Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 11)

Sunday, 12/11/2017 - 03:01:28

“Người viết tiếng Việt có ưu điểm về dấu, âm để có thể thiên biến vạn hóa khi công phu chữ. Tiếng Việt và Hán Việt đứng giữa hai nền văn háo Đông- Tây nên gặt hái được nhiều tinh hoa trung đạo và thái cực lưỡng nghi.”

Bài BĂNG HUYỀN

Ta Tu Đạo (phần 2)

Nhắc lại cơ duyên trở thành môn sinh của Ta Tu Đạo, anh Đức Nguyễn kể, “Tôi đến với Ta Tu Đạo là một sự tình cờ. Vào năm 2014 tôi đi khám mắt tại văn phòng bác sĩ Tim Hùng Nguyễn. Vì đi khám mắt, nên tôi cũng không trông chờ bác sĩ sẽ giúp thêm gì khác ngoài khám mắt. Bác sĩ nhìn thấy tôi có vẻ ngoài xanh xao, không sức sống, có hỏi thăm tôi. Lúc đó tôi cũng ngạc nhiên là bác sĩ mắt sao lại biết sự không khỏe của mình.


Bác sĩ Tim Hùng Nguyễn hướng dẫn môn sinh Đức Nguyễn trong buổi tập Ta Tu Đạo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Bản thân tôi, từ nhỏ đến lớn hơi bị yếu, thời gian đi khám mắt mà bác sĩ thấy tôi xanh xao là tôi đang bị bệnh đường ruột, có bứu (bứu lành chứ không phải ung thư) trong người. Tôi không bao giờ nghĩ là sẽ nói chuyện về bệnh của mình cho bác sĩ chuyên khoa mắt làm gì.”

Anh Đức nói bác sĩ Tim Hùng hỏi anh có kế hoạch hay phương pháp gì giúp cho mình khỏe không? Anh trả lời không có. Vì cũng đang đi chữa trị với bác sĩ chuyên khoa rồi, mà bác sĩ chuyên khoa cũng không đưa ra cho anh kế hoạch gì hết. Chỉ khuyên anh kiêng ăn uống, bệnh anh không có thuốc để chữa. Nghe vậy, bác sĩ Tim Hùng hỏi anh có muốn bác sĩ chỉ vài cách giúp sức khỏe khá hơn không. Dĩ nhiên là anh muốn rồi.

Lúc đó bác sĩ cũng chưa giới thiệu Ta Tu Đạo cho anh. Sau một hai lần gặp gỡ bác sĩ có trình bày về Ta Tu Đạo, hỏi anh muốn thử không. Khi anh đồng ý, bác sĩ chỉ cho anh tự tập trước ở nhà, sau đó bác sĩ mới mời anh đến lớp của Ta Tu Đạo để tập chung với các học sinh, môn sinh khác.

Anh Đức nhận xét, “Bác sĩ Tim Hùng cho tôi một hướng đi, bác sĩ không chữa bệnh cho mình mà giúp mình tự chữa bệnh cho mình. Lúc đó tôi khám phá ra đây là điều rất đơn sơ, chưa nghe ai nói, đúng ra mình phải tự giúp mình, mình biết mình mạnh, yếu ra sao, mình thiếu cái gì, dư cái gì, chứ đợi đến người khác giúp thì quá trễ. Ngay sau ngày tập đầu tiên, tôi thấy có biến chuyển trong con người của mình. Mới khám phá ra từ lâu mình không có hoạt động, không có để ý đến cơ thể của mình. Mình tập vài động tác thể dục, vài môn thể thao, nghĩ như vậy là đủ. Nhưng thật ra, nó không chạm được những nơi sâu trong nội tạng cơ thể của mình cần được tập luyện mà nó đã không được tập luyện.”


Buổi tập của Ta Tu Đạo (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Riêng về tâm linh, anh Đức vốn là một người theo đạo Công giáo và khi trở thành môn sinh của Ta Tu Đạo, giúp anh phát triển niềm tin tôn giáo của mình hơn. Anh nói Ta Tu Đạo không chỉ giúp anh về thể lực mà có sự tổng hợp của Trí Tâm Thân, giúp anh sống hòa hợp với thiên nhiên hơn, “Khi mình hòa hợp với thiên nhiên là hòa hợp với đấng tạo hóa mà mình tin. Và mình nhìn lại cuộc sống trong những mối liên hệ giữa con người với nhau và giữa mình với môi trường. Mình tập luyện giúp mình thăng tiến mỗi ngày. Dù Ta Tu Đạo không phải là tôn giáo, nhưng có liên quan khía cạnh tâm linh. Giúp mình nhận ra những điều có thể ngày xưa biết, nhưng không nhận ra rõ, sau khi tập luyện thì thấy con người mình để ý nhiều hơn và thăng tiến con người toàn diện hơn.”

Với môn sinh Xuân Thảo thì duyên đến với Ta Tu Đạo là qua chị gái.
Chị kể, “Chị Lan của Thảo không khỏe, còn Thảo thì khỏe. Chị gái mới cần. Còn Thảo trước khi học Ta Tu Đạo, Thảo là người thường đi Fitness, tập thể dục đều đặn hằng tuần. Chị Hồng đã vào Ta Tu Đạo và thấy được lợi ích nên đã rủ chị gái Thảo tập thử để giúp khỏe hơn. Chị Lan của Thảo sau khi đi tập thử Ta Tu Đạo về, chẳng biết ất giáp gì về Ta Tu Đạo cả. Nên sau hôm đầu tiên đó, chị rủ Thảo vào học cùng, để xem Ta Tu Đạo như thế nào. Thảo vào học thử lúc đó là năm 2015, thấy rằng nó rất hữu ích và gắn bó từ đó đến nay.”


Môn sinh Xuân Thảo (mặc áo và quần màu trắng) đang cùng tập với học sinh của lớp Ta Tu Đạo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Môn sinh Xuân Thảo nói, “nhờ có hai chị em cùng học, là động lực nương nhau. Thảo thì thể lực tương đối mạnh, vì có tập Fitness thường xuyên đều đặn. Còn chị Lan không tập thể dục lâu nay. Cơ thể dần dần yếu đi. Thường những người trước khi vào học Ta Tu Đạo là những người không khỏe, có những bệnh tật riêng, nặng nhẹ khác nhau. Chắc chắn những người vẫn theo đến tận hôm nay thì phải nhận được những điều gì đó giúp ích cho họ.

“Có người tập xong thấy khỏe ngay, nhưng có người tập vào sao thấy đau hơn, khó chịu hơn, theo Thảo đó cũng giống như một mụt nhọt, mình chọc nó, nó sẽ lở ra, đau hơn, nhưng từ từ nó sẽ lành, nó sẽ chữa tận gốc cái bệnh mình có mà lâu nay mình không biết.

“Khi tuổi mình càng lớn thì càng đi xuống, sức tập cũng có giới hạn, chứ không thể đòi hỏi tập như người trẻ, nhưng chị Lan của Thảo gắn bó với Ta Tu Đạo từ 2015 đến nay, Thảo thấy chị rất khá. Có những cái trước giờ chưa bao giờ làm, như tập thể dục đầu đặn. Thì nó khó, nhưng khi tập rồi thì từ từ uyển chuyển hơn.”

Bác sĩ Tim Hùng Nguyễn chia sẻ, “Tập cái gì cũng tốt. Nguyên tắc của Tây Phương tập thể dục tại Fitness, của Đông Phương là võ thuật, nhưng hành trình bên trong, lắng nghe mức độ nào thì là điều chúng ta thường thiếu xót. Có một học giả đến gặp Đức Phật hỏi rằng, thưa ngài cho biết cái gì đáng kính phục nhất trong cuộc đời. Ngài trả lời vô cùng bình dị, cái đáng phục nhất trong cuộc đời này là khi người ta té, người ta biết đứng dậy. Vì con người ta trong cuộc đời có rất nhiều lần té. Nhưng chúng ta có biết đứng dậy không?

“Với một người 50 tuổi có gần 50 năm không tập luyện đáng kể thì thân thể sẽ làm chủ ta, nó vùng dậy làm cho mình đau chút này, mỏi chút kia. Nói điều này tôi cũng chỉ muốn quay lại vấn đề Ta Tu thôi, Đạo là con đường. Con Đường Ta Tu. Lúc đó mình tự nói với chính mình. Môn phái nào cũng có cái hay cái tốt, Ta Tu Đạo không dựa vào môn phái mà là tư duy thực tế, thực hành với Y Triết Võ Đạo.

“Dù theo môn phái nào thì Ta Tu Đạo cũng khuyên mỗi người hãy quay về mình, lắng nghe, tập luyện để có sức khỏe tốt, nhưng cần đủ tĩnh tâm để quay lại lắng nghe cơ thể mình, vì ta tập cho ta là nền tảng quan trọng nhất của Ta Tu Đạo. Mình quay lại tự hỏi mình về Thân Chủ Tâm, là thử lại thân thể mình, biết được mình đi tới đâu.”

Thân Thư Pháp

Bác sĩ Tim Hùng giới thiệu, “Thân là cơ thể của mình. Thư là chữ. Pháp là phương pháp. Theo bao nhiêu ngàn năm mình viết chữ. Còn Thân Thư Pháp là mình sống chữ, dùng cơ thể của mình trong đó gồm có Tinh Khí Thần Cốt Tủy Huyết, Dịch, Cơ, Da, Tâm, Thân… Chúng ta dùng hết những cái đó để Viết chữ, thì lợi ích của nó vô vàn. Chính vì chúng ta có được trong quá khứ và hiện tại là chúng ta Viết chữ.
“Nhưng khi Viết chữ, ưu điểm của Viết chữ thì dễ hiểu, ai cũng biết, nhanh, gọn, lẹ, súc tích, và quan trọng là Viết gì nữa. Nhưng nếu chúng ta quên đi Sống chữ thì sẽ bị sự Viết chữ nó hại. Viết chữ mà không quan tâm thân của mình cho khỏe thì sẽ bị Viết chữ gây hại, hao mòn sức lực và thể khí của mình. Khi mình Viết, mình phải Sống. Một trong những cái Sống đó là phải đánh được tên của mình là gì, đi một bài quyền tên của mình.”

Theo bác sĩ Tim Hùng, tên con người chia làm 3 phần căn bản.
Phần 1 là phần hồn dành cho linh hồn, linh thiêng, mệnh, mạng, nghiệp, tâm, hồn.
Phần 2 là thân, tâm. Thân là cơ thể biểu hiện qua tên và cơ thể trong khi tâm là sự ẩn điều khiển thân. Tâm bao gồm ý thức, tiềm thức ở não và toàn thân như lục phủ, ngũ tạng, cơ gân, cốt, khí, huyết…
Phần 3 là nhận dạng danh tánh riêng, bản thân để khi gọi, viết tên… biết đó là mình.

“Tổng thể tên, nếu được thể hiện đúng mức, có thể cho ta thấy được sự tương quan của tên và nhân sinh quan, thái độ, hành động, cư xử, sức khỏe của một người. Để đạt được “đúng mức” thì đầu tiên ta cần tôn trọng và sống trong tên bằng thực hành Thân Thư Pháp.

Bác sĩ Tim Hùng giải thích, “Đặc điểm của loài người là tiếng nói. Sau tiếng nói là ngôn ngữ. Phát minh ra ngôn ngữ là một cuộc cách mạng vượt bậc của nhân loại. Ta Tu Đạo cảm nhận sự phát minh của tên và ngôn ngữ cần có hai phần: Sống và Viết, tựa Âm- Dương, hỗ trợ lẫn nhau. Thiếu một trong hai phần là mất quân bình. Phần Viết (Dương) thì có nhiều, thậm chí quá thừa nhưng thiếu đi cái nguồn cội trong cái Sống (Âm) của ngôn ngữ.

“ Điều này làm thiếu một ly, suy vạn dặm! (Ta Tu)
“Tiến bộ của chữ viết là điều thừa nhận, dễ thấy và rõ ràng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thì chữ viết đưa nhân loại đến sự tiến bộ vượt bậc, đồng thời cũng đưa đến sự suy thoái tột cùng. Điều đó tùy thuộc vào sự thể hiện của chữ viết hàm ý qua việc Viết gì.
“Nhận thức được sự thiếu quân bình trầm trọng giữa chữ Viết và Sống nên Thân Thư Pháp bổ sung, hòa quyện để dung hòa, bổ khuyết.

“Khi Viết cần Sống và khi Sống nên Viết
“Viết chữ bên ngoài. Sống chữ bên trong! (Ta Tu)
“Ngôn ngữ Việt: Quốc ngữ Việt là một ngôn ngữ tân tiến thuộc hàng đầu thế giới. Tiếng Việt hiện đại là ngôn ngữ vi diệu và thâm hậu vì sự ra đời mới, trẻ. Vì thế những tinh hoa về ngôn ngữ học cũng như sự tân tiến cùng lúc giảm tối thiểu những khiếm khuyết của các cổ ngữ hoặc ngôn ngữ có lâu đời hơn là một đặc tính ưu việt. Đặc biệt là súc tích, tiện lợi, nhiều âm từ và đa dạng. Phát âm chữ viết theo âm điệu, vần điệu thanh giọng của ngôn ngữ như nốt nhạc vì sự biến hóa tuyệt tác của các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng…

“Người viết tiếng Việt có ưu điểm về dấu, âm để có thể thiên biến vạn hóa khi công phu chữ. Tiếng Việt và Hán Việt đứng giữa hai nền văn háo Đông- Tây nên gặt hái được nhiều tinh hoa trung đạo và thái cực lưỡng nghi.”

Bác sĩ Tim Hùng cho biết thêm, “Tên trong Thân Thư Pháp, tên gồm có ngôn ngữ chính thông thạo nhất thường thấy trong tiếng Mẹ đẻ hay giáo dục. Sau đó tên được dịch ra các ngôn ngữ khác. Tuy tương đồng nhưng mỗi ngôn ngữ đều có sự đặc thù và tinh hoa của chính ngôn ngữ đó mà tùy hành giả đi sâu và gặt hái được tinh hoa đó.

“Tên của chính mình: Tên là một nền tảng căn bản của đời người. Những gì ta có đều không chắc chắn trừ tên. Tên theo mình cả đời, còn những thứ, việc, vật thì khó theo trọn đời. Thứ mình có như quan hệ, tình cảm… đến việc (việc làm,…) và vật như nhà, xe, vật dụng đều tương đối trừ tên. Nếu tên có thay đổi thì đó cũng chính là… tên của mình!

“Người Ta Tu Đạo (Tatuist) học, hành và sống trong tên của chính mình theo bảy nghĩa (Ngoại, Trung, Nội, Thượng, Hạ, Huyền, Huyễn). Người xưa có câu chiết tự tức lấy từng chữ, từ ra mà học, hiểu... TTP đi vô chi tiết đến chiết chữ, tức lấy từng mỗi một chữ cái (a, b, c…) mà học, hành, công, phu và sống.
“Nếu xem và nghĩ tên mình chỉ là sự nhận dạng (ID) hoặc không hiểu, cảm, ngộ được đúng mức thì chưa sống với tên mình đúng mức. Một thiếu sót trầm trọng. Nếu sống quá lệch tên hay sai tên thì còn tệ hơn nữa. Nhà thiền có câu “Tâm sinh tướng”. Ta Tu Đạo có câu “Tên sinh mình” và “Mình sinh tên”.
“Điều căn bản để hiểu, biết và sống trọn vẹn, ý nghĩa hơn thì đầu tiên chúng ta cần làm là có một Hành Trình Thân Thư Pháp cho “Sống chữ” để “Viết chữ” được dung hòa. Từ đó, cuộc sống tốt đẹp hơn cho thể chất và tâm hồn.”

Bác sĩ Tim Hùng bày tỏ thêm, “Người Ta Tu Đạo chúng tôi khuyên là đừng bao giờ Sống với tên của mình chỉ là ID, nhận dạng của mình thôi, nó uổng phí đời lắm. Nhận dạng là thấp nhất của con người chúng ta. Nếu tôi Sống được với cái tên của tôi, thì tôi sống được với một phần vũ trụ, trời đất, thậm chí nếu đi xa hơn nữa, tôi sống được một phần với bề trên của mình qua cái tên của mình. Mỗi lần mình tập như vậy, giống như vỏ hành Tây, mình lấy con dao sắt ra củ hành, thì có từng lớp một. Khi mình tập nhiều, luyện nhiều cái tên của mình bằng quyền pháp, thể lực của mình và tịnh tâm, thiền định của mình. Thể lực phải là nền tảng, phải đổ mồ hôi ra, thì mình sẽ lột bỏ được những lớp hành đó, từ từ mình đi vào bên trong và mình ngộ được cái tên của mình. Đời sống về tinh thần và thể chất sẽ hạnh phúc hơn. Đây không chỉ là lời nói, mà là sự thực hành.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT