Đạo và Đời

Nghiệp lực và nguyện lực (kỳ 6)

Thursday, 10/07/2014 - 06:08:04

Chúng ta thường nói phát nguyện giúp giải gút. Không phát nguyện thường là tạo nghiệp, thắt gút. Té ra nhu cầu giải nghiệp rất quan trọng. Để tóm tắt bài này, làm bất kỳ điều gì, chúng ta đều nên đặt câu hỏi, “Đó là điều ta nên làm, muốn làm hay phải làm?” Chỉ cần đặt câu hỏi như vậy sẽ thấy đời mình càng ngày càng sáng ra

Thầy Hằng Trường

Chúng ta thường nói phát nguyện giúp giải gút. Không phát nguyện thường là tạo nghiệp, thắt gút. Té ra nhu cầu giải nghiệp rất quan trọng.

Để tóm tắt bài này, làm bất kỳ điều gì, chúng ta đều nên đặt câu hỏi, “Đó là điều ta nên làm, muốn làm hay phải làm?” Chỉ cần đặt câu hỏi như vậy sẽ thấy đời mình càng ngày càng sáng ra. Những chuyện muốn làm mà không đúng với phải làm và nên làm, thì đừng làm. Những chuyện nên làm mà không chịu làm thì hãy làm đi. Những chuyện phải làm lại không làm thì bây giờ hãy làm đi. Nếu hiểu được như vậy, thì coi như chúng ta đã thành công trên con đường chuyển nghiệp.

Có một cuốn phim nói về một anh chàng ở trên một chiếc ghe cứu cấp với một con cọp, một con ngựa vằn và một con khỉ. Thuyền đã chông chênh, lại thêm cọp, ngựa và khỉ càng khiến cho thuyền thêm chao đảo. Cũng như có những nghiệp chướng khác từ bên ngoài đánh vào khiến cho cuộc sống của chúng ta càng bị giao động. Có những người xung quanh ta nói một câu hay làm một việc gì đó ảnh hưởng tới ta, làm cho ta sống không được, thở không xong. Ngoài ra, ta cũng có những con vật giống như trên trong người. Nếu chúng tranh giành nhau là ta rung rinh, chết liền. Người Trung Hoa nói là ngũ tạng, tức tim can tỳ phế thận. Ngũ tạng mà bất ổn thì ta cũng lung lay.

Trong cuộc sống, ta không ngừng tạo nghiệp cho mình và tạo ra những làn sóng ảnh hưởng tới thuyền của người khác; và người khác cũng không ngừng tạo những làn sóng ảnh hưởng tới ta. Hai chiếc thuyền cùng bơi, thuyền nào cũng tạo ra sóng. Thuyền to thì sóng lớn, nếu thuyền ta đi gần một hàng không mẫu hạm, thì thế nào cũng bị lật thuyền. Cho nên, chúng ta càng ngày càng cần phải đổi thuyền, càng ngày càng cố gắng thành chiếc hàng không mẫu hạm. Nếu sống mà chỉ là chiếc thuyền con thì không được. Thế nào là một chiếc thuyền con? Nghiệp dù là ở trong động tác, lời nói hay sự suy nghĩ, tất cả đều nằm trong tầng tâm thức. Nếu lời nói, hành động hay sự suy nghĩ của ta nằm trong tầng tâm thức Vị Ngã, tức là ta đang chèo một chiếc thuyền con. Tâm thức vị ngã là tâm thức lúc nào cũng nghĩ tới mình, lúc nào cũng muốn được cái này, có cái kia. Lúc nào ta cũng sống trong Có và Không Có. Cho nên người vị ngã giống như đang chèo một chiếc thuyền con. Khi nghiệp đụng tới là ta ngã.

Thầy xin kể các bác nghe một câu chuyện về chiếc thuyền con là như thế nào. Có một anh đó ngoài 30 tuổi, làm nghề chở người ta buôn lậu thuốc phiện. Đến một chỗ nào đó, họ xuống buôn bán xong, lên xe, anh chở đi. Đôi khi anh cũng đi giao thuốc cho người mua. Đây là một việc làm phi pháp nên lúc nào trong lòng anh cũng canh cánh lo sợ, không lúc nào anh vui được. Một ngày giông bão, anh lái xe bị lạc đường và cảnh sát kêu anh lại. Anh sợ quá, vì có tật thì giật mình, nên lái xe bỏ chạy và cảnh sát rượt theo, bắt được anh. Té ra anh đang ở trên một chiếc thuyền con, không phải hàng không mẫu hạm. Vì anh làm chuyện phi pháp, nên lo sợ, chỉ một tiếng còi của cảnh sát thôi, cũng làm anh rúng động. Nghĩa là chỉ một làn sóng nhỏ cũng làm thuyền anh chao động. Qua thí dụ này, chúng ta mới biết cuộc sống của mình không yên ổn là bởi ta cứ ngồi trên chiếc thuyền con hoài hoài.

Đây là câu chuyện chiếc thuyền con thứ hai. Có một nọ ở Ai Cập, theo dòng sông Nile xuống phía Nam để buôn bán. Ông có một vợ và 6 người thiếp, vì mỗi năm ông xuống là có một bà mới. Một hôm ông họp các bà vợ lại và nói là ông đã lớn tuổi nên muốn chia gia tài, nhưng bà nào ông cũng thương nên chưa biết chia gia tài thế nào cho công bằng. Nói xong ông vào phòng và suy nghĩ: nếu chia cho bà lớn 50%, còn 50% chia cho các bà thiếp thì sợ họ tranh cãi. Nếu chia đều thì 100 chia cho 7 phần làm sao đều được. Hôm nay bà nào đối với ông cũng ân cần, tử tế, chăm sóc ông rất đặc biệt. Ngày hôm sau, mỗi bà vì cạnh tranh nhau nên đã đem quà cáp tới cho ông trang trọng hơn, càng khiến ông thêm khó xử. Đến ngày kế tiếp, trong lúc ông vẫn chưa tìm ra một giải pháp hay cho việc chia gia tài, thì bà thiếp thứ tư đề nghị dắt ông ra ngoài thành, tới một ngôi nhà lụp xụp. Cô cho biết đây là nơi cô sinh sống khi chưa lấy ông. Cô đưa ông tới căn phòng, trong đó có một bà cụ nằm thoi thóp. Cô cho biết đây là mẹ cô đang nằm thoi thóp chờ chết. Cô xin ông nói với bà vài câu vì sau khi về làm thiếp cho ông, cô chưa hề giới thiệu ông với mẹ cô. Mẹ cô rất mong được gặp ông và chỉ cần nghe vài lời của ông, mẹ cô sẽ rất vui. Ông bèn ngồi xuống cầm lấy tay bà cụ nói vài lời, tuy thô sơ, nhưng khiến bà cụ vui ứa nước mắt. Lúc đó ông mới bừng tỉnh ra rằng vì ông quá giàu, nên không bao giờ đến những chốn nghèo hèn, thấp kém và cũng không hề biết đến những người sống nơi chốn này. Kết cuộc ông đã dành cho bà thiếp này nhiều gia tài nhất. Nhưng bà thứ tư này lại không tham, nên nói với ông rằng nếu mọi người cũng được hưởng gia tài đồng đều thì họ sẽ vui mừng hơn.

Đây là câu chuyện nói về văn hóa của nước Ai Cập ngày xưa: một nền văn hóa phong kiến và giá trị của người phụ nữ tùy thuộc vào người đàn ông. Ông này đang chèo một chiếc thuyền con. Tại sao vậy? Vì ông có một nhược điểm lớn là ông quá giàu, chỉ biết nhận mà không biết cho ra. Nên bây giờ có cơ hội cho ra tình thương thì tâm thức ông chợt bừng nở. Ông đi từ chỗ vị ngã ra chỗ vị tha. Tâm thức ông mở ra một khung trời sáng, ngay lúc đó nước mắt ông chảy ra. Chiếc thuyền con của ông đã bị một làn sóng đánh vào, nhưng đây không phải là làn sóng ác nghiệp mà là thiện nghiệp. Thiện nghiệp cởi mở tâm thức của chúng ta.

Câu chuyện này cho ta thấy nếu có điều gì làm ta chuyển đổi tâm vị ngã thành vị tha, thì đó là một thiện nghiệp vĩ đại. Nhiều khi ta nói một câu mà người ta phát tâm làm việc thiện nguyện, hay người ta sinh lòng cung kính, hy sinh thì câu nói đó hay việc làm đó là một thiện nghiệp vĩ đại vô cùng. Những ác nghiệp giống như những đợt sóng ta đánh vào thuyền, làm lật thuyền. Nhưng nếu chúng ta làm những việc thiện thì làn sóng to sẽ đẩy con thuyền đi xa hơn. Ta muốn sống làm sao có thể đổi chiếc thuyền con để đừng bị những làn sóng xấu ập tới và chúng ta cũng nên ảnh hưởng người khác bằng những việc tốt lành, để khi làn sóng của ta đầy tới thuyền của họ, giúp thuyền đi xa hơn tới những chỗ tốt đẹp hơn. Như vậy chúng ta đã hiểu là nghiệp lực ảnh hưởng bởi từ trường. Đa số nghiệp lực được tạo ra bởi tâm thức vị ngã.

Còn tâm thức vị tha là gì? Đó là tâm thức luôn nghĩ tới người khác. Cũng như cô thiếp thứ tư này làm cho chồng mình nghĩ tới niềm vui của bà nhạc mẫu. Cũng vậy, nếu chúng ta làm cho người khác suy nghĩ tốt thì con đường đi của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Ý hướng làm cho người ta càng càng vị tha được gọi là ý hướng phát nguyện. Nguyện là gì? Là xu hướng từ nơi vị ngã hướng tới vị tha. Khi phát nguyện là ta hướng tâm ta từ chỗ vị ngã ra chỗ vị tha; rồi từ chỗ vị tha ra chỗ vô ngã. Phát nguyện là sức mạnh, cũng là một loại sóng, nhưng là làn sóng tốt, nghiệp tốt, đẩy con thuyền của người ta đi xa.

Tóm lại, nghiệp lực là từ nơi tâm thức vị ngã tạo thành. Nguyện lực là những việc ta làm hướng tới sự khai mở tâm thức từ vị ngã ra tâm thức vị tha.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT