Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 32)

Sunday, 08/04/2018 - 05:57:53

Đại Đức Thích Tánh Tuệ cho biết thầy thường nhận lời đi hoằng pháp khắp nơi, đặc biệt là ở những tiểu bang xa, nơi cộng đồng người Việt không đông, chùa chiền, đạo tràng tu học ít ỏi, trình độ Phật Pháp của Phật tử không được vun xới, chăm sóc, nên kiến thức Phật Pháp vẫn còn yếu.

Bài BĂNG HUYỀN
Tìm hiểu Phật Pháp với Đại Đức Thích Tánh Tuệ (phần 2)

Trong một bài thuyết pháp đề tài “Giải Thoát Từ Cái Nhìn,” Đại Đức Thích Tánh Tuệ giải thích, “Phật giáo không tin vào thuyết định mệnh hay cái gọi là số mệnh an bài mà chính là nghiệp duyên, là sự vô minh, chấp thủ ràng buộc lấy tâm hồn con người chúng ta.

“Nếu thực sự có số mệnh, nghĩa là có một thế lực ngoại tại an bài, sắp đặt chúng ta, vậy thì sự tu hành giải thoát trở nên vô nghĩa, vì có tu gì chăng nữa thì vĩnh kiếp cũng không thay đổi được gì. Nước biển thì mặn, nước sông thì ngọt nhưng có chung một bản chất đó là nước, là thể lỏng.


Thầy Thích Tánh Tuệ (thứ nhì từ bên trái, tay cầm micro) trong một khóa tu do thầy hướng dẫn. (Hình cung cấp)

“Phiền não là khổ đau, Bồ Đề là giác ngộ nhưng cũng đều xuất hiện từ nội tâm. Bùn thì hôi hám, sen thì thơm tho, nhưng sen lại vươn lên từ bùn. Cũng thế ấy, sự giải thoát được mọc lên từ trong sự ràng buộc của thế gian, cũng giống như sen được mọc lên từ bùn vậy!

“Có hai người bị giam vào tù, một người chỉ thấy bốn bức tường xám ngắt giam hãm đời mình, còn người kia thì nhìn qua song sắt trông thấy những vì sao và vũ trụ bao la. Ai cho họ cái nhìn đó? Giải thoát hay ràng buộc phụ thuộc vào 'cái nhìn' của chúng ta, hay nói cách khác, đó là thái độ tâm của chúng ta với hoàn cảnh. Ngài Di Lặc vẫn với nụ cười hỷ lạc dù chung quanh Ngài là một đám con nít đeo bám, quấy rầy.”
Hoa sen là một biểu tượng quan trọng trong đạo Phật. Hoa sen có nhiều lá, và nhiều cánh hoa, hằng ngàn cánh hoa. Trong thiên nhiên, muốn mở các cánh hoa sen, mặt trời phải duy trì đầy đủ các tia nắng ấm liên tục trên ngàn cánh hoa, từ cánh hoa thứ nhất ở ngoài cùng cho đến cánh hoa thứ một ngàn nằm sâu bên trong.


Bài thơ thiền của Đại Đức Thích Tánh Tuệ (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Phần trong cùng của hoa sen là phần thơm ngát nhất, đẹp đẽ nhất. Nếu mặt trời vẫn duy trì được các tia nắng ấm trong suốt thời gian nở hoa, lúc ấy nụ sen sẽ mở ra, và chúng ta sẽ thấy được phần quan trọng nhất, được gọi là viên ngọc của hoa sen. Đây là biểu tượng của hành thiền, vì những thiền sư, thiền sinh phải duy trì chánh niệm liên tục, không ngừng nghỉ, không gián đoạn trong suốt thời gian lâu dài, để mở ra cánh sen thứ một ngàn nằm sâu bên trong, như thế, mới thấy được thật sự những gì ở bên trong, viên ngọc ở trong tâm của mỗi người.

Đường tu Phật vốn nhiều thử thách, nằm trong khoảng cách giữa điểm xuất phát và điểm đến nơi. Người con Phật phải luôn tìm cách vượt qua. Thành công hay không là do chính bản thân của mỗi người.
Đại Đức Thích Tánh Tuệ nói, “Đức Phật dạy cuộc đời này rất vô thường, rất mong manh. Nếu chúng ta biết Phật Pháp rồi, thì đây là cơ hội. Phật dạy là Nhân Thân Nan Đắc, Phật Pháp Nan Văn (tiếng Hán). Có nghĩa là thân người khó được, có được thân người rất là quý. Phật Pháp thì rất là khó nghe. Khó nghe không phải là không có Phật Pháp.

“Trong bối cảnh xã hội ngày nay, với sự tiện lợi của ngành công nghệ thông tin, người ta có thể tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi Phật pháp qua sách vở, internet, website, v.v.. Còn những Phật tử ở quận Cam thì có rất nhiều nơi tổ chức các khóa tu, những buổi giảng Pháp của các quý thầy, quý ni…. Nhưng khó nghe là vì người ta không có duyên để nghe. Vì thấy nó không thiết thực, lợi ích cho nên không nghe. Nhưng thật sự khi đi sâu vào rồi thì đối với thầy, Phật Pháp chính là mạch nguồn của sự sống, rất thiết thực.

“Đức Phật thuyết Pháp để độ sinh chứ không phải Đức Phật chỉ thuyết Pháp để độ tử. Độ cho những người chết là một phần của Phật giáo thôi, những người khi chết rồi, đến chùa cầu siêu, chỉ là một phần độ sinh của đạo Phật. Nhưng cốt tủy của đạo Phật chính là độ cho những người còn đang sống.


Thầy Thích Tánh Tuệ hướng dẫn đi kinh hành trong khóa tu. (Hình cung cấp)

“Làm sao cho họ sống hạnh phúc trong bây giờ. Làm sao cho họ sống giải thoát ngay bây giờ. Hạnh phúc, giải thoát trong hiện tại là cái nhân, và hạnh phúc giải thoát trong mai hậu, trong những kiếp về sau là cái quả. Nếu bây giờ tu học mà không thiết lập được hạnh phúc, giải thoát ngay bây giờ thì tương lai hạnh phúc, giải thoát chỉ là kỳ vọng, mơ hồ mà thôi.”

Thầy Tánh Tuệ bày tỏ mong muốn, “Những ai chưa biết đến Phật giáo, hãy thử tìm hiểu đạo Phật để có nhận định. Quý đạo hữu đừng nói Phật là cái gì đó xa xôi, mà vì lợi ích, hạnh phúc, an lành cho chính mình trong phút giây hiện tại trong đời sống hiện tại cái đã, rồi những giải thoát sâu xa nữa là nhân duyên của chúng ta trên con đường tâm linh.”

Tâm tình của Đại Đức

Đại Đức Thích Tánh Tuệ cho biết thầy thường nhận lời đi hoằng pháp khắp nơi, đặc biệt là ở những tiểu bang xa, nơi cộng đồng người Việt không đông, chùa chiền, đạo tràng tu học ít ỏi, trình độ Phật Pháp của Phật tử không được vun xới, chăm sóc, nên kiến thức Phật Pháp vẫn còn yếu.

Đại Đức Thích Tánh Tuệ chia sẻ, “Năm 2017 thầy đi hoằng pháp ở những tiểu bang xa hơi nhiều. Vì ở đây có nhiều nơi tổ chức sinh hoạt tu học rồi, không mợ thì chợ cũng đông. Không có thầy thì vẫn có nhiều quý thầy khác. Phật tử ở đây rất có phước, chùa chiền thì nhiều, chương trình tu học thì liên tục. Nhưng các tiểu bang khác, nhất là những nơi người Việt ít, rất ít chùa, nên phần hướng dẫn tâm linh càng ít. Cũng phải hiểu là khi các Phật tử ở những nơi xa mời Tăng đoàn khoảng năm hay bảy người thì phải lo tiền vé máy bay cũng nhiều. Nên Phật tử phải rất tha thiết, họp với nhau để phát tâm mời quý thầy về Hoằng Pháp.

“Mỗi lần đi hoằng pháp ở tiểu bang xa, thầy luôn muốn dành thời gian nhiều hơn giảng Pháp và thực hành tu tập với Phật tử. Vì mỗi lần Phật tử mời thầy đi, là mỗi lần tốn kém cho Phật tử, mà mình không trải nhiều thời gian giúp Phật tử tu tập thấy công mình chưa đủ vé máy bay của Phật tử mời mình đến. Bản thân thầy mỗi lần nhận đi giảng những tiểu bang xa, đa phần thầy không đi giảng suông, mà nơi nào có tổ chức những khóa tu khoảng một, hai ngày, thì thầy mới nhận.

“Khóa tu là hoạt động thực tập đời sống tâm linh theo lời Phật dạy trong một thời gian nhất định, nên thầy nghĩ mình ít khi về, mà mình về thì nếu tới giảng rồi đi thì cực kỳ đơn giản, nhưng phần lợi lạc về tâm linh cho Phật tử thì không có. Tổ chức khóa tu thì hơi cực, vì mình phải trải qua thời gian tại nơi đó. Nhưng thật ra trong đạo Phật, không phải chỉ có cầu nguyện không. Cầu nguyện chỉ là một mảng của đạo Phật, mà phải có tu tập chuyển hóa, cái đó mới là then chốt, cốt tủy của Phật giáo.”

Vì nếu Phật tử không chịu tu sửa tâm của mình thì đâu có thanh tịnh mà nghe được Phật pháp. Phật pháp là vô thinh, vô sắc, thì người Phật tử chỉ có thiền định thanh tịnh thì mới có thể nghe và hiểu được Phật pháp.
Theo thầy Tánh Tuệ, nghe Pháp mà không tu thì Pháp không thẩm thấu vào trong tâm hồn của Phật tử. Pháp không thẩm thấu tâm hồn Phật tử thì không chuyển hóa được bên trong của Phật tử. Nghe Pháp thì thấy hay đó nhưng trở về lại với nhân gian thì người ta vẫn khổ đau.Cho nên chỉ có tu, thực hành thì mới chuyển đổi. Tu chính là sửa mình. Mà sửa thì đời sống mới tốt hơn. Tâm thức mới hạnh phúc hơn.

Thầy Tánh Tuệ kể, “Những nơi thầy có duyên đến hoằng pháp nhiều lần thì thấy các Phật tử có sự chuyển hóa tốt hơn. Còn những nơi một năm về một lần mà cũng chỉ một, hai ngày tu, thì sự tiếp xúc với họ không nhiều, nên Thầy cũng không thể đánh giá là họ có sự chuyển hóa, cải đổi nào không.

“Tuy rằng một năm xuất hiện một lần, nhưng thầy tin rằng nhân duyên đã gieo trong tâm thức người ta rồi thì sẽ thành hạt mầm ngủ trong đó. Dù hiện tại họ chưa chuyển hóa được, thì cứ làm đến lúc nào đủ duyên họ sẽ quay về con đường tu tập một cách rốt ráo, chí thú nhiều hơn. Đó là thuộc về nhân duyên và phước duyên của họ. Còn các chư tăng chỉ là khai mở một lối đi và gieo duyên cho họ.”

Thầy Thích Tánh Tuệ chia sẻ, “Bản thân thầy thì luôn sống trong tinh thần tùy duyên, thầy nghĩ, điều quan trọng chính là tinh thần Phật Pháp được lan tỏa sâu rộng trong tâm thức con người, khiến họ trở mình chuyển hóa theo con đường Chân Thiện Mỹ, chứ không phải những sinh hoạt mang tính cá nhân của thầy.
“Thầy nhận thấy hiện nay nhu cầu tu học Phật của Phật tử gốc Việt trên nước Mỹ rất lớn nhưng thiếu nhiều các hoằng pháp viên. Thầy ước mong Tăng Ni lưu tâm nhiều đến vấn đề này, bởi vì đây là nhiệm vụ cốt yếu của một người xuất sĩ, mà trong chùa thường nhắc nhở đó là 'Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh. Thầy ước mong quí cơ sở truyền thông hiểu được tâm nguyện đem Đạo vào đời của Tăng Ni mà góp phần hỗ trợ, nhằm lăn chuyển bánh xe Phật Pháp trong cõi đời vẫn còn nhiều tăm tối, khổ đau này.”
(Còn tiếp)




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT