Phóng Sự

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam

Monday, 24/08/2015 - 12:27:43

Phòng thu và cũng là trụ sở chính, là nơi để phát ra chương trình Radio Chiều Thứ Bảy mỗi tuần là ngay tại tổ ấm của gia đình ca sĩ Thúy Anh, được thiết kế gọn gàng, xinh xắn.

Bài BĂNG HUYỀN

Chương trình Radio Chiều Thứ Bảy của MC Thúy Anh

Từ năm 2011 đến nay, chương trình Radio chiều thứ Bảy đã trở thành một người bạn thân thiết của rất đông quý thính giả vào lúc 6 giờ đến 9 giờ tối (giờ California) mỗi thứ Bảy hằng tuần trên làn sóng 1480 AM qua giọng nói chính của ca sĩ, xướng ngôn viên, MC Thúy Anh.

Gia đình của ca sĩ, MC Thúy Anh, Nguyên Vũ và bé Đức Khang tại studio của Radio Chiều Thứ Bảy. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Đây là chương trình văn hóa nghệ thuật đem lại những cảm xúc lắng đọng với đầy đủ cung bậc, sắc thái của niềm vui, của nụ cười, của tình yêu cuộc sống đầy nhân văn, đưa yêu thương đến gần trái tim người nghe một cách chân thành giản dị. Gồm các tiết mục như Nhạc Chủ Đề, Thi Nhạc Giao Duyên, Văn Học Nghệ Thuật, Sống Vui, trò chuyện với các nghệ sĩ, ca sĩ, thi sĩ, văn sĩ; talk show về những lợi ích luật pháp với luật sư Nguyễn Đình Định; talk show của cô Lê Lệ Nga về những vấn đề giáo dục.
Chương trình Bé Nói Tiếng Việt do bé Đức Khang con trai duy nhất của vợ chồng Thúy Anh- Nguyên Vũ giữ vai trò phụ trách chương trình. Dù bé sinh ra tại Mỹ, nhưng bé nói, đọc, viết, hiểu tiếng Việt thông thạo không thua gì các em sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Đây là chương trình để các bé gọi điện vào nói tiếng Việt với phần dẫn dắt của bé Khang theo mỗi đề tài khác nhau trong từng tuần.
Radio Chiều Thứ Bảy là một chương trình rất đặc biệt so với những chương trình radio trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam nói riêng và hải ngoại nói chung. Đây là chương trình của cả nhà ca sĩ Thúy Anh cùng làm radio. Chồng chị, anh Nguyên Vũ vốn là kỹ sư về hỏa tiễn 16 năm khi cả gia đình còn sống tại tiểu bang Florida, nay anh đảm nhận về kỹ thuật cho chương trình, kiêm luôn là người bầu, sắp xếp các chương trình. Còn Thúy Anh là xướng ngôn viên và biên tập chính chương trình, và con trai Đức Khang phụ trách tiết mục Bé Nói Tiếng Việt.
Phòng thu và cũng là trụ sở chính, là nơi để phát ra chương trình Radio Chiều Thứ Bảy mỗi tuần là ngay tại tổ ấm của gia đình ca sĩ Thúy Anh, được thiết kế gọn gàng, xinh xắn.

Cơ duyên cả nhà cùng làm radio

Tâm sự về cả nhà cùng làm radio, Thúy Anh cho biết từ cơ duyên được mời làm MC trong một chương trình Thương Về Miền Trung của Trung Tâm Thúy Nga tổ chức vào năm 2006, nên sau đó chị và ông xã quyết định dọn về Nam California sống vào năm 2007. Thời gian đầu Thúy Anh làm xướng ngôn viên cho đài Little Saigon Radio bốn năm. Khi trung tâm Thúy Nga mở đài Phát Thanh Văn Nghệ Thúy Nga trên làn sóng radio 1480 AM vào thứ Bảy (từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối), Chủ Nhật (từ 7 giờ tối đến 10 giờ tối), họ mời chị cộng tác trong vai trò biên tập chương trình.
“Ngay từ lúc Thúy Anh làm xướng ngôn viên và biên tập chính của chương trình Văn Nghệ Thúy Nga trên radio vào năm 2010, anh Nguyên Vũ đã được mời đảm nhận phần kỹ thuật cho chương trình. Khi đó cả hai vợ chồng cùng đi làm tại đài thì dẫn theo bé Khang. Khi Thúy Anh thu chương trình thì bé Khang ngồi làm toán, làm bài tập, còn anh Vũ thì lo phần kỹ thuật để chương trình phát ra. Dù là đi làm cuối tuần, nhưng Thúy Anh rất vui, vì mình luôn có chồng con ở bên cạnh, thấy ấm áp lắm.
“Với lại làm việc với giáo sư Tô Văn Lai rất thích, bác cho phép Thúy Anh sáng tạo những chương trình để hấp dẫn thính giả, bác là người biết nhiều trong nghệ thuật, khi có thắc mắc gì Thúy Anh hỏi bác. Nhưng làm được một năm thì bên trung tâm Thúy Nga mở được đài Việt Face TV, thì lúc đó không cần radio nữa. Bấy giờ bác Lai khuyên vợ chồng Thúy Anh đừng bỏ chương trình, vì chương trình được khán giả đón nhận rất tốt. Vì vậy đến năm 2011, trung tâm Thúy Nga mở truyền hình Viet Face, vợ chồng Thúy Anh được sự hỗ trợ của giáo sư Tô Văn Lai nên đã mạnh dạn mua lại đài.”

Tiết mục Bé Nói Tiếng Việt

Chị nói, “Trước khi mua lại chương trình radio này, Thúy Anh và anh Vũ đã hỏi ý kiến rất nhiều người, ai cũng cản hết đừng làm. Vì ngay năm 2011, kinh tế đang trong giai đoạn rất khó khăn, rất nhiều đài như đài Little Saigon Radio là đài mẹ, phải cắt bớt giờ. Nhưng cuối cùng Thúy Anh và anh Vũ quyết định mua đài vì được sự khích lệ, hỗ trợ của bác Lai. Ngoài ra bên cạnh những tiết mục cũ trước đây trong chương trình văn nghệ Thúy Nga, vợ chồng Thúy Anh muốn thực hiện thêm một tiết mục Bé Nói Tiếng Việt để bé Khang phụ trách.
“Hồi trước chương trình của Thúy Nga có thứ Bảy, Chủ Nhật, khi vợ chồng Thúy Anh mua lại chương trình thì chỉ làm Thứ Bảy thôi và chỉ dài 3 tiếng. Vì vợ chồng Thúy Anh không có nhiều điều kiện, chỉ muốn làm thử xem sao. Khi làm chương trình Radio Chiều Thứ Bảy, vợ chồng Thúy Anh không biết có thành công về tài chính hay không, nhưng điều mà chúng tôi hài lòng nhất là giữ được tiếng Việt cho con qua chương trình bé nói tiếng Việt, đó chính là phần thưởng của vợ chồng Thúy Anh khi làm chương trình radio.
“Chương trình Bé Nói Tiếng Việt có bảo trợ của trung tâm Thế Hệ Trẻ cho các bé CD, DVD, còn siêu thị Mỹ Thuận thì cho các bé bánh. Bé nào có gọi vô chương trình Bé Nói Tiếng Việt thì sẽ ra nhận quà tại trung tâm Thế Hệ Trẻ và siêu thị Mỹ Thuận. Hồi đầu chương trình có khoảng hai, ba bé gọi vào nói tiếng Việt với bé Khang, chương trình lúc đó chỉ có khoảng 25 phút thôi. Sau đó bé Khang nói hay hơn, thì chương trình kéo dài thời lượng ra, có lúc có em 2, 3 tuổi gọi vô nói chuyện. Em nào nói mà chưa biết dạ, vâng, thì bé Khang nhắc cho bé phải nói dạ khi bé nói với ai lớn tuổi hơn. Đến giờ thì số bé gọi vô nhiều hơn. Có ngày 6, 8 em, có ngày thì cũng chỉ có 3, 4 em, thì các em đi chơi, hoặc những đề tài tuần đó khó hơn thì các bé không gọi vào nhiều.”
Anh Nguyên Vũ giải thích thêm, “Chủ trương của chương trình Radio Chiều Thứ Bảy là chương trình văn hóa nghệ thuật của yêu thương và hạnh phúc. Đó là điều mà tôi và Thúy Anh cố gắng thực hiện theo đúng như chủ trương đề ra. Còn chương trình Bé Nói Tiếng Việt với mục đích khuyến khích những bé gốc Việt ở hải ngoại có thêm lý do để thích nói tiếng Việt, chúng tôi rất vui vì đã làm được.
“Chương trình Bé Nói Tiếng Việt được các cụ các bác nghe rất nhiều, vì nghe các bé nói chuyện rất dễ thương. Khi các bé nói chuyện với người lớn, có thể các bé không tự nhiên bằng nói chuyện với bé Khang. Giờ ngồi nghe lại chương trình đầu, khi bé Khang mới chập chững nói, rất non nớt, ngây ngô, lọng cọng lắm. Bây giờ thì giọng của bé trôi chảy hơn, tự nhiên hơn, và người hâm mộ của bé Khang không chỉ là các bé, mà rất đông các cụ, quý ông bà phụ huynh.
“Dẫn dắt mỗi chủ đề của chương trình Bé Nói Tiếng Việt thì do Thúy Anh và tôi đưa ra, hồi đầu do bé Khang chưa quen với cách phụ trách một chương trình, nên vợ chồng tôi hướng dẫn cho bé từ từ, sau đó đưa ra đề tài rất rộng ví dụ đề tài về Lễ Tạ Ơn, để bé suy nghĩ chọn điều đặc biệt để nói về ngày lễ đó trong chương trình, bé chọn nói về con gà Tây. Bé tự tìm tài liệu trên online về con gà Tây, rồi khi thu chương trình, bé nói chuyện với các bạn và các em bằng tiếng Việt về con gà Tây, bé sẽ giải thích, rồi đặt câu hỏi để các bé gọi vào. ”

Bé Đức Khang và niềm vui với Bé Nói Tiếng Việt

Bày tỏ cảm xúc của mình khi thực hiện vai trò host chương trình Bé Nói Tiếng Việt, Đức Khang nói, “Khi con bắt đầu phụ trách chương trình Bé nói tiếng Việt, con được 11 tuổi, nay con đã 15 tuổi rồi. Lần đầu tiên con nhớ là con nói trên radio, con rất sợ, con run người lắm, ngày đầu tiên bố mẹ vẫn còn đưa cho con bài viết, để con nhìn vào đọc. Nhưng lúc đó bố mẹ con không có viết từng chữ cho con nói, mà chỉ viết ý chính của đoạn đó sẽ nói gì, bản thân con cũng phải nghĩ ra những chữ để con nói cho đoạn đó.
“Lúc đầu con nói chưa giỏi, nghe như đọc và rất buồn cười, nghe hơi kỳ vì không đầy đủ một câu. Con không có hình mẫu ai khác ngoài mẹ của con. Con không thấy có sự khác nhau giữa nói tiếng Việt trên radio và nói tiếng Việt ở nhà với bố mẹ, hay với mọi người khi đi ra bên ngoài. Mỗi tuần trước khi thu radio, con chỉ tập nói chuyện với bố, giả bộ bố con là thính giả, nhờ vậy rất tốt để con nói trên radio được tự nhiên hơn.
“Con rất vui khi nói và hiểu được tiếng Việt. Càng lớn con càng hiểu được rằng bố mẹ con luôn muốn con giữ được nguồn gốc của người Việt Nam mình, muốn con nói tiếng Việt, đó là lý do tại sao mà bố mẹ bỏ thời giờ ra để làm chương trình Bé Nói Tiếng Việt để con nói mỗi tuần. Khi con làm chương trình Bé Nói Tiếng Việt giúp cho con rất tốt trong việc học tại trường, chẳng hạn việc tìm tài liệu trên internet, cách nói một chủ đề cần phải có mở đầu, thân bài, kết luận. Nhờ làm radio, môn viết English trong trường của con giỏi hơn. Môn toán của con cũng rất tốt, kể cả môn khoa học. Con rất thích văn hóa Việt Nam, con thấy có nhiều điều rất hay mà hiện giờ con vẫn còn chưa hiểu được hết, nên con vẫn tiếp tục học tiếng Việt để càng giỏi hơn.”
Mỉm cười hạnh phúc, chị Thúy Anh chia sẻ, “Vì chủ trương Radio Chiều Thứ Bảy là chương trình của yêu thương và hạnh phúc, vì trong đời sống, có lúc mình bận rộn với việc kiếm sống, đôi khi mình quên đi những êm đềm, tình cảm, thì chương trình trên Radio Chiều Thứ Bảy như những lời ân tình, chia sẻ, tình cảm. Đầu tiên là để làm vui cho các cụ, các bác trong ngày thứ bảy không có đi đâu được, các bác ở trong viện dưỡng lão… có những quý anh chị quá bận rộn, có lúc mở đài lên nghe giai điệu âm nhạc hay để thư giãn.
“Còn có chương trình Sống Vui là chương trình chọn những câu chuyện hay, có ý nghĩa để Thúy Anh đọc lên. Tiết mục này là những bài viết của các tác giả rất xúc động. Ví dụ nói về sự thương tâm của cặp vợ chồng khi ly hôn, nó sẽ dẫn theo sự đau khổ của đứa bé như thế nào và qua đó, có vài thính giả gọi vô, chia sẻ là hai vợ chồng định chia tay nhau, nhưng khi nghe câu chuyện của mình đọc thì họ thay đổi ý định.”
Thúy Anh bày tỏ, “Do đó nghề xướng ngôn viên radio với Thúy Anh khác hơn thuần túy đọc tin tức, vì Thúy Anh đã đặt hết tình cảm của mình khi đọc những câu chuyện trong chương trình. Hai vợ chồng rất vui là qua chương trình radio chiều thứ Bảy đóng góp điều tốt cho cộng đồng.”
Chị nói thêm, “Người mà Thúy Anh rất tri ân là giáo sư Tô Văn Lai và thi sĩ Du Tử Lê, chú khuyến khích gia đình mình ráng cố gắng giữ chương trình radio chiều thứ bảy, và vị thầy trong truyền thông là bác Vũ Quang Ninh. Bác có nói đại khái như là những lời nói của mình nói sao như những bông hoa hồng, chỉ cần vài người nghe và sống tốt thì đó cũng là điều tốt rồi. Bác sĩ Phạm Hoàng Trung rất thích chương trình luôn bảo trợ cho chương trình, siêu thị Mỹ Thuận, bác sĩ Ngô Bá Định, Vietlink Global, bác sĩ Patrick Xuân Lê, gia đình ông bà giáo sư Lê Tinh Thông, những nhà hàng, văn phòng luật sư,… hoặc một vài chủ nhân của văn phòng bảo hiểm, nha sĩ quảng cáo trên đài để đài có tài chánh hoạt động.”

Bí quyết thành công của xướng ngôn viên

Thành công của một xướng ngôn viên là gì? Ca sĩ Thúy Anh trả lời, “Xướng ngôn viên của truyền hình hay radio đều có chung một điều đó là sự đam mê và có tâm hồn đẹp khi nói trên truyền thanh hay truyền hình. Nếu mình không có, giọng nói của mình không được chân thành, khán thính giả rất nhạy, sẽ cảm nhận được khi mình nói buồn hay vui, mình nói chân thành hay giả tạo. Dù là trên truyền hình hay truyền thanh thì bắt buột phải nói bằng giọng chân thành. Đó là bí quyết thành công, vì chính sự chân thành mới đến được với trái tim.”

Những điều cần có của một MC

Không chỉ là xướng ngôn viên radio, Thúy Anh còn là một MC rất thành công trong các chương trình ca nhạc chủ đề và gây quỹ từ thiện, nói về bí quyết làm MC, chị cho biết, “Làm radio thì không ai thấy mình, nhưng khi Thúy Anh làm MC thì phải nói trên sân khấu, bắt buộc mình phải có ngoại hình, để ý cách mặc, tóc tai, khuôn mặt. Thú vị của nghề MC là mình phải làm sao để khán giả chú ý đến chương trình, không để cho không khí chương trình loãng đi, lúc nào mình cũng phải lấp đầy. Khi ca sĩ chưa sẵn sàng để hát, thì MC phải nói chuyện với khán giả, cách nói chuyện có khi là mình hỏi chuyện khán giả, để khán giả hứng khởi lên, hoặc bằng những câu chuyện vui đem lại những tràng cười cho khán giả, nó cần có sự nối kết.
“Bất cứ MC nào cũng phải chuẩn bị chương trình thật kỹ, tìm tài liệu thật kỹ, chẳng hạn đối tượng khán giả chương trình là ai, biết giới khán giả đa số là gì thì phải tìm đề tài gì đó để lấp chổ trống, trong lúc chờ thay đổi cảnh trí, ca sĩ thay đồ… Và người mà mình cũng phải biết giới thiệu ra sân khấu là ai, mình dẫn làm sao để khi người nghệ sĩ bước ra sân khấu là mình đã làm đầy trái tim của khán giả. Ca sĩ thì ông trời cho mỗi người mỗi giọng, còn MC thì ông trời cho mỗi người một cái duyên.
“Giọng nói thì dĩ nhiên khác nhau rồi, nhưng duyên nói chuyện có người kể câu chuyện cười, không ai cười hết. Có người kể câu chuyện rất bình thường, người nghe nhiều lần rồi, nhưng khi nghe người đó kể, mọi người cười rất nhiều. Thúy Anh nghĩ đó là cái duyên riêng của mỗi MC do trời cho. Nhưng không có nghĩa trời cho mà không biết gọt giũa thì cũng sẽ mất đi. Nếu mình không được ân huệ trời cho, thì mình phải chịu khó xem dvd, lắng nghe những MC có duyên đó nói, để xem thành công của người đó mà học theo.”
Chị khoe, “Thúy Anh có may mắn, đó là anh Vũ là người rất tinh tế. Không phải mình khen nịnh chồng. Nhưng anh nhận xét rất kỹ. Khi chuẩn bị làm MC, Thúy Anh chuẩn bị câu chuyện cười, bao giờ cũng kể trước cho chồng nghe để anh góp ý cắt bớt đoạn này, hay thêm đoạn kia. Ngay như chương trình radio cũng vậy, anh không là người trực tiếp nói, nhưng anh trực tiếp nghe, anh luôn ghi xuống những phần nào Thúy Anh không nên nói lần sau… hay chương trình của bé Khang, sau chương trình, anh luôn góp ý. Còn chương trình Thúy Anh làm MC, anh đi theo, anh luôn góp ý. Thúy Anh thì văn chương, nên nhiều khi dài dòng, còn anh thì rất ngắn gọn, ở anh là văn chương trong sự cô động. Hồi trước Thúy Anh nói hơi bị dài dòng. Anh đóng góp ý kiến của anh, hỗ trợ cho Thúy Anh rất nhiều trong công việc.”
Ngoài ra chị còn “đứng trước gương để tập nói, có đôi lúc Thúy Anh tập trung quá, thói quen hay cau mày khi nói nhìn rất xấu, hoặc Thúy Anh hay quơ tay dữ lắm, anh Vũ quay phim lại những lúc Thúy Anh làm MC, sau đó chỉ cho Thúy Anh thấy tay Thúy Anh quơ tới quơ lui, hay nhăn trán, cau mày…là những thói quen cần phải bỏ đi khi lên sân khấu.”
Với tư cách là một khán giả, anh Vũ nhận xét, “Theo tôi thấy người MC hãy truyền đạt lời nói chân thành từ tâm mình thì sẽ gần với khán gỉa hơn. Nếu MC có cách nói gọn, súc tích thì hay hơn là nói dông dài. Tôi luôn mong các MC cố gắng bảo tồn tiếng Việt trước năm 1975, dù rằng ngôn ngữ thì thời gian phải thay đổi, có tiến triển. Nhưng theo cá nhân tôi khi người Việt bỏ nước sang đây, thì ngôn ngữ Việt trước 1975 trở thành một biểu tượng của VNCH. Không biết những nơi khác ra sao, riêng radio chiều thứ Bảy luôn có chủ trương dùng ngôn ngữ trước 1975, vì mình nghe những từ ngữ trước 1975 dùng, thì mình thấy nhớ đến kỷ niệm xưa, nên luôn cố gắng giữ gìn.”
Để kết thúc buổi trò chuyện của mình, ca sĩ Thúy Anh nhờ nhật báo Viễn Đông gửi đến độc giả lời cám ơn, “Thúy Anh cám ơn sự lắng nghe và theo dõi của quý vị thính giả đã yêu thương Thúy Anh nói riêng và chương trình Radio Chiều Thứ Bảy nói chung. Không những quý vị nghe Radio Chiều Thứ Bảy trên làn sóng 1480 AM mà có thể nghe ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới trên internet, xin vào địa chỉ www.radiochieuthubay.com, bấm vào nút nghe live. Nhưng phải đúng giờ phát của California từ 6 đến 9 giờ tối thứ Bảy, thì nghe phát trực tiếp, dù quý vị ở Việt Nam, Úc Châu hay tiểu bang khác.
“Hiện nay anh Vũ đang cố gắng thực hiện một website lưu giữ lại những chương trình Radio Chiều Thứ Bảy để những thính giả nào không nghe được tuần nào đó, thì vẫn có thể vào trang web để nghe lại chương trình. Tuy nhiên để làm được điều này thì rất cần có tài chánh để thực hiện. Mà hiện giờ thì Radio Chiều Thứ Bảy vẫn đang còn khó khăn về tài chánh. Rất mong có nhiều mạnh thường quân bảo trợ cho chương trình Radio Chiều Thứ Bảy để chúng tôi có điều kiện bổ sung thêm những chương trình có ích lợi và có ý nghĩa trong tinh thần yêu thương và hạnh phúc. Rất mong được sự ủng hộ của các cơ sở thương mại và có thêm bảo trợ của các mạnh thường quân, thì Thúy Anh và anh Vũ rất sung sướng đón nhận những tấm lòng đó. Nếu muốn bảo trợ cho Radio Chiều Thứ Bảy, xin liên lạc đến điện thoại (714) 766-3333 hoặc email thuyanhMC@yahoo.com.” (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT