Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 29)

Sunday, 18/03/2018 - 03:25:14

Đây cũng chính là điều mà Phật tử Đức Hồng, thành viên của Gia Đình Thiền Sinh (GĐTS) Sợi Nắng khoảng ba năm nay cảm nghiệm được mỗi ngày càng thêm sâu sắc hơn.

Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng (phần 3)

Bài BĂNG HUYỀN

Quy y Tam Bảo

Muốn trở thành thành viên của một tổ chức hay hội đoàn nào, người đó phải thực hiện nghi thức kết nạp và lời tuyên thệ. Với các tôn giáo, để trở thành tín đồ, người đó phải trải qua nghi lễ theo tôn giáo mình theo quy định. Với đạo Phật cũng không ngoại lệ, muốn trở thành người Phật tử chính thức của Phật giáo, Phật tử phải tiếp thọ lễ Quy Y Tam Bảo và giữ gìn Ngũ Giới.

Tam Bảo là ba ngôi quý giá: Phật, Pháp và Tăng. Quy Y Tam Bảo là trở về nương tựa nơi Phật, Pháp và Tăng. Ý nghĩa tích cực của Quy Y Tam Bảo với người Phật tử không có nghĩa là ẩn nấp, nương tựa vào chư Phật và chư Tăng để trốn tránh quả khổ đau hay nhờ các Ngài giải quyết hộ cái hậu quả mà người Phật tử tạo ra. Mà ý nghĩa chân chính của Quy Y chính là người Phật tử trở về nhận lấy trách nhiệm về những hành động, lời nói và ý nghĩ của mình, nỗ lực rèn luyện chuyển hóa tâm thức của mình. Vì khổ đau hay hạnh phúc là kết quả của những hành động, lời nói và ý nghĩ của mỗi người. Khi người đó đã hành động ác, nói lời ác, ý nghĩ ác thì tất yếu gặt quả khổ đau. Người đó không thể ẩn núp sau lưng chư Phật và chư Tăng để trốn tránh quả khổ đau đó hoặc nhờ các ngài giải quyết hộ cái hậu quả mình tạo ra. Không xem Đức Phật là vị cứu rỗi, bảo hộ và ban phước lành cho mình mà luôn xem Ngài như tấm gương để noi theo, như nguồn cảm hứng để người Phật tử tiêu trừ, loại bỏ và chấm dứt nỗi sợ hãi, khổ đau, nguy cơ tái sinh trong thống khổ và các phiền não, để đi đến đỉnh cao của an lạc và giải thoát.


Giờ chia sẻ của các thành viên trong buổi Tụng Giới của Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng, Phật tử Đức Hồng ngồi bên phải, hai tay ôm đầu gối. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đây cũng chính là điều mà Phật tử Đức Hồng, thành viên của Gia Đình Thiền Sinh (GĐTS) Sợi Nắng khoảng ba năm nay cảm nghiệm được mỗi ngày càng thêm sâu sắc hơn.

Với Phật tử Đức Hồng, “đạo Phật là đạo giải thoát, mình tu để mình an lạc, hay để giải thoát là tùy theo ý, tâm, nguyện của người đó. Mình phải hiểu rõ tại sao mình tu, cũng phải tri ơn Thích Ca Mâu Ni mới có đạo Phật. mình sống phải có đạo đức giữ gìn ngũ giới. Thân người của mình khó kiếm, mình hãy tu làm sao để xung quanh mọi người được vui, mình được vui. Quy y Phật là chúng ta chọn hướng đi theo Phật, học hạnh theo hạnh Phật.

“Khi trở thành thành viên của Sợi Nắng, Sợi Nắng đã đem lại hạnh phúc cho Đức Hồng. Vì lúc đầu tu, Đức Hồng không có bạn tu, chỉ nguyện Quan Thế Âm Bồ Tát khi nào gặp được đạo tràng có duyên với Đức Hồng, thì sẽ theo đạo tràng đó không bỏ. Nên khi gặp được Sợi Nắng, Đức Hồng rất vui, tạ ơn Chư Phật và Chư Bồ Tát cho Đức Hồng gặp được đạo tràng tinh tấn, thanh tịnh để tu học.”

Lần đầu tiên đến với Sợi Nắng là dự buổi Tụng Giới, lúc đó Phật tử Đức Hồng không biết Tụng Giới là gì, vì cũng mới tìm hiểu về đạo Phật. “Khi dự buổi Tụng Giới, Đức Hồng rất thích, hiểu được rằng nó rất quan trọng. Vì là Phật tử, mình phải ôn tụng thường xuyên ngũ giới mỗi tháng ít nhất là một lần, để sự học hỏi và hành trì năm giới càng ngày càng sâu sắc và lớn rộng. Các thành viên của Sợi Nắng gặp nhau mỗi tháng một lần trong buổi Tụng giới, có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm tu học với nhau, có cơ hội gắn kết với những người bạn đạo, những gì mình không biết thì học hỏi, những gì mình biết thì chia sẻ cho mọi người, đây là điều rất tốt.

“Tụng lại giới luật của Phật rất quan trọng, nhắc nhở mình trong tháng đó mình có giữ tròn hay không, là người Phật tử mình cần phải giữ trọn. Khi mình quên hoặc làm sai, không đúng với đạo Phật, thì buổi Tụng Giới còn là để mình sám hối nữa, buông xả hết những lòng bức rức khó chịu của mình. Vì vậy từ khi vào Sợi Nắng, những buổi Tụng Giới Đức Hồng luôn có mặt.”

Giữ Ngũ Giới là học đạo làm người

Với Phật tử Diệu Nghĩa dù đã quy y Tam Bảo nhiều năm trước và có Pháp danh khá lâu, nhưng chỉ để đó, không chuyên tâm tu tập do quá bận bịu đi làm mưu sinh. Khoảng hơn sáu năm nay, sau khi về hưu và có duyên biết đến Sợi Nắng và trở thành thành viên, bà mới hiểu sâu về Phật Pháp và tu tập chuyên tâm hơn.
Lần đầu tiên vào Sợi Nắng cũng là buổi Tụng Giới, bà thấy hay và ý nghĩa quá, nên quyết định đi theo Sợi Nắng để tu học, giúp thanh tịnh tâm hồn hơn. Càng ngày bà càng quý các thành viên Sợi Nắng, đối xử nhau như anh chị em trong nhà, giúp bà mở mang thêm kiến thức về đạo Pháp. Nên các tuổi Tụng giới bà luôn có mặt, ngoài ra những khóa tu do Sợi Nắng tổ chức, bà luôn cố gắng tham dự đầy đủ, được nghe giảng Pháp từ Sư ông Thích Tịnh Từ, thầy Thích Tánh Tuệ và các Chư Tăng Ni khác rất lợi lạc cho đường tu học của bà.
Theo Phật tử Diệu Nghĩa, năm giới cấm của người Phật tử cần giữ gìn không chỉ có ý nghĩa với người theo đạo Phật, mà rất thiết thực trong đời sống của con người. Đây là điều rất hay để dạy cách làm người, cho tất cả những ai muốn sống một cuộc sống lành mạnh, an vui, có lễ nghĩa và tiến bộ. Năm giới là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta về hướng an lạc, giải thoát và giác ngộ. Năm giới là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc của gia đình và của xã hội. Học hỏi và thực hành theo Năm Giới, ta sẽ đi đúng con đường chánh pháp, ta sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng, ta sẽ xây dựng được an lạc hạnh phúc cho ta, cho gia đình ta và đóng góp vào phẩm chất an lạc và hòa bình của xã hội.


Từ trái qua phải là Diệu Nghĩa, một Phật tử, và Phương Huệ trong một khóa tu của Sợi Nắng. (Hình cung cấp)

Phật tử Phương Huệ là thành viên của Sợi Nắng khoảng ba năm nay. Cô cảm thấy rất hạnh phúc khi là thành viên của Sợi Nắng, cô rất tri ân các các cô chú, anh chị trong Sợi Nắng luôn nâng đỡ cô trong bước đường học hỏi tu tập. Trong tháng 2 năm 2017, cô vinh hạnh có sự chứng minh của Sư ông Thích Tịnh Từ cùng Tăng đoàn làm lễ an vị Phật tại tư gia của cô và làm lễ quy y cho chồng và hai con trai của cô.
Vài tháng sau, cô rất vui khi buổi Tụng Giới của Sợi Nắng tổ chức tại tư gia của mình. Không chỉ cô và chồng luôn gắng giữ gìn các giới luật, mà hai con trai nhỏ của cô cũng có tham gia Tụng Giới mỗi tháng một lần với Gia Đình An Lạc Pháp trong phần Tụng giới cho thiếu nhi bằng tiếng Anh, các con cô rất thích dự buổi Tụng Giới này.

Người Phật tử nào cũng đều hiểu rằng nếu quy y Tam Bảo là nền tảng thì Ngũ Giới là năm nấc thang của Phật tử để bước dần lên Phật quả. Khi mới quy y, nếu người Phật tử có thể phát nguyện giữ cả năm giới thì càng tốt, nhưng nếu vì nhiều sự ràng buộc chưa thể giữ cả năm giới thì có thể giữ vài giới mà mình thấy có thể thực hành được. Rồi dần dần với sự tinh tấn và Bồ đề tâm mạnh mẽ, tiếp tục phát nguyện giữ thêm những giới khác. Nhưng khi đã phát nguyện giữ giới nào thì phải giữ giới ấy cho bền bĩ, không thể một bước tiến tới, hai bước thoái lui. Nếu đã vào Đạo rồi mà vẫn tiếp tục cuộc đời trôi nổi cũ, hoặc còn tệ hơn cuộc đời thường của thế nhân, thì người đó làm hoen ố Đạo chứ không phải là ngưỡng mộ Đạo. Vì vậy với các thành viên của Sợi Nắng nói riêng và những người con Phật nói chung, việc cố gắng giữ giới để luôn xứng đáng với danh nghĩa là con Phật, để đem lại hạnh phúc đến cho mình và cho chúng sinh.

Ý nghĩa của Ngũ giới

Ngũ giới mà các Phật tử cần tránh bao gồm không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng các chất làm say gây nghiện, đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn dịch rất rõ, xin được trích lại trong bài viết này.

“Giới thứ nhất: không sát sanh
“Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con”.
“Giới thứ hai: không trộm cắp

“Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật cua con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và muôn loài”.
“Giới thứ ba: không tà dâm

“Ý thức những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa”.
“Giới thứ tư: không nói dối

“Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể”.

“Giới thứ năm: không dùng những chất làm say và gây nghiện
“Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù và sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.”
(còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT