Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 6)

Sunday, 05/06/2016 - 09:24:06

Theo tôi chủ yếu là người học viên có thực sự muốn học hay không, để giúp mình có vững nghề hay không, chứ không phải do trường đó dạy dở.”

Bài BĂNG HUYỀN

Thuận lợi của học viên Việt Nam học trong trường thẩm mỹ do người Việt làm chủ

Là học viên hiện đang sống tại Sacramento, Bắc California, đang theo học lớp tóc (ngành Cosmetology) tại trường My Le Beauty College ở Sacramento, chị Lộc Đặng cho biết, “Tôi thấy có rất nhiều học viên giống tôi, ở Việt Nam mới qua, thường sẽ chọn học ngành thẩm mỹ tại trường do người Việt làm chủ, chẳng hạn như tại trường My Le Beauty College mà tôi đang học, có rất đông học viên gốc Việt. Khi chọn học trường thẩm mỹ do người Việt làm chủ sẽ được rất nhiều thuận lợi thay vì ghi danh vào học trường của người Mỹ hay sắc dân khác làm chủ.

Thao tác uốn tóc trên tóc thật của khách (Băng Huyền/ Viễn Đông)



“Vì mới qua, tiếng Anh chưa rành, có thể mình sẽ không biết cách để xin tiền tài trợ học phí (Financial aid) của chính phủ. Còn tại trường My Le Beauty College và những trường do người Việt làm chủ khác, các nhân viên trong trường sẽ giúp học viên tận tình việc điền đơn ghi danh vào học, giúp học viên xin tiền tài trợ học phí của chính phủ. Học viên không phải trả tiền phí việc nhà trường giúp xin tiền chính phủ tài trợ học phí cho mình, miễn là mình chỉ cần nộp cho trường giấy khai thuế, để trường xem mình có hội đủ điều kiện không, đây là điều rất thuận tiện giúp học viên không rành các thủ tục và không rành tiếng Anh, đỡ mất thời gian phải tự lên mạng tìm hiểu.”

Theo chị Lộc Đặng sở dĩ chị chọn học trường My Le Beauty College dù tại nơi chị sống các trường thẩm mỹ do người Việt cũng có nhiều nhưng mấy trường kia không có chương trình tài trợ học phí của chính phủ. Dù có trường giá học phí học Cosmetology chỉ có 2.500 mỹ kim. Còn học phí Cosmetology tại trường My Le Beauty College tới 11.000 mỹ kim. Do giá tiền học phí ở mỗi trường tại Hoa Kỳ này đều khác nhau, không có nơi nào bằng nơi nào.

Chị nói, “Tiền tài trợ học phí Financial aid thì chính phủ cho mỗi người mỗi khác nhau tùy theo mức thu nhập (khai thuế) của từng người, riêng cá nhân tôi, căn cứ theo thu nhập của chồng tôi hiện có, nên tôi được nhận mức cao nhất là khoảng gần 10 ngàn mỹ kim, khi ghi danh học tại trường Mỹ Lệ, tôi chỉ đóng thêm hơn 1,000 mỹ kim. Dù sao học tại trường dạy nghề thẩm mỹ đã được thẩm định (accreditation) thì mình cũng yên tâm hơn. Vì trường nào được thẩm định thì mới nhận được nguồn tài trợ tài chính của Liên Bang, trường sẽ không có tình trạng bán giờ cho học viên, trường hội đủ các điều kiện để đào tạo học viên đúng tiêu chuẩn của quốc gia về hành nghề thẩm mỹ. Học tại trường đã được thẩm định, khi học xong, thi đậu lấy bằng, nhà trường còn giới thiệu việc làm cho học viên, mà nếu mình học những trường có thẩm định thì đi xin việc làm, cũng dễ hơn.”

Chị Lộc Đặng nói thêm về thuận lợi của việc học tại trường do người Việt làm chủ, “Dù các sách tài liệu đều bằng tiếng Anh nhưng học trường người Việt làm chủ, học viên có lợi thế là có giáo viên gốc Việt, như trường tôi đang học, với những học viên mới vào học thời gian đầu của 400 giờ học (25 % của chương trình học) thời gian học lý thuyết dài 4 tiếng mỗi ngày, sẽ có khoảng 1 tiếng rưỡi học lý thuyết tiếng Việt, giúp học viên không giỏi tiếng Anh, có thể nắm vững bài học rõ ràng hơn. Đây là lợi thế của người Việt đi học trong trường Việt Nam làm chủ. Sau khi học viên học xong 400 giờ, sẽ làm bài thi cả thực hành và lý thuyết trong trường, đậu rồi thì học viên được ra trên khách ngay tại salon của trường, còn trước đó thì chỉ làm trên đầu tóc giả thôi.”

Theo lời chị Lộc Đặng, “Trong thời gian được làm cho khách ở salon, vẫn có giờ học lý thuyết, không còn 4 tiếng như lúc trước, mà chỉ còn 1 tiếng rưỡi. Lúc này, tùy học viên chọn thi lý thuyết tiếng Việt hay tiếng Anh thì sẽ học phần lý thuyết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh suốt thời gian này cho đến khi hoàn tất khóa học. Trường mở cửa từ thứ Ba đến thứ Bảy, đóng cửa Chủ Nhật và thứ Hai, mỗi ngày, lớp học bắt đầu từ 9 giờ 30 sáng, 1 tiếng rưỡi đầu học viên học lý thuyết, salon của trường nhận khách vào salon từ 10 giờ 30. Nếu đến phiên học viên nào ra làm cho khách thì ra làm, còn chưa đến phiên làm cho khách thì học viên đó làm thực hành trên đầu tóc giả.

“Đầu ngày học, giáo viên sẽ đưa ra yêu cầu cho học viên, ngày hôm nay phải làm kiểu tóc nào đó, học viên phải thực hành theo yêu cầu của ngày học đó. Nếu trong lúc làm, mình không rõ phải làm sao cho đúng, thì hỏi lại giáo viên, còn thì mình tự làm một mình, hoặc lúc mình làm, giáo viên thấy mình làm sai, cũng sẽ hướng dẫn để mình làm lại cho đúng. Sau mỗi 400 giờ học (25 %), 50 phần trăm, 75%, 90% của suốt thời gian khóa học 1600 giờ, học viên đều phải thi lý thuyết và thực hành, đậu bài thi trong trường rồi thì mới tiếp tục học tiếp.”

Nhắc lại sự hồi hộp của bản thân khi lần đầu tiên được cắt trên tóc thật của khách tại salon của trường, chị Lộc Đặng kể, “Bản thân tôi cũng như nhiều học viên khác, khi cắt tóc trên người thật, rất hồi hộp so với cắt trên tóc giả. Vì cắt trên đầu thật, lỡ có sai thì khó chỉnh sửa hơn. Cắt sai trên người thật, sẽ bị khách than phiền, nên mình nhát tay hơn, nhưng khi đã làm qua 2, 3 lần rồi thì tâm lý sẽ thoải mái hơn.
“Tuy nhiên bao giờ cũng vậy, với người khách đầu tiên thì hầu như học viên nào cũng run hết. Ở trường tôi đang học, thời gian đầu tiên thực hành trên tóc thật của khách tại salon của trường, học viên đó sẽ đứng phụ một học viên đã thực hành trên khách thật lâu rồi, người học viên mới ra thực hành tại salon sẽ phụ quấn ống uốn tóc, phụ bỏ thuốc lên tóc cho khách nhuộm tóc…đến khi học viên đó đủ tự tin rồi thì xin giáo viên cho cắt trên tóc của khách. Khi mình cắt lần đầu tiên trên tóc thật, sẽ luôn có giáo viên đứng cạnh để giúp mình yên tâm, và chỉnh lại cho khách nếu chưa đẹp.”

Chị Lộc Đặng cho biết hiện nay chị đã nộp đơn thi State Board, học viên chỉ cần học đủ 1200 giờ là có thể nộp đơn, sau khi nộp đơn, khoảng 3 tuần thì có ngày thi, ngày thi của học viên lớp tóc thường diễn ra khi học viên đó đã kết thúc đủ 1,600 giờ, khoảng 2 tuần sau đó sẽ đi thi. Đây là điều rất tốt để giúp các học viên tiết kiệm thời gian chờ đợi, vì ai cũng muốn học mau lấy được bằng đi làm kiếm tiền lo cho bản thân và gia đình.

Còn với những học viên đã học quá 1200 giờ mà vẫn chưa apply đơn thi State Board, thì phải chờ đủ 1600 giờ mới được nộp đơn thi. State board cho phép học viên lố 6 giờ, nên 1206 giờ vẫn có thể nộp đơn đi thi được. Với những học viên sau khi học đủ 1600 giờ và trong lúc chờ ngày thi vẫn có thể đến trường ôn thi.

Chị Lộc Đặng chia sẻ, “Tùy mỗi trường sẽ có những quy định khác nhau, như trường tôi học, khi học viên mua đồ nghề trong trường, thì khi đi thi, trường sẽ cho học viên mượn bộ kits để đi thi, còn nếu khi ghi danh học, không mua đồ nghề trong trường, thì mình phải tự sắm bộ kits đi thi, trường cũng có hướng dẫn cho mình phần luyện thi, cũng có những buổi thi thử, nhưng chỉ dành cho học viên bắt đầu nộp đơn đi thi, chờ đến ngày thi mới được thực hành phần thi thử này.”

Học kỹ về an toàn vệ sinh cho thợ và cho khách

Chị Lộc Đặng kể rằng trước khi lấy chồng sang định cư tại Hoa Kỳ, chị là dược sĩ, làm việc tại một bệnh viện ở Sài Gòn, nhưng khi qua đây định cư, tuổi đã không còn trẻ để học lại từ đầu với ngành học chị đã hoàn thành tại Việt Nam, Anh ngữ lại chưa thông thạo, thêm bận bịu có bầu, sinh con, nên chị quyết định học nghề tóc, vì vậy trước khi qua định cư, chị đã đi học cấp tốc nghề tóc 3 tháng tại Việt Nam, và khi qua đây học, chị nhận thấy, “Học ở bên Mỹ dạy kỹ về vệ sinh, xử dụng các hóa chất, cách xử trí khi tình huống xấu xảy ra, như đổ hóa chất trong lúc làm. Cách sử dụng sản phẩm sao cho an toàn với khách hàng và cho người thợ, học cách nhận biết loại thuốc nào hợp với loại tóc nào, nhận biết sản phẩm để uốn, duỗi, nhuộm thì làm sao.

“Học bên này không dạy nhiều về kỹ năng nghề nghiệp, mà dạy kỹ về vệ sinh, an toàn khi sử dụng hóa chất. Nhiều người than phiền học trong trường bên này, nhưng khi ra đi làm bên ngoài tiệm, không làm được gì. Theo tôi, học ở trường chỉ là căn bản, còn thực tế làm được hay không ăn thua phải do mình. Ngay từ khi học ở trong trường, những học viên siêng năng, cứ ngồi thực hành trên đầu tóc giả, luôn hỏi thầy cô khi mình làm bị sai hoặc không biết cách làm thì khi ra nghề, có thể sẽ bắt kịp nhanh hơn những học viên khi còn học trong trường chỉ học cho có, để đối phó với việc thi State Board thôi, thì sẽ không học được nhiều. Theo tôi chủ yếu là người học viên có thực sự muốn học hay không, để giúp mình có vững nghề hay không, chứ không phải do trường đó dạy dở.”

Khó khăn của người học tóc và thợ tóc mới ra nghề

Chị Lộc Đặng nhận xét, “Tôi học qua nghề tóc rồi thì thấy rằng nghề tóc rất khó để theo, nếu học viên không có năng khiếu, thì không phải cứ học xong ra có bằng là có thể theo nghề được. Dù bằng Cosmetology có thể ra làm nail, facial, nhưng phần lớn thời gian của việc học lấy bằng này vẫn là học tóc nhiều hơn, từ uốn, duỗi, nhuộm, cắt.

“Tôi thấy có nhiều học viên học lấy bằng tóc tóc như tôi, nhưng khi thi lấy bằng xong, không làm tóc, mà làm nail, hoặc làm facial, waxing. Còn nếu học bằng nail thôi, khi vào tiệm nail làm, muốn làm thêm wax và facial thì phải học thêm lấy bằng facial mới làm wax được. Theo tôi biết có hơn 50 phần trăm học tóc Cosmetology, nhưng làm nail chứ không làm tóc. Còn với những ai ở Việt Nam đã có nghề tóc rồi, qua đây học sẽ dễ tiếp thu hơn, vì bên này cách dạy bài bản hơn.”

Chị Lộc nói thêm, “Còn một người mới toanh, chưa biết về nghề này thì chỉ cần người đó có khiếu thẩm mỹ thì vẫn học được. Nghề này đòi hỏi năng khiếu và kinh nghiệm. Có thể lúc đầu mới ra nghề, không giỏi, nhưng nhờ kinh nghiệm làm lâu, chịu khó học hỏi, thì sẽ làm được theo kiểu nghề dạy nghề, chứ không thể nào mới học xong ra trường, có bằng rồi mà làm giỏi ngay được.

“Làm nail (đặc biệt là chân tay nước) thì đơn giản hơn, chỉ có bao nhiêu đó bước, công thức bao nhiêu đó, ai cũng làm được. Còn muốn làm thợ tóc đòi hỏi phải có sự khéo léo, mắt quan sát tinh tế, biết nhận định đâu là đẹp, đâu là xấu. Người thợ cắt tóc không chỉ để ý mỗi khuôn mặt của khách mà cả phong cách, dáng người của khách hàng.

“Khuôn mặt chỉ là một phần thôi chứ cổ, bờ vai, dáng người cũng rất quan trọng. Dáng đi, phong cách ăn mặc cũng ảnh hưởng nhất định đến mái tóc. Khiếu thẩm mỹ của từng người thợ tóc sẽ giúp thợ hướng dẫn cho khách về kiểu tóc mới, thiết kế, tạo kiểu tóc đẹp và phù hợp nhất cho khách hàng.

“Việc hiểu rõ khuôn mặt của khách, xác định rõ hình dáng khuôn mặt sẽ giúp người thợ đưa ra một quyết định chính xác hơn khi lựa chọn kiểu tóc mới cho khách. Phải hiểu rõ chất tóc của khách, từ tóc suôn mềm đến tóc cứng… cũng sẽ khác biệt với từng kiểu tóc cắt sao cho hợp với khách hàng. Ví dụ kiểu tóc bồ câu không phải ai mình cũng cắt hợp với khuôn mặt người đó. Mà phải căn cứ theo khung xương của đầu người đó, loại tóc mềm hay cứng.…”

Theo chị Lộc Đặng với người không có năng khiếu, nếu chịu khó chăm chỉ với nghề, lâu năm thì cũng cắt được, tuy sẽ không đẹp bằng người có khiếu và giỏi nghề. Vì có thợ cắt tóc đẹp, thợ cắt không đẹp, có thợ làm tiệm sang, giá cao, có thợ chỉ làm ở tiệm bình dân, giá rẻ.

Chị Lộc Đặng nói do làm tóc khó làm hơn nail, nên theo kinh nghiệm của những người bạn học chung với chị đã ra trường trước chị cho biết thường học viên có bằng tóc mới ra trường thì có thể xin vào các tiệm của người Mỹ làm chủ để học kinh nghiệm, sau khi rành nghề thì có thể đi ra làm ở tiệm Việt Nam.
Tại Sacramento có rất nhiều tiệm tóc do người Mỹ làm chủ, chị biết có hai hệ thống tiệm lớn là Great clips và Supper Cut (có nhiều Franchise) thường nhận người mới ra trường, thỉnh thoảng cũng có những tiệm Việt Nam hoặc người Hoa làm chủ, chịu nhận người mới. Nhưng muốn xin vào làm trong các tiệm người Mỹ làm chủ, thì tiếng Anh phải giỏi. Vì khách hàng trong những tiệm của Mỹ phần lớn là người Mỹ và những sắc dân khác, nên thợ phải giao tiếp tiếng Anh với khách, người thợ không chỉ có tay nghề chuyên môn mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, biết cách trò chuyện với khách.

Riêng về những tiệm Mỹ nhận người mới ra nghề để dạy nghề thêm, nhưng lương thấp hơn làm tiệm Việt Nam (Tiệm Việt thường ăn chia 6/4, thợ 6, chủ 4, tiệm Mỹ thì trả lương căn bản minimum wage), thường thì tiệm người Việt làm chủ ít bao giờ nhận người mới ra trường vì người mới không có kinh nghiệm nhiều, nhiều khi chỉ biết cắt sơ sơ thôi, đâu làm đẹp như thợ lâu năm được, chủ mướn vào sợ thợ mới ra nghề làm mất khách của tiệm.

Chị Hạnh Lê hiện đang sống tại vùng Little Saigon, đã qua Mỹ định cư khoảng gần 5 năm nay, chị cho biết trước khi qua Mỹ, chị làm công việc văn phòng tại Việt Nam, qua đây chị muốn học lại nghề cũ, nhưng vì bận con nhỏ, phải đi làm ngay để kiếm tiền, nên tạm thời chọn học nail và làm được một thời gian, chị học để lấy bằng tóc cosmetology tại trường Orange Valley College với mong muốn kiếm thêm được tiền nhiều hơn.

Nhưng chị cho biết dù đã có bằng tóc khoảng 1 năm nay, chị vẫn tiếp tục làm nail, vì chị chưa làm móng bột giỏi, nên chỉ làm chân tay nước, và làm ăn chia 6: 4 tại một tiệm nail của người Việt làm chủ tại vùng San Pedro, cách trung tâm thành phố Los Angeles khoảng 20 dặm về phía nam. Hằng ngày chị đi làm chung Car pool với những người thợ trong tiệm.

Theo chị, nghề nail vẫn dễ hơn nghề tóc đối với một người chưa có kinh nghiệm làm công việc này bao giờ trước đây như chị. Nhất là khi tiếng Anh chưa rành, thì nail vẫn dễ làm hơn, vì làm nail không cần phải trò chuyện nhiều với khách như khi làm tóc. Thành ra dù có bằng tóc gần 1 năm nay, nhưng chị vẫn đang làm nail kiếm tiền là chính, còn tóc thì chỉ cắt cho người quen thôi chứ chưa cắt cho khách ở tiệm. Chị có nghe nói những tiệm của người Mỹ sẽ nhận thợ tóc mới ra nghề để dạy nghề thêm, nhưng vì tiếng Anh của chị chưa thông thạo, nên chị không có ý định đi xin việc tại tiệm tóc của người Mỹ, mà chỉ hy vọng cắt cho người quen, bạn bè để tự học kinh nghiệm, khi rành nghề rồi sẽ tính tiếp, giờ chị vẫn tiếp tục làm nail để kiếm tiền lo cho gia đình.
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT