Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 8)

Sunday, 19/06/2016 - 08:02:49

Trong thời gian học trong trường, anh được cô Ánh tận tình hướng dẫn vì cô thấy anh có năng khiếu lại chịu khó học hỏi. Ngay khi anh thi đậu có bằng, anh đã đến xin vào làm tại tiệm tóc của người Mỹ làm chủ tại vùng biển ở Laguna Niguel, tại Dana Point, vì quản lý của tiệm này là người Việt Nam, chị từng là học trò của cô Ánh, được cô Ánh giới thiệu, nên chị tận tình hướng dẫn cho anh khi mới vào học việc tại tiệm.

Bài BĂNG HUYỀN

Anh Trí Trần hiện đang sống tại vùng Little Saigon, cũng từng làm tại tiệm của Mỹ hơn khoảng một năm rưỡi khi mới có bằng hành nghề, còn hơn 10 năm nay anh làm trong tiệm Việt Nam tại vùng Little Saigon.

Anh kể, khi qua định cư tại Mỹ vào năm 2000, lúc đó anh đã 18 tuổi, gia đình lại muốn anh đi học trong college để trở thành bác sĩ, kỹ sư. Nhưng anh thấy mình không có khả năng, nên đã thuyết phục ba má cho đi học nghề tóc tại trường thẩm mỹ Hằng Nga (là tên cũ của trường Asian American International Beauty College tại Westminster) vì anh vốn khéo tay và rất mê cắt tóc.

Trong thời gian học trong trường, anh được cô Ánh tận tình hướng dẫn vì cô thấy anh có năng khiếu lại chịu khó học hỏi. Ngay khi anh thi đậu có bằng, anh đã đến xin vào làm tại tiệm tóc của người Mỹ làm chủ tại vùng biển ở Laguna Niguel, tại Dana Point, vì quản lý của tiệm này là người Việt Nam, chị từng là học trò của cô Ánh, được cô Ánh giới thiệu, nên chị tận tình hướng dẫn cho anh khi mới vào học việc tại tiệm.

Anh Trí Trần nói, “Tiệm của Mỹ làm chủ thì nhu cầu đòi hỏi người thợ dễ hơn. Nếu làm tại tiệm Việt Nam, đòi hỏi người thợ phải biết hết tất cả như cắt, uốn, nhuộm, duỗi.. còn tôi vào làm tại tiệm Mỹ ở Laguna Niguel, người thợ không làm hết các dịch vụ, mà chia ra, có thợ chỉ chuyên về cắt tóc thôi, còn thợ nào chuyên về nhuộm tóc, thì chỉ nhuộm thôi, chứ không cắt. Bản thân tôi thì thích cắt tóc hơn, vì đã làm thợ tóc, mà cắt tóc không giỏi thì làm sao làm thợ được. Nên tôi vào làm tại đây, xin được luyện phần cắt tóc.

“Tiệm này cũng như tiệm Việt Nam, sáng 9 giờ 30 mở cửa, tối 8 giờ 30 đóng cửa. Tôi đi làm phải lái xe khoảng 1 tiếng đi, lái 1 tiếng về mỗi ngày. Lúc đầu tôi có gặp chút khó khăn, vì tiếng Anh không rành, nên tôi không nói được nhiều với khách, nhưng tôi chịu khó, khách nhìn thấy điều đó nên để cho tôi cắt tóc cho họ. Ban đầu mình chưa giỏi nghề, thì mình cắt chậm, cắt kỹ chút xíu, khách sẽ hài lòng hơn là mình làm ẩu.”

Kể về thời gian học việc trong tiệm của Mỹ, anh Trí cho biết, “Khi mới vào tiệm, ban đầu tôi chỉ được phụ việc như trộn màu để nhuộm tóc cho khách, gội đầu cho khách, sấy tóc, chứ chưa được cắt. Khoảng 2- 3 tháng sau mới được cắt tóc cho khách. Lúc đó đã bớt hồi hộp rồi, vì khi cắt, vẫn có người đứng cạnh hướng dẫn thêm cho tôi.

“Nhưng cắt trên tóc thật thì lúc nào cũng run hơn trên tóc giả. Nhất là với khách mình làm trong tiệm, vẫn run hơn là khách vào cắt tóc trong salon tại trường. Vì ở trong trường, mình đang học nghề, cắt có sai, vẫn được khách thông cảm, vì họ biết mình đang học. Còn ra tiệm làm, tiền khách trả nhiều hơn ở salon của trường, nếu mình cắt hư tóc của khách, họ có quyền bắt đền mình, vì mình đã là thợ có bằng hành nghề rồi.”

Anh Trí nói, “Phần đông các tiệm của người Việt làm chủ, hay giấu nghề với người thợ mới vào tiệm, nếu có chỉ cho thợ, thì cũng chỉ 7 món thôi, giữ lại 3 món. Còn tại tiệm Mỹ thì không vậy, nếu họ thấy mình giỏi thì họ đẩy mình hết mức, chỉ hết ngón nghề cho mình luôn. Chẳng hạn như phải sấy tóc ra sao, cắt thế nào thì mới ra kiểu tóc này, cách phân biệt giữa tóc Á châu, tóc của người Mỹ trắng cắt làm sao.

“Vì người Á châu và Mỹ trắng có hai khuôn mặt khác nhau hoàn toàn. Họ chỉ cho mình những kiểu tóc nào hợp với người Á châu, kiểu tóc nào mà cắt cho người Mỹ thì không hợp. Học tại tiệm là thực tế ngoài đời, chứ không còn chỉ trên sách vở như hồi học trong trường nữa. Tiệm tôi làm hồi đầu là ở khu Mỹ trắng, khách Mỹ trắng là chính, đôi khi cũng có khách Á châu. Thường tóc của người Mỹ trắng mềm hơn tóc người Á Châu, nên cắt cho người Mỹ trắng vẫn dễ nhất, nếu chỉ thuần cắt tóc cho người Mỹ, tay nghề khó nâng cao, nhưng nhờ tôi làm tại tiệm có nhiều sắc dân, nên tay nghề cũng luyện được nhiều loại tóc khác nhau.

“Tôi may mắn là biết chị quản lý của tiệm là người Việt, chị là người tận tình chỉ những kinh nghiệm nghề cho tôi. Song song đó có những người thợ trong tiệm tôi hỏi họ, họ thấy tôi chịu học hỏi, họ cũng sẵn lòng chỉ cho tôi, mà không hề giấu nghề. Vì mỗi người có khiếu riêng, nhiều khi họ chỉ hết cho mình, cũng chưa chắc mình làm được như họ, thành ra họ chẳng hề giấu nghề làm gì.”

Anh Trí nói do anh sống ở vùng Little Saigon, mà đi làm ở tiệm phải lái xe 1 tiếng đi, 1 tiếng về, không có thời gian gặp gỡ bạn bè, hay giải trí. Hơn nữa, làm tại tiệm của Mỹ, anh chỉ chuyên về cắt tóc, chứ không được làm đa dạng như tại tiệm Việt Nam. Làm được 1 năm rưỡi, anh thấy tay nghề cắt tóc của mình cũng kha khá rồi, anh quyết định chọn nơi làm gần nhà hơn để còn thời gian gặp gỡ bạn bè, gia đình. Nên anh về làm trong tiệm chủ người Việt Nam ở khu Little SaiGon, làm ăn chia với chủ. Khách của anh chủ yếu là người Việt, có một số khách người Mỹ, người Mexican…

Theo anh Trí dù anh theo nghề tóc đã hơn 10 năm, đã thành thạo, nhưng anh vẫn không ngừng học hỏi từng ngày để nâng cao tay nghề của mình, tạo ra nhiều kiểu tóc mới cho khách hàng. Anh cho rằng nghề làm tóc, học của người khác chỉ là một, còn tự tìm tòi của chính mình mới thành mười. Nếu chỉ bắt chước, không am hiểu tận gốc về tóc, màu sắc... thì không thể trở thành thợ giỏi được. Thay vì chỉ học lấy một số kiểu cắt, vài cách pha màu, uốn nhuộm rồi cứ thế mà làm kiếm tiền, hằng năm anh thường tham gia những buổi hair show để tìm hiểu có những cái gì mới trong nghề tóc để học hỏi, từ cách nhuộm màu, các kiểu tóc, sản phẩm mới…
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT