Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 19)

Monday, 08/01/2018 - 12:08:55

Ngoài ra Hội Thánh còn tặng thức ăn để mọi người vừa ăn vừa xem văn nghệ, và còn có khu vui chơi cho trẻ em. Vào dịp Lễ Độc Lập hằng năm thì Hội Thánh tổ chức picnic cho các thành viên (và gia đình) đủ các sắc dân của Hội Thánh tại công viên gần nhà thờ của Hội Thánh.

Bài BĂNG HUYỀN

Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Tin Lành (phần 3)

Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community) (phần 1)

Hằng năm cứ vào dịp Giáng Sinh, từ 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật tuần lễ trước Giáng Sinh, tại khuôn viên bên ngoài nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community) thuộc Giáo Hội Foursquare, địa chỉ 8091 22nd St, Westminster, CA 92683, có cả ngàn người dân quanh vùng đưa các con của mình đến đây xếp hàng ghi danh, và các thành viên của Hội Thánh để nhận phiếu lãnh quà Giáng Sinh do Hội Thánh tặng. Nơi đây còn dựng sân khấu ngoài trời, có ban nhạc với nhiều ngôn ngữ khác nhau để hát những bài nhạc Giáng Sinh, vinh danh ngợi ca Chúa.

Ngoài ra Hội Thánh còn tặng thức ăn để mọi người vừa ăn vừa xem văn nghệ, và còn có khu vui chơi cho trẻ em. Vào dịp Lễ Độc Lập hằng năm thì Hội Thánh tổ chức picnic cho các thành viên (và gia đình) đủ các sắc dân của Hội Thánh tại công viên gần nhà thờ của Hội Thánh.

Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community) là Hội Thánh thuộc Foursquare Church. Foursquare Church có khoảng 86,000 Hội Thánh khắp nơi tại Hoa Kỳ. Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng là Hội Thánh đa ngôn ngữ, đa văn hoá, với nhiều sắc dân như Mỹ, Hispanic, Đại Hàn, Samoa, Việt Nam, mỗi sắc dân đều có một hoặc vài Mục Sư đại diện cho sắc dân của Hội Thánh với giờ thờ phượng khác nhau. Vị Mục Sư quản nhiệm là người Mỹ, ông Aaron Bull.


Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh đang hướng dẫn lớp luyện thi quốc tịch cho người Việt tại Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community). (Hình cung cấp)

Còn Mục Sư hướng dẫn phụ trách thờ phượng bằng tiếng Việt và một số dịch vụ phục vụ cộng đồng người Việt là Mục Sư Aaron Cường Nguyễn và vợ là Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh. Cả hai Mục Sư mới bắt đầu chương trình thờ phượng tiếng Việt tại Hội Thánh từ tháng 1, 2016 đến nay.

Mục Sư Aaron Cường Nguyễn cho biết, “Hội Thánh Hope Community với phần thờ phượng tiếng Anh thì có chương trình để giúp cho tín hữu như mỗi Chủ Nhật có những buổi học kinh thánh và thờ phượng, ca hát ngợi khen Chúa, và cũng có chỗ để giữ trẻ em cho cha mẹ đến để học kinh thánh. Và hàng tháng, cứ đến thứ Bảy của tuần lễ thứ nhất, và thứ Bảy của tuần lễ thứ ba thì có chương trình phát thức ăn miễn phí cho người nghèo từ 12 giờ trưa đến 1 giờ tại bãi đậu xe của nhà thờ Hội Thánh.

“Còn với giờ thờ phượng bằng tiếng Việt do hai vợ chồng tôi hướng dẫn thì nhóm họp vào lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật hằng tuần, 7: 30 tối Thứ Tư thì học Kinh Thánh. Chúng tôi có chương trình dạy hát miễn phí vào 6 giờ 30 chiều thứ Tư hằng tuần, do tôi hướng dẫn. Còn dạy piano miễn phí thì mỗi Chủ Nhật từ 3 giờ chiều đến 4 giờ lớp dành cho người chưa biết gì, và 4 giờ đến 5 giờ chiều dành cho người đã biết rồi, học nâng cao, do một thành viên trong Hội Thánh hướng dẫn.”


Buổi picnic dịp Lễ Độc Lập hằng năm của các thành viên đủ sắc dân thuộc Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community). (Hình cung cấp)

Tiếp lời, Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh giới thiệu, “Tên của Hội Thánh là Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community), vì muốn mang hy vọng là Đức Chúa Jesu Christ đến cho cộng đồng, mong là đời sống tâm linh của người Việt ở đây và khắp nơi thế giới và các sắc dân khác được khích lệ và được thoát khỏi những trói buột về tiền tài, trầm cảm, tổn thương mất mát trong đời sống, để tìm được bình an. Nếu chúng ta có mọi thứ mà không có sự bình an trong tâm hồn thì đến lúc cũng sẽ thấy bế tắc trong đời sống. Chúng tôi muốn dùng lời Chúa, đem tới sự khích lệ, an ủi cho những người nào cần an ủi về tâm linh.

“Chương trình thờ phượng tiếng Anh của Hội Thánh có buổi cầu nguyện chữa lành vào tối thứ Hai tuần thứ nhất và tuần thứ ba để cầu nguyện chữa lành cho cộng đồng, từ 6 tối đến 8 giờ tối. Những người Việt không rành tiếng Anh nếu có nhu cầu cầu nguyện chữa lành thì hãy đến với Hội Thánh vào giờ thờ phượng bằng tiếng Việt mỗi chiều Chủ Nhật, những ai có nhu cầu thì hãy cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ cầu nguyện để Chúa giúp chữa lành cho quý vị.

“Không chỉ giúp về tâm linh, chúng tôi còn nghĩ đến chương trình giúp thực tế, chẳng hạn quý vị nào cần điền đơn thi quốc tịch, hoặc học thi quốc tịch thì hãy đến học do tôi dạy vào tối thứ Ba hằng tuần (lúc 7 giờ 30) và sáng thứ Bảy, lúc 10 giờ, mỗi buổi học từ 1 tiếng 30 phút đến 2 tiếng) ngay tại Hội Thánh. Vì tôi biết những chương trình đó, nếu ra làm dịch vụ, thì tốn nhiều tiền, mà người Việt mới qua, không có nhiều tiền. Chúng tôi giúp đỡ những chương trình trên hoàn toàn miễn phí, làm bằng tình yêu của Chúa, và muốn bày tỏ tình yêu đó cho cộng đồng chúng ta.”

Mục Sư Aaron Cường Nguyễn cho biết giờ thờ phượng bằng tiếng Việt do vợ chồng ông hướng dẫn tại Hội Thánh, chỉ mới có khoảng 3 năm nay, nên số tín hữu người Việt còn khiêm tốn, chỉ khoảng 25- 30 người. Vì hai vợ chồng ông còn trẻ, nên ban thờ phượng chủ yếu ở độ tuổi thanh niên, trẻ nhất 28 tuổi.

Ngoài sinh hoạt đã kể trên, Ban Sinh Hoạt Thanh Niên do hai vợ chồng ông hướng dẫn còn gặp gỡ nhau vào mỗi tối thứ Sáu hằng tuần tại nhà riêng của một trong các thành viên (luân phiên đổi địa điểm), gồm có hát thánh ca ngợi ca Chúa, chia sẻ lời Chúa từ kinh thánh, chia sẻ những buồn vui trong tuần để ai cần giúp đỡ gì thì thành viên trong Hội Thánh giúp. Những buổi sinh hoạt này có thể họp tại nhà một trong các thành viên, hoặc cùng hẹn nhau đi ăn bên ngoài, để gắn kết tình thân với nhau.

Hai vợ chồng Mục Sư thỉnh thoảng có đến chia sẻ lời Chúa với các tín hữu bằng tiếng Anh trong giờ thờ phượng tiếng Anh của Hội Thánh. Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh còn là thành viên trong Ban Cố Vấn của Hội Thánh Hope Community, hằng tháng cô dự buổi họp với Hội Thánh để góp ý kiến về những nhu cầu của người Việt cho Hội Thánh của người Mỹ tại Hội Thánh Hope Community, nhằm giúp cộng đồng tín hữu người Việt được nhiều hơn.

Tiêu chuẩn trở thành Mục Sư Tin Lành

Theo lời chia sẻ của cả hai Mục Sư Aaron Cường Nguyễn và Joy Mỹ Vân Huỳnh, có rất nhiều tiêu chuẩn để trở thành Mục Sư trong Hội Thánh Tin Lành, trước tiên người đó đã tin nhận Chúa (được cứu bởi đức tin), là những người thuộc về Chúa, tôn thờ Chúa, sống theo Lời Chúa dạy trên thế gian này. Được Đức Chúa Trời Ba Ngôi động chạm, thôi thúc, kêu gọi trong chức vụ. Phải được kinh nghiệm, huấn luyện đào tạo trong trường Kinh Thánh (Thần học Kinh Thánh). Phải có đời sống xứng đáng với chức vụ. Phải trung tín trong chức vụ. Được người lãnh đạo toàn Hội Thánh tín nhiệm xét duyệt theo tiêu chuẩn Kinh Thánh. Được làm chứng tốt (người tốt) trước mọi người… Đó là vài tiêu chuẩn không thể thiếu để trở thành Mục Sư của Hội Thánh Tin Lành.

Mục Sư Aaron Cường Nguyễn kể, “Gia đình tôi vốn thờ cúng ông bà, khi chưa qua Mỹ, tôi sống tại Sài Gòn. Lúc 15 tuổi, tôi có đi chơi trong Thảo Cầm Viên, lúc đó có người bên Tin Lành đến làm chứng, mời gọi tôi tin Chúa. Tôi có tiếp nhận Chúa. Nhưng sau đó tôi cũng chỉ đi nhà thờ vài lần thôi. Năm 1998, tôi qua Mỹ, lúc đó 19 tuổi, tôi sống tại tiểu bang Oklahoma, tôi học bằng cử nhân ngành Computer-Science.

“Đến năm 2004, tôi chuyển qua California để tìm việc làm, đây là thời gian tôi mới thật sự tin Chúa hoàn toàn. Vì có một người bạn đã đưa tôi đến nhà thờ Tin Lành vào giờ sinh hoạt thánh lễ của người Việt để sinh hoạt trong một Hội Thánh tại thành phố Gadern Grove. Khi đó tôi cảm nhận được sự ấm áp nơi Chúa trong Hội Thánh, giữa các anh em với nhau. Trong thời gian sinh hoạt tại Hội Thánh, trong lòng tôi có sự thúc giục và người Mục Sư ở đó hướng dẫn tôi học trường Kinh thánh. Nên tôi ghi danh học tại The Kings University lấy bằng Master về Thần Học, và học luôn bằng Tiến Sĩ Thần Học. Tôi đã học hai bằng gần 10 năm, vì tôi học bán thời gian, và đi làm để lo cho đời sống.”


Phát quà Giáng Sinh cho cộng đồng Westminster tại Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community). (Hình cung cấp)

Mục Sư Aaron Cường Nguyễn nói việc ông theo học Đại Học Thần Học để trở thành Mục Sư thì thử thách lớn nhất với ông là tài chánh. Vì trường học kinh thánh bên Tin Lành đóng học phí cao, mỗi người phải tự bỏ tiền túi học, do ông học chương trình Master và Tiến Sĩ nên không xin được tiền trợ cấp chính phủ. “Nhiều giáo hội Tin Lành chỉ cần Mục Sư có bằng Master thôi, nhưng có giáo hội thì đòi hỏi cao hơn, phải có bằng Tiến Sĩ. Cá nhân tôi khi học trường Kinh Thánh, ngoài việc trở thành Mục Sư, tôi cũng muốn học lấy bằng Tiến Sĩ để trở thành Giáo sư dạy kinh thánh cho những người muốn trở thành Mục Sư.

“Để có bằng Master hay bằng Tiến Sĩ Thần Học, phải học tại trường Đại Học để được cấp bằng, còn muốn trở thành Mục Sư thì phải do Hội Thánh bổ nhiệm. Trong thời gian tôi học trường Kinh Thánh, tôi có quen Mục Sư Aaron Bull là Mục Sư quản nhiệm của Hội Thánh Hope Community, ông cần người lo chương trình thờ phượng của cộng đồng gốc Việt tại Hội Thánh, nên khi học xong, vợ chồng tôi đến Hội Thánh này, phụ trách giờ thờ phượng bằng tiếng Việt từ đầu năm 2016.”

Nữ Mục Sư Tin Lành của Giáo Hội Foursquare

Kể lại quá trình tin Chúa và trở thành Mục Sư, Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh chia sẻ. “Trước khi tin Chúa, gia đình tôi theo đạo thờ ông bà, bà nội thì theo đạo Phật. Năm 2008, khi tôi 18 tuổi, tôi sang Mỹ, sống ngay quận Cam, ở share phòng với một cô theo đạo Tin Lành. Cô đã giúp tôi tin Chúa và đưa tôi đi nhà thờ Tin Lành. Ba ngày trước khi tôi tin Chúa, lúc đó tôi đang học lớp ESL, thầy giáo có hỏi trong lớp có ai tin người ngòai hành tinh không? Mọi người đều nói là không tin. Thầy hỏi tại sao? Mọi người nói vì không thấy nên không tin. Thầy hỏi nếu vậy mọi người có tin Chúa không. Tôi cũng giống các bạn trong lớp, đều nói là tin. Thầy hỏi tôi, vậy Chúa không thấy, mà sao tôi lại tin, lúc đó tôi đặt tay lên tim và nói tin từ trong tấm lòng của mình.

“Và rồi ba ngày sau tôi được mời gọi tin Chúa. Lúc đó cô chủ nhà đưa tôi đi nhà thờ Tin Lành tại thành phố Gadern Grove. Tôi đã sinh hoạt một thời gian trong Ban Sinh Hoạt Thanh Niên thì tôi gặp Mục Sư Cường cũng sinh hoạt trong Ban Sinh Hoạt Thanh Niên của Hội Thánh này, sau đó cả hai chúng tôi được Chúa se duyên, quen nhau, bấy giờ (vào năm 2009) Mục Sư Cường bắt đầu học trường Kinh Thánh để trở thành Mục Sư.

“Năm 2010 chúng tôi kết hôn. Vì muốn hầu việc Chúa hoàn toàn, nên đến năm 2012 khi chọn ngành học để lấy bằng cử nhân, tôi đã ghi danh học ngành Thần học tại trường Life Pacific College, thay cho ý định ban đầu (trước khi tin Chúa) tôi định học ngành Tâm Lý. Năm 2016 tôi học xong bằng Cử Nhân Thần Học.”
Theo Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh, do trường của cô học thuộc Giáo Hội Foursquare, khi 2 vợ chồng học xong, cũng có ý định mở Hội Thánh để thờ phượng Chúa, nhưng muốn trở thành Mục Sư của Giáo Hội Foursquare thì cần có license của Giáo Hội Foursquare. Muốn có license thì phải qua cuộc phỏng vấn của Giáo Hội Foursquare, bao gồm các quy định của Giáo Hội Foursquare, kinh nghiệm chức vụ Mục Sư, quan điểm thần học.

Tuy nhiên muốn được ghi danh để phỏng vấn từ Giáo Hội Foursquare, thì người đó phải có người cố vấn. Vì vậy vợ chồng cô nhờ Mục Sư quản nhiệm Aoron Bull của Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng Hope Community làm cố vấn cho 2 vợ chồng. Vì Hội Thánh này thuộc Giáo Hội Foursquare. Sau khi đậu phỏng vấn từ Giáo Hội Foursquare, sẽ được Giáo Hội Foursquare công nhận là Mục Sư của Giáo Hội Foursquare trên toàn nước Mỹ.
Mục Sư Joy Mỹ Vân Huỳnh cho biết, “Cũng là đạo Tin Lành, nhưng có rất nhiều hệ phái. Tùy theo hệ phái, như hệ phái mà tôi đang theo là FourSquera thì ủng hộ những người nữ làm Mục Sư. Vì người sáng lập của Foursquare là bà Aimee Semple McPherson, nên rất ủng hộ người nữ trở thành Mục Sư.

“Từ năm 1912, khi có sự phục hưng xảy ra ở Los Angeles, đã có sử dụng những người nữ rao giảng Tin Lành, với người Việt thì vẫn còn rất mới với nữ Mục Sư. Có những hệ phái khác thuộc trào lưu Tin Lành thì lại không ủng hộ người nữ trở thành Mục Sư. Vì họ dùng những câu trong kinh thánh cho rằng người nữ không được dạy dỗ những người nam trong Hội Thánh. Nhưng nếu đọc kinh thánh, dựa trên những bối cảnh của kinh thánh, sẽ hiểu vào thời điểm đó, áp dụng cho Hội Thánh đó, vì những sự xào xáo gây ra tiếng xấu cho Hội Thánh của Chúa, tại thời điểm Hội Thánh đầu tiên.
“Đến thời điểm bây giờ thì đã có sự thay đổi. Cho nên phải xem xét trong kinh thánh cho rằng người nữ không được quyền dạy cho nam, không xảy ra trong tất cả mọi thời điểm, thời gian, mà chỉ cho một thời điểm lúc đó mà thôi.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT