Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 35)

Sunday, 29/04/2018 - 02:57:25

Ông Dũng Nguyễn kể, “Bấy giờ trong nhà tôi xảy ra những chuyện không tin không được. Khi anh trai tôi mất bất đắc kỳ tử, trong lễ cúng 100 ngày ngay trong gia đình, không có mời thầy về cúng, cầu xin gì hết, vậy mà anh trai tôi về và nhập vào mẹ tôi.

Bài BĂNG HUYỀN
Hội Tâm Linh (phần 2)

Từng theo học ngành Vật Lý tại đại học khi còn ở Việt Nam, nên trước khi trở thành thành viên của Hội Tâm Linh và thành viên trong Ban Vấn Linh của Hội Tâm Linh, ông Dũng Nguyễn không tin có thế giới huyền bí.
Gia đình ông theo đạo thờ ông bà, cũng có đi chùa lễ Phật vào dịp lễ tết, nhưng đó chỉ là theo truyền thống của người Việt Nam xưa nay, và việc thờ cúng ông bà là vì mọi người trong gia đình đều kính trọng, tưởng nhớ công ơn ông bà mà thờ phượng thôi.

Ông Dũng Nguyễn kể, “Bấy giờ trong nhà tôi xảy ra những chuyện không tin không được. Khi anh trai tôi mất bất đắc kỳ tử, trong lễ cúng 100 ngày ngay trong gia đình, không có mời thầy về cúng, cầu xin gì hết, vậy mà anh trai tôi về và nhập vào mẹ tôi. Cả nhà không biết chuyện gì xảy ra, nhưng rõ ràng là những lời mẹ nói là không phải của mẹ, mẹ tôi lúc đó nói giọng khác, vẻ mặt khác, có dặn dò là anh đến số rồi, phải đi rồi, các anh chị em hãy chăm sóc bố mẹ.

“Sau đó gia đình có đi hỏi thăm các thầy, được các thầy cho biết có thể anh về để trăn trối với người thân. Bấy giờ trong đầu tôi có suy nghĩ về điều này, nhưng cũng chỉ để đó. Thời gian sau mẹ tôi mất, trong giỗ đầu thì mẹ tôi nhập về trong chị tôi. Lúc đó câu hỏi trong đầu tôi càng ngày càng nhiều hơn. Dù tôi học vật lý, nhưng tôi thấy những việc trên khoa học không thể giải thích được. Tôi có đọc sách, tìm hiểu, nhưng không giải thích được thắc mắc của tôi.”


Logo của Hội Tâm Linh, hai bàn tay nắm chặt vào nhau đan thành hình trái tim, tượng trưng cho sự hòa hợp và tình thương yêu nhân ái.

Ông Dũng cho biết, “Khi qua Mỹ định cư, tôi có cơ duyên đến với Hội (lúc đó vẫn còn là Hội Nghiên Cứu Huyền Bí, chưa tách ra là Hội Tâm Linh) vào Hội vì tôi muốn tìm hiểu những câu hỏi của mình về thế giới huyền bí và đã được giải đáp thắc mắc. Trước đây tôi thấy các hiện tượng xảy ra, nhưng không giải thích được, đến khi vào Hội tôi được giải thích, nhờ vậy sự hiểu biết của mình về thế giới huyền bí rộng hơn.”
Giải thích thêm về những thay đổi tốt hơn của bản thân khi là thành viên của Hội, ông Dũng nói, “Tôi vào với Hội khoảng 10 năm qua, không chỉ để học, để hành mà còn chứng nghiệm tâm linh, tôi thấy gia đình mình càng ngày càng tốt hơn. Bản thân tôi cũng thay đổi tốt hơn. Tôi vốn có tính nóng thường hơi lớn tiếng với bà xả, với con.

“Bây giờ thì kềm chế được, dù là vẫn chưa hết hẳn, nhưng nhờ nhận thức được tính nóng của mình, nên tự kềm chế, tự kiểm soát. Nhờ vậy gia đình êm ấm hơn. Chẳng những trong gia đình, mà ngay trong công việc cũng vậy, nhờ tính tình thay đổi tốt hơn, tôi được nhiều người thương hơn. Không phải bề trên sửa cho mình, mà tự mình sửa, bề trên giám sát, nhắc nhở. Nếu mình làm tốt thì được bề trên thưởng, nếu làm xấu thì bị phạt.”


Các thành viên của Hội Tâm Linh và đồng hương thực hiện nghi thức cầu nguyện trước bàn thờ tại trụ sở của Hội Tâm Linh. (Hình cung cấp)

Còn về phần thưởng mà bề trên ban cho các thành viên trong Hội Tâm Linh, khi cầu xin với ơn trên, ông Dũng Nguyễn chia sẻ, “Tôi và các anh chị em trong Hội đều có chứng nghiệm cụ thể. Khi mình cầu xin điều gì đó với ơn trên, mình phải hứa một điều gì đó và phải làm đúng lời hứa, chẳng hạn như bỏ được một thói quen, một tật xấu gì đó của mình. Ví dụ mình cầu xin ơn trên giúp mua được căn nhà vừa ý mình, thì mọi chuyện đưa đẩy giúp mình tìm được căn nhà như mong muốn và việc mua bán rất thuận lợi. Còn về sức khỏe, khi tâm mình an, cũng làm sức khỏe mình tốt hơn.”

Cầu nguyện của các thành viên

Nếu với các tín đồ theo các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo… không thể thiếu phần cầu nguyện, vì giờ cầu nguyện là thời gian dành riêng để người đó sống ý thức mối quan hệ với đấng Bề Trên của Tôn giáo mà mình đang theo. Họ luôn xin Chúa, Phật, Thánh Allah gìn giữ họ tránh khỏi điều ác, thắng được những cám dỗ của xác thịt, của thế gian, và của ma quỉ. Họ cầu nguyện xin đấng Bề Trên giữ họ trước khi điều ác xảy đến. Đối với nhiều người, cầu nguyện còn làm tăng thêm nghị lực, củng cố niềm tin để hướng dẫn đi về chân lý, lý tưởng cao thượng. Ngoài ra, cầu nguyện còn là một nhu cầu làm lắng dịu nổi lo âu, sợ hãi phiền muộn, thất vọng hay là  một cách thể hiện những ước mơ thầm kín , niềm hy vọng , niềm tin vào cuộc sống, để biết yêu tha nhân, yêu chính mình, để sống cuộc đời có ý nghĩa phong phú.


Các thành viên của Hội Tâm Linh và đồng hương thực hiện nghi thức cầu nguyện trước bàn thờ tại trụ sở của Hội Tâm Linh. (Hình cung cấp)

Đối với các thành viên của Hội Tâm Linh, cầu nguyện cũng là điều không thể thiếu. Để mọi người chưa biết về Hội Tâm Linh có thể hiểu hơn về điều đặc biệt của việc cầu nguyện với ơn trên mà các thành viên trong Hội luôn thực hiện, ông Richard Nguyễn, là thành viên trong Ban Vấn Linh và cũng là thành viên lâu năm của Hội, giới thiệu, “Vì Hội Tâm Linh không phải là tôn giáo, nên chúng tôi không có kinh sách như các tôn giáo. Khi mọi người vào Hội, vẫn tiếp tục gắn bó với các tôn giáo mà mình đã theo trước đó. Phần cầu nguyện của các thành viên trong Hội rất quan trọng. Như tôi, trong ngày cầu nguyện hai lần vào buổi sáng, buổi tối. Khi cầu nguyện có lời nguyện hứa với bề trên, nguyện hứa ngày hôm đó mình làm được điều gì. Tự mỗi người có nguyện hứa riêng, nguyện hứa đó phải làm được thì mới nguyện, chứ không phải nguyện hứa một cách mông lung. Ví dụ việc gì mà chính cá nhân mình làm được cho những người xung quanh mình như người hôn phối, bạn bè, đồng nghiệp… có được cảm nhận tốt hơn, hoặc bỏ được tánh xấu của mình…

“Khi nói lời nguyện hứa với ơn trên, chúng tôi luôn có sự cầu xin trong đó, đôi khi lời nguyện hứa cũng khó làm được lắm, thành ra mình cũng xin bề trên giúp mình có thêm động lực, thêm sự cứng rắn bỏ được thói hư tật xấu của mình. Có những chuyện bình thường mình không làm được, nhưng mình cầu nguyện xin bề trên giúp cho con bỏ được điều đó. Nhờ sự cầu nguyện và thành khẩn của mình, thì thường bề trên sẽ giúp cho mình từ từ bỏ được.”

Ông Richard Nguyễn giải thích, “Chúng tôi không bắt buộc mọi người vào Hội đều phải cầu nguyện, mà mỗi người tự giác nguyện cầu. Cá nhân tôi mỗi ngày nếu không cầu nguyện luôn cảm thấy thiếu thốn, vì nó cần thiết cho sự sống của mình. Bởi vì khi cầu nguyện, giúp chúng tôi thấy lúc nào mình cũng gần gũi với đấng thiêng liêng, đấng mà chúng tôi tin là có. Mình có thể tâm sự, xin, hứa. Nên làm mỗi ngày, ít nhất một lần trong ngày. Chúng tôi không có ngồi thiền như Phật giáo, vì chúng tôi không phải là tôn giáo. Khi tôi cầu nguyện mỗi ngày, giống như người được nhắc nhở hằng ngày, nếu có đi lạc chút xíu thì được kéo lại liền.
“Vì mình là con người trần tục, có những suy nghĩ hỉ nộ ái ố khác nhau, lúc nào cũng có hết. Nếu hôm nay mình làm gì sai, tối về không cầu nguyện là khó chịu lắm. Xin Thiêng Liêng giúp cho thêm nghị lực để qua khỏi những điều xấu. Nên tôi thấy đời sống tâm linh của mình mỗi ngày mỗi tốt hơn. Hồi đầu thì buổi sáng tôi cầu nguyện, cầu xin điều gì đó, đến tối tôi phải xin lỗi với ơn trên vì lời nguyện của mình vẫn chưa làm được. Nhưng rồi từ từ xin lỗi bớt đi, vì đã làm được những lời hứa với bề trên nhiều hơn.”

Là một trong những thành viên lâu năm của Hội và trong Ban Vấn Linh, bà Thu Vân chia sẻ thêm về điều quan trọng của việc cầu nguyện với cá nhân bà nói riêng và với các thành viên của Hội nói chung, “Cầu nguyện ở Hội chúng tôi rất đặc biệt. Cầu nguyện là hai vế gồm có Cầu và Nguyện. Nhiều người hay nghĩ rằng Cầu Nguyện là xin gì đó với ơn trên. Dĩ nhiên Cầu là cầu xin những điều gì mình muốn về sức khỏe, về gia đạo, về tình duyên, công ăn việc làm… nhưng mà mình phải có cái Nguyện để xứng đáng mình được thưởng, được ơn trên thực hiện lời cầu xin đó. Chúng tôi muốn cầu gì cũng được, nhưng Cầu càng nhiều thì cũng phải Nguyện càng nhiều. Nguyện hay nhất là sửa tánh xấu của mình, và sửa từ từ. Khi Nguyện là tôi ráng không nóng tính nữa, nhưng hôm sau lại nóng tính, khi đó giật mình, nhớ rằng mình mới Nguyện với bề trên, vậy mà mình đã nóng tính nữa rồi.”

Bà Thu Vân khẳng định, “Chúng tôi mỗi người có lời cầu xin khác nhau, và nguyện khác nhau cho tánh tình của mình, cho hạnh phúc gia đình mình. Chúng tôi tự hào là tu 24/24 mỗi ngày, mỗi khi nói hay làm gì, luôn nghĩ rằng mình có phạm vào lời mình Nguyện hay không, luôn đắn đo chuyện đó. Trong buổi cầu nguyện, chúng tôi còn xét mình, mình xét lại xem có phạm vào điều gì mình đã Nguyện không, cũng giống như xưng tội bên đạo Thiên Chúa, nhưng chúng tôi tự sửa mình thôi. Chính cái đó giúp cho chúng tôi từ từ sửa tánh mỗi một ngày một tốt hơn.”

Theo bà Thu Vân, vì các thành viên của Hội có đủ các tôn giáo như Phật, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo… nhưng tất cả mọi người đều tin là có một đấng cai quản hết và mọi người gọi đó là Thiêng Liêng. Vì vậy trên bàn thờ của Hội ngay tại trụ sở, không để hình tượng nào hết. Trong các nghi thức trước đấng Thiêng Liêng, hay còn gọi là Bề Trên tại bàn thờ của Hội, mỗi thành viên theo tôn giáo nào thì sẽ thành tâm hướng đến vị giáo chủ của tôn giáo mà họ theo để cầu nguyện.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT