Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 2)

Sunday, 03/09/2017 - 09:07:25

Với câu hỏi, nếu Minh Triết Thiêng Liêng có thể giải thích những bí ẩn của thiên nhiên thì tại sao có nhiều người không hưởng ứng nhiệt tình mà còn chống đối nó?

Bài BĂNG HUYỀN

Chi Bộ Phụng Sự Chân Lý của Hội Thông Thiên Học (phần 1)

Kể từ tháng 6 năm 2011 đến nay, cứ vào mỗi Chủ Nhật cuối tháng, tại 9021 Sherlock Cir, thành phố Garden Grove, là tư gia của bác sĩ Tô Hiệp và cũng là trụ sở sinh hoạt của Chi Bộ Phụng Sự Chân Lý (do bác sĩ Tô Hiệp làm chi trưởng, với các hội viên Việt Nam và cảm tình viên gốc Việt sống tại Quận Cam), trực thuộc Hội Thông Thiên Học Hoa Kỳ và Thế Giới, luôn có những buổi họp định kỳ để học hỏi, thảo luận, tìm hiểu về Minh Triết Thiêng Liêng (tức Thông Thiên Học).
Ngoài việc tổ chức học hỏi, thảo luận, chi bộ còn có ban dịch thuật Krotona để phiên dịch những sách Minh Triết Thiêng Liêng ra Việt Ngữ. Sách và các CD được in ra rất nhiều để tặng miễn phí cho công chúng trong vùng, và gởi tặng những người Việt ở các tiểu bang khác trong nước Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Chi bộ cũng đã tổ chức hai lần đi thăm và học hỏi tại Đạo Viện Krotona, Ojai và tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập chi bộ Long Beach. Trong lễ kỷ niệm 25 (ngày 12 tháng 3, 2014) thành lập chi bộ Phụng Sự Chân Lý, ông Tim Boyd, hội trưởng hội Thông Thiên Học Hoa Kỳ đã đến dự.


Bác sĩ Tô Hiệp, chi trưởng của chi bộ Phụng Sự Chân Lý, trực thuộc Hội Thông Thiên Học Hoa Kỳ và Thế Giới. (Hình cung cấp)

Mục đích hoạt động

Chi trưởng, bác sĩ Tô Hiệp giới thiệu, “Hội Thông Thiên Học được thành lập tại New York ngày 17 tháng 11, 1875. Hội là tổ chức phi chính trị, không thuộc tôn giáo nào và không có tín điều.
Ba mục đích của Hội là:
1. Tạo một tình huynh đệ đại đồng, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, phái tính, giai cấp hay màu da.
2. Khuyến khích việc học hỏi và đối chiếu Tôn Giáo, Triết Lý và Khoa Học.
3. Nghiên cứu những định luật thiên nhiên chưa giải thích được và những quyền năng ẩn tàng trong con người.

Bác sĩ giải thích, “Hội Thông Thiên Học gồm những người nghiên cứu học hỏi Minh Triết Thiêng Liêng. Họ có thể theo một tôn giáo nào đó trên thế giới mà cũng có thể không thuộc một tôn giáo nào; điểm chung của mọi hội viên là tất cả chấp thuận ba mục đích của hội, mong ước loại bỏ những tị hiềm giữa các tôn giáo và nối kết những ai có thiện chí lại với nhau bất kể quan niệm riêng về tôn giáo của mỗi người, muốn học hỏi chân lý trong các tôn giáo và chia sẻ kết quả học hỏi được của họ với người khác. Mối liên kết họ với nhau không phải là vì có chung một đức tin, mà có chung sự tìm kiếm và ước vọng đạt được Chân lý. Họ tin tưởng rằng Chân lý có thể tìm được bằng việc học hỏi, suy ngẫm, sống đời trong sạch, hiến mình cho những lý tưởng cao cả, và họ xem Chân lý như là thành quả đáng nỗ lực để đạt tới, mà không phải là giáo điều do một thẩm quyền nào áp đặt.


Bích chương 3 mục đích của hội Thông Thiên Học. (Hình cung cấp)

“Họ cho rằng niềm tin cần là kết quả của việc học hỏi riêng của cá nhân hay nhờ trực giác, và không phải là cái đặt để trước tiên cho những điều này, cũng như nó phải dựa trên hiểu biết mà không dựa trên sự khẳng định. Hội viên có sự khoan hòa với tất cả mọi người, ngay cả với ai không khoan hòa. Họ coi đó không là đặc ân ban phát mà như là bổn phận phải làm, và họ tìm cách giải trừ sự vô minh thay vì trừng phạt nó. Hội viên xem mỗi tôn giáo như là một cách biểu lộ của Minh Triết Thiêng Liêng và quan tâm đến việc học hỏi mỗi tôn giáo hơn là lên án nó, thực hành nó hơn là truyền đạo. Tiêu ngữ của họ là Bình An, cũng như mục tiêu của họ là Chân Lý.”

Cũng theo lời ông Hiệp, “Hội Thông Thiên Học chủ trương tất cả các tôn giáo chính thống đều có chứa đựng Chân Lý. Nhiều vị huynh trưởng hội TTH có đạo Thiên Chúa, như ông C.W. Leadbetter tác giả của nhiều sách TTH, là Giám Mục Thiên Chúa Giáo. Ông H.S. Alcott là Hội Trưởng đầu tiên sáng lập hội Thông Thiên Học thế giới. Ông là người vẽ ra lá cờ Phật Giáo năm 1889 (dựa theo màu sắc của hào quang đức Phật mà ông thấy được bằng Thần Nhãn) được tổng hội Phật Giáo Tích Lan công nhận, và được treo ở các Chùa trên khắp thế giới. Ông có công rất lớn trong việc chấn hưng Phật Giáo thế giới.”
Chi trưởng Tô Hiệp nói về 10 lý do cần học hỏi Minh Triết Thiêng Liêng:

1. Giải đáp những điều bí ẩn của vũ trụ, bằng cách phối hợp những sự kiện thực tế của khoa học với những chân lý căn bản của tôn giáo.

2. Chứng minh cho biết một cách dễ hiểu, rằng đời sống có giá trị, và trình bày sự tiến hóa được hướng dẫn một cách công bằng và từ ái.


Ông H.S. Alcott là hội trưởng đầu tiên sáng lập hội Thông Thiên Học Thế Giới. Ông có công rất lớn trong việc chấn hưng Phật Giáo thế giới. Hình này là con stamp kỷ niệm 60 năm ngày Ông viên tịch. (Hình cung cấp)

3. Loại bỏ mọi sự sợ hãi và làm giảm đi sự buồn rầu về cái chết; nhận thức sự sinh và tử, vui thú và đau khổ, chỉ là những sự việc luân phiên xảy ra trong một chu kỳ của tiến trình dài vô tận.

4. Nhấn mạnh quan điểm lạc quan về cuộc sống; cho thấy mọi người, nam cũng như nữ, là chủ nhân của chính vận mạng mình, là con cái của quá khứ, và cha mẹ của tương lai mình.

5. Cho biết đấng Thiêng Liêng là Toàn Năng, Minh Triết và Từ Ái, mặc dù có nhiều đau thương và thống khổ nơi thế gian.

6. Đem lại hy vọng cho người tuyệt vọng, bằng cách cho thấy rằng không một cố gắng nào là uổng phí, không một lỗi lầm nào mà không thể phục hồi.

7. Cho biết bên trong mỗi một người đều có tia sáng thiêng liêng hiện diện khắp mọi nơi, và cuối cùng con người sẽ đạt được sự toàn thiện.

8. Công bố định luật phổ quát về Nhân Quả; xác nhận rằng: “Con người gieo giống nào, sẽ gặt hái quả đó,” ở thế giới này hoặc ở những thế giới khác.

9. Xem thế gian như một trường học, nơi đây mỗi cá nhân trở đi trở lại nhiều lần, cho đến khi họ hoàn tất mọi bài học.

10. Khẳng định tình huynh đệ đại đồng trong nhân loại; và cung cấp nền tảng của sự hợp nhất cho những ai muốn làm việc để thực hiện điều này.

Tìm hiểu theo hình thức vấn đáp

Bác sĩ Tô Hiệp nêu lên những câu hỏi thường được đặt ra với những ai muốn hiểu rõ hơn về Thông Thiên Học là gì. Ông khẳng định, “Thông Thiên Học, hay Minh Triết Thiêng Liêng không phải là một Tôn Giáo, nhưng nó là chân lý tiềm ẩn bên trong tất cả các Tôn Giáo, và là nguồn gốc từ đó phát sinh các tôn giáo khác nhau. Nó là Gnosis của người Công Giáo, Brahma Vidya của người Ấn Giáo, và Sufism của người Hồi Giáo.

"Theosophy" nguyên ngữ Hi Lạp gồm hai phần. Theos: Trời hay Đấng Thiêng Liêng. Sophia: Minh Triết. Như vậy Theosophy có nghĩa là Minh Triết Thiêng Liêng, nếu không có nó chúng ta không thể nào hiểu được những vấn đề thâm sâu, vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống.”

Vậy thì những vấn đề thâm sâu trong cuộc sống là gì?
Ông cho biết, “Tại sao vũ trụ được tạo ra, khi nào, như thế nào, và nó sẽ tiến triển đến đâu? Tôi là ai, từ đâu đến đây, với mục đích gì? Thượng Đế là ai? Ngài ở đâu? Tôi có liên quan như thế nào với Ngài và vũ trụ? Tại sao có nhiều sự bất công ở đời? Tại sao nhân loại phải chịu nhiều đau khổ? Có sự may rủi không? Có vận số và định mạng không? Giấc mộng là gì? Tại sao chúng ta có những giấc mộng? Sự sống và sự chết có ý nghĩa gì?

“Trải qua nhiều thời đại, do vô minh, con người nghĩ rằng không thể nào giải thích được những câu hỏi nêu trên và nhiều nghi vấn tương tự. Tuy nhiên nhờ Minh Triết Thiêng Liêng mà chúng ta có thể hiểu được.

“Có phải niềm tin phổ biến cho rằng con người không thể nào hiểu được những điều này? Không điều gì trên đời mà nhân loại không thể hiểu biết. Con người không hiểu biết (vô minh) do bởi tính kiêu căng tự phụ, tinh thần ù lì, và trí tuệ chưa phát triển. Nhưng một số người cho rằng những gì không được lưu truyền từ kinh sách (bible), không thể xem là sự thật.

“Sự thật thì không ai chứng minh được những vấn đề không được lưu truyền trong kinh sách là sai lầm. Người thiếu hiểu biết cho rằng nghiên cứu những vấn đề thuộc Minh Triết Thiêng Liêng là sai lầm, là chống lại Tôn Giáo bởi vì những vấn đề này không tìm được các sách của Tôn Giáo. Thực ra thì hầu hết những gì khoa học hiện đại đưa ra, cũng không có trong kinh sách tôn giáo. Vậy chúng ta có nên chối bỏ khoa học hiện đại vì lý do nêu trên?

Với câu hỏi, nếu Minh Triết Thiêng Liêng có thể giải thích những bí ẩn của thiên nhiên thì tại sao có nhiều người không hưởng ứng nhiệt tình mà còn chống đối nó?

Ông Tô Hiệp cho rằng, “Lý do chính là, Minh Triết Thiêng Liêng như một con sông, có nơi cạn mà một em bé có thể lội qua được, có nơi sâu mà người thợ lặn xuất chúng cũng không sao lặn tới đáy. Dù một số giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng rất đơn giản và thực dụng, bất cứ người nào có trí não trung bình cũng dễ dàng thấu triệt và áp dụng. Nhưng càng lên cao, có nhiều chi tiết rất thâm sâu, cần phải đặc biệt cố gắng mới có thể hiểu được.

“Cái trí vốn ù lì, lười biếng, không ưa sự phiền nhiểu, tính ích kỷ muốn những thức ăn tinh thần từ trên cao rơi xuống, không muốn nhọc nhằn hy sinh vì chân lý. Như thế, giáo lý Thông Thiên Học chỉ thu hút một số ít người không ích kỹ, chuẩn bị để sống một cuộc đời trong sạch, lành thiện, đó là điều kiện cần thiết.

“Còn một lý do nữa là, Thông Thiên Học tuyệt đối loại trừ sự mê tín và dị đoan, đội lớp trong Tôn Giáo, sự thật chọc thủng tai người, nhất là các tín đồ thuộc các Giáo Phái. Họ không muốn chấp nhận chân lý bởi vì thiếu sự nghiên cứu sâu xa chính Tôn Giáo mà họ đang theo, vì thế tự nhiên họ thích bám víu vào niềm tin xưa cũ.

“Đó là bản tính tự nhiên, con người khó mà nhổ tận gốc rễ những ý tưởng đã có sẵn từ lâu, dù đó là những ý tưởng sai lạc. Hơn nữa, Con người chưa quen với giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng.
“Nếu thoáng nhìn lại lịch sử, ta thấy bất cứ một tư tưởng, tôn giáo hay triết thuyết mới nào, cũng luôn luôn bị những rào cản ngăn chận trên đường phát triển bỡi những người ghét sự đổi mới.
“Khi trí tuệ con người tăng trưởng thì quan niệm về Tôn Giáo từ từ thay đổi, và từ đó sự tin tưởng mù quáng cũng giảm theo. Những người có niềm tin mù quáng và cuồng tín trong tôn giáo, do sự dốt nát, họ không hiểu những nguyên lý căn bản của các tôn giáo khác, họ cho rằng chỉ có tôn giáo của họ là đúng; họ xem thường các tôn giáo khác, và điều đó chỉ chứng tỏ họ là những kẻ điên rồ. Tương tự như thế, những người không thích Minh Triết Thiêng Liêng, nghĩ rằng Minh Triết Thiêng Liêng chống đối lại tôn giáo của họ; thật ra họ là người không hiểu biết đúng thật chính tôn giáo mà họ đang theo, và không chịu nghiên cứu những nguyên lý căn bản của Minh Triết Thiêng Liêng.”

Chi trưởng, bác sĩ Tô Hiệp giới thiệu sơ lược những nguyên lý căn bản của giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng, “Có hai nguyên lý. Nguyên lý thứ nhất là tính Nội Tại của Thượng Đế. Thượng Đế ở khắp mọi nơi, bên trong mọi vật. Sự sống thiêng liêng là tinh thần bên trong vạn vật, từ hột nguyên tử nhỏ bé đến vị Đại Thiên Thần.

“Mọi tư tưởng, mọi tâm thức của chúng ta đều thuộc về Thượng Đế, vì Ngài là nguồn cội, là đấng duy nhất, nguồn sống vĩnh cửu. Như vậy con người trên căn bản thật sự là con Đấng Vô Cùng như tinh hoa Thông Thiên Học dạy. Cha có gì thì con có đó, con một hột giống đầy đủ tính chất như cha ở trên cao.
“Con người trường sanh bất tử, đời đời tồn tại, vĩnh cửu, vô thủy vô chung. Như vậy, sự tử đơn giản là bỏ chiếc áo cũ rồi khoác vào chiếc áo tốt đẹp hơn, thế thôi.

“Nhìn nhận chỉ có một sự sống, một tâm thức duy nhất trong mọi hình thể với Thượng Đế ngự bên trong, với chân lý tối thượng này, cho ra một hệ luận không thể tránh được là có sự liên kết tất cả mọi sự sống, đó là tình huynh đệ đại đồng (tất cả mọi sự sống trong vũ trụ đều là anh em). Tính nội tại của Thượng Đế, sự hợp nhất của nhân loại là hai chân lý căn bản của Minh Triết Thiêng Liêng”

Để tóm gọn phần Giáo Lý, ông cho biết, “Có một Thực Tại vô hạn vĩnh cửu, cái duy nhất bất khả tri, tồn tại đời đời. Từ đó Thượng Đế hiển lộ, đơn nhất thành nhị nguyên, tam nguyên (tam vị nhất thể). Toàn thể vũ trụ với vô số vạn vật là sự biểu lộ của Thượng Đế có nguồn sống thiêng liêng. Có vô số những Đấng Đại Thông Tuệ ta gọi là Archangel, Angels, Devas, họ được xuất lộ từ Thượng Đế. Họ là những người thừa hành để chuyển lệnh Ngài đi khắp nơi. Con người thật sự là phân thân của Cha Trời, Chân Ngã trường tồn bất tử. Sự tiến hoá và phát triển của linh hồn nhờ luật Luân Hồi trải qua vô số kiếp nối tiếp.

“Con người chịu luân hồi trong Tam Giới (cõi Trần, Trung Giới, và Thượng Giới) bởi dục vọng vô minh, do luật Nhân Quả điều khiển. Khi hết vô minh và đầy đủ Đức Hy Sinh thì được giải thoát trọn vẹn. Từ bản chất Thiêng Liêng tiềm tàng, con người biểu lộ nét thiêng liêng huy hoàng không biên giới. Có các Vị Chân Sư, Bậc Toàn Thiện, đã hoàn tất sự tiến hoá thuộc giai đoạn nhân loại và tiến bước vào đường siêu nhân loại. Các Ngài không cần phải trở lại cõi trần để học nữa.”  

Minh Triết Thiêng Liêng và Hội Thông Thiên Học liên quan ra sao? Hội Thông Thiên Học được thành lập khi nào?

Bác sĩ Tô Hiệp giải đáp, “Về đạo đức và giáo lý, Thông Thiên Học ví như đại dương vô bờ bến của chân lý, của tình thương và minh triết phổ quát. Nó phản chiếu ánh sáng vinh quang rực rở xuống Địa Cầu, trong lúc đó hội Thông Thiên chỉ là cái bóng, cái bọt hữu hình của sự phản chiếu đó. Thông Thiên Học là bản chất thiêng liêng hữu hình và vô hình. Thông Thiên Học chủ trương nhân loại phải tự cố gắng hướng về đấng từ phụ thiêng liêng. Thông Thiên Học là mặt trời chân lý cố định, vĩnh cửu.

“Hội Thông Thiên Học được thành lập để chứng minh cho con người thấy Minh Triết Thiêng Liêng có thể giúp con người hướng thượng và đồng hoá các chân lý vĩnh cửu. Không ai rõ Minh Triết Thiêng Liêng có từ bao giờ, tuy chưa có tên, nhưng về giáo lý và đạo đức, Minh Triết Thiêng Liêng đã có từ xưa, từ khi xuất hiện loài người. Thuật ngữ “Minh Triết Thiêng Liêng” (Theosophy) hay “Thông Thiên Học” xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 3 sau T.C. Thuở đó có hệ thống "Chiết Trung Chủ Nghĩa" về sau thành phái tân Platon do Ammonius Saccus và các môn đồ tiếp tục ở xứ Alexandria, Hy Lạp. Diogenes Laertius thì cho rằng hệ thống truyền thừa do các giáo sĩ Ai Cập vào những ngày đầu của Triều Đại Platolemaic.

Bà Blavatsky và Ông H.C. Olcott đồng sáng lập Hội Thông Thiên Học ở New York 11-17-1875 sau T.C., lúc đầu hội cũng gặp phải sự thờ ơ và phản đối. Thông Thiên Học là phương tiện cần thiết để nâng cao tinh thần nhân loại và giúp con người phát triển tâm linh.”

Để chứng minh được sự hữu ích của Minh Triết Thiêng Liêng?
Bác sĩ Hiệp nói, “Sự hữu ích của Minh Triết Thiêng Liêng nằm ở chỗ nó cho biết khái niệm thật sự về cơ trời. Hiểu biết đúng đắn mục đích của cuộc đời, giúp ta có niềm tin vững chắc nơi luật công bình thiêng liêng. Ta sẽ cảm thấy được an ủi về tình cảm và tâm trí, với tinh thần tự do tuyệt đối khi hoàn toàn thiếu sự giúp đở và hy vọng, cũng sẽ hoàn toàn không còn sợ hãi và lo lắng. Cơ hội hợp tác trí tuệ và đầy thiện chí với cơ tiến hoá thiêng liêng giúp con người nhanh chóng thoát vòng sanh tử luân hồi.
“Những người thật hữu dụng, thông minh và nhạy cảm luôn luôn trau dồi đức hạnh trong đời sống hàng ngày, từ đó sẽ dần dần thấm nhuần vào nền văn học thế giới. Hội Thông Thiên Học đã phát triển nhiều chi bộ khắp thế giới. Hơn nữa, nhiều thân nhân, bạn hữu Hội Viên Thông Thiên Học chưa gia nhập hội đã trở thành người Thông Thiên Học sau khi học hỏi giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng.”

Nếu nói Minh Triết Thiêng Liêng đã có lâu đời thì sao cần phải bắt đầu thành lập Hội Thông Thiên Học?
“Người đời đã quên những chân lý cũ, chúng cần được tái công bố. Chủ thuyết duy vật vô thần đang bành trướng quá nhanh ở các nước tây phương. Sự tiến nhanh của khoa học đang bị lôi cuốn theo chủ nghĩa duy vật với mức độ thật nguy hiểm đến nỗi chủ thuyết Agnosticism (Không tin điều gì không thể chứng minh được bằng giác quan) đã trở thành đặc tính chính của các nhà khoa học, họ tin rằng ngoài các giác quan và trí thông minh, con người không có dụng cụ nào khác để hiểu biết.

“Ngay cả ở Đông Phương, nơi được xem là nguồn suối Minh Triết từ xưa, cũng bị tràn ngập bởi bùn vật chất vô thần, và luồn sóng duy vật đe dọa phủ trùm thế giới.

“Đã đến lúc nhân loại được tiết lộ chân lý vĩnh cửu dưới hình thức thích hợp với tâm trí và quan điểm của nhân loại hiện đại. Thay vì truyền bá Tôn Giáo mới, Hội Thông Thiên Học công bố tất cả các Tôn Giáo đều có nguồn gốc chung, để cho mọi người biết các Tôn Giáo giống như những nhánh của một thân cây, đó là cây chân lý. Tuy mỗi tôn giáo khác nhau có niềm tin khác nhau, nhưng khi hiểu biết chân lý chúng ta sẽ nhận được cảm hứng từ bên trong ý nghĩa ẩn tàng như nhau.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT