Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 20)

Sunday, 14/01/2018 - 10:42:03

Giờ thờ phượng tiếng Việt của Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng Hope Community là 5 giờ chiều Chủ Nhật hằng tuần. Thứ Tư hằng tuần vào lúc 7:30 tối là giờ học Kinh Thánh. Địa chỉ 8091 22nd St, Westminster, CA 92683. Điện thoại (714) 234-5999.

Bài BĂNG HUYỀN

Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Tin Lành (phần 4)
Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community) (phần 2)

Sự ra đời của Hội Thánh Tin Lành

Hội Thánh Tin Lành bắt đầu với một phong trào cải cách tôn giáo vào đầu thế kỷ 16, khi cơ cấu của xã hội Trung Cổ có chiều hướng tan rã, dấy lên một thế giới mới năng động và mở rộng. Giáo hội Công giáo La Mã đã không chấp nhận những đề nghị đổi mới của những nhà cải chánh thành tâm, rốt cuộc tạo nên tinh thần phản kháng mạnh mẽ.

Trên trang nhà www.nguonhyvong.com có ghi, “Ngày 31-10-2017 là ngày các giáo hội Tin Lành trên thế giới kỷ niệm 500 năm phát triển của Tin Lành. Cũng vào ngày này vào năm 1517, ngài Martin Luther một tu sĩ Công Giáo dòng Thánh Augustine đã gắn 95 luận đề trước cửa nhà thờ Wittenberg (Đức) phản đối việc bán bùa xá tội, nêu nghi vấn về Ngục luyện tội, về quyền hạn của Giáo Hoàng và một số tín lý của Giáo Hội. Sau nhiều lần chịu Giáo Hội xét xử, ông bị cắt phép thông công và ở ngoài sự bảo vệ của pháp luật (ai cũng có thể bắt giết). Nhờ sự bảo vệ của Vương Hầu Frederick xứ Saxon, ông được bình an tiếp tục viết sách, diễn thuyết, dịch Kinh Thánh, giảng dạy, tổ chức và điều hành một giáo hội mới hoàn toàn tách biệt khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã. Hoạt động của ông đã dấy lên làn sóng phấn hưng trên các nước Âu Châu với những nhà cải cách nổi tiếng như John Calvin, Huldrych Zwingly, và nhiều người khác nữa. Một mặt họ phản kháng giáo quyền La Mã, mặt khác họ cải cách các giáo hội bản xứ thành những giáo hội biệt lập dựa vào giáo huấn của Kinh Thánh. Từ đó nhiều giáo hội mà người Việt gọi chung là Tin Lành được lập nên và phát triển ra khắp thế giới.


Mục Sư Aaron Cường Nguyễn đang hướng dẫn các tín hữu trong Hội Thánh cầu nguyện và hát thánh ca ngợi khen Chúa. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Hiện nay trên thế giới có hơn 600 triệu tín hữu Tin Lành, chiếm hơn 1/3 tổng số tín hữu Cơ Đốc (kể chung cả Công Giáo và Chính Thống giáo).

“Sau 500 năm, sự cách biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Tin Lành không còn quá lớn như xưa. Giáo Hội Lutheran là quốc giáo của Thuỵ Điển đã dành nguyên một năm kỷ niệm 500 năm cải chánh, và Đức Giáo Hoàng Francis đã được mời đến khai mạc năm kỷ niệm này. Giáo Hoàng thậm chí còn khen ngợi Luther, ngài nói: “Giáo Hội đã không làm gương tốt, đã lũng đoạn, tham lam, chạy theo thế gian, say mê quyền lực. Luther đã đứng lên phản đối. Ông là người thông minh.” Giáo Hoàng kêu gọi, trong khi chờ đợi các nhà thần học xóa bớt những khác biệt tín lý, hai giáo hội có thể cùng hợp tác với nhau trong các vấn đề xã hội như giúp đỡ người nghèo, dân tị nạn, di dân, và tìm cách làm giảm sự bách hại các tín hữu Cơ Đốc trên thế giới.”

Các hệ phái của Tin Lành

Trên trang www.Timhieutinlanh.net, tác giả Tim Huỳnh giới thiệu, “Ngày nay, có hơn 2000 giáo hội, giáo phái, hệ phái mang danh Đạo Chúa. Giáo hội là những tổ chức ra từ Hội Thánh của Chúa. Khi con dân Chúa pha trộn ý tưởng của loài người, phong tục tập quán của thế gian, các nghi thức thờ lạy tà thần của ngoại giáo và cách thức quản trị, điều hành các tổ chức thế gian vào trong sinh hoạt của Hội Thánh, thì giáo hội được thành hình.


Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh mời các tín hữu trong Hội Thánh dùng nước nho và bánh men trong nghi lễ Tiệc Thánh để nhớ đến Chúa (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Ban đầu chỉ có Hội Thánh của Chúa, vào thế kỷ thứ tư (năm 380) khi hoàng đế La-mã quốc giáo hóa Đạo Chúa thì sinh ra Giáo Hội Công Giáo (Catholic Church). Đến thế kỷ thứ 11 (năm 1054) thì có sự phân rẽ từ Công Giáo sinh ra Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Church), khối còn lại mang danh là Giáo Hội Công Giáo La-mã (Roman Catholic Church) cho đến ngày nay.

“Đến thế kỷ 16 (năm 1517) thì Martin Luther khởi xướng Phong Trào Đối Kháng (Protestant) phân rẽ với Công Giáo La-mã thì sinh ra Giáo Hội Đối Kháng (Protestant Church) ngày nay được gọi là Giáo Hội Lutheran (Lutheran Church).

“Từ thế kỷ 17 cho đến thế kỷ 18 lại có những Phong Trào Cải Chánh, Phục Hưng, sinh ra các Giáo Hội Trưởng Lão (Presbyterian Church – 1536), Giáo Hội Báp-tít (Baptist Church – 1609), Giáo Hội Giám Lý (Methodist Church – 1729).

“Đầu thế kỷ 20 (1900) lại có Phong Trào Nói Tiếng Lạ, Đặt Tay Té Ngã thì sinh ra Giáo Hội Ngũ Tuần (Pentecostal Church – 1914) và các nhóm Ân Tứ. Đến thập niên 1960 thì xuất hiện các Giáo Hội Ân Tứ (Charismatic Church) như: Vườn Nho (Vineyard Church), Lời Đức Tin (Word of Faith Church) và Giáo Hội Calvary Chapel.

“Từ các giáo hội sinh ra các giáo phái hoặc hệ phái. Thí dụ: Trong Giáo Hội Ngũ Tuần có các giáo phái như Assembly of God, Oneness, Wesleyan-holiness, Reformed-Higher Life, International Pentecostal Holiness Church…

“Theo định nghĩa cơ bản thì: Giáo hội (church) bao gồm nhiều giáo phái (denomination) hoặc hệ phái (sect) có cùng tín lý căn bản. Giáo phái có tổ chức theo hệ thống hàng dọc với một cơ quan cầm quyền trung ương, như: Tổng Liên Hội, Tổng Hội. Hệ phái là những tổ chức độc lập, chỉ liên kết với nhau trong cùng một giáo hội trong sinh hoạt nhưng không có cơ quan cầm quyền trung ương. Khi một tổ chức thuộc một giáo phái tách ra khỏi giáo phái đó để sinh hoạt độc lập thì tổ chức đó biến thành hệ phái. Nhiều người cho rằng hệ phái (sect) là dùng để chỉ các nhóm tà giáo nhưng mà không phải vậy. Các nhóm tà giáo (có niềm tin không đúng với Thánh Kinh) vẫn được gọi là các giáo hội, như Giáo Hội Công Giáo La-mã, Giáo Hội Giê-hô-va Chứng Nhân, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm, Giáo Hội Mormon…


Vợ chồng Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh và Aaron Cường Nguyễn (bên phải) cùng vài thành viên trong Ban Sinh Hoạt Thanh Niên của Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng, giờ thờ phượng tiếng Việt. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Đức Chúa Trời muốn con dân của Ngài thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật. Thờ phượng Chúa bằng tâm thần là hết lòng, hết sức yêu kính Chúa, vâng phục Chúa. Thờ phượng Chúa bằng lẽ thật là sống và hầu việc Chúa theo những điều Chúa đã dạy trong Thánh Kinh, không thêm điều gì, không bớt điều gì...”

Học Kinh Thánh và cầu nguyện

Các mục sư, các tín hữu đạo Tin Lành đều đặt lòng tin hoàn toàn vào Kinh Thánh, nghĩa là họ tin rằng điều Kinh Thánh nói là chân lý. Không ai giải thích được vì sao tôi tin điều này mà lại không tin điều kia. Bởi bản chất của "niềm tin" bao hàm một sự giao thác, dù rằng cũng ít nhiều trên nền tảng lý trí hiểu biết, nhưng nó vượt xa hơn những gì mà lý trí con người cảm nhận được. Vì vậy, với những người theo đạo Tin Lành luôn có nền tảng là niềm tin nơi kinh thánh, kinh thánh là chân lý và chuẩn mực cho sự lý giải của mọi điều.
Theo Mục Sư Aaron Cường Nguyễn, kinh thánh có quyền năng rất lớn. Vì chức năng chính của Mục Sư là giảng Kinh Thánh, nên với ông, khi con người nghe được Kinh Thánh, lòng họ sẽ biến đổi, trở nên tốt hơn. Lời Chúa trong kinh thánh không chỉ có năng quyền biến đổi tâm trí, chữa lành tấm lòng mà còn cất bỏ tội lỗi. Khi học hỏi Kinh Thánh và áp dụng những điều đã học từ kinh thánh giúp mọi người có lương tâm trong sạch và một đời sống có mục đích. Ðiều này cũng giúp những con chiên trong Hội Thánh vun trồng tình bạn bền vững từ những người cùng yêu mến và phụng sự Ðức Chúa Trời.

Với các tín hữu của các Hội Thánh Tin Lành, càng học về Đức Giê-hô-va và Đức Jêsus-Christ (là Đấng Cha đã sai đến), tình yêu thương của các tín đồ dành cho hai đấng ấy và người đồng loại càng gia tăng. Sự hiểu biết chính xác về kinh thánh giúp các tín đồ hiểu cách Đức Chúa Trời sắp giải cứu những người biết vâng lời khi thế gian này bị hủy diệt. Giúp các tín đồ có một thông điệp đầy vui mừng để chia sẻ với người khác. Đức Giê-hô-va sẽ ban phước khi các tín đồ dạy người khác những gì học được qua việc đọc Lời ngài từ kinh thánh. Suy ngẫm về Lời Chúa và tuân theo lời dạy của Chúa sẽ mang lại sự thành công trong cuộc sống.
Kể về những thay đổi tốt hơn từ khi tin Chúa, Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh chia sẻ, “Khi chưa biết Chúa, đời sống của tôi dựa theo mục tiêu của thế gian này như bao người khác, phải có công ăn việc làm có tiền lương cao, nhà cao cửa rộng. Khi tin Chúa, Chúa dạy trong kinh thánh rằng cuộc sống này chỉ là tạm bợ, nó sẽ qua đi. Đời sống mãi mãi với Chúa mới là quan trọng. Điều đó đã thay đổi tôi, giúp tôi quyết định dấn thân theo công việc làm Mục Sư hầu việc Chúa. Dù rằng tôi có thể lựa chọn nhiều việc khác, nhưng tôi đã chọn theo Chúa. Khi chưa biết Chúa, tôi vốn háo thắng, có nhiều lúc những việc không như ý khiến mình rất dễ chán nản dẫn đến trầm cảm.

“Nhưng khi biết Chúa, được Chúa dạy dỗ qua đọc kinh thánh, con người cũ của tôi đã được thay đổi thành trở thành con người mới tốt hơn. Qua lời của Chúa, Chúa giúp tẩy rửa cuộc đời của mình. Từ người có bản tính dễ nóng giận trở nên mềm mại hơn. Từ người có tính kiêu ngạo, trở nên khiêm nhường hơn. Ở thế gian thì con người hay đạp người khác để ngoi lên, nhưng Chúa dạy rằng mình hãy tôn người ta lên, hạ mình xuống, giúp bản thân mình càng ngày thêm tốt hơn, Chúa giúp mình chiến thắng những hẹp hòi từng có. Vì thế mình cần đi nhà thờ nhóm họp mỗi tuần. Bởi chỉ có lời Chúa mới thanh tẩy mình thôi. Nếu một ngày mình xa Chúa, thì con người cũ, bản tính xác thịt của mình nỗi lên lại.”

Cũng theo lời Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh, bản thân cô những lúc bế tắc, thì tìm đến Chúa, bằng cách đọc kinh thánh. “Chúa cũng nói trong kinh thánh, lời Chúa trong kinh thánh giống như cái gương mình soi vô đó mình thấy được mình, và mình thấy được mình qua Chúa như thế nào. Ngoài đọc kinh thánh tôi còn cầu nguyện. Cầu nguyện rất quan trọng. Mỗi sáng, mỗi tối. Tùy người và tùy tấm lòng của mỗi người hướng đến Chúa. Nhưng với Mục Sư thì cầu nguyện mỗi sáng ít nhất một tiếng, kết hợp với hát ngợi khen Chúa.
“Khi cầu nguyện thì không theo khuôn mẫu, có điều gì thì cứ nói như với Cha của mình. Hoặc có lúc không cần nói, nếu mệt mõi, không có lời nói diễn tả, thì im lặng, tấm lòng hướng về Chúa. Chúa vẫn hiểu. Việc cầu nguyện là sự mời gọi một Đấng năng quyền hiện hữu trong giờ tĩnh nguyện của tôi và giúp tôi làm những việc mà tôi không thể tự mình làm được. Một linh hồn không cầu nguyện là một linh hồn không có Cứu Chúa. Cầu nguyện là hơi thở, là khẩu hiệu, là niềm an ủi, là sức lực, là vinh dự của người tin Chúa.”
Nếu các tín hữu cần phải cầu nguyện thì Mục Sư càng phải cầu nguyện nhiều hơn mỗi ngày, để sống thánh khiết, khiêm nhu, sốt sắng và nhẫn nại. Để tương giao mật thiết hơn với Ðấng Christ, để trở thành một tấm gương và nguồn phước cho người khác; và để có thể sống làm rạng danh Đức Chúa Jesus là Chủ, là Thầy của mình nhiều hơn.

Mục Sư Aaron Cường Nguyễn và Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh mong ước, “Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng luôn muốn gắn bó, giúp đỡ để mang hy vọng từ nơi Đức Chúa Giê-xu cho cộng đồng đúng như tên gọi của Hội Thánh. Cả hai cầu nguyện Chúa sẽ dùng cả Hội Thánh một cách mạnh mẽ trong công tác phục vụ cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người Việt.”

Giờ thờ phượng tiếng Việt của Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng Hope Community là 5 giờ chiều Chủ Nhật hằng tuần. Thứ Tư hằng tuần vào lúc 7:30 tối là giờ học Kinh Thánh. Địa chỉ 8091 22nd St, Westminster, CA 92683. Điện thoại (714) 234-5999.

Dạy thi quốc tịch miễn phí vào tối thứ Ba hằng tuần, lúc 7 giờ 30 và sáng thứ Bảy, lúc 10 giờ.
Ngoài ra còn có các dịch vụ miễn phí như dạy đàn piano, dạy hát, phát thức ăn, điền giấy tờ quốc tịch, và cầu nguyện cho các nhu cầu.

Để tìm hiểu thêm về Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng, xin vào trang web www.hopecommunity.cc và www.facebook.com/viethopecommunity
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT