Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 30)

Sunday, 25/03/2018 - 02:07:26

Làm sao để tu sửa tâm tính chính mình tốt hơn, để hòa hợp hơn với người thân trong gia đình mình, nhất là với các con sinh ra tại Mỹ, có nhiều khác biệt về quan niệm sống so với chính mình, chính là mục đích ban đầu của Phật tử Quảng Minh Châu, là thành viên của Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng từ năm 2009 quyết tâm tu học.

Bài BĂNG HUYỀN

Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng (phần cuối)

Tu là gì?

Nếu các vị Tăng, Ni nguyện xuất gia, vì phát khởi đại nguyện cứu độ chúng sanh, cắt ái từ thân, gia nhập Tăng đoàn, dẫn dắt chúng sanh trên đường giác ngộ giải thoát. Thì những Phật tử vẫn còn ràng buộc với thế duyên, nên tu học của Phật tử chỉ với nghĩa thông thường, tu là một quá trình sửa đổi tâm tính, hướng thiện, làm lành, lánh dữ, để đạt đến một đời sống an vui, lợi ích, giải thoát mọi khổ đau trần tục. Vì hiểu rõ chân lý của đạo Phật, từ ngàn xưa cha ông ta đã đúc kết và truyền đời cho con cháu về một câu tục ngữ vừa mang tính giáo dục, khuyên răn, vừa mang tính đánh giá, nhận xét về quá trình tu tập: “Thứ nhất là tu tại gia. Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.”

Rõ ràng với những người vẫn còn nhiều nợ duyên với thế gian thì việc từ bỏ những tham đắm của trần gian, xả bỏ sự hưởng thụ cùng tham lam, sân hận, ngu dốt trong lòng để đạt đến giải thoát, yên vui trong tâm tưởng, thì chẳng dễ dàng gì, và để thực hiện những điều này nơi tại gia, ngay trong gia đình của mình vẫn là khó nhất. Vì trong gia đình, các mối quan hệ gần gũi với người Phật tử: vợ chồng, con cái, anh chị em, ông bà, cháu chắt... Nếu người Phật tử tu là để sửa đổi tâm tính của mình theo tinh thần từ, bi, hỉ, xả, hiền hoà, từ ái, bao dung hơn, thì những biểu hiện đó, trước nhất là phải thể hiện trong cách đối xử với người thân trong gia đình.

Làm sao để tu sửa tâm tính chính mình tốt hơn, để hòa hợp hơn với người thân trong gia đình mình, nhất là với các con sinh ra tại Mỹ, có nhiều khác biệt về quan niệm sống so với chính mình, chính là mục đích ban đầu của Phật tử Quảng Minh Châu, là thành viên của Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng từ năm 2009 quyết tâm tu học.

Ông tâm sự, “Con cái trưởng thành, không theo hướng của mình thì mình thấy có cái gì đó rất khó chịu. Có lẽ con mình không sai, các cháu bên này tương đối bản lãnh, phát biểu rất đúng. Nên mình phải có cách nào để tự thay đổi mình. Mà sự thay đổi của Minh Châu thì rất là khó. Vì văn hóa Việt đã ăn sâu và bám rễ vào mình rồi, con cái là phải nghe lời bố mẹ, dù đã trưởng thành. Còn bên này, mình không thể dùng văn hóa Việt để áp đặt cho các con sống như mình khi còn ở Việt Nam.


Phật tử Quảng Minh Châu (bên phải) trong buổi Tụng Giới với Sợi Nắng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Như vậy phải làm sao để thay đổi tâm tư một con người. Nhất là với người đàn ông rất khó. Nhờ mình thay đổi nên con cái của Quảng Minh Châu sau này nó gần gũi với mình hơn, dù nó không chia sẻ nhiều, nhưng có chia sẻ. Ngày xưa thì các cháu xa lánh, tạo khoảng cách xa với mình hơn.

“Khi chưa thay đổi, mình nghĩ mình đi làm, bỏ thời giờ chăm lo gia đình, mà sao không nhận tình thương của các con. Cũng vì cái ngã của mình quá cao, nghĩ rằng mình bỏ công sức nuôi con, mà con không như ý, hoặc mình đã đi những con đường vấp ngã, các cháu có thể sẽ đi vào những con đường đó, tại sao mình biết mà không giúp con tránh. Nhưng lúc đó mình không có cách.

“Chính nhờ sinh hoạt với Sợi Nắng và dự các khóa tu giúp cho mình thay đổi. Minh Châu nghĩ rằng mỗi người chúng ta hãy thay đổi, thay đổi lớn nhất là ở mình. Mình thay đổi được thì mọi chuyện sẽ theo ý của mình. Vì mình không thể bắt buột những người khác thay đổi được như mình muốn, chỉ có thể chính mình thay đổi thôi.”


Phật tử Tâm Thảo (bên phải) trong buổi Tụng Giới với Sợi Nắng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Phật tử Quảng Minh Châu cho biết trước khi trở thành thành viên của Sợi Nắng, ông không đi sinh hoạt ở các chùa, nhưng ông có cùng với bạn đời của mình đi tu viện Lộc Uyển dự những khóa tu về gia đình. Vì bấy giờ ba con của ông bắt đầu ở tuổi vị thành niên, nên có những điều khó khăn trong việc gần gũi với các con. Khi biết có khóa tu gia đình, nên vợ chồng ông đưa các con đi dự khóa tu tại Tu Viện Lộc Uyển khoảng ba, bốn ngày. Dự khóa tu, các bạn trẻ sẽ được thực tập sống tỉnh thức khi học hát hay chơi đùa cùng quý tăng ni trẻ tuổi. Các phụ huynh sẽ được thực tập thiền riêng.

Khóa tu thường có hai ngôn ngữ tiếng Anh và Việt. Với những bạn trẻ có vấn đề khó cảm thông với phụ huynh, cũng chuyển hóa được một số khó khăn về tâm lý, để hiểu và thương bố mẹ nhiều hơn. “Cũng may mắn bạn đời tôi cũng có sinh hoạt ở các chùa, có đi dạy tiếng Việt ở chùa, nên các con đi theo để học tiếng Việt từ nhỏ. Vì vậy giúp bổ túc thêm cho mình trong sự giáo huấn con cái.”

Trước khi đi dự khóa tu với tu viện Lộc Uyển, Phật tử Quảng Minh Châu vẫn chưa quy y, nhưng sau đó ông có đi lên Tu viện Kim Sơn chung với bạn đời của mình và đã quy y tại tu viện Kim Sơn. Quy y xong rồi thì người Phật tử phải Tụng Giới mỗi tháng để hành trì, để tu thân, tu tâm, mà ở quận Cam thì chỉ có Sợi Nắng là ông biết, vì bà xã cũng đi, nên ông đi theo để tu học.

Theo Phật tử Quảng Minh Châu, khi ông và vợ trở thành thành viên của Sợi Nắng, đây là một gia đình tâm linh, các thành viên trong Sợi Nắng luôn có sự chia sẻ với nhau trong những buổi Tụng Giới hằng tháng. Qua đó ông mới nhận ra rằng, vì sau với gia đình riêng của mình, mọi người lại không có sự chia sẻ với nhau. Nên ông đem những học hỏi từ Sợi Nắng đem về với gia đình nhỏ của mình.

“Những lời mình nói rồi, sẽ không lập lại lần thứ hai và biết tôn trọng người kia, nếu mình nói hoài thì người kia cho là mình lải nhải. Dẹp bỏ cái tôi của mình đi, cái đẹp của mình toát ra từ trong tâm, mình không còn nhăn nhó nữa, ai cũng thấy gương mặt mình tươi tỉnh ra, thì mọi người đến với mình, con cái cũng vậy, cũng gần gũi với mình hơn.”

Những tu sửa bản thân mà Phật tử Quảng Minh Châu có được, nhờ có thời gian tu học để thay đổi bản thân tốt hơn, là điều mà mọi Phật tử đều có thể tìm thấy trong phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm. Ngài Văn Thù có trả lời cho những Phật tử tu tại gia, hãy nhìn mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc đời này bằng cặp mắt trí tuệ, hướng về chân lý chứ đừng nhìn với cái tâm hẹp hòi, cố chấp. Ngài có đưa ra hơn 10 lời dạy cho người Phật tử sử dụng để sống đúng tinh thần Phật pháp trong những hoàn cảnh sinh hoạt bình thường ở gia đình.

Người Phật tử phải nhường nhịn (không tranh giành), phải bao dung với mọi người, nói năng nhỏ nhẹ, phải biết lắng nghe, chuyện qua rồi đừng có nhắc lại, đừng trách móc, tránh bàn luận chuyện đúng sai, hay dở của các thành viên trong gia đình; nên chia sẻ chân lý, truyền đạt những gì mình học được trong Phật pháp để mọi người biết làm những điều thiện lành tránh điều hung ác.

Phật tử Nguyên Huyền đã gắn bó với GĐTS Sợi Nắng từ buổi đầu khi được Sư ông Thịnh Tịnh Từ (Viện chủ Tu Viện Kim Sơn) lập ra, kể rằng hồi đầu GĐTS Sợi Nắng chưa có tổ chức Tụng Giới hằng tháng và cũng không có tổ chức Thọ Bát Quan Trai vào mỗi tháng như những năm gần đây. Lúc bấy giờ, do Sư ông còn khỏe, nên thường xuyên về đây Hoằng Pháp cùng với tăng đoàn. Về sau này nhờ có những người trẻ (ngoài 30, 40 tuổi) vào với GĐTS Sợi Nắng, như Quảng Diệu Trí, Quảng Thân Anh giúp cho các sinh hoạt tu học của Sợi Nắng càng thêm sinh động hơn, không khí tu học vui tươi hơn, các thành viên gắn bó với nhau nhiều hơn.


Một buổi tu học của Sợi Nắng (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đối với Phật tử Nguyên Huyền, thì người Phật tử phải là người sống đúng với Phật pháp, truyền bá Phật pháp đến mọi người để mọi người được an lạc. “Theo tôi thấy, khi mình gần đạo, hiểu đạo và ứng dụng Phật Pháp trong đời sống hằng ngày, thì làm tâm an lạc. Tính tình vốn nóng nảy, nhờ tu tập đều đặn sẽ bỏ qua dễ dàng. Nếu trong xã hội này ai ai cũng luôn nghĩ đến tu tập để thăng tiến tâm linh nhiều hơn, thì xã hội bớt nhiễu loạn.”

Hạnh bố thí, hộ trì Tam Bảo

Còn với Phật tử Tâm Thảo, gia nhập vào Sợi Nắng khoảng ba năm nay, dù sống ở Palmdale nếu lái xe về Quận Cam để tu học với Sợi Nắng, nếu không bị kẹt là khoảng một tiếng, còn bị kẹt xe, có khi hơn hai tiếng mới đến, nhưng bà vẫn cố gắng tham dự các buổi Tụng Giới hằng tháng, dự các khóa tu do Sợi Nắng tổ chức.

“Vì tôi rất quý mến những thành viên trong Sợi Nắng, thấy sinh hoạt tu học của Sợi Nắng rất lành mạnh, rất tốt cho tâm linh. Tôi sanh trưởng trong một gia đình có mẹ là một Phật tử thuần thành, đã cho tôi quy y từ lúc 7 tuổi. Nhưng trước đây hiểu biết đạo Phật của tôi chỉ là sơ cấp, chứ không biết tường tận chi tiết về Phật Pháp như khi gia nhập vào GĐTS Sợi Nắng. Mẹ tôi nay đã hơn 90, bà đã ăn chay trường từ năm 40 tuổi và luôn làm việc phước thiện, nhờ vậy các anh chị em tôi luôn học hạnh bố thí từ mẹ, luôn mở rộng từ tâm khi cúng dường.

“ Nhưng khi vào Sợi Nắng, tôi nhìn thấy có nhiều thành viên rộng lượng mà tôi phải lạy lén họ. Vì mình thấy mình quá nhỏ bé so với cách sống của họ. Chẳng hạn như vợ chồng chị Quảng Hương, mỗi lần Sư Ông và Tăng Đoàn về đây Hoằng Pháp, hai anh chị luôn luôn vui vẻ đón rước ở trong nhà, phục vụ cơm ngày ba bữa rất chu đáo. Ngày mà Sư Ông giảng pháp tại tư gia của anh chị, các Phật tử đến dự, anh chị nấu cơm tối mời mọc mình rất ân cần, vui vẻ. Tôi nghĩ, có một người ngoài ở trong nhà mình đã mệt rồi, vậy mà có phái đoàn chín, mười người ở trong nhà, lại phục vụ cơm nước chu đáo, lại còn nấu nướng cho các Phật tử khác đến nghe Pháp cũng khoảng 40 người, mà phục vụ luôn tươi cười, mà phục vụ như vậy rất nhiều lần, chứ không chỉ một lần.

“Tôi học được điều đó từ vợ chồng chị Quảng Hương. Hoặc với chị Quảng Diệu Trí lo tổ chức những chuyến đi hành hương, dù có vài thành viên giúp đỡ chị, nhưng chị vẫn là người chịu trách nhiệm sắp xếp các tuyến xe, chổ ngồi cho Phật tử, sắp xếp phần việc cho người này, người kia làm gì để tổ chức những buổi hành hương đi ba ngày hai đêm về Tu viện Kim Sơn và những chùa lân cận, luôn được tổ chức thành công, nói lên hạnh Bồ Tát của chị đạt đến mức độ rất cao. Tôi chỉ nêu ra vài điển hình, vẫn còn nhiều vị khác nữa, người nào cũng có tâm rộng mở, Tôi học được hạnh Bồ Tát của các vị trong Sợi Nắng, họ là những người thiện tri thức, tâm rất lành, luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai cần giúp.”

Theo Phật tử Tâm Thảo người Phật tử thực hành bố thí, tức là thực hành hạnh Từ Bi trong đạo Phật.Vì bố thí cũng là một trong bốn Pháp để thu phục nhân tâm, chung sống hài hòa trong gia đình cũng như trong Tăng chúng và trong xã hội. Ngoài ra, người Phật tử còn phải là những người hộ trì Tam bảo, chăm lo việc ăn ở của chư Tăng Ni, việc tổ chức tu học cho Phật tử, việc chi phí cho các đại lễ , đóng góp xây cất tu bổ chùa, bởi vì nếu không có chùa, người Phật tử làm sao làm quen với Tam bảo được.

Nếu người Phật tử làm được việc tu thân, tu tâm và thực hành hạnh bố thí, hộ trì Tam Bảo... cũng đủ đem lại hạnh phúc, an lạc cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người quanh mình, đó cũng là cách Hoằng Dương Phật Pháp một cách hữu hiệu nhất và giúp bản thân an lạc thân tâm ngay trong hiện tại, chứ không cần phải chờ đến kiếp sau.

Qúy vị nào muốn tham dự những khóa tu do Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng tổ chức hoặc muốn ghi danh tham dự những chuyến hành hương tu học để phát triển tình yêu thương hiểu biết sâu sắc và làm mới thân tâm đắp xây hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội, do Sợi Nắng tổ chức, hay muốn tìm hiểu thêm về cách tu học Phật Pháp để thăng tiến tâm linh, xin hãy liên lạc với thành viên Sợi Nắng, điện thoại (714) 791-3515, (714) 900-0719, (626) 373- 7876. Email soinang88@gmail.com. Trang nhà www.soinang.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT