỏi thì Bề Trên sẽ mở cửa cho họ có được một dấu ấn, “gõ cửa thì cửa mới mở” để rồi cánh cửa tâm Linh đầy phép lạ sẽ mở ra trước mắt họ, tâm bỗng lắng đọng, trí bỗng xán lạn, những con đường hanh thông trong cuộc sống bỗng mở ra một cách kỳ diệu, chính từng cá nhân họ đã và sẽ được trải nghiệm để hoàn toàn cúi đầu khâm phục trước sự vi diệu của Đấng Thiêng Liêng.”

Ca sĩ Ngọc Anh kết luận, “Con đường để thực hiện những điều gọi là "đúng Thiên ý" không phải dễ dàng! Con người khi đã quá ăn sâu những thói hư tật xấu, những "tham sân si", cái tôi cao ngạo, những vọng tưởng mơ hồ... đã làm cản trở bước đường thăng tiến Tâm Linh của họ, đánh lạc hướng con đường tu Tâm sửa tánh của họ. Sự vi diệu của Đấng Bề Trên là thế! Ngài không cho chúng ta dựa dẫm, không cho ta được phép chỉ biết xin mà không biết cố gắng! Ngài treo giải hai chữ "hạnh phúc" nhưng lại bắt ta phải biết dùng "Bi, Trí, Dũng" để cố gắng và quyết tâm vượt qua những thử thách để đến với hạnh phúc. Đó là "trò chơi có thưởng" đầy giá trị của Bề Trên cho ta! Trên đời không có gì gọi là "vô thưởng vô phạt" hết!

“Tất cả những gì xảy ra trong đời đều là những bài học vô cùng sâu sắc mà Bề Trên đưa xuống cho ta, bắt ta phải học đến khi nào ta nhận ra sai lầm của mình, chưa nhận ra thì Ngài cho học tiếp, kêu hay than cũng chẳng ăn thua gì! Vậy chi cho bằng ta hãy chấp nhận nhìn lại, chấp nhận sửa sai, chấp nhận rằng ta chính là tổng hợp của những nguyên nhân làm ta bất hạnh, ta hãy tự xét cho tột cùng chính ta cho đến khi ta chiến thắng được bản thân mình thì hạnh phúc sẽ rủ nhau trở về thực thể của nó.

“Và khi biết được những phương pháp tu đời tuyệt vời như vậy từ những lý thuyết rất thiết thực và đầy bằng chứng từ Bộ môn siêu hình học do những người đầy tâm huyết như anh chị Lâm Ngọc đã từng miệt mài học hỏi và chứng nghiệm cả cuộc đời, để đúc kết, để tiếp nối, để chia sẻ, để trao gửi và thắp sáng đã đang và sẽ giúp những anh chị em nghệ sĩ hữu duyên cùng vượt qua những trắc trở, bấn loạn, hoạn nạn, rủi ro trong cuộc đời... mong cầu những may mắn từ Đấng Tối Cao vô cùng Thiêng Liêng giúp giảm bớt nghiệp quả, cuộc đời hanh thông và ban phát hạnh phúc an lành đến từng tâm hồn yếu đuối của những người rất đỗi nghệ sĩ! Đó là bước ngoặt lớn của cuộc đời khi người nghệ sĩ và cả bạn nữa được bước vào thế giới Tâm Linh.”
Trong những lần nói chuyện trước các thành viên, thiện nguyện viên của GĐNSTL hay với các cơ quan truyền thông báo chí, ông Lâm Thành (là cố vấn, hướng dẫn của GĐNSTL) luôn nhắc đến thông điệp tuyệt đẹp mà các thành viên của GĐNSTL luôn gắng gìn giữ gìn, “Tình yêu thương chính là nguồn cội tạo nên nền đạo Tâm linh Gia tiên được thể hiện qua Đạo Hiếu, Đạo Hiếu chính là căn bản bao trùm toàn bộ sinh hoạt của GDNSTL.

“Tình yêu thương chính là nền tảng của cuộc sống con người, không có tình yêu thương, con người sẽ biến thành gỗ đá cát sỏi, Tình yêu thương chính là hạt mầm, là bài học đầu tiên mà con người được gieo và được học kể từ khi bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ và tình yêu thương được hình thành và phát triển một cách tự nhiên theo thời gian và được tiếp nối mãi mãi, vĩnh viễn theo vòng quay thời gian và sự tiến hóa của nhân loại, mẹ sinh ra con, con sinh ra cháu, cháu sinh ra chắt, … tình thương yêu cứ thế quay vòng và nảy nở một cách tự nhiên như là một bản năng gốc của con người.”

Ông Lâm Thành và bà Ngọc Lan luôn ước mong không chỉ có các thành viên của GĐNSTL mà những ai có duyên biết đến GĐNSTL qua loạt bài viết này luôn hiểu rằng, “Mỗi linh hồn khi xuống trần thế đều được Thượng đế ban cho hai chiếc chìa khóa: Chìa khóa Hạnh phúc, Chìa khóa Tâm linh và được Ngài dặn dò kỷ lưỡng cách sử dụng hai chiếc chìa khóa này.

“Chìa khóa hạnh phúc: Tuyệt đối phải thật ích kỷ, giữ chặt cho bản thân, không được trao cho bất cứ người nào, càng giữ chặt cho mình chừng nào thì cuộc sống của mình càng hạnh phúc bấy nhiêu, đây là chìa khóa để khóa lại những cảm xúc tiêu cực như giận hờn, tự cao tự đại, xem thường người khác, nghi ngờ, thành kiến, nghĩ xấu về người khác, ganh tị, buồn chán. Vì khi giận ai chính là chúng ta đã trao chìa khóa hạnh phúc của chúng ta cho người chúng ta đang giận và chỉ khi nào hết giận thì chìa khóa hạnh phúc mới trở về lại với chúng ta.

“Chìa khóa tâm linh: Nên được ban phát cho mọi người chung quanh một cách tự nhiên thoải mái, càng ban phát chìa khóa tâm linh cho nhiều người chừng nào thì chúng ta sẽ nhận lại càng nhiều tình yêu thương bấy nhiêu, đây là chìa khóa để mở ra những cảm xúc tích cực như tình thương yêu, lòng biết ơn, tha thứ, thông cảm, khiêm tốn, tin tưởng, tôn trọng, à những đức tính này sẽ giúp chúng ta được mọi người chung quanh quý trọng và yêu thương.

“Cuộc sống tinh thần quyết định hạnh phúc đích thực của mỗi người, hãy cố gắng thực hành KHÓA thật chặt Chìa khóa Hạnh phúc và MỞ thật rộng để ban phát Chìa khóa Tâm linh, chắc chắn cuộc sống sẽ bình an, tâm linh sẽ được thăng tiến.”


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT