Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 3)

Sunday, 10/09/2017 - 10:34:04

Nó càng không thích hợp với người mê tín và cuồng tín, những người nghĩ rằng chỉ có tôn giáo của họ mới đúng chân lý, và xem thường các tôn giáo khác.”

Bài BĂNG HUYỀN

Chi Bộ Phụng Sự Chân Lý của Hội Thông Thiên Học (phần 2)

Tìm hiểu Thông Thiên Học theo hình thức vấn đáp (tiếp theo)

Một trong những câu hỏi mà những ai muốn hiểu rõ hơn về Thông Thiên Học thường sẽ đặt ra, đó là, phải chăng bất cứ ai cũng có thể học Minh Triết Thiêng Liêng?


Logo biểu tượng của Chi Bộ Phụng Sự Chân Lý.

Chi trưởng, bác sĩ Tô Hiệp: “Đương nhiên bất cứ ai cũng học được Minh Triết Thiêng Liêng, miễn là người ấy có tâm hồn mở rộng và có thái độ tiếp nhận khôn khéo, cùng với nhiệt tâm tìm tòi nghiên cứu chân lý ẩn tàn trong bất cứ tôn giáo và triết học nào. Người học Minh Triết Thiêng Liêng phải không có đức tin mù quán, không thiên vị và không đến nỗi kém thông minh, hơn nữa người ấy phải không có tính hoài nghi cực đoan của kẻ vô thần. Nhưng giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng không thích hợp cho những ai có thành kiến và tư tưởng cố chấp đối với những tiết lộ chân lý từ những người khác. Nó càng không thích hợp với người mê tín và cuồng tín, những người nghĩ rằng chỉ có tôn giáo của họ mới đúng chân lý, và xem thường các tôn giáo khác.”


Chi trưởng, bác sĩ Tô Hiệp đang thuyết trình trong một buổi họp của Chi Bộ Phụng Sự Chân Lý. (Hình cung cấp)

Vậy thì truyền bá giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng có lợi ích gì?
Bác sĩ Tô Hiệp: “Hội Thông Thiên Học có ba mục đích, nhưng chỉ cần hoàn thành một trong ba mục đích cũng có lợi ích thật lớn lao. Mục đích thứ nhất rất quan trọng, đó là: Gây dựng trung tâm của tình huynh đệ đại đồng trong nhân loại, không phân biệt chủng tộc, tín ngưởng, phái tính, giai cấp hay màu da.”

Làm thế nào có thể thực hiện tình huynh đệ tại đồng trong khi ngay cả các tín đồ của cùng một tôn giáo cũng bất hòa nhau?
Bác sĩ Tô Hiệp: “Mục đích thứ hai của Hội Thông Thiên Học là khuyến khích sự nghiên cứu đối chiếu tôn giáo, triết học và khoa học; Nếu thấu triệt và ứng dụng được mục đích này thì tình huynh đệ đại đồng sẽ có thể thực hiện được.

Vậy thì nó hữu ích ở điểm nào?
Bác sĩ Tô Hiệp: “Sự nghiên cứu đối chiếu tôn giáo cho ta thấy nguồn gốc, tinh hoa các tôn giáo đều giống nhau, trên căn bản chúng là một; các tôn giáo đều giảng dạy những chân lý giống nhau, cùng in sâu vào tâm con người những lý tưởng và nếp sống đạo đức.”

Làm thế nào thực hiện được vấn đề này, trong khi có sự khác biệt lớn giữa các tôn giáo trên thế giới?
Bác sĩ Tô Hiệp: “Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều bắt nguồn từ Thượng Đế. Tôn giáo được truyền dạy trãi qua nhiều thời kỳ khác nhau do sự khác biệt về trí tuệ và bản tính của từng giống dân. Hơn nữa, nhân loại ở nhiều giai đoạn tiến hoá khác nhau, lời dạy thích hợp với con người ở giai đoạn tiến hoá này, có thể chưa thích hợp với con người ở giai đoạn tiến hoá khác. Thí dụ: ở một quốc gia trẻ hay dân tộc bán khai, người dân trong nước chưa có những kinh nghiệm vì chưa trải qua nhiều kiếp luân hồi, vấn đề chính của họ là lo ăn uống và săn bắn để có thức ăn. Những người này cần được hướng dẫn bằng hình thức tôn giáo thật đơn giản, như: Thượng Đế rất nhân từ, luôn luôn thưởng thiện và phạt ác; người làm việc tốt để Ngài vui lòng, thì Ngài sẽ ban cho hạnh phúc sau khi chết; nếu làm việc xấu ác, thì Ngài sẽ trừng phạt làm cho bị đau khổ.

“Sau khi đã trải qua nhiều kiếp sống ở thế gian, họ được sinh ra trong những nước văn minh hơn, họ cần đến một tôn giáo giúp họ phát triển khả năng trí tuệ và đạo đức ở trình độ cao hơn. Qua nhiều thời đại phát triển, trí tuệ nhân loại tăng trưởng vững mạnh và tình thương rộng rãi, thâm sâu hơn, do đó con người đủ khả năng hiểu được nhiều chân lý vĩ đại hơn tổ tiên mình. Những gì thích hợp với nhu cầu của nhân loại vào 2000 năm trước, rõ ràng không còn thích hợp với bản chất hiểu biết của lớp người hiện nay.

“Có những khác biệt rõ ràng giữa các tôn giáo là do những đặc điểm chủng tộc, quốc gia theo những giai đoạn tăng trưởng trí tuệ của con người, cũng như sự phát triển dần dần những nghi thức cúng bái. Thêm vào đó có sự giải thích sai lầm và biến dạng nghiêm trọng những chân lý căn bản được giảng dạy lúc đầu của các vị Giáo Chủ.

“Nhắc lại, chân lý được phát biểu bằng hàng trăm cách khác nhau, nhưng toàn thể chân lý chưa bao giờ được diễn đạt đầy đủ. Bây giờ con người nhận thấy rằng tín ngưỡng thì hữu hạn còn chân lý thì vô hạn, không thể hạ thấp cái vô hạn vào trong một địa danh, vì thế thật là vô ích nếu cố thu gọn toàn thể chân lý vào niềm tin của một tôn giáo. Nhưng trong mỗi tôn giáo đều chứa đựng chân lý, là nốt chủ âm, hay điểm then chốt để truyền thông điệp của nó cho nhân loại, và sự nghiên cứu tất cả tôn giáo là cần thiết để hiểu biết nhiều mặt của chân lý.

“Căn cứ theo mục đích thứ hai, chúng ta thấy rõ không có một tôn giáo nào độc quyền sở hữu chân lý; vì thế không ai được quyền có thành kiến chống lại các tôn giáo khác. Như vậy tình huynh đệ đại đồng được thực hiện khắp nhân loại, nó là sự thật trong thiên nhiên, tất cả mọi loài đều là con cái của cùng một đấng Cha Lành.”

Vậy nếu nói rằng về bản chất tất cả tôn giáo đều giống nhau, giống thế nào? Hơn nữa, nếu chân lý có thể được tìm thấy trong tất cả mọi tôn giáo, tại sao chúng có vẻ rất khác nhau?

Bác sĩ Tô Hiệp: “Mọi tôn giáo đều bắt nguồn từ những vị Thầy Vĩ Đại - thực ra chính những tên gọi cũng do từ các Ngài - như Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Hỏa Giáo, Hồi Giáo. Những vị Giáo Chủ của các tôn giáo đều là những Đấng Thiêng Liêng làm việc dưới quyền Đức Chưỡng Giáo Thế Giới. Tất cả đều là nhân viên của Thiên Đoàn, là một đoàn thể có nhiệm vụ hướng dẩn nhân loại học Minh Triết Cổ Truyền hay Minh Triết Thiêng Liêng. Khi một phần nhân loại sẵn sàng cần sự hướng dẩn của một giáo lý mới, một nhân viên trong Thiên Đoàn được sinh ra trong nhóm dân tộc ấy để thành lập một tôn giáo mới. Ngài đem đến cùng những chân lý, cùng sự dạy dỗ, nhưng với hình thức và cách diễn đạt những giáo lý thích hợp với những điều kiện về thời gian, mức độ trí tuệ, nhu cầu, trình độ tâm linh và khả năng của người dân lúc đó. Bò cái có nhiều màu, nhưng sữa thì chỉ có một màu. Kiến thức giống như sữa, những vị thầy giống như bò cái vậy. Vì có cùng nguồn gốc thiêng liêng, trên căn bản các tôn giáo đều giống nhau, chỉ khác nhau những chi tiết không thiết yếu.

“Các tôn giáo giống như những chiếc bình đựng nước, nước lấy hình thể chiếc bình, nhưng vẫn giữ nguyên tính chất làm giãm cơn khát. Sự sống tâm linh tuôn vào các tôn giáo, mang hình thức những tôn giáo khác biệt nhau, cung ứng nhu cầu khác nhau theo thời gian, theo mức độ trí tuệ của dân chúng v.v. nhưng vẫn duy trì sự sống tâm linh như nhau, có thể làm giảm sự khát khao của tinh thần đối với sự hiểu biết về Thượng Đế.

“Như một tia sáng trắng bao gồm các loại màu sắc, các tôn giáo khác nhau tượng trưng cho những màu khác nhau liên kết thành một tia sáng trắng chân lý. Mặc dù nước không có màu, nhưng khi đựng trong những ly thủy tinh màu khác nhau, ta thấy dường như nước có màu khác nhau. Tương tự như thế, cùng một chân lý khi thể hiện qua nhiều tấm áo choàng tôn giáo khác nhau; vì cần diển đạt chân lý nên phải nhuộm màu khác nhau để truyền đạt chân lý thích hợp với nhu cầu và trình độ của dân chúng lúc ấy.
“Mỗi tôn giáo ghi dấu bước tiến của nền văn minh và đưa ra vài đặc tính có giá trị của nhân loại, ít căng thẳng hơn những tôn giáo trước. Nhân loại phải học nhiều bài học giúp họ phát triển nhiều đức tính khác nhau được giãng dạy bởi những tôn giáo khác nhau, họ phải thích ứng với những giáo huấn được đặc biệt nhấn mạnh. Những giáo lý gắn liền với những nền văn minh của nhân loại, giúp họ phát triển những phẩm chất tốt mà nền văn minh truyền đạt, và học những bài học cần thiết mà những bậc Thầy Thế Giới đưa ra kết hợp trong các tôn giáo, luôn luôn với nhiều phẩm chất hơn. Như vậy, dù trong mỗi đức tin tôn giáo đều có những chân lý vĩ đại, nhưng mỗi tôn giáo cũng có vài nét vượt trội đặc biệt, làm nền tảng trung tâm hay nốt chủ âm, tạo cho tôn giáo đó có một sắc thái đặc biệt để tiến bộ theo những tính chất riêng biệt.

Tại sao Minh Triết Thiêng Liêng không được gọi là một tôn giáo?
Bác sĩ Tô Hiệp: “Minh Triết Thiêng Liêng là căn bản của các tôn giáo, dù ở một vài quan điểm, chúng ta có thể nghĩ nó như một tôn giáo. Nó đưa ra những quy luật của đời sống thay vì buộc hội viên phải tuân theo, những quy luật này dựa theo những sự kiện hợp lý. Người Thông Thiên Học chân chánh tự nguyện điều chỉnh hạnh kiểm theo ý chí thiêng liêng, tuân hành theo luật thiên nhiên, không vì trốn tránh sự nổi giận do xúc phạm thần linh, mà chỉ tránh sự nổi giận do xúc phạm thần linh, mà chỉ tránh sự bất an trong chính họ.

“Cũng có thể gọi Minh Triết Thiêng Liêng là một tôn giáo, bởi vì Minh Triết Thiêng Liêng trình bày con đường tiến hóa bình thường và đồng thời cũng chỉ con đường tắt cho ai muốn đi nhanh đến mục đích cuối cùng của nhân loại, bằng những phương pháp hối thúc tiến trình của sự tiến hóa. Hơn nữa, khi nghiên cứu đối chiếu các tôn giáo, Thông Thiên Học chứng minh các tôn giáo có một tinh hoa đồng nhất và có chung một nguồn gốc, mà ta có thể gọi đó là chìa khóa của tất cả các tôn giáo. Nó đưa ra sự giải thích hợp lý những điều được coi như mê tín dị đoan trong các tôn giáo. Nó không chú trọng đến những nghi lễ bề ngoài của các tôn giáo, điều thực sự là Chân Lý ẩn tang bên trong.

“Hội viên Thông Thiên Học không bị bắt buột phải chấp nhận một cách mù quáng những điều Minh Triết Thiêng Liêng đưa ra, họ có quyền tự do chấp nhận điều gì mà họ thấy hữu lý. Bản công ước được dựa trên một nền tảng vững vàng, đó là hội viên không miễn cưỡng chấp nhận một điều gì cho đến khi chính họ đủ năng lực tự mình nhận thấy chân lý. Một giáo huấn không thật sự là một phần của đời sống tinh thần, nó thuộc đời sống trí tuệ, một thành phần trong bản chất con người, nó được gọi là kiến thức, và kiến thức chỉ có thể nhận thấy cái gì tương đồng với nó. Nó là chân lý trong con người để nhận ra chân lý ở bên ngoài, điều này xảy ra một khi nhãn quan bên trong được khai mở.

“Như vậy một trong những mục đích của Hội Thông Thiên Học là nghiên cứu những chân lý căn bản vĩ đại của tất cả các tôn giáo. Không ai bị ép buộc phải tin theo một điều gì. Mọi người tự mình có toàn quyền nghiên cứu theo ý muốn. đến khi nào mở được thị giác của tinh thần, giống như họ nhìn thấy sự vật nhờ ánh sáng mặt trời. Đối với người mù, ánh sáng mặt trời không có nghĩa gì, nhưng người sáng mắt tự nhiên thấy ánh sáng hiện hữu, mà không cần phải tranh cãi. Do đó Hội chấp nhận phương châm “Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý.”

Hội Thông Thiên Học có phản đối hội viên theo tôn giáo đặc biệt nào không?
Bác sĩ Tô Hiệp: “Chắc chắn là không. Hội Thông Thiên Học có hội viên đủ mọi tôn giáo. Tư tưởng trong sạch, lời nói trong sạch, việc làm trong sạch là tư tưởng gốc của tất cả tôn giáo. Ai thực hành được những điều trên xem như là người thuộc tất cả tôn giáo.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT