Tiêu Thụ

Nghiện shopping

Friday, 23/09/2016 - 08:03:52

Đó là những xảo thuật về phía người bán hàng, có thể coi là “địch quân” trong một trận chiến giành túi tiền của chúng ta. Nếu điều này là đúng thì giới tiêu thụ đành phải cúi đầu... chịu chết. Bởi vì, chẳng ai có thể làm cách gì để cấm người bán hàng quảng cáo được.

 
Bài ERIC TRẦN

Sống trong xã hội cổ võ tiêu thụ lại giầu có như nước Mỹ, nhiều người trong chúng ta mắc bệnh “nghiện shopping,” có giờ rảnh là chỉ thích đi shopping, mua sắm như một... con nghiện, hoàn toàn mất tự chủ. Bệnh nghiện này xem vậy mà khó chữa, bởi vì nó không gây khó chịu cho con bệnh, nên “nạn nhân” không bao giờ nghĩ rằng mình có bệnh để lo tìm cách chữa trị. Nhưng nó lại chỉ làm khổ... người khác, bởi vì chẳng những nó làm hao hụt ngân sách gia đình, mà còn làm nhà cửa chật chội thêm với những món đồ mua về không bao giờ xài tới. Vì thế, rất nhiều nhà chuyên môn đã lao vào nghiên cứu để tìm hiểu xem có phương thuốc nào hiệu quả không?

Nguyên nhân: Giới bán hàng

Trước tiên người ta cho rằng nguyên nhân gây bệnh chính là do giới bán hàng. Vì sự thịnh vượng của mình, người bán hàng thường tìm trăm phương nghìn kế để dẫn dụ người mua. Để diễn giải cho sự qui kết này, các nhà nghiên cứu quan sát cách thức làm việc của giới bán hàng, và khuyên chúng ta phải đề phòng những “bẫy sập” sau đây:

Tâm trí thoải mái vui tươi là môi trường thuận lợi để mua sắm



1. Mầu sắc: Trong khi nhà sản xuất dùng màu sắc để tô điểm sản phẩm thì người bán hàng dùng màu sắc với những bảng giá để bắt mắt người mua. Thí dụ, màu đỏ thường là màu nổi, gây chú ý, đập thẳng vào thị giác của khách quan chiêm, nên thường được dùng cho những bảng hiệu quảng cáo. Hàng On Sale vốn đã hấp dẫn, lại được trình bày màu đỏ nữa thì cho dù khách chỉ có ý định “window shopping” (đi nhìn cho biết thôi, chứ không có ý định mua) cũng phải dừng chân.

2. Nút chặn trên đường: Với những nút chặn được xếp đặt một cách khéo léo, cửa hàng thường bắt chúng ta đi bộ vòng quanh nhiều thứ sản phẩm khác trước khi tìm được món mà mình đang cần. Để khỏi trở thành “con mồi” của bẫy sập này, chúng ta nên viết thành một danh sách những thứ gì mình muốn mua ngay từ ở nhà, khi đến cửa hàng thì chỉ chú tâm đi tìm những thứ trong danh sách ấy, nhất định không để bị lánh lạc hướng bởi “hoa thơm cỏ lạ” ven đường.

3. Tăng cường xúc giác: Ngoài việc khai thác sự hấp dẫn thị giác, cửa hàng còn cố gắng khai giác sự hấp dẫn xuyên qua sờ chạm. Với cách bố trí sản phẩm vừa tầm tay với của mọi người, cửa hàng làm tăng thêm sự ước ao chiếm hữu trong lòng người xem bằng cách khuyến khích họ sờ chạm vào sản phẩm. Một khi cầm món đồ lên, chúng ta khó có thể cưỡng lại ý muốn sở hữu nó. Vì thế, muốn giữ đầu óc khách quan thì đừng sờ vào đồ vật, đừng cầm lên, đừng thử. Hãy xem lại danh sách và đi một mạch tới chỗ để món đồ mình đang cần.

4. Mùi vị và âm thanh: Cửa hàng còn cố gắng khai thác thêm những giác quan khác của chúng ta như thính giác, khứu giác. Bằng cách mở nhạc, truyền vào tai khách hàng tiếng hát của những ca sĩ nổi tiếng, bằng cách phả vào không gian những hương vị dịu êm làm cho tâm trí khách hàng thư giãn. Một tâm trí thư giãn, thoải mái, bình yên đúng là một môi trường thuận lợi cho những quyết định mua hàng dễ dàng và nhanh chóng. Đối diện thứ vũ khí này, giới tiêu thụ khó có cách gì để cưỡng lại được, trừ khi ngồi nhà và shopping trên mạng! Nhưng ngay cả shopping online, chưa chắc chúng ta đã tránh được “ma thuật” bán hàng của thời đại.


Thế nào là muốn? Thế nào là cần?

Nguyên nhân: Bộ óc người mua

Đó là những xảo thuật về phía người bán hàng, có thể coi là “địch quân” trong một trận chiến giành túi tiền của chúng ta. Nếu điều này là đúng thì giới tiêu thụ đành phải cúi đầu... chịu chết. Bởi vì, chẳng ai có thể làm cách gì để cấm người bán hàng quảng cáo được.

Nhưng nghiên cứu mãi rồi các nhà chuyên môn mới phát giác được một điều: Sự dẫn dụ của giới bán hàng đương nhiên là có, nhưng đó chỉ là kẻ địch bên ngoài, kẻ địch khó trị hơn nằm ngay trong chính chúng ta. Các nhà nghiên cứu cho rằng: Chính là bộ óc chúng ta luôn luôn sai khiến chúng ta làm ngược lại quyền lợi của chính mình. Chẳng hạn, khi nhìn thấy hai sản phẩm để cạnh nhau với một món rẻ hơn và một món tương tự đắt hơn, lúc bấy giờ trí óc của bạn sẽ chinh phục bạn rằng, đây là một “good deal” khó có cơ hội gặp lại. Cưỡng lại mình thực ra mới là khó nhất. Vì thế, để tìm thủ phạm đưa đến cơn nghiện, chúng ta không thể qui kết hết cho phía bán hàng mà phải nhìn nhận rằng “kẻ thù ngay trong lòng ta.”

Đối sách: Trước khi mua và sau khi mua

Đối phó lại, cách thức hay nhất là luôn luôn có một danh sách về những gì cần thiết trước khi đến cửa hàng. Rồi, sau khi mua hàng một thời gian, chúng ta nên nhìn lại để phân nhóm sản phẩm theo bốn tiêu chuẩn sau:
- Cần: Là những thứ mình cần tới hằng ngày
- Đôi khi cần: Là những thứ mình kjhoong cần hằng ngày, chỉ đôi khi dùng tới, nhưng cũng có thê được xếp hạng vào loại “cần.”
- Muốn: Là những thứ mình xem thì thích, nhưng không dùng tới, hoặc khó có cơ hội dùng tới.
- Rác rến: Là những thứ mà phải cố gắng lắm mới tìm ra lý do để mua, và bạn biết ngay rằng thế nào mua về rồi cũng vất xó. Nói ra nghe vô lý nhưng thực tế, trong nhà mỗi người chúng ta, không ít những thứ rác rến này đâu..
Tập thói quen lập danh sách trước khi mua, rồi phân loại sau khi mua…. từ từ chúng ta sẽ có thể tự chữa cho chính mình ra khỏi một loại bệnh nguy nan: Bệnh “nghiện shopping”
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT