Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 14)

Sunday, 03/12/2017 - 09:11:10

Ông Phạm Roanh cho biết ông đã gắn bó với sứ mạng Phò Sự Sống cho các thai nhi đã được 27 năm. Ông kể, “Năm nay tôi 75 tuổi, đã nghỉ hưu 12 năm nay, tôi là thuyền nhân rời khỏi Việt Nam từ năm 1978, qua đến Mỹ từ đầu năm 1979.

Bài BĂNG HUYỀN

Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Công giáo (phần 2)

Ông Phạm Roanh và sứ mệnh Phò Sự Sống

Khoảng hơn 5 năm nay, trong khu vực bên ngoài của Trung Tâm Kế Hoạch Hóa Gia Đình (Planned Parenthood, hay còn gọi là trung tâm phá thai) trên đường Beach, góc đường Hazard, thành phố Westminster, cứ đều đặn vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu và thứ Bảy trong tuần, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa, ông Phạm Roanh (một tín đồ Công giáo, là thành viên của Học Hội Kitô Giáo và thành viên của hội Respect-life, cứu mạng thai nhi thuộc Giáo Phận Orange cộng đồng Công Giáo Việt Nam) có mặt tại đây với vài người thân hữu của ông để cùng cầu nguyện trong an tịnh, tôn trọng sự sống thai nhi, cầu nguyện cho các thai nhi không được sống đời này thì sẽ được sống mãi đời sau, cho các người phá thai được ơn hoán cải, làm lại cuộc đời; cho các thai nhi trong lòng mẹ được gìn giữ và sinh ra làm người.


Ông Phạm Roanh (người đứng hàng sau, tóc bạc trắng, người cao nhất) cùng các thân hữu cầu nguyện Phò Sự Sống tại Planned Parenthood (hay còn gọi là trung tâm phá thai) trên đường Beach, góc đường Hazard, thành phố Westminster. (Hình cung cấp)

Ngoài việc lần chuỗi Mân côi đọc kinh cầu nguyện chấm dứt nạn phá thai, xung quanh nơi ông Phạm Roanh đứng, còn trưng ra các biểu ngữ kêu gọi bảo vệ sự sống thai nhi, với mong muốn mang đến cho cộng đoàn những hiểu biết hữu ích về món quà sự sống, đồng thời tác động mạnh mẽ đến con tim và cõi lòng những ai lỡ bước vào trung tâm để chấm dứt sự sống của thai nhi, mà bỏ ý định định, giúp họ biết trân trọng và chăm sóc món quà sự sống vô giá mà Thượng Đế đã thương tặng ban cho, quảng bá thông điệp phò sự sống của đạo Công giáo.


Các thành viên của nhóm Phò Sự Sống tại trung tâm Planned Parenthood trên đường Beach, góc đường Hazard, thành phố Westminster. (Hình cung cấp)

Ông Phạm Roanh cho biết ông đã gắn bó với sứ mạng Phò Sự Sống cho các thai nhi đã được 27 năm. Ông kể, “Năm nay tôi 75 tuổi, đã nghỉ hưu 12 năm nay, tôi là thuyền nhân rời khỏi Việt Nam từ năm 1978, qua đến Mỹ từ đầu năm 1979. Ông bà tổ tiên của tôi đều theo đạo Công giáo. Quê gốc của tôi là ở xứ Ninh Cường, Bùi Chu, di cư vào Nam từ năm 1954. Trước đây, tôi đã có hơn 17 năm đứng cầu nguyện tại trung tâm phá thai trên đường Chapman gần với Freeway 57, vào ngày thứ 7 và Chủ Nhật, sau khi đi lễ xong, tôi ra đứng đến 1- 2 giờ trưa, còn mấy ngày kia vì tôi vẫn còn đi làm, chưa nghỉ hưu, nên không đến được.
“Chỗ này có một nhóm cùng đứng chung với nhau, nhưng có nhiều sắc dân tham gia, mỗi sắc dân đọc kinh cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Ngoài ra mỗi sắc dân còn cầm những tấm biểu ngữ viết bằng tiếng Anh, hay tiếng Tây Ban Nha kêu gọi ngưng phá thai, nếu thấy ai bước vào, thì cùng la lên để phản đối, kêu gọi không nên giết hại thai nhi. Nhóm người đứng đó có lúc đông thì khoảng 30- 40 người. Còn thường thì có 10- 15 người là có mặt đều đặn, trong đó có tôi. Trung tâm phá thai này hiện nay đã dẹp rồi.

“Ngoài ra trong thời gian trước, tôi còn đến cầu nguyện cùng các giáo dân của cộng đồng công giáo Việt Nam do linh mục Nguyễn Uy Sĩ làm linh hướng, ở bên ngoài một trung tâm phá thai trên đường 17th St. Santa Ana (giữa đường rầy xe lửa và Grand Ave), khi đó tôi tham gia cả hai nơi. Trưa Chủ Nhật thì tôi qua bên này, sáng thì đứng bên chỗ trên đường Chapman gần với Freeway 57.

“Sau khi trung tâm phá thai trên đường Chapman gần với Freeway 57 đóng cửa, tôi có đến cầu nguyện bên ngoài trung tâm trên đường 17th St. Santa Ana khoảng hơn 1 năm rưỡi, nhưng do nơi đây có nhiều cơ sở thương mại chung một khu với trung tâm phá thai, thành ra mình không biết người nào đi đến để vào trung tâm, người nào đến để đi vào cơ sở thương mại, vì vậy tôi xin phép cha Nguyễn Uy Sĩ ngưng không đến nơi đó nữa, mà chỉ tập trung cầu nguyện bên ngoài trung tâm phá thai trên đường Beach, góc đường Hazard hơn 5 năm nay.”


Các thành viên của nhóm Phò Sự Sống tại Trung tâm Kế Họach Hóa Gia Đình trên đường Beach, góc đường Hazard, thành phố Westminster. (Hình cung cấp)

Ông Phạm Roanh bảo rằng ông vẫn tiếp tục cầu nguyện cho thai nhi bấy lâu nay, là làm theo lương tâm của mình, “việc làm này của tôi với nhiều người đời thì là việc vô công rỗi nghề, không được ích lợi gì cả. Nhưng tôi luôn nói với mọi người tôi chỉ biểu lộ cho mọi người việc tôi là người thờ phượng Chúa, nhớ những lời khuyên răn của Chúa là cấm việc phá thai. Để cho họ biết có sự chống đối việc họ phá thai, để họ nhìn ra phá thai là cái tội. Vì có nhiều người không ý thức đó là cái tội. Có những người vợ vào phá thai, chồng ở ngoài ôm chúng tôi khóc. Chúng tôi cầu nguyện cho những ý chỉ. thành hay bại do ý Chúa, nhưng chúng tôi kiên trì, vì biết có nhiều người thông hiệp với chúng tôi trong lời cầu nguyện này.”

Cũng như bao tín đồ Công giáo khác, ông Phạm Roanh tin rằng sự sống con người vốn linh thiêng và quý giá. Nó là món quà vô giá Thiên Chúa tặng ban, là hoa trái tình yêu mà người cha người mẹ trao cho nhau. Tuy nhiên, vì sự ích kỷ của lòng người, vì những toan tính trần thế, không ít mầm sống đã bị giết hại cách dã man ngay trong lòng mẹ; không ít trẻ thơ vô tội đã chết trước khi chào đời. Nạn phá thai không chỉ giết hại các hài nhi, mà nó còn phá đi tình người, nhất là tình mẫu tử thiêng liêng nơi người mẹ; phá đi sự bình an trong tâm hồn, bởi những vết thương lòng do nạn phá thai gây ra làm cho bao tâm hồn đớn đau, tan nát.

Những buồn, vui

Ông Phạm Roanh tâm sự, “suốt 27 năm phụng sự Phò Sự Sống, tôi trải qua biết bao chuyện buồn vui. Buồn khi thấy việc làm của mình bị chửi nhiều quá. Có lần một cô gái còn trẻ lắm, người Mỹ gốc Việt đi ngang chỗ chúng tôi đọc kinh cầu nguyện, đã la lối chúng tôi, rồi đẩy tôi té và giựt hết những tấm biểu ngữ kêu gọi ngưng giết thai nhi của chúng tôi vứt xuống đất. Khi đó tôi buồn lắm, nghĩ cô gái ấy chỉ đáng tuổi con cháu mình. Điều mà giúp tôi kiên trì hơn việc làm này, là có những bà cụ sống ở thành phố Tustin, phải đi hai chuyến xe bus xuống đọc kinh với chúng tôi, đọc xong, rồi lại đi xe bus về. Tại sao những người đó làm được mà mình lại không làm được. Tôi không nhận mình là người trụ cột của nhóm cầu nguyện này, mà là người lâu năm thôi, vì có nhiều người sẽ không ở lại đó nếu không thấy tôi. lý do vì khi có những va chạm, họ không biết ứng xử làm sao.”

Ông Phạm Roanh kể, “Thí dụ như cách đây khoảng một tháng, có một bà người Mỹ ra hét lớn khi chúng tôi đang cùng đọc kinh, kêu chúng tôi câm đi, vì bà không muốn nghe những gì chúng tôi đang đọc. Những người đọc kinh cùng chúng tôi bối rối, không biết xử trí sao, tôi chỉ trả lời bà ấy là cứ việc gọi cảnh sát, nếu có gì không hài lòng. Tôi hiểu mục đích của bà ta la lối chúng tôi, với mong muốn chúng tôi cùng tranh luận với bà, để làm loãng không khí đọc kinh của mình đi. Bà ta gọi cảnh sát, có hai xe lại, họ đứng nói chuyện với bà ta một hồi, rồi họ cũng đi.

“Vì tôi đã kinh nghiệm nhiều rồi, biết có gọi cảnh sát đến cũng không làm gì được chúng tôi. Do chúng tôi không vi phạm gì hết, xung quanh nơi chúng tôi đứng đều có trưng những tấm bảng viết bằng tiếng Anh phò sự sống, không nên phá thai. Tôi đã chứng kiến nhiều lần việc cảnh sát đến, có khi còn vui vẻ chào chúng tôi, bắt tay chúng tôi rồi lại đi. Vì tôi hiểu luật, tránh đứng vào nơi riêng tư Private gần trung tâm của họ, mình chỉ đứng ở khu vực công cộng, chăng những tấm bảng cũng không đụng chạm gì đến chỗ của họ.
“Nhưng nếu không có tôi đứng ở đó, có thể những người trong nhóm sẽ tranh luận với bà người Mỹ nọ, làm mất đi không khí buổi đọc kinh của mình. Do vậy tôi thấy trách nhiệm của tôi có mặt đều đặn những buổi cầu nguyện như vậy, vì đã có kinh nghiệm va chạm bao năm rồi. Hơn nữa có nhiều người khi không có tôi thì họ sẽ không đến, mình cảm thấy trách nhiệm của mình ứng xử với những việc va chạm dễ dàng hơn. Đặc biệt là ngày đọc kinh khi những hôm trời mưa, gió bão hay nắng nóng lên đến 102 độ F, nhóm chúng tôi vẫn không thiếu vắng người nào.”

Ông Phạm Roanh chia sẻ, “Làm công việc cầu nguyện, phò sự sống, phải hết sức kiên trì, nhịn nhục thì mới làm được. Còn có tính nóng, tự ái, thì không làm được. Vì có rất nhiều va chạm sẽ xảy đến, thử thách mình.”
Kể về những niềm vui, ông Phạm Roanh nói, “Hồi trước khi tôi còn đứng cầu nguyện tại trung tâm phá thai trên đường Chapman gần với Freeway 57, có một anh theo đạo Phật có vợ muốn phá thai, anh chống, khi đó anh cũng ra cầm bảng chung với tôi cho đến khi vợ anh sanh con, bế con ra cùng, những người Mỹ đứng tại đó đã mua tặng những bộ áo, quần, nón để tặng con cho vợ chồng anh, một thời gian thỉnh thoảng thấy gia đình đó có bế con lại đứng chung chúng tôi.

“Cách đây khoảng 7 năm, cũng tại trung tâm đó, có một bà người Mễ dẫn con gái lại, chúng tôi thấy, cứ nghĩ là dẫn bé gái đi phá thai, nên cùng nhau hô to bằng tiếng Anh khuyên răn việc không nên phá thai. Bà ấy đến nói với chúng tôi biết là bà đưa con gái đến để cám ơn nhóm chúng tôi. Vì 15 năm trước, khi bà đến trung tâm phá thai này thì thấy có nhóm người cũng đã la lối cản ngăn, nhờ vậy mà bà đã quyết định không phá thai nữa, và nay nó đã là đứa trẻ 15 tuổi, học giỏi, chưa tháng nào đứng thứ 3 trong lớp, chỉ đứng nhất, nhì, và là niềm vui của dòng họ.

“Khi chúng tôi đứng cầu nguyện bên ngoài trung tâm phá thai, hỡ một tí là những người trong trung tâm gọi cảnh sát đến, nếu có ai trong nhóm đứng lấn vào khu vực riêng của trung tâm. Một lần trời mưa, lạnh lẽo lắm, mấy người kia họ về, còn mình tôi với mấy cái bảng biểu ngữ dựng xung quanh xe tôi đậu, có hai xe cảnh sát dừng lại ngay xe tôi, ngoắc tôi lại, hỏi có phải mấy cái bảng của tôi không, tôi nói phải, ông cảnh sát đó bảo với tôi là ông ta không làm được như tôi, nên xin cầu nguyện cho tôi, rồi ông ta rời đi.

“Có một lần, trời nắng nóng lắm, vài người đi về rồi, còn tôi đứng lại đó, thấy có hai ông bà già người Mỹ lái xe vào, nói rằng cả hai không làm được như tôi, hỏi tôi muốn ăn gì, uống gì để họ mua mang đến tặng tôi. Hay một lần khác, có những người Mỹ chạy xe vào và đứng chung với tôi, cũng la lối phản đối phá thai là tội ác, sau đó họ lái xe ra về, thì có hai xe cảnh sát lái tới, có lẽ họ nghĩ tôi không có khả năng chống đỡ với cảnh sát, nên họ quay xe lại, và xuống nói chuyện với cảnh sát khi cảnh sát dừng xe lại nơi tôi đứng. Khi đó tôi mới biết cả hai người đó là luật sư.

“Qua việc này tôi mới thấy rằng có biết bao người có địa vị trong xã hội, cũng tham gia công việc như tôi vậy, giúp tôi vững tin hơn việc mình làm. Chúng tôi luôn mong ước nhiều người ở các tôn giáo khác hãy cùng cầu nguyện với chúng tôi, cho chúng tôi được kiên trì công việc nhỏ bé mà chúng tôi đang làm. Vì tôn giáo nào cũng công nhận là việc phá thai là một tội ác, là giết người, những người có lương tâm không nên nâng đỡ những người có ý định giết con, giết cháu của mình.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT