Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 15)

Sunday, 10/12/2017 - 03:17:02

“Để những cuộc hành hương thâu đạt nhiều lợi ích thiêng liêng, giáo phận Marjoca đứng ra tổ chức các khóa huấn luyện ngắn (Cursillo) đào tạo các cán bộ hướng dẫn những cuộc hành hương nói trên.

Bài BĂNG HUYỀN

Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Công giáo (phần 3)

Những khóa học để thăng tiến đức tin của người Công giáo
Ông Phạm Văn Roanh, 75 tuổi, thành viên của Hội Cứu Mạng Thai Nhi (tên tiếng Anh là Việt Respect-Life) thuộc Giáo Phận Công Giáo Orange và có 27 năm có mặt tại trung tâm phá thai để cầu nguyện Phò Sự Sống, kể rằng từ nhỏ đến lớn khi còn sống tại Việt Nam, ông sinh hoạt trong một xứ Đạo, thành ra tất cả những sinh hoạt ông đều tham dự. Tuy nhiên, việc tham dự lúc đó chỉ đi theo đời sống thường nhật của ông bà tổ tiên để lại. Chứ thật sự thì ý thức về đạo chưa có.


Ông Phạm Roanh, thứ nhì từ bên trái, cùng các thành viên của Hội Cứu Mạng Thai Nhi. (Hình cung cấp)

Ông nói, “Niềm tin tôn giáo của tôi lúc nhỏ đến khi trưởng thành vẫn chưa thấu triệt đạo, hiểu rõ giáo lý thì chưa bao nhiêu đâu. Chỉ có niềm tin Chúa, nhưng tuân giữ lời Chúa hay luật lệ của Chúa thì hầu như không, nhiều khi còn hứa lèo với Chúa. Hoặc có giữ đúng lời hứa, thì cũng chỉ làm cho có thôi.

“Như trong chuyến đi vượt biển vào năm 1978, tôi là trưởng của chiếc tàu nhỏ có 25 người. Khi nguy khốn, gặp bão, thuyền hư máy, hết thức ăn, tôi có cầu nguyện và hứa với Chúa là khi đến bờ bến an toàn, tôi sẽ đọc 50 câu kinh Mân Côi vào mỗi ngày trong vòng 1 năm. Khi tôi lên đảo, tôi có làm đúng như lời hứa, đọc kinh hằng ngày, đúng một năm. Nhưng mà tôi chỉ đọc cho có thôi, giống như cách mình trả nợ, vì biết Thiên Chúa là đấng công bình và nhân từ, nên chỉ đọc kinh cho xong nợ thôi.”

Ông Phạm Roanh nói cũng nhờ đến Mỹ, sống tại Quận Cam, có cơ hội học hiểu lời Chúa nhiều hơn tại các giáo xứ, giúp ông hiểu về đạo càng thêm sâu hơn. Vào đầu năm 1980, cũng nhờ người quen giới thiệu ông đi học khóa Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân do Giáo Phận Orange County tổ chức, kéo dài 12 tuần lễ, chỉ đi học trưa Chủ Nhật hằng tuần, đến chiều thì dự thánh lễ tại giáo xứ Immaculate Heart of Mary (Cộng đoàn Đức Mẹ vô nhiễm) thành phố Santa Ana nơi ông học.

“Hồi đó tôi không có nghĩ sẽ đi học đâu, nên có hỏi khóa học kéo dài bao lâu, được biết 12 tuần lễ, tôi nghĩ vậy là học 12 tuần là xong. Nên ghi danh học. Cũng nhờ học khóa này này, có thời gian cho mình suy nghĩ nhiều, đức tin của tôi tương đối khá hơn một chút, rồi tôi đi học thêm một khóa là Canh Tân Đặc Sủng, khóa học này kéo dài thời gian hơn, dạy cho mình cách ca tụng Chúa, thờ phụng Chúa, cảm nghiệm bản thân như thế nào, trước đây sống như thế nào với Chúa, với gia đình, với mọi người.

“Những điều gian dối, vướng mắc của mình với gia đình, với mọi người. Nhờ học thêm khóa này là cơ hội để mình xét lại mình trong suốt cuộc đời mình đã làm gì, làm sao để thay đổi. Tôi cứ học suốt như vậy vào mỗi cuối tuần, từ trưa đến chiều Chủ Nhật, rồi dự thánh lễ. Người giảng khóa học này lâu lâu mới có Cha giảng, còn phần lớn là những người đã sống lâu trong ân sủng của Chúa,họ là một người đạo đức, giúp những người khác.”

Sau 3 năm học khóa là Canh Tân Đặc Sủng thì ông chuyển sang khóa học “Học Hội Kito giáo,” Hội học này có khóa Tĩnh Tâm 3 ngày, tháng 7 năm 1986 ông đã học khóa tĩnh tâm này, học từ thứ 5, học suốt 3 ngày đến cuối tuần. Kể từ đó ông theo đuổi Học Hội Ki tô giáo cho đến nay và là thành viên của tổ chức này.
Ông Phạm Roanh cho biết, “Khóa Tĩnh Tâm của Học Hội Kito giáo giúp mình biết đã thờ phượng Chúa thế nào, mình đặt Chúa như thế nào trong cuộc đời của mình, mình đã làm gì tốt lành với Chúa, làm gì sai trái với Chúa hay sai trái với mọi người. Đây là một hình thức cho mình quay lại cuốn phim cuộc đời mình đã trãi qua bấy lâu nay, nhìn ra những thiếu xót của mình, cách mình đã giữ đạo đúng, sai điểm nào.

“Khóa học Tĩnh Tâm này đến nay vẫn còn tổ chức, những người sống tại Quận Cam sẽ đến học tại Riverside. Là thành viên của Học Hội Ki tô giáo, mỗi tháng có một buổi gọi là Ultraya, những người trong Hội cùng chia sẻ với nhau trong tháng qua có những khó khăn, thuận lợi gì. Thành viên của Học Hội Kitô giáo, thì trong đời chỉ cần học 3 ngày tĩnh tâm một lần, nhưng hằng tháng phải dự những buổi Ultraya để chia sẻ với nhau, mình đã nhận được những gì, những gì cần nâng đỡ, hay thắc mắc.

“Như cá nhân tôi tham gia trong một nhóm, các thành viên trong nhóm chia sẻ, nâng đỡ nhau, họp nhau vào ngày chủ nhật tuần thứ ba trong tháng. Ngoài ra còn học những trường huấn luyện để trở thành lãnh đạo của Ultraya vào thứ 5 tuần thứ hai trong tháng. Tôi có đi học những để biết đường hướng như thế nào, để mình biết cách khi ra ngoài làm những gì, làm sao cho đúng, cho phù hợp với người khác. vì có thể có những điều mình tưởng là mình làm điều tốt, nhưng vô tình không phải là điều tốt.”

Trước đây ông Phạm Roanh là trưởng nhóm Tam Biên khoảng 6, 7 năm, có khoảng 40 người trong nhóm. Thường thì các thành viên của Học Hội Kitô không chỉ học hỏi giáo lý để hiểu rõ lời Chúa, mà còn dấn thân phục vụ bên ngoài xã hội, như đi thăm tù nhân, tặng đồ cho những người vô gia cư, thăm các cụ trong viện dưỡng lão. Riêng bản thân ông Phạm Roanh thì chọn việc Phò Sự Sống, cầu nguyện tôn trọng sự sống thia nhi tại các trung tâm phá thai, để phụng sự suốt 27 năm qua.

Phong trào Cursillo

Học Hội Kito giáo còn được gọi là phong trào Cursillo.
Trên trang web của Phong Trào Cursillo Tổng Giáo Phận Boston có giới thiệu rõ, “Phong Trào Cursillo phát xuất từ đảo Majorca thuộc quốc gia Tây Ban Nha vào cuối năm 1940. Tiếng Tây Ban Nha, Cursillo có nghĩa là một khóa học ngắn. Những khóa học ngắn ấy qua một tiến trình thay đổi để trở thành những khóa tĩnh huấn của phong trào Cursillo ngày nay.

“Đầu tiên những khóa học ngắn (Cursillo) do Đoàn Thanh Niên Công Giáo Tiến Hành Tây Ban Nha tổ chức để đào tạo cán bộ hướng dẫn các cuộc hành hương viếng mộ Thánh Giacôbê Tông Đồ ở thành phố Santiago de Compostela. Lý do có những cuộc hành hương ấy vì sau Đệ Nhị Thế Chiến và thập niên 40, xã hội lúc đó sống trong điên đảo, phá sản về vật chất lẫn tinh thần, Nhân loại mất định hướng, người ta rời xa Chúa. Tây Ban Nha cũng vậy hậu quả của cuộc nội chiến và thế chiến khiến nhân dân và Giáo Hội ở đó chia rẽ trầm trọng. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Tây Ban Nha khơi dậy phong trào đi viếng mộ Thánh Giacôbê nhằm hàn gắn những đổ vỡ ấy và nhất là đưa giới thanh thiếu niên trở về với Chúa.

“Để những cuộc hành hương thâu đạt nhiều lợi ích thiêng liêng, giáo phận Marjoca đứng ra tổ chức các khóa huấn luyện ngắn (Cursillo) đào tạo các cán bộ hướng dẫn những cuộc hành hương nói trên.

“Nhóm người đầu tiên đứng ra tổ chức là thanh niên thiện chí thuộc Đoàn Thanh Niên Công Giáo Tiến Hành của địa phận. Họ cùng nhau làm việc, cùng nhau học hỏi, chia sẽ đời sống và cùng nhau cầu nguyện để xin ơn Chúa soi sáng, hướng dẫn, hầu tìm thấy đường lối đem những thanh thiếu niên thuộc giáo phận trở về với Chúa.

“Khóa học đầu tiên được tổ chức tại tu viện Thánh Honorato, thuộc giáo phận Majorca. Lúc đầu các khóa học chỉ dành riêng cho các thành viên thuộc Đoàn Thanh Niên Công Giáo Tiên Hành mà thôi. Sau đó vì nhận thấy các khóa học quá hữu ích, những người lãnh đạo quyết định tổ chức cho tất cả mọi người. Từ đó khóa tĩnh huấn Cursillo đã manh nha và dần lan rộng khắp thế giới.

“Sinh hoạt của Phong Trào có tính các mời gọi và khuyến khích hơn là bó buộc. Các thành viên tự nguyện tham gia phong trào và cũng tự nguyện tham dự các sinh hoạt của phong trào như họp nhóm, đại hội ultreya, các buổi sinh hoạt trường huấn luyện, các khóa tĩnh huấn và tĩnh tâm hằng năm của phong trào, cũng như tự nguyện tham gia những công tác tông đồ và bác ái của phong trào.

“Hội Nhóm được khuyến khích thực hiện ít nhất mỗi tháng một lần, nhằm mục đích sống lời Chúa, và chia sẽ cảm nghiệm cá nhân , kinh nghiệm sùng đạo, học đạo và hành đạo giữa các nhóm viên, đồng thời hoạch định công tác tông đồ của nhóm hoặc mỗi cá nhân, nhằm giúp cho mỗi nhóm viên sống những điều căn bản để trở nên kitô hữu đích thực , một cách chân thật, liên tục và luôn tiến bộ.

“Đại Hội Ultreya cũng được tổ chức ít nhất mỗi tháng một lần cho toàn thể anh chị em cursillistas , nhằm mục đích cùng nhau cầu nguyện , chia sẽ chứng nhân, và trao đổi kinh nghiệm Phúc Âm Hóa Môi Trường, đồng thời tạo tình thân hữu giữa các thành viên của phong trào, để nâng đở nhau cùng tiến bước trên đường phục vụ tông đô. Ultreya là một cộng đồng tập thể gồm nhiều nhóm cần thiết cho công việc Phúc Âm Hóa Môi Trường trần thế.

“Mọi cursillistas tham gia phong trào đều được mời gọi tham dự các sinh hoạt của phong trào, như Hội Nhóm, Đại Hội Ultreya, Trường Huấn Luyện, các Khóa Tĩnh Tâm, Tĩnh Huấn thường xuyên của phong trào.”
Theo ông Phạm Roanh, có hai phương tiện căn bản giúp tăng trưởng và kiên trì trong đời sống của mỗi giáo dân Công giáo, đó là Hội Nhóm dành cho cá nhân, và Ultreya dành cho cộng đồng. Mặc dầu cả hai đều là cấu trúc của cộng đồng, nhưng Hội Nhóm chủ yếu giúp ích cho từng cá nhân, và Ultreya nhằm lợi ích của cộng đồng. Vì một phương tiện không thể thực hiện được nếu thiếu cái kia, cho nên cả hai đều cần thiết. Vì một giáo dân sinh hoạt biệt lập là một Kitô Hữu tê liệt. Một nhóm cũng thế nếu không liên kết với các nhóm khác.

Nói thêm về Đại Hội Ultreya, ông Phạm Roanh cho biết, “Đây là dịp nhiều nhóm thân hữu gặp nhau hàng tháng. Tại đây anh chị em sẽ có thêm những người bạn mới, những nhóm mới, nhờ đó việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sống về đức tin với đạo, Học đạo và Hành đạo được mở rộng, phong phú hơn. Giúp họ sống với một lý tưởng, và truyền đạt lý tưởng ấy cho tha nhân.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT