Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 33)

Monday, 16/04/2018 - 12:26:42

Theo Đại Đức Thích Tánh Tuệ, để giới trẻ đến chùa, tìm tới Phật giáo thì Phật giáo phải giữ một vai trò thiết yếu không thể thiếu trong đời sống của giới trẻ.

Bài BĂNG HUYỀN

Tìm hiểu Phật Pháp với Đại Đức Thích Tánh Tuệ (phần cuối)

Hoằng pháp là một trong những sứ mệnh quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Phật giáo. Sau khi Đức Phật Thích Ca thành Đạo, một trong những mục tiêu của đức Phật trong việc thành lập tăng đoàn là truyền bá Chánh pháp vì hạnh phúc và lợi lạc cho chúng sinh. Vì vậy, việc hoằng pháp là trách nhiệm của các Tăng, Ni đệ tử Phật. Thành công hay thất bại, Phật giáo thịnh hay suy cũng tùy thuộc vào đội ngũ giảng sư trong việc “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” (Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh), duy trì và tiếp nối hoằng dương chánh pháp đến ngày hôm nay.


Hình ảnh chuyến hành hương Sri Lanka và Nam Ấn trước đây do Thầy Thích Tánh Tuệ hướng dẫn. (Hình cung cấp)

Hành trang cần thiết cho một tu sĩ

Về đạo đức và trí tuệ của một tu sĩ Phật giáo, ngay trong kinh Pháp cú có dạy:
“Hương thơm các loại hoa
Không ngược bay chiều gió,
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay,
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời.”
Một hành giả chân chính của Phật giáo sẽ phát ra một năng lượng tốt, có khả năng chuyển hóa nội tâm những người đang bị bối rối do dục vọng của chính mình, hay đang trải nghiệm khổ đau bởi lòng sân hận và chấp thủ của bản thân.


Thầy Thích Tánh Tuệ trong khóa tu do Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng tổ chức. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Một hành giả chân chính còn là cộng nghiệp tốt cho cộng đồng và xã hội; Mỗi lần được tiếp xúc với những con người chân chính này, cảm giác bình an, thư thái, thanh thản, nhẹ nhàng sẽ sinh ra trong tâm của người ta bởi vì người hành giả đó đã sống đúng như Pháp, như Luật của hàng ngũ tỳ kheo, giúp những người hiểu Pháp, có lòng tin Tam Bảo sẽ có an lạc, hoan hỉ khi thấy giới luật của Như Lai được khéo hộ trì.

Nội lực của một hành giả chân chính không phải chỉ do nghiên cứu thuần túy hay học tập mà có được, nó còn là thành quả của một quá trình tu tập và ứng dụng giáo lý của Đức Phật vào trong đời sống hàng ngày qua ba nghiệp thân, khẩu, ý. Nó chính là chất liệu từ bi, trí tuệ của đạo Phật được thẩm thấu vào thân tâm của người tỳ kheo.


Thầy Thích Tánh Tuệ trong khóa tu do Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng tổ chức. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ngoài những điều không thể thiếu của một tỳ kheo cần phải có đã được nêu ở trên, đối với Đại Đức Thích Tánh Tuệ, để làm một vị hướng dẫn cho một đạo tràng, hay một từ viện nào đó về tu tập tâm linh, khả năng người hướng dẫn cần có nhiều yếu tố, “ngoài vấn đề ăn nói, diễn đạt tư tưởng mạch lạc, rõ ràng, cần phải hơi nghệ sĩ tính một chút, nghĩa là có một chút hài, một chút tài ca hát văn nghệ. Vì khi đụng đến đạo lý Phật Pháp, thường đi đôi với những nguyên lý, nguyên tắc, kinh điển thì rất khô khan, và mình muốn không khí buổi tu học không khô khan, nặng nề, thì phải bỏ những yếu tố hài vào, có nụ cười sẽ làm cho mọi người thân thiện, gần với nhau hơn. Nụ cười làm rút ngắn khoảng cách, nhất là vai trò của vị thầy và Phật tử qua màu áo rat rõ. Nếu Phật tử kính thầy quá, thì cũng khó mà độ họ được.”

Theo Đại Đức Thích Tánh Tuệ, “một vị Tỳ kheo đi vào con đường Hoằng Pháp, giảng sư, thì phải có hai tính, tính cách đó phải học từ Đức Phật. Đó là nghiêm và từ. Như trong bài hát Trầm hương đốt xông ngát mười phương, có câu Nguyện nguyện kính Đức Nghiêm Từ vô lượng. Cầu cầu xin chứng tâm thành chúng con. Khi Đức Phật xuất hiện là vừa nghiêm vừa từ. Nghiêm làm cho người ta kính, còn từ thì làm người ta thương. Người ta kính mà thương thì mới theo, còn mà người ta kính mà người ta sợ, thì kính nhi viễn chi.


Hình ảnh chuyến hành hương Sri Lanka và Nam Ấn trước đây do Thầy Thích Tánh Tuệ hướng dẫn. (Hình cung cấp)

“Từ quá nhiều thành ra xuề xòa quá, dễ dãi quá, đôi khi dễ khinh lờn. Kiểu mà gần Phật kêu Phật bằng anh, thấy Phật hiền lành cõng Phật đi chơi. Hòa đồng quá sẽ bước qua giới hạn Tăng Tục luôn, thì cũng khó độ cho người ta. Cho nên cái nghiêm từ là cái chừng mực giữa hai phạm trù để mình độ.

“Từ trong cái từ đó, có được yếu tố hài sẽ àm cho buổi tu học vừa phải, không quá căng thẳng về giáo lý, cũng không quá nghiêng về văn nghệ, hài hước, vì nghiêng quá thì nó ra tính đời. Thành ra nó vừa phải, đời đạo dung hòa. Khi ra sinh hoạt, đại chúng tâm thức cộng đồng đâu phải ai ai cũng có cùng trình độ như nhau. Làm sao dung hòa được một cách trọn vẹn được khi giảng Pháp cho đại chúng đủ mọi trình độ đều hiểu, là điều thầy luôn chú ý khi đi Hoằng Pháp.”

Làm sao để có thêm người đến với đạo

Đại Đức Thích Tánh Tuệ cho biết điều mong muốn của thầy là làm sao có thêm nhiều người trẻ gốc Việt tại hải ngoại gắn bó với đạo Phật nhiều hơn, để cộng động Phật giáo gốc Việt tiếp tục phát triển trong tương lai. Vì giới trẻ mới là những người duy trì đạo Phật nơi hải ngoại, vì nếu hết lứa trung niên, cao niên gốc Việt thì Phật giáo của người Việt tại hải ngoại sẽ đi về đâu. Cá nhân thầy Tánh Tuệ có đi Hoằng Pháp cho giới trẻ nhưng vẫn chưa nhiều, có lẽ duyên của thầy với đạo tràng có những Phật tử tuổi trung niên, cao niên vẫn nhiều hơn.

Theo Đại Đức Thích Tánh Tuệ, để giới trẻ đến chùa, tìm tới Phật giáo thì Phật giáo phải giữ một vai trò thiết yếu không thể thiếu trong đời sống của giới trẻ. Muốn vậy, Phật giáo phải đáp ứng được các nhu cầu của giới trẻ. Mà muốn đáp ứng được các yêu cầu của giới trẻ thì phải hiểu rõ tâm tư tình cảm và nhu cầu của họ. Khi nắm rõ tâm sinh lý và nhu cầu của giới trẻ rồi, người hướng dẫn tâm linh cần phải đưa ra nhiều loại hình sinh hoạt Phật giáo phong phú và đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi để từ từ hướng giới trẻ đến với Phật giáo.

Đại Đức Thích Tánh Tuệ nói, “Đối với giới trẻ, thầy thấy có tính chung của giới trẻ là năng động, và ham vui. Nếu vào chùa mà mình đi thẳng vào nguồn mạch giáo lý, đem những kinh điển rất cao như kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Tánh Không…vân vân… Cái đó rất cần thiết, nhưng trình độ họ chưa tới. Cho nên khi tổ chức tu học cho giới trẻ thì mình phải trẻ theo họ, đe có thể dẫn dắt được họ. Đa Phần mình thấy những đạo khác thu hút được giới trẻ nhiều, là sử dụng một điều mà giới trẻ thích là âm nhạc và những sinh hoạt ngoài trời.
“Đạo Phật muốn đưa giới trẻ vào đạo Phật thì phải đem âm nhạc vào trong Phật giáo, những bài nhạc nhiều khi mọi người cùng hát chung với nhau, thấy mọi người gần nhau, âm nhạc là cách đưa giới trẻ vào Phật giáo, cùng những sinh hoạt ngoài trời, những trò chơi lành mạnh như thi kiến thức Phật pháp… Vì nhu cầu chung của những người trẻ là học nhưng phải được chơi, để những bạn trẻ đến chùa tu mà vẫn được chơi, chơi mà vẫn có tu rất dễ thu hút người trẻ. Rồi từ từ hướng dẫn họ vào những bài kinh cao vời từ từ. Chứ không thể sớm chiều đưa họ vào những giới luật, kinh điển, những bài kinh cao vời của Phật giáo.”
Thầy Tánh Tuệ cho rằng, thay vì dạy những kinh điển cao siêu, nhiều khi những người trẻ mới tìm hiểu Phật Pháp không thể hiểu, thì hướng dẫn cho họ những bài giảng giáo lý căn bản của Phật giáo như luật Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, Tứ đế, Duyên khởi, Bát chánh đạo v.v. có thể giúp họ có cái nhìn về con người và thế giới theo quan điểm Phật giáo và thấy được những giá trị đạo đức thiết yếu trong mối quan hệ cuộc sống cá nhân với cộng đồng. Hoặc bài kinh dạy về cách ứng xử trong quan hệ gia đình cũng là bài Pháp mà những người trẻ cần được học hỏi để làm tư lương trong cuộc sống gia đình và xã hội.


Hình ảnh chuyến hành hương Sri Lanka và Nam Ấn trước đây do Thầy Thích Tánh Tuệ hướng dẫn. (Hình cung cấp)

Đại Đức Thích Tánh Tuệ nói, “Với giới trẻ, người Tỳ kheo phải thật giỏi dùng phương tiện để đưa giới trẻ vào Phật Pháp, thì giới trẻ mới đến với Phật Pháp nhiều. Thầy thấy đa phần những người trẻ hiểu lầm về Phật giáo rất nhiều. Vì họ đến chùa hay nghe lời kinh hoặc tiếp xúc với những đám ma, thì cứ nghĩ quý thầy đi tu là những ông thầy tụng, thầy cúng. Chứ không thấy được mảng tích cực của Phật giáo, trong đó tích cực của Phật giáo với giới trẻ là tịnh tâm, thư giãn, ngồi thiền, cân bằng tâm hồn lại sau những bôn ba, căng thẳng của học hành, thi cử.”

Đại Đức Thích Tánh Tuệ nêu ra vài giải pháp, “Giới trẻ vốn rất thực dụng, thấy cái gì lợi ích thì mới tham gia vào. Với thầy, phương tiện đưa vào bằng hình thức văn nghệ, sinh hoạt ngoài trời… đưa họ vào thiền, để họ thấy được giá trị của thiền, họ sẽ đi theo vào đạo Phật. Để những người trẻ tham dự vào các khóa lễ Phật giáo, không thể giữ nguyên nghi thức truyền thống chỉ ngồi tụng kinh gõ mõ đơn điệu. Các nghi thức, khóa lễ cần phải đươc đa dạng hóa, cần phải xen kẽ những bài nhạc lễ kết hợp với việc ngồi tịnh tâm hay đi kinh hành để tạo sự linh hoạt, tạo không khí trẻ trung nhưng không mất phần trang nghiêm trong nghi lễ.”
Thầy Tánh Tuệ ước mong sẽ càng ngày càng có nhiều người trẻ tìm về với Phật giáo và xem Phật giáo không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc mà còn là một môi trường sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí bổ ích, lành mạnh. Mong rằng ngày càng có nhiều những bạn trẻ gốc Việt thực hành theo nếp sống, tư tưởng Phật giáo để đem lại lợi ích cho bản thân, cho người thân, cho những người chung quanh và góp phần xây dựng một thế giới an lành, hạnh phúc.

Sắp tới đây, quý Phật tử nào muốn dự khóa tu học hành hương đến Tích Lan (srilanka) và Nam Ấn (Ajanta - Ellora - Kanheri Cave) do thầy Thích Tánh Tuệ và Chư Tăng Ni sinh tại India và Sri Lanka hướng dẫn, từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 15 tháng 9, 2018, xin hãy ghi danh tại Chùa Vạn Phước, San Diego. Hoặc gởi email về thichtanhtue@yahoo.com.

Chuyến đi này có chương trình thuyết giảng, hành lễ và tu tập trong quá trình hành hương. Những nơi chiêm bái chính, các Thánh tích Phật giáo tại Sri Lanka và Động Nghìn Phật Deccan- Ajanta, Ellora Cave, Kanheri, Nam Ấn Độ. Hạn chót ghi danh là ngày 15 tháng 7, 2018.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT