Đời Sống Việt

Nghiêng thật nghiêng: Tháp Pisa ở Ý

Anvi Hoàng/Viễn Đông Wednesday, 15/08/2012 - 09:15:35

Thật không tưởng tượng được là trong đời mình lại có dịp nhìn thấy tháp nghiêng tận mắt thế này. Thử tưởng tượng xem, một kiến trúc được xây cách đây cả ngàn năm, bây giờ sừng sững trước mặt.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Lúc nhỏ học tiếng Anh, dùng cuốn “Practice and Progress”, tôi đọc qua nhiều bài văn ngắn về đủ thứ chuyện linh tinh trên đời. Bài nào cũng kết thúc một cách hóm hỉnh theo đúng tinh thần hài hước của Anh, trong đó có một bài về tháp nghiêng Pisa. Hồi đó còn nhỏ và ngây thơ, cứ nghĩ người ta chỉ đặt chuyện ra nói cho vui, đâu biết là tháp nghiêng có thật.

Tháp nghiêng có thật!
Tháng 5 năm 2012, tôi lấy xe lửa đi từ Florence đến Pisa. Florence là thành phố lớn, có nhiều thứ để xem nên “đóng đô” ở đây. Từ Florence muốn đi thăm các thành phố nhỏ xung quanh chỉ cần mua vé xe lửa 7,80 euro một chiều, ngồi một tiếng đồng hồ là tới nơi. Phần lớn đoạn đường, xe lửa chạy sát bờ biển nên tha hồ ngắm cảnh. Cũng có nhiều lúc xe lửa chui đường hầm. Những lúc này, bên ngoài tối thui, bên trong xe lửa sáng đèn, thế là cửa kính xe lửa giống như là các tấm kiếng lớn có thể soi gương được. Một là mình ngắm mình, hai là mình ngắm người ta soi gương! Một tiếng qua rất nhanh.
Ra khỏi nhà ga, đi ngang qua vài ba công trường, qua vài con đường nhỏ quanh co, vài khu chợ nhỏ nơi người bán người mua địa phương đang tán gẫu, tôi chợt giật mình nhớ lại, Pisa có tháp nghiêng đây mà! Thật không tưởng tượng được là trong đời mình lại có dịp nhìn thấy tháp nghiêng tận mắt thế này. Thử tưởng tượng xem, một kiến trúc được xây cách đây cả ngàn năm, bây giờ sừng sững trước mặt. Cảm giác như một nhân vật trong truyện cổ tích nhảy ra sống ngoài đời.


Bức hình của mọi du khách (nơi thấy tháp nghiêng rõ, đẹp nhất) - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Tháp nghiêng hay tháp cong?
Ở Ý, cụm kiến trúc gồm nhà thờ (tiếng Ý là duomo, tiếng Anh là cathedral), tháp chuông, và nhà rửa tội (tiếng Anh là baptistery) thường đi chung với nhau và nằm trong một khu công trường. Ở Công Trường Nhà Thờ, hay còn gọi là Công Trường Phép Lạ (Piazza dei Miracoli/Miracle Square), tháp chuông – chính là tháp nghiêng Pisa - khác biệt hơn các tháp chuông bình thường ở chỗ nó đứng riêng chứ không gắn chung với kiến trúc nhà thờ. Tháp được bắt đầu xây vào năm 1173, gồm tổng cộng tám tầng. Đến năm 1178 khi xây đến tầng 2 thì nó bắt đầu nghiêng vì nền tháp mỏng và đất thì mềm. Công việc xây cất được ngưng, cũng vì chiến tranh liên miên vào thời kỳ này giữa Pisa với Genoa, Lucca và Florence. Chính thời kỳ tạm ngưng kéo dài gần cả trăm năm này mà đất dưới chân tháp cứng cáp và đứng yên, nếu không thì tháp có thể đã sụp rồi.
Năm 1272, việc xây dựng được tiếp tục. Để khắc phục khiếm khuyết độ nghiêng của tháp, người ta xây các tầng trên sao cho bên nghiêng thấp hơn bên kia. Vì vậy mà nhìn kỹ lại thì tháp không nghiêng theo một đường thẳng mà thật ra là cong. Rồi việc xây dựng lại bị ngưng vì chiến tranh năm 1284. Tầng thứ bảy được hoàn tất vào năm 1319. Khi các chi tiết thiết kế theo kiểu gothic ở tầng cuối cùng được được phối hợp hài hòa vào kiến trúc kiểu romanesque chung của tòa tháp vào năm 1372, gần 200 đã trôi qua. Tầng cuối cũng là tầng tháp chuông (bell chamber) nơi chứa tổng cộng bảy chuông được thiết kế với tiếng vang cao thấp theo bảy nốt nhạc khác nhau do re mi fa sol la si. Có nhiều kiến trúc sư tham gia vào việc xây tháp, nhưng đến nay người ta vẫn chưa xác định được được tác giả của bản vẽ thiết kế cho công trình kiến trúc tháp Pisa là ai.



Nghiêng bên trái? - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Hay nghiêng bên phải? - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Tháp phải nghiêng để... cho khách ngắm!
Khi hoàn tất, tháp nghiêng 1 độ - có nghĩa là khoảng cách từ đỉnh tháp đến đường thẳng vuông góc là 80cm. 1817 khoảng cách này bị nới rộng đến 5 mét (tức nghiêng khoảng 5 độ). Nghiêng nhiều nhất là lúc 5,5 độ. Năm 1964, chính phủ Ý kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn trên khắp thế giới để sửa cho tháp khỏi đổ, nhưng làm sao vẫn giữ được tính nghiêng đặc biệt của tháp để thu hút khách du lịch.
Vào năm 1990 tháp đóng cửa không cho tham quan và việc tu sửa bắt đầu. Nhiều biện pháp đã được áp dụng trong 10 năm sau đó. Phương pháp kỹ thuật mới nhất là đào đất dưới chân tháp phía bên cao để nó nhúc nhích và nghiêng về phía ngược lại. Mục tiêu là giảm độ nghiêng của tháp vừa phải sao cho tháp không lún thêm nữa, nhưng vẫn giữ được độ nghiêng thấy rõ của tháp cho mục đích du lịch. Đến năm 2001, tháp được xem đã ổn định và mở cửa lại cho khách du lịch. Độ nghiêng của tháp vào năm 2010 là 4,6 mét (tức khoảng 4 độ) và người ta tuyên bố tháp có thể trụ vững thêm 300 năm.
Trong hình khó mà xác định tháp to cao thế nào. Đứng dưới chân tháp nhìn lên đỉnh tháp cao gần 60 mét, ngửa cổ muốn chóng mặt. Leo 296 bậc thang lên đỉnh tháp nhìn xuống sẽ thấy người ta như kiến phía dưới. Đi vòng quanh chân tháp để thấy được là tháp nghiêng cỡ nào. Có nhiều góc cạnh không thấy nghiêng tí nào, nhưng ở những góc độ khác, tháp nghiêng đến “dễ sợ” - người ta không khỏi nghĩ thầm, “sao mà nó nghiêng kỳ lạ thế nhỉ”!




Ba kiến trúc: Tháp Nghiêng, Nhà Thờ, Nhà Rửa Tội - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Độ nghiêng nhìn từ chân tháp - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Tiếng vang như lời Chúa
Kiến trúc xưa hơn tháp Pisa trong Công Trường Phép Lạ là Nhà Rửa Tội (baptistery), xây vào năm 1152, được xem là lớn nhất ở Ý. Bên ngoài trang trí cầu kỳ, đẹp mắt thế, nhưng bên trong rất đơn giản, hầu như không có trang trí gì đặc biệt. Khách có thể đi vòng vòng, quanh bồn nước rửa tội, và yên lặng chiêm ngưỡng sự uy nghi của khối kiến trúc đá bề thế này. Sau đó lên lầu để nhìn xuống xem sao.
Người ta không được đến gần bồn rửa tội cũng là có lý do. Đến giờ, nhân viên quản lý đóng cửa lại và yêu cầu mọi người im lặng. Rồi cô nhân viên leo vài bậc thang đứng ngay sát bồn rửa tội và cất tiếng hát một vài nốt nhạc đơn giản: à a a á a a à. Chậm rãi, mỗi nốt nhạc kéo dài vài giây. Khi giọng cô cất lên, người nghe sửng sốt ngay, và rồi ngạc nhiên thú vị - các nốt nhạc ngân vang như chuông, ấm, thật êm tai, thật quyến rũ, và đầy quyền uy. Thử nghĩ, trong không gian linh thiêng này, tiếng nói có độ vang xuyên suốt như thế của cha đạo chả khác nào là lời Chúa! Đúng là thật biết cách tạo ra sự quyến rũ và uy quyền! Thiết kế âm thanh đặc biệt của Nhà Rửa Tội ở Pisa là đây.


Nhà Rửa Tội (baptistery) - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Chi tiết trang trí nhìn gần, và mái vòm đang được tu sửa - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Bên trong Nhà Rửa Tội - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Khách đang nghe cô nhân viên đứng giữa phòng hát vang - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Nhà thờ
Kiến trúc xưa nhất trong công trường là Nhà Thờ, xây năm 1064. Khỏi phải nói, Nhà Thờ đẹp tuyệt vời. Vài chi tiết bên trong đập ngay vào mắt: sự pha trộn đá cẩm thạch đen và trắng theo kiểu Ả Rập; bức hình Đức Chúa trên vòm của giáo đường không phải là tranh vẽ bằng sơn màu mà là bức tranh khảm gạch men (mosaic), một kỹ thuật mà thời đó chỉ có người Ả Rập mới làm được; và trần dát vàng.
Cụm kiến trúc ở Công Trường Phép Lạ, trong đó có thêm một nghĩa trang và hai viện bảo tàng nữa, được UNESCO ghi nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1987. Cho dù là nhìn bên ngoài hay ngắm bên trong các khối kiến trúc trắng toát của Tháp Nghiêng Pisa, Nhà Rửa Tội, và Nhà Thờ con người ta có những cảm giác xung đột. Người ta cảm thấy thật nhỏ bé, hữu hạn trước các khối kiến trúc vĩ đại mà hơn ngàn năm vẫn “trơ trơ”. Người ta cũng đồng thời cảm thấy con người thật là “vĩ đại” mới làm chủ nhân của những kiến trúc này. Người Việt Nam thì nghĩ ngợi thêm chút nữa: sao không thấy ở nước mình có ai để cái gì lại cho đời theo kiểu này nhỉ! Và buồn năm phút. Trời xanh và đá trắng ở Pisa lúc này là hấp dẫn hơn cả.


Mặt trước Nhà Thờ - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Kiến trúc kiểu Romanesque nhìn gần - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Bên hông Nhà Thờ - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Trần dát vàng và cột đá đen trắng - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Tranh Đức Chúa khảm gạch men (mosaic) ở giáo đường - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT