Phóng Sự

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam

Sunday, 27/09/2015 - 05:44:46

Xướng ngôn viên Hồng Vân thì cho rằng công việc của một xướng ngôn viên truyền thanh hay truyền hình là phục vụ cho nhiều đối tượng khán thính giả, vì vậy đòi hỏi người phát thanh viên phải chuyển tải thông điệp sao cho tròn vành rõ chữ, phát âm đúng và chuẩn, đáp ứng yêu cầu khán thính giả.

Bài BĂNG HUYỀN


Loạt bài “Nghề Xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam,” giới thiệu về những xướng ngôn viên, MC đã tạo được dấu ấn riêng trong nghề và nhận được sự thương mến của các khán thính giả gần xa, mà người viết đã ghi chép lại từ những tâm tình, sẻ chia của các xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình, MC để gửi đến độc giả Viễn Đông suốt những tuần qua.
Vẫn còn những câu chuyện từ các xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình, MC trong cộng đồng mà loạt bài này vẫn chưa có điều kiện để gửi đến độc giả. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, có vài người đã từ chối không nhận lời mời của người viết, hoặc có những người bản thân người viết vẫn chưa có duyên gặp gỡ để nghe được những tâm tình của họ. Dầu sao, qua câu chuyện của một vài xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC về những vui, buồn, cơ duyên đến với nghề, cùng những khó khăn và những kinh nghiệm làm nghề đã đăng trên nhật báo Viễn Đông trong thời gian qua, có lẽ ít nhiều cũng giúp độc giả hình dung được phần nào khá chi tiết “chuyện bếp núc” của nghề nghiệp nhiều thú vị và thử thách này.

Bích Huyền

Tìm hiểu thêm về công việc xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình

Nếu với báo in (hoặc báo mạng online) được độc giả tiếp nhận bằng cách đọc bằng mắt, và ngôn ngữ của báo in (hoặc báo mạng online) chủ yếu là chữ viết cùng sự trợ giúp của hình ảnh, tranh minh hoạ… , thì ngôn ngữ của truyền thanh không chỉ có lời đọc mà còn có tiếng động âm nhạc, còn với truyền hình thì ngoài lời đọc, tiếng động, âm thanh còn kèm theo hình ảnh sống động.

Nhiều thính giả rất thích chương trình đọc truyện trên đài radio. Vì nhiều người cho rằng có những truyện ngắn, nếu mình tự đọc thầm bằng mắt thấy cũng bình thường, nhưng khi nghe qua giọng đọc của xướng ngôn viên, cộng thêm vài nét nhạc phù hợp với tâm trạng, tình huống được mô tả trong truyện, thì câu chuyện đó trở nên hay hơn, lưu lại trong trí nhớ người nghe hơn. Hoặc như một chương trình talk show, phỏng vấn khách mời trên radio hay truyền hình cũng vậy. Câu hỏi được đưa ra, không chỉ là ý tứ sắc sảo của người phụ trách chương trình đó, còn thể hiện bằng giọng hỏi thân thiện hoặc thẳng thắn. Câu trả lời chứa đựng nhiều cảm xúc của người nói, sẽ trở nên sống động gấp nhiều lần so với đọc trên báo in.
Khi bày tỏ tình yêu với công việc xướng ngôn viên truyền thanh hơn cả công việc xướng ngôn viên truyền hình, xướng ngôn viên Mộng Lan cho biết, truyền thanh có điểm yếu là không có hình ảnh mà chỉ có âm thanh. Nhưng thực ra, đây cũng là điểm mạnh của truyền thanh. Vì không được hỗ trợ bởi cử chỉ, điệu bộ, dáng vẻ, bối cảnh sống động như khi xem truyền hình, cũng không được hỗ trợ bởi tranh ảnh cụ thể như trong báo in, nhưng bằng phương thức sử dụng âm thanh tổng hợp để đưa thông tin trực tiếp tới tai người nghe, xướng ngôn viên truyền thanh có khả năng kích thích trí tưởng tượng của thính giả.
Thính giả truyền thanh sẽ tập trung cảm nhận mọi điều thông qua thính giác và thoả sức liên tưởng, khiến cảm xúc của họ trở nên mãnh liệt hơn. Chị Mộng Lan chia sẻ, “Khi thực hiện những chương trình radio tôi có thể sử dụng gần như cả một thế giới âm thanh vô tận để tái hiện cuộc sống bằng âm thanh, vẽ nên những bức tranh hiện thực sinh động trong tâm trí người nghe. Tôi có thể đưa thính giả đến bất cứ nơi đâu, gặp gỡ bất kỳ ai, chứng kiến bất kỳ cảnh tượng nào, có thể đưa người nghe từ cảnh giới này sang cảnh giới khác, từ buồn sang vui, thất vọng, tức giận… bằng lời nói cùng với sự hỗ trợ của tiếng động, âm nhạc, trở nên hoàn chỉnh, toàn vẹn, sống động hơn, sự cảm nhận của thính giả dễ dàng hơn.”
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông mà ưu thế thuộc về các phương tiện truyền thông internet. Nếu đơn thuần chỉ thông báo những sự kiện đang diễn ra không còn đủ để coi là tin tức nữa, vì truyền thanh, truyền hình thường đưa ra những thông tin mà khán giả đã biết được từ trên mạng internet. Chính vì vậy một xướng ngôn viên giỏi phải là người giúp khán thính giả hiểu được vì sao câu chuyện này lại quan trọng.

Một xướng ngôn viên giỏi cần phải có khả năng biên tập tốt là một kĩ năng quan trọng, nhưng cách người đó truyền tải ý nghĩa của nội dung tin tức hay câu chuyện gì đó tùy theo từng nội dung mà người đó phụ trách gửi tới cho khán thính giả còn quan trọng hơn. Người xướng ngôn viên không chỉ đưa tin về một câu chuyện, mà còn phải cho khán thính giả biết cảm nhận câu chuyện đó ra sao. Để làm được việc này, người xướng ngôn viên rất cần phải có chất giọng, cộng với biểu cảm khuôn mặt và cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể tốt (đối với truyền hình).

Xướng ngôn viên Hồng Vân thì cho rằng công việc của một xướng ngôn viên truyền thanh hay truyền hình là phục vụ cho nhiều đối tượng khán thính giả, vì vậy đòi hỏi người phát thanh viên phải chuyển tải thông điệp sao cho tròn vành rõ chữ, phát âm đúng và chuẩn, đáp ứng yêu cầu khán thính giả.

Riêng với xướng ngôn viên truyền hình thanh và sắc là hai tố chất cần thiết. Về giọng đọc, thì có giọng đọc hay không chỉ phát âm chuẩn mà dấu thanh điệu cũng phải đẹp. Thanh điệu là yếu tố làm tôn lên vẻ đẹp của chất giọng. Thanh điệu sẽ làm cho âm tiếng Việt lúc bổng, lúc trầm, lúc mềm mại, lúc dứt khoát, sẽ giúp phát thanh viên lột tả được hết ý nghĩa của câu, từ, truyền tải được hết thông tin cho người nghe.

Khi nói hay đọc văn bản, dấu phải được phát âm sao cho đúng âm vực. Dấu ngã, dấu sắc được phát âm ở âm vực cao. Dấu huyền, hỏi, nặng được phát âm ở âm vực thấp. Thanh ngang được phát âm vừa phải, ở mức trung bình. Tùy từng trường hợp, hoàn cảnh, mà phải để thanh điệu trầm, bổng theo dòng cảm xúc, nhưng vẫn phải giữ được độ cao vốn có của từng dấu.

Còn nhà văn, xướng ngôn viên Bích Huyền thì cho rằng điều cốt lõi của một xướng ngôn viên không chỉ đọc hay, biểu cảm, mà còn cần thêm phải có kiến thức về chiều sâu khi đọc văn bản. Vì đọc chỉ là thao tác cuối cùng phát ra thành tiếng thôi. Còn để đọc nó thì cần phải có cái đầu để phân tích ngôn bản, thể loại, nội dung bên trong muốn chuyển tải cái gì. Chữ chỉ là vỏ của âm thanh. Người xướng ngôn viên còn cần phải đọc được cái ẩn sâu của vỏ âm thanh ấy, tức là đọc nghĩa của nó. Do đó người xướng ngôn viên rất cần có kiến thức chiêm nghiệm cuộc sống. Người nghe cần sự lắng sâu, sự từng trải trong giọng đọc theo đúng từng thể loại.

Nếu ở trong nước, có rất nhiều nơi tổ chức huấn luyện khá bài bản với nhiều chuyên gia giảng dạy kỹ thuật “Đọc, dẫn phát thanh – truyền hình,” trở thành MC giúp những ai yêu thích và muốn gắn bó với công việc trên một cách chuyên nghiệp thì trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung và tại quận Cam nói riêng, những người đến với công việc này đều hoàn toàn tự học.

Việc tự học này thường là do tự phát, hoặc bắt chước người khác mà thành thói quen. Đây cũng là loại năng khiếu đáng coi trọng. Tuy nhiên, như lời tâm sự cùa xướng ngôn viên Thanh Tâm thì việc không được huấn luyện bài bản, vừa tốn công sức lại vừa thiếu hụt phần lý thuyết, sự sáng tạo sẽ bị hạn chế, khó tiến xa hơn trong nghề. Đây không chỉ là mối ưu tư của cá nhân xướng ngôn viên Thanh Tâm mà của rất nhiều những xướng ngôn viên “tay ngang” bước vào nghề này, nhưng luôn đặt nặng trách nhiệm làm sao có thể gửi đến khan thính giả những sản phẩm truyền thông tốt nhất.

Người Việt xa quê hương luôn đau đáu một nỗi niềm về gìn giữ “tiếng mẹ đẻ”, để thế hệ tiếp nối có thể hiểu và trân trọng ý nghĩa của tiếng nói quê hương. Việc cho trẻ thường xuyên xem các kênh truyền hình Việt ngữ, nghe radio sẽ giúp trẻ hiểu biết sâu hơn về ngôn ngữ, văn hóa Việt, để trẻ có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, không quên tiếng mẹ đẻ của mình. Chính vì trọng trách quan trọng này mà bản thân những người làm công việc xướng ngôn viên yêu nghề, có trách nhiệm với công việc luôn ý thức trong việc cẩn trọng với phát ngôn, tôn trọng thính giả để có những lời nói đẹp nhất, hay nhất và đúng nhất.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT